KINH TẾ - KHỞI NGHIỆP - XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI
Để làng nghề xứ Quảng vươn xa
(Ngày đăng: 08/01/2019   Lượt xem: 289)

Ngày 22-5-2018, UBND tỉnh Quảng Nam ban hành Quyết định số 1599 phê duyệt đề án “Chương trình mỗi xã một sản phẩm” (OCOP). Theo đánh giá của các nhà kinh tế, đây chính là tín hiệu vui, tạo luồng sinh khí mới cho các làng nghề tại địa phương có cơ hội phát triển một cách toàn diện...

Nghệ nhân Lê Đức Hạ chuốt lại sản phẩm gốm, trước khi đưa đi nung.  

Một hướng đi đúng

Quảng Nam xác định và phát triển sản phẩm, dịch vụ OCOP tập trung vào 6 nhóm, ngành hàng, gồm: thực phẩm,  đồ uống,  thảo dược, vải và may mặc, dịch vụ du lịch nông thôn. Hệ thống quản lý và giám sát sản phẩm được đánh giá, xếp hạng sản phẩm theo 5 hạng sao tại bộ tiêu chí đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP theo Quyết định 490/QĐ-TTg. Bên cạnh đó, Quảng Nam còn chú trọng tổ chức hoạt động quảng bá, tiếp thị sản phẩm, thương mại điện tử, hội chợ, triển lãm; xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng giới thiệu và bán sản phẩm, tổ chức gắn kết gian hàng OCOP tại các siêu thị, chợ, khu dân cư lớn, khách sạn; tổ chức tập huấn, đào tạo cán bộ tham gia quản lý, điều hành; đào tạo cho các chủ thể sản xuất, lao động tại các doanh nghiệp, hợp tác xã… với các nhóm dự án khai thác thế mạnh của nông nghiệp - nông thôn  gắn với phát triển du lịch, như: Trục văn hóa - Nông dược (nông sản, dược liệu) Hội An - Tam Kỳ - Phú Ninh- Trà My, gồm các dự án: Công viên nông dược Quảng Nam tại  Tiên Phước, vùng dược liệu Trà My trên địa bàn huyện Nam, Bắc Trà My, làng du lịch truyền thống cộng đồng Bắc Trà My… Trước mắt, mỗi huyện, thị xã, thành phố xây dựng từ 1 đến 2 dự án phát triển sản phẩm trọng điểm nhằm khai thác thế mạnh của địa phương, các dự án phải tạo ra ít nhất 1 sản phẩm chủ lực và Nhà nước đầu tư cho mỗi dự án gần 10 tỷ đồng.

Theo ông Nguyễn Công Dũng- Chủ tịch UBND H. Duy Xuyên, việc Nhà nước đầu tư OCOP sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương trong việc khôi phục các làng nghề truyền thống đang bị mai một và phát huy tiềm năng của địa phương theo hướng phát triển sản xuất gắn với du lịch cộng đồng. Ông Dương Văn Ca- Phó chủ tịch UBND xã Điện Phương trao đổi: Vừa qua, UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình Cụm làng nghề Đông Khương gắn với phát triển du lịch. Cụm làng nghề này có diện tích 7,3ha, tổng mức đầu tư 38 tỷ đồng, được kỳ vọng sẽ là điểm nhấn hấp dẫn trên con đường kết nối 2 di sản là phố cổ Hội An và khu đền tháp Mỹ Sơn. Hiện tại, Nhà nước đầu tư gần 20 tỷ đồng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, một số chính sách hỗ trợ, ưu đãi về thuế, miễn giảm tiền thuê đất… được áp dụng đã thu hút các làng nghề truyền thống đầu tư, sản xuất. Nghệ nhân nhân dân Nguyễn Văn Tiếp- Chủ tịch Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ Quảng Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề truyền thống Việt Nam, chia sẻ: Hiện tại, Cụm làng nghề Đông Khương vẫn còn thưa thớt nhưng về lâu dài đây sẽ là địa điểm sản xuất hấp dẫn nhằm giải những bài toán khó về ô nhiễm môi trường, hạ tầng giao thông… và đây sẽ trở thành điểm dừng chân hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước.

Không riêng gì Đông Khương, thời gian qua một số làng nghề được quy hoạch gắn với du lịch, như: dệt thổ cẩm BhờHôồng (H. Đông Giang), dệt lụa Mã Châu (H. Duy Xuyên), dó trầm hương Tiên Phước, Trung Phước… đã hồi sinh một cách mạnh mẽ. Nhiều làng nghề đã tạo công việc làm cho hàng trăm lao động tại địa phương, với thu nhập ổn định từ 5 triệu đến 7 triệu đồng/người/tháng. Theo thống kê từ Sở NN-PTNT Quảng Nam, hiện toàn tỉnh có 44 làng nghề với tổng cộng 3.005 cơ sở sản xuất, tập trung vào một số ngành nghề như: trồng rau củ quả, chế biến hải sản, làm hương, bánh tráng, dệt vải, dệt thổ cẩm... Tuy nhiên, đầu ra của sản phẩm còn nhiều khó khăn, từng làng nghề vẫn loay hoay với công việc giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm. Ông Fumio Kato- Giám đốc dự án JICA tại Quảng Nam (tổ chức hỗ trợ rất nhiều làng nghề truyền thống) cho rằng, để sản phẩm làng nghề phát triển cần yếu tố tài chính, kỹ thuật, tay nghề chuyên môn, trong đó vai trò của nghệ nhân rất quan trọng, mang tính quyết định. Để hiện thực điều đó, Quảng Nam đã mở nhiều sự kiện giao lưu văn hóa, kinh tế với các nước, như: Hàn Quốc, Nhật Bản… kêu gọi sự hỗ trợ về kỹ thuật, tiêu thụ sản phẩm… để sản xuất ra những sản phẩm tinh xảo, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Cần một bản sắc riêng

Quá trình phát triển của mỗi miền quê, kinh tế và văn hóa luôn có sự tương tác, phát triển, nhất là ở các làng nghề. Bên cạnh nghề trồng trọt, chăn nuôi, hầu như các làng, thôn, xóm đều có nghề "phụ", nếu phát triển tốt thì trở thành nghề  truyền thống của làng, xóm đó. Nhưng để hình thành làng nghề, với những thương hiệu nổi tiếng có khi phải bền bỉ tới hàng trăm năm, sáng tạo, kế thừa của nhiều thế hệ "cha truyền, con nối", trở thành nơi hội tụ những tay nghề giỏi, những nghệ nhân tài hoa, những sáng tạo độc đáo với những "bí quyết gia truyền". Trong lịch sử, nhiều ngành nghề truyền thống đã làm nên tên tuổi một con phố, một làng hay một vùng quê, theo đó là sự hưng thịnh mở mang của cộng đồng. Ngày nay, nhiều nghề truyền thống phát triển ra khắp nơi, vừa để quảng bá sản phẩm, vừa khai thác thị trường rộng lớn trong và ngoài nước nhưng sản phẩm vẫn giữ được thương hiệu gốc. Cùng với đó, các nghệ nhân phải năng động, sáng tạo thêm nhiều mẫu mã để sản phẩm phong phú, đa dạng mang bản sắc riêng, không thể pha lẫn. Theo các chuyên gia kinh tế, hiện tại sản phẩm làng nghề đang tiêu thụ tại Quảng Nam, đa số được nhập từ các địa phương khác, thậm chí là của nước ngoài. Vì thế, địa phương cần đầu tư tập trung vào sản phẩm chủ chốt, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng… Nói chung, sự tồn tại của hàng hóa chịu sự điều tiết của quy luật cung - cầu và quy luật bản sắc. Có bản sắc riêng sản phẩm làng nghề vẫn có thể cạnh tranh và phát triển.

Hy vọng, với sự chung tay của cộng đồng và toàn xã hội, làng nghề sẽ khởi sắc, góp phần đưa “thương hiệu” Quảng Nam vươn cao, bay xa.
                                                              Theo: cadn.com.vn

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

7
Đang xem:
72.462.712
Tổng truy cập: