KINH TẾ - KHỞI NGHIỆP - XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI
Đẩy mạnh hợp tác đầu tư, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ giữa Việt Nam và Mông Cổ
(Ngày đăng: 11/11/2019   Lượt xem: 265)
Vừa qua, Đại sứ Đoàn Thị Hương và đoàn công tác của Đại sứ quán Việt Nam tại Mông Cổ đã có buổi làm việc với ông Davaadamdin - Chủ tịch HĐND huyện Khatgal (tỉnh Khuvsgul) nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế.
 
Các công ty du lịch Mông Cổ mong muốn hợp tác với Việt Nam
Các công ty du lịch Mông Cổ mong muốn hợp tác với Việt Nam


 

Tại buổi làm việc, ông Davaadamdin đã thông tin với đoàn một số nét về đặc điểm kinh tế - xã hội của huyện Khatgal, và những lĩnh vực tiềm năng có thể hợp tác với Việt Nam.
Huyện Khatgal nằm ở cực Bắc của Mông Cổ, được ví như “Thụy sỹ của Mông Cổ” có hồ Khuvsgul, là một trong những địa danh du lịch lớn nhất, nổi tiếng nhất của Mông Cổ. Kinh tế của huyện chủ yếu dựa vào nguồn thu từ du lịch và chăn nuôi.
Hồ Khuvsgul là một trong số 17 hồ cổ đại trên thế giới, chứa khoảng 70% toàn bộ nước ngọt của Mông Cổ. Nước hồ có thể uống được mà không cần phải qua xử lý. Quanh hồ được bao bọc bằng những dãy núi và rừng thông tạo nên cảnh quan kỳ vĩ. Mùa đông toàn bộ mặt hồ đóng băng dày hơn 2m. Lễ hội “ngọc trai xanh” - một trong những lễ hội độc đáo của Mông Cổ được tổ chức trên mặt hồ đóng băng này. Hàng năm Khatgal thu hút rất nhiều khách du lịch trong và ngoài nước.
Bên cạnh đó, huyện Khatgal có nhiều loại đá quý; sừng, xương, lông và da của cừu, hươu, dê… Đây là nguồn nguyên liệu dồi dào để sản xuất các đồ thủ công mỹ nghệ.
Từ những lợi thế trên, ông Davaadamdin đề nghị hợp tác với Việt Nam trong việc đầu tư, phát triển du lịch và hỗ trợ đào tạo nghiệp vụ du lịch cho con em địa phương.
“Người Việt Nam rất khéo tay, đồ thủ công mỹ nghệ của Việt Nam rất tinh xảo, đẹp mắt, đề nghị Đại sứ quán kết nối với các cơ sở của Việt Nam hợp tác đầu tư, dạy nghề, sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ. Việc hợp tác này hai bên cùng có lợi, chúng tôi tận dụng nguồn lao động nhàn rỗi vào mùa đông và tạo việc làm cho người khuyết tật” - Chủ tịch Davaadamdin bày tỏ
 
Ghi nhận những đề nghị của Chủ tịch Davaadamdin, Đại sứ Đoàn Thị Hương cho rằng những đề xuất của Chủ tịch Davaadamdin rất phù hợp với chủ trương của Chính phủ Việt Nam và Mông Cổ.
Năm 2017, tại phiên họp Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Mông Cổ, hai nước đã nhất trí 34 nội dung hợp tác trong đó trọng tâm là tăng cường đẩy mạnh hợp tác kinh tế, thương mại, giáo dục, văn hóa... Việc hợp tác, đầu tư giữa Việt Nam với huyện Khatgal sẽ góp phần tích cực vào việc thực hiện chủ trương này.
Qua khảo sát, tham quan một số cơ sở du lịch và cơ sở sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ của huyện Khatgal, Đại sứ đánh giá, tiềm năng về du lịch và sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ của huyện Khatgal rất lớn. Nếu tận dụng tốt cơ hội để hợp tác với các doanh nghiệp của Việt Nam thì đây sẽ trở thành kinh tế mũi nhọn của huyện Khatgal. Và việc huyện Khatgal đưa học sinh sang đào tạo tại Việt Nam sẽ là nhân tố tích cực để việc hợp tác có hiệu quả hơn.
Về đề xuất hợp tác dạy nghề, sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ, Đại sứ quán sẽ liên hệ với Công ty TNHH Chân Thiện Mỹ ở tỉnh Hải Dương để triển khai; đồng thời sẽ giới thiệu các công ty du lịch có uy tín của Việt Nam để kết nối, hợp tác về du lịch.
Tuy nhiên, về phía huyện Khatgal cũng phải chủ động quảng bá, và đưa ra những chính sách thuận lợi để hai bên hiểu biết, tin cậy lẫn nhau.
Ngay sau chuyến thăm và làm việc tại huyện Khatgal, theo đề nghị của Đại sứ quán, Bộ giáo dục và Đào tạo Việt Nam đã đồng ý cho huyện Khatgal cử tuyển một học sinh sang học đại học đại học chuyên ngành du lịch theo diện học bổng của Chính phủ Việt Nam.
Không giấu được niềm vui, em Batjatgal Odsuren xúc động chia sẻ: Qua các phương tiện thông tin, em biết Việt Nam có rất nhiều danh lam thắng cảnh xinh đẹp, và những năm gần đây ngành du lịch của Việt Nam rất phát triển. Bởi vậy em luôn ấp ủ mong muốn một ngày nào đó được sang Việt Nam học tập về du lịch.
Nhận được tin được Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam đồng ý cho sang Việt Nam học tập, em vô cùng vui sướng. Hôm nay là một ngày rất hạnh phúc của em. Em sẽ cố gắng học tốt để trở về huyện Khatgal làm hướng dẫn viên du lịch, góp phần tích cực vào việc kết nối hợp tác du lịch giữa Mông Cổ và Việt Nam.
                                                         Theo: kinhtedothi.vn

 
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

18
Đang xem:
72.467.729
Tổng truy cập: