KINH TẾ - KHỞI NGHIỆP - XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI
Chuyển đổi công nghệ và liên kết
(Ngày đăng: 10/01/2013   Lượt xem: 672)

Nguyên nhân dẫn đến khó khăn của ngành gạch, gốm đang phải đối mặt, theo ông Nguyễn Minh Tho- Giám đốc Sở Công thương, do công nghệ sản xuất còn thủ công lạc hậu, sản phẩm chưa có khả năng cạnh tranh, giá thành cao và gây ô nhiễm môi trường. Do đó, giải pháp của ngành sản xuất gạch, gốm phải là: chuyển đổi công nghệ và liên kết.

gom 1.jpg
Sản xuất gốm bằng lò nung truyền thống, sức cạnh tranh yếu. Ảnh: QUỐC NGUYÊN.

“Điểm mặt” những cái khó

Từ năm 2008 đến nay, ngành sản xuất gạch, gốm liên tục suy giảm, hàng loạt doanh nghiệp, cơ sở (DN, CS) phải tự tìm lối thoát bằng ngành nghề “tay trái”: nuôi heo, nuôi gà, nuôi cá tra… Một số hoạt động cầm chừng hoặc giải thể.

Chỉ tính riêng tại huyện Mang Thít, nơi có số lò gạch, gốm tập trung và quy mô lớn nhất của tỉnh, số lượng DN tạm dừng hoạt động đã hơn 60%. Số liệu từ Phòng Công thương huyện cho thấy, năm 2011 có 1.039 CS gạch và 22 CS gốm.

Nhưng đến năm 2012 đã “rơi rụng” còn 620 CS gạch (trong đó có 372 CS hoạt động liên tục, 248 làm cầm chừng) và 12 CS gốm. Riêng “vương quốc” gạch, ngói xã Nhơn Phú chiếm hơn 50% số DN, CS gạch toàn huyện, theo ông Nguyễn Văn Hoàng- Bí thư xã, đã có trên 80% ngưng hoạt động, còn lại làm cầm chừng.

Là địa phương “mạnh vì gạch” với đóng góp ngân sách hàng năm trên 5 tỷ đồng, giải quyết khoảng 5.000 lao động, nên khi DN, CS gạch lao đao nguồn thu địa phương cũng “teo tóp”, nhiều lao động mất việc làm.

Bà Hồ Thị Thắm- Phó Chủ tịch Hội Nghề gốm, cho biết: “Đây là năm ngành sản xuất gạch, gốm khó khăn hơn bao giờ hết. Giá đầu vào đã tăng hơn 60%, nhưng giá bán tăng chưa tới 40% và sức mua giảm đến hơn 60%”. Lấy ví dụ, giá gạch mê tăng nhưng trọng lượng kém hơn 30%. Giá trấu nhiên liệu có lúc lên tới 1.000-1.500 đ/kg, nên sản xuất chỉ từ huề đến lỗ.

Còn theo phân tích của Sở Công thương, sản phẩm gạch trong tỉnh khó cạnh tranh về giá với các sản phẩm cùng loại đến từ các địa phương khác như Tây Ninh, Đồng Nai, Bình Dương. Với việc sử dụng công nghệ nung gạch cải tiến cho năng suất cao, tiết kiệm nguồn nguyên nhiên liệu hiệu quả, tiết kiệm thời gian và công sức lao động, giảm thiểu tác động môi trường.

Trung bình 1kg trấu nhiên liệu lò nung cải tiến cho ra 7 viên gạch, trong khi với kiểu lò tròn chỉ 2,5 viên. Tính toán của các hộ sản xuất gạch lò nung truyền thống giá thành 1 viên gạch 1.200-1.400đ, trong khi giá bán gạch từ nơi khác tới chỉ 700-900 đ/viên.

Hơn nữa, vấn đề môi trường hiện khá nan giải. Đa số các CS sản xuất trong tỉnh không đúng quy hoạch và nằm xen lẫn trong khu dân cư, không có nơi chứa, che chắn khói bụi và khí thải ra hàng ngày ảnh hưởng đến đời sống dân cư, môi trường. Khảo sát của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh cho thấy, nồng độ khí HF (axit Flohidric) quá cao, có nơi vượt quy chuẩn môi trường từ 10- 30 lần và có xu hướng tăng cao. Nồng độ bụi bay trên không cũng vượt quy chuẩn môi trường đến 8 lần.

gom 2.jpg
Chuyển đổi công nghệ lò nung từ lò truyền thống (lò tròn) sang lò cải tiến là giải pháp cấp thiết để giảm áp lực nguyên nhiên liệu và ô nhiễm môi trường. Ảnh: TRẦN PHƯỚC.

Phải chuyển đổi công nghệ và liên kết

Trước những khó khăn thực tế và lộ trình quy hoạch của Nhà nước đối với loại gạch nung trong thời gian tới, để duy trì sản xuất và làng nghề truyền thống thì việc chuyển đổi công nghệ là yêu cầu cấp thiết.

Ông Vũ Ngọc Tú- Phó Giám đốc Sở Công thương, cho rằng đổi mới công nghệ, giảm giá thành là vấn đề cốt yếu của ngành gạch gốm. Theo ông Tú, hiện 2 công nghệ có khả năng đáp ứng yêu cầu là: công nghệ lò nung tuynen cho ra sản phẩm chất lượng, nhưng đầu tư rất lớn (10- 25 tỷ đồng) nên không phù hợp điều kiện sản xuất nhỏ lẻ. Công nghệ hoffman (lò vòng, lò vòng cải tiến) có ưu thế hơn về chi phí đầu tư (khoảng 2- 3 tỷ đồng).

Hiện Sở Công thương đã thí điểm đề tài ứng dụng công nghệ “Lò nung gạch đốt trấu liên hoàn, giảm thiểu ô nhiễm môi trường của Vĩnh Long” tại DNTN Tân Mai, bước đầu đã thành công. Ông Bùi Hữu Mai- Giám đốc DNTN Tân Mai, nói: “Công nghệ lò nung này cho ra sản phẩm đẹp, chất lượng tốt và giá thành cạnh tranh bất kỳ công nghệ nào”.

Theo ông Tú, công nghệ này sẽ được chuyển giao và có giải pháp hỗ trợ vốn cho một số DN, CS chuyển đổi đầu tiên. Nguồn vốn chuyển đổi hiện đang làm “đau đầu” cả ngành quản lý và DN, CS, vì khá cao, trong khi nhiều DN, CS còn nợ cũ chưa giải quyết được.

Ngoài đổi mới công nghệ, theo bà Hồ Thị Thắm, nếu các DN, CS còn hoạt động riêng lẻ sẽ tiếp tục gặp khó khăn.

Do đó, liên kết liên danh, hỗ trợ lẫn nhau nhằm trao đổi thông tin thị trường, trao đổi kinh nghiệm, kỹ năng, bí quyết trong sản xuất kinh doanh cho nhau. Bà Thắm đề nghị thành lập Hiệp hội ngành sản xuất gạch và khuyến khích các DN, CS tham gia vào. Đối với ngành gốm, ông Hồ Văn Vàng- Chủ tịch Hội Nghề gốm, hiện nay ngành gốm chỉ còn lại 30 DN là những DN đã được “sàng lọc”.

Nếu muốn vượt qua khó khăn, 30 DN này phải liên kết, có sự đồng thuận trong khai thác tài nguyên, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm gốm. Để tồn tại và phát triển, các DN phải đi “chung xuồng” chứ không thể “đánh du kích” mãi được.

Nguồn: Báo Vĩnh Long

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 số nhà 5 ngách 82/3 Phố Yên Lãng - Quận Đống Đa - TP Hà Nội

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 034.8560486  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

78
Đang xem:
74.214.968
Tổng truy cập: