KINH TẾ - KHỞI NGHIỆP - XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI
(76)- Nhộn nhịp không khí Tết ở làng mộc Nghĩa Hiệp
(Ngày đăng: 27/01/2021   Lượt xem: 328)

Không khí rộn ràng đón xuân Tân Sửu 2021 ngập tràn khắp nơi. Đây cũng là thời gian người dân làng mộc Nghĩa Hiệp (Tư Nghĩa) tất bật hơn để cho ra những sản phẩm gia công bằng gỗ nhằm trả đúng hẹn, tạo nên nét xuân cho ngôi nhà.

Thêm người, tăng ca
 
Đi trên con đường ở làng mộc thôn Đồng Viên, xã Nghĩa Hiệp (Tư Nghĩa), chúng tôi cảm nhận được không khí làm việc khẩn trương, nhộn nhịp của từng cơ sở làm nghề nơi đây. Tiếng máy cưa, đục, bào... hòa cùng tiếng cười nói của nhân công đã tạo nên một không khí lao động vô cùng khẩn trương. Nói như anh Tập, thì đây đang là thời vụ nên ai nấy đều hối hả, tất bật để kịp giao hàng đến tay người đặt mua trước Tết.
 
Anh Trần Tập (38 tuổi), ở thôn Đồng Viên đã có gần 20 năm với nghề điêu khắc gỗ. Những ngày gần Tết, anh tất bật hơn với các mối đặt gia công tượng ở các xã, huyện lân cận và TP.Quảng Ngãi.
 
Vừa khéo léo đi từng nét chạm trên bức tượng Di Lặc, anh Tập cho biết: "Từ đầu tháng 9 Âm lịch, khách hàng đã mang gỗ tới đặt chúng tôi gia công tượng. Tết năm nay khách đến đặt hàng rất đông, chủ yếu là các loại tượng gỗ điều khắc trang trí dịp Tết như tượng Di Lặc, Thần Tài, con Cóc..., để trang trí cầu mong một năm mới bình an, phát lộc, phát tài. Ngoài ra, sản phẩm bàn thờ bằng gỗ mít có giá từ 10-15 triệu đồng cũng được nhiều khách hàng lựa chọn.
 
Nhu cầu dịp Tết tăng cao nên nhiều cơ sở điêu khắc ở làng nghề phải làm việc hết công suất
Nhu cầu dịp Tết tăng cao nên nhiều cơ sở điêu khắc ở làng nghề phải làm việc hết công suất

Theo anh Tập, để cho ra đời một sản phẩm điêu khắc phải trải qua rất nhiều công đoạn, đòi hỏi sự khéo léo, óc sáng tạo và “đôi mắt” nghệ thuật nhiều hơn, mỗi tác phẩm điêu khắc ra đời là duy nhất. Tuy có thể cùng kích thước, hình dáng nhưng cái “thần”, cái “hồn” của mỗi tác phẩm đều có sự khác biệt.

Cái khó của việc chế tác gốc cây, thân cây là không có bản vẽ mẫu sẵn. Do vậy, người thợ phải biết sáng tạo những sản phẩm dựa theo hình dạng, màu sắc, khối u, lỗ thủng trên từng khối gỗ, từ đó tạo ra những chi tiết sống động. Hình ảnh trên các sản phẩm điêu khắc thường là những hình ảnh thân thuộc trong tâm thức dân gian người Việt, như tượng Phật, tượng Bát tiên, tượng Phúc - Lộc - Thọ, tượng các linh thú... nên đòi hỏi người thợ phải có tay nghề, sự sáng tạo. Như bức tượng Di Lắc phải sau 1 tháng trời mới hoàn thành. 
 
Để đảm bảo đủ sản phẩm khách đã đặt, từ đầu tháng 9-12 Âm lịch, anh Tập phải thuê thêm 2 người thợ giỏi trong làng, làm liên tục với mức lương khoảng 10 triệu đồng/tháng. "Do số lượng khách đến đặt gia công đông nên tôi phải huy động thêm 2 thợ giỏi làm thâu đêm để kịp giao hàng cho khách. Từ nay đến 30 Tết, phải hoàn tất 12 tượng các loại để kịp trả cho khách, sau đó mới nghỉ Tết. Làm nghề được dịp nhiều đơn hàng như vậy là vui chứ, không mong gì hơn mà chỉ biết đam mê, gắn bó với nghề truyền thống, anh Tập phấn khởi. 
 
Những người thợ hối hả làm nguội sản phẩm để kịp giao hàng cho khách.
Sản phẩm gỗ làng nghề Nghĩa Hiệp nổi tiếng về mẫu mã, chất lượng nên được nhiều gia đình đặt hàng, nhất là dịp Tết Nguyên đán hằng năm.
 
Cách đó không xa, xưởng gia công đồ gỗ của anh Bùi Thanh Quốc Huy cũng sôi động hẳn lên bởi tiếng máy bào, máy chạm khắc. Đã 12 giờ trưa, nhưng những công nhân vẫn luôn tay đánh bóng, làm nguội các sản phẩm gỗ để chuẩn bị trả cho khách hàng. 
 
Dẫn chúng tôi tham quan một vòng xưởng, anh Huy tiết lộ: "Đây là thời điểm "vàng" của cơ sở chúng tôi. Đơn hàng đặt gia công tăng lên đồng nghĩa cơ sở phải hiệp đồng thêm nhân lực, tăng ca để kịp giao hàng cho khách trước Tết Nguyên đán. Bàn thờ, giường, tủ trang trang trí, bàn ghế...là những sản phẩm mà khách đặt hàng đông nhất trong dịp cuối năm. Nếu như trước đây, khách hàng thích hoa văn chạm trổ cầu kỳ thì năm nay thiên về kiểu dáng đơn giản song cũng không kém phần sang trọng, tinh tế. Đặc biệt, bàn ghế được đặt chạm khắc theo mẫu sofa rất lịch thiệp với các loại gỗ nhập là gỗ đỏ, đinh hương... dao động từ 35-100 triệu đồng/bộ". 
 
Hiện xưởng gia công sản phẩm gỗ của anh Huy có 10 công nhân. Nhu cầu khách tăng cao nên gần đây anh thuê thêm 3 lao động thời vụ và 100% nhân công phải làm việc hết công suất, mỗi thợ phải đảm bảo tối thiểu 7 công/tuần và mỗi ngày còn tăng ca từ 3-4 tiếng đồng hồ. Cuối năm lượng đơn đặt hàng tấc cả các xưởng đều tăng 40-50% so với ngày thường. Đơn hàng nào cũng thúc ép nên xưởng đều phải tăng thêm ca trưa và tối. Do vậy, lương trả cho người lao động cũng tăng gấp đôi", anh Huy chia sẻ. 
 
"Thay da đổi thịt"
 
Làng nghề mộc Nghĩa Hiệp có trên 100 hộ gia đình sản xuất chế biến các sản phẩm gỗ. Và phần lớn trong số này là sản xuất hộ gia đình, chỉ có một số ít thành lập xưởng mộc, điêu khắc, gia công, giải quyết việc làm cho trên 100 lao động địa phương, mức lương trung bình từ 6-10 triệu đồng/người/tháng.  
 
Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hiệp Võ Thị Thịnh cho biết: "Nghề mộc là nghề truyền thống đã có từ nhiều đời nay ở xã Nghĩa Hiệp, nhưng khoảng 4-5 năm trở lại đây sản phẩm của làng nghề mới được thị trường đón nhận rộng rãi. Nếu như trước đây, hầu hết các hộ dân đều sử dụng máy móc công nghệ cũ, thủ công cho hiệu suất lao động thấp, tốn nhiều nhân lực thì đến nay, làng nghề mộc Nghĩa Hiệp đang dần thay da đổi thịt nhờ áp dụng tiến bộ của KH-KT, đổi mới công nghệ trong sản xuất và cả nguồn nguyên liệu để làm ra những sản phẩm gỗ cao cấp, có giá trị kinh tế cao. 
 
Đưa máy móc hiện đại vào sản xuất
Đưa máy móc hiện đại vào sản xuất

Cũng như nhiều hộ làm nghề trong xã, trước đây, xưởng gia công đồ gỗ của anh Bùi Thanh Quốc Huy chủ yếu sản xuất theo lối thủ công, để đảm bảo khối lượng hàng hóa, có thời điểm gia đình phải thuê tới gần 20 lao động. Nhằm đổi mới công nghệ, ứng dụng tiến bộ KH-KT vào sản xuất, anh đã đầu tư trên 800 triệu đồng mua sắm các loại máy móc hiện đại như: Máy cắt, máy đục, chạm khắc tự động lập trình vi tính… qua đó đã giúp giảm số lượng lao động thường xuyên xuống còn 8-10 người. 

Anh Huy cho biết: "Hiện nay, hầu hết các công đoạn sản xuất, chế tác của gia đình đều có sự tham gia của máy móc. Nếu như trước kia để làm ra một sản phẩm, thợ đục lành nghề phải mất cả tháng mới có thể hoàn thiện thì nay với máy đục tự động, thời gian hoàn thành sản phẩn được rút ngắn còn vài giờ đồng hồ. Việc sử dụng máy móc thay cho lao động thủ công đã nâng cao năng suất, tăng tính đồng bộ, đảm bảo chất lượng cho sản phẩm cũng như tiết kiệm được thời gian, chi phí sản xuất, nâng cao lợi nhuận hàng hoá, nhất là vào dịp áp Tết Nguyên đán này".
 
ggg
Anh Bùi Thanh Quốc Huy bên sản phẩm có hoa văn tinh xảo được chạm khắc bằng máy vi tính

Không chỉ đổi mới cách đầu tư trang thiết bị hiện đại vào sản xuất, những người thợ ở làng mộc Nghĩa Hiệp còn nhanh nhạy cập nhật những mẫu mã sản phẩm mới để bắt kịp với xu hướng thị hiếu người tiêu dùng. Các chủ xưởng sản xuất trực tiếp đến những làng nghề mộc nổi tiếng ở Bắc Ninh, Hà Nội học hỏi hay truy cập vào mạng Internet để tìm hiểu, nghiên cứu những mẫu mã sản phẩm mới, từ đó sáng tạo theo phong cách riêng. 

Vài năm trở lại đây, các cơ sở mộc nơi đây ưu tiên sử dụng loại gỗ được nhập khẩu từ Châu Phi như lim, gõ đỏ, hương, trắc, cẩm, xoan đào nên sản phẩm làm ra có chất lượng tốt và đẹp hơn. Sản phẩm làng nghề mộc Nghĩa Hiệp có lẽ cũng vì thế mà ngày càng thu hút được nhiều khách hàng, nhất là dịp Tết đến xuân về", anh Huy phấn khởi. 

                                                      Theo; baoquangngai.vn
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

2
Đang xem:
72.457.645
Tổng truy cập: