Đến
làng nghề sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ Hải Minh (Hải Hậu), tiếng đục, tiếng chạm
khắc, tiếng máy xẻ gỗ vang vọng khắp làng. Ở xã Hải Minh có đến 90% số lao động
tham gia sản xuất đồ gỗ thủ công mỹ nghệ. Đồng chí Hoàng Đức Phổ, Phó Chủ tịch
UBND xã cho biết: “Xã Hải Minh có hơn 1.800 lao động chuyên sản xuất đồ gỗ thủ
công mỹ nghệ, tập trung ở các xóm 9, xóm 10 Tân Tiến và xóm 35. Tổng thu nhập
từ các hộ ở làng nghề trung bình hằng năm đạt hơn 77 tỷ đồng, chiếm 45% tổng
thu nhập toàn xã. Làng nghề của xã đã được UBND huyện Hải Hậu công nhận danh
hiệu làng nghề thủ công truyền thống vào năm 2011”.
Công đoạn phục dựng bàn
ghế giả cổ tại xưởng sản xuất của anh Nguyễn Văn Vinh ở CCN số 1, xã Hải Minh.
Xã
đã xây dựng được 2 CCN, trong đó CCN số 1 đã đưa vào sử dụng từ năm 2005 với 20
cơ sở sản xuất kinh doanh trên tổng diện tích 2,1ha. CCN số 2 đã hoàn thành bàn
giao về mặt bằng với diện tích 4ha do Cty CP Mỹ nghệ Hải Minh làm chủ đầu tư.
Sản phẩm đồ gỗ thủ công mỹ nghệ ở Hải Minh mẫu mã đa dạng, chủng loại phong phú
từ bàn, ghế, giường, trường kỷ, sập gụ, tủ chè gia dụng đến các bức hoành phi,
câu đối, nội thất, đồ thờ. Nghệ thuật đồ gỗ giả cổ của Hải Minh đã nức tiếng
gần xa. Ông Nguyễn Văn Long, chủ cơ sở sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ Hoàng Long ở xóm
9 cho biết: “Mỗi sản phẩm, đặc biệt là hoành phi, câu đối yêu cầu người làm
nghề ngoài kỹ năng tay nghề thiện nghệ còn phải am hiểu lịch sử, văn hoá đặc
trưng của các triều đại gắn với mỗi sản phẩm. Vì vậy kiến thức về đồ gỗ của các
nghệ nhân ở xã Hải Minh được đánh giá rất cao”. Nhiều nghệ nhân ở làng nghề xã
Hải Minh đã được mời tư vấn và tham gia xây dựng các công trình tôn giáo lớn
như chùa Bái Đính (Ninh Bình), chùa Giàn (Hà Nội), phục dựng các ngôi nhà gỗ
theo kiến trúc cổ ở Huế, Ninh Bình, Hà Nội... Hằng năm, cơ sở sản xuất đồ gỗ mỹ
nghệ Hoàng Long đạt doanh thu hơn 10 tỷ đồng, tạo việc làm cho 25 lao động với
mức thu nhập từ 80-300 nghìn đồng/người/ngày. Cơ sở đã xây dựng các đại lý trưng
bày sản phẩm tại các tỉnh Bình Dương, Biên Hòa, xã Nam Vân (TP Nam Định), quận
Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh). Anh Vinh, chủ cơ sở đồ gỗ mỹ nghệ Nguyễn Văn Vinh tại
CCN số 1 cho biết, cửa hàng đang trưng bày hơn 200 sản phẩm đồ gỗ các loại với
các mẫu như: sập rồng, trường kỷ dát Huế, trường kỷ Cổ Đồ, vách ngăn Tàu. Ngoài
các mẫu khảm trai, khảm đá truyền thống, cơ sở còn khảm ốc Xinh-ga-po đang được
thị trường ưa chuộng. Để có được các mẫu giả cổ độc đáo, cơ sở đã sưu tầm,
nghiên cứu các mẫu cổ, nhất là các mẫu đồ gỗ của vương gia, gia đình quyền quý,
địa chủ xưa trên khắp mọi miền đất nước. Hiện nay, đồ gỗ của cơ sở đã vươn xa
tới các thị trường các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Dương, Bắc Ninh, Thành phố
Hồ Chí Minh. Bình quân mỗi năm cơ sở đồ gỗ mỹ nghệ Nguyễn Văn Vinh thu lãi từ
400-500 triệu đồng, tạo việc làm cho hơn 50 lao động với thu nhập trung bình từ
2,5-4 triệu đồng/người/tháng.
Để
xây dựng làng nghề phát triển bền vững, năm 2012, xã đã phối hợp với Trung tâm
Dạy nghề huyện Hải Hậu tổ chức tập huấn dạy nghề đồ gỗ thủ công mỹ nghệ cho hơn
50 lao động, đồng thời tổ chức Hội chợ triển lãm sinh vật cảnh kết hợp đồ gỗ
thủ công mỹ nghệ thường xuyên vào mùng 3-3 hằng năm vừa là dịp để các bậc nghệ
nhân trong làng tổ chức thi tay nghề vừa truyền đạt kinh nghiệm cho thế hệ trẻ.
Ngoài ra, xã phối hợp với Phòng Công thương huyện giúp các hộ kinh doanh tham
gia các hội chợ triển lãm thủ công mỹ nghệ trong và ngoài nước, xây dựng các
website để quảng bá về sản phẩm của làng nghề. Đến nay, toàn xã có hơn 100 cơ
sở kinh doanh gỗ thủ công mỹ nghệ, thu nhập trung bình của mỗi cơ sở từ 150-200
triệu đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho 7-8 lao động, có cơ sở thu nhập
từ 600-700 triệu đồng/năm như cơ sở sản xuất Hoàng Long, Nguyễn Văn Vinh, Phạm
Văn Mai, Lý Thuận, Quý Mão… Năm 2013, xã Hải Minh phấn đấu tổng thu nhập từ
nghề gỗ thủ công mỹ nghệ đạt hơn 80 tỷ đồng./.
Nguồn: Báo Nam Định