KINH TẾ - KHỞI NGHIỆP - XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI
(70)-Trảng Bàng đỏ lửa phục vụ tết
(Ngày đăng: 27/01/2021   Lượt xem: 328)

Những ngày cận tết, các lò bánh tráng phơi sương tại Trảng Bàng (Tây Ninh) đỏ lửa xuyên đêm để kịp cung ứng đơn hàng đang ngày một gia tăng…

Thăm làng nghề ngày cận tết

Làng nghề bánh tráng Trảng Bàng nằm trên Quốc lộ 22, cách trung tâm thành phố Tây Ninh hơn 40 km. Nghề làm bánh tráng phơi sương nơi đây đã có từ lâu, được truyền từ đời này qua đời khác và đã trở thành thương hiệu rất riêng của tỉnh Tây Ninh, nổi tiếng khắp mọi miền đất nước. 

Đến làng nghề vào những ngày này sẽ thấy không khí tết dường như đến sớm hơn thường lệ, các lò đỏ lửa xuyên đêm để kịp cung ứng đơn hàng đang ngày một gia tăng.
Nghệ nhân Phạm Thị Đương đang thực hiện các công đoạn tráng bánh. Ảnh: Trần Trung.

Nghệ nhân Phạm Thị Đương đang thực hiện các công đoạn tráng bánh. Ảnh: Trần Trung.

Bà Phạm Thị Đương, nghệ nhân cấp Trung ương, người có thâm niên trong nghề cho hay, sở dĩ bánh tráng Trảng Bàng nổi tiếng là nhờ kinh nghiệm ông bà truyền lại cho đời con cháu, những bí quyết làm bánh mà chỉ người trong gia đình mới biết. Theo đó, để làm ra được một chiếc bánh phơi sương chất lượng, hương vị đặc trưng mà không nơi nào có được, phải trải qua rất nhiều công đoạn. Mỗi công đoạn đòi hỏi người làm bánh phải có đôi bàn tay cực kỳ khéo léo và hội đủ các kỹ thuật từ hấp, sấy cho đến quá trình phơi.

Theo bà Đương, khâu chọn nguyên liệu là khâu quan trọng nhất, quyết định đến chất lượng của chiếc bánh. Muốn bánh tráng ngon phải dùng gạo mùa và phải là gạo nàng Miên, không được pha trộn với bất cứ loại gạo nào khác. Để bánh tráng được mềm, trắng, có độ dai và vị đậm đà, trong quá trình phá bột, bà con nơi đây thêm một ít muối vào. Đến khâu tráng bánh, yêu cầu người thợ phải thật khéo tay để bột bánh thật đều, không chỗ dày, chỗ mỏng, không rách. Điều làm nên sự đặc biệt của bánh tráng phơi sương là được tráng hai lớp, chứ không phải một lớp như bánh tráng thông thường.

Bánh vừa chín tới sẽ được đặt ra vỉ tre và đem phơi dưới nắng nhẹ cho khô từ từ. Khi bánh tráng khô sẽ được nướng qua lửa. Than nướng bánh phải là vỏ đậu phộng (vỏ lạc) vì sẽ cho lửa không quá nóng, giúp cho bánh chín đều hơn. Lò nướng bánh tráng làm khá đơn giản từ cái trã nhôm (cái nồi đáy tròn dùng để nấu rượu) đặt nghiêng. Người nướng bánh phải thật khéo léo và nhanh tay trở bánh qua lại để bánh nở bung đều, canh cho bánh vừa chín, không được nướng quá tay bánh sẽ ngả màu. 
Công đoạn nướng bánh đòi hỏi đôi bàn tay khéo léo của các nghệ nhân. Ảnh: Trần Trung.

Công đoạn nướng bánh đòi hỏi đôi bàn tay khéo léo của các nghệ nhân. Ảnh: Trần Trung.

Đêm đến, khi sương đã xuống nhiều, người dân mang bánh đã nướng ra ngoài hứng sương. Công đoạn này đòi hỏi người làm bánh "thức" cùng bánh, đợi bánh vừa thấm sương đủ mềm là xếp lại ngay bỏ vào trong bao để giữ độ mềm, xốp. Những chiếc bánh tráng phơi sương tuy bình dị, dân dã nhưng đã góp phần tạo nên hương vị riêng cho vùng đất Trảng Bàng khiến ai có dịp thưởng thức đều phải trầm trồ khen ngợi.

“Thời điểm hiện nay, bình quân một hộ tráng khoảng 1.000 bánh mỗi ngày. Do giá cả nguyên liệu đều tăng nên giá bán ra có cao hơn chút đỉnh nhưng thị trường vẫn hút hàng, nhà nào cũng tranh thủ huy động mọi thành viên, làm việc cật lực không kể giờ giấc, nhiều hộ phải thuê thêm người làm mới đủ sản phẩm giao cho khách hàng”, bà Đương tiết lộ.

Giữ gìn nghề truyền thống

Bà Đương cũng như nhiều nghệ nhân nơi đây không ai nhớ chính xác làng nghề này có từ bao giờ. Chỉ biết từ hồi bà còn nhỏ đã thấy ông bà, cha mẹ mình làm bánh. Lớn lên một chút thì bà đã biết phụ phơi bánh. Nhà nào cũng có lò bánh tráng, nhà đông người thì có đến hai, ba lò và cứ thế hết đời này lại truyền sang đời khác.
Cơ sở sản xuất bánh tráng phơi sương của gia đình chị Lê Thị Thanh Thúy. Ảnh: Trần Trung.

Cơ sở sản xuất bánh tráng phơi sương của gia đình chị Lê Thị Thanh Thúy. Ảnh: Trần Trung.

Với chị Lê Thị Thanh Thúy thì đây là nghề “ăn chắc mặc bền”. Mẹ mất sớm, ở tuổi mười tám, đôi mươi, chị Thúy quyết định đắp lò tráng bánh, thay mẹ nuôi em, tự mình quán xuyến mọi công việc, lo luôn cả khâu tiêu thụ sản phẩm. Bốn đời gia đình gắn bó với nghề truyền thống, chị Thúy cho biết sẽ đầu tư khu làng nghề để tái hiện lại nghề làm báng tráng phơi sương truyền thống, gắn phát triển du lịch với mong muốn gìn giữ nghề truyền thống bốn đời của gia đình. Sau khi hình thành sẽ mời các nghệ nhân lớn tuổi trong vùng đến, vừa lao động sản xuất làm bánh, vừa là những người hướng dẫn cho du khách thực hành, trải nghiệm trực tiếp các quy trình thủ công cho ra sản phẩm bánh tráng phơi sương hoàn chỉnh.

“Với cách làm mới mẻ này, hy vọng góp phần tạo việc làm và tăng thu nhập ổn định cho các nghệ nhân lớn tuổi, thúc đẩy phát triển du lịch địa phương”, chị Thúy nói.
Các nghệ nhân tái hiện nghề làm bánh tráng tại lễ hội bánh tráng phơi sương Trảng Bàng năm 2020. Ảnh: Trần Trung.
Các nghệ nhân tái hiện nghề làm bánh tráng tại lễ hội bánh tráng phơi sương Trảng Bàng năm 2020. Ảnh: Trần Trung.

Nói về giá trị độc đáo riêng của nghề làm bánh tráng phơi sương Trảng Bàng, ông Hà Minh Dảo - Phó Chủ tịch UBND thị xã Trảng Bàng chia sẻ, nghề làm bánh tráng phơi sương ra đời và phát triển hơn 100 năm qua, được làm ra bởi bàn tay khéo léo, tinh thần lao động cần cù và óc sáng tạo của người dân xứ Trảng Bàng, vì thế nó trở thành món ăn đặc sản, mang đậm bản sắc văn hóa ẩm thực riêng có của địa phương Tây Ninh.

Với các giá trị về lịch sử và văn hóa vốn có, nghề làm bánh tráng phơi sương Trảng Bàng đã được Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia vào năm 2015. Ngày nay, sức sống của làng nghề bánh tráng phơi sương đang được các nghệ nhân tâm huyết và người dân Trảng Bàng ra sức gìn giữ, quảng bá phát triển gắn với phát triển du lịch.

Thưởng thức chiếc bánh tráng phơi sương Trảng Bàng trong những ngày tết đến xuân về, chắc hẳn mọi người sẽ cảm nhận được công sức của những bàn tay khéo léo, tinh thần chịu thương chịu khó của người dân, góp phần làm cho ngày xuân thêm phần ý nghĩa. Tin rằng, cuộc sống bà con nơi đây sẽ ngày càng khởi sắc, phồn vinh, phát triền bền vững cùng đặc sản quê nhà, để ngày Tết có thêm những hương vị ngọt ngào, thấm đậm tình người, tình đất, tình quê.

                                        Theo; nongnghiep.vn
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

11
Đang xem:
72.464.248
Tổng truy cập: