KINH TẾ - KHỞI NGHIỆP - XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI
Giữ màu son gốm Quế
(Ngày đăng: 05/12/2018   Lượt xem: 716)

 

Hội đủ cả ba yếu tố: thiên thời, địa lợi, nhân hòa nên gốm Quế trở nên độc đáo. Hơn 500 năm nay, làng gốm nằm ngay bên bờ sông Đáy này vẫn đỏ lửa.

Thợ gốm tạo dáng chén trên bàn xoay.Ảnh: Đỗ Quang Tuấn Hoàng

Gần xa biết tiếng

Đến thôn Quyết Thành, thị trấn Quế, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam, được nghe nhiều người ở đây quả quyết rằng loại gốm của làng này làm ra có “tuyệt chiêu” là thải được chất độc tồn dư trong rượu. Bất kỳ loại rượu nào, cứ đựng bằng nậm, bình, vò làm từ gốm Quế trong ba tháng thì khử được hết aldehyde. Theo ông Nguyễn Đức Phú, chủ xưởng gốm Phú Thỏa - Giám đốc Hợp tác xã gốm Quyết Thành, có được điều độc đáo ấy là nhờ chất đất dùng để làm gốm ở đây có tính khử độc, đó là loại đất sét vàng nằm ngay bên sông Đáy, hàng năm đều được phù sa bồi đắp.

Ông Phú, 55 tuổi, kể rằng người dân Đanh Xuyên (tên cũ của làng Quyết Thành) không rõ ông tổ nghề là ai, chỉ nghe các cụ nói lại là làng gốm này đã ra đời từ 500 năm trước. Ngày xưa, dân Đanh Xuyên chuyên làm đồ sành như tiểu, quách, chum, vại, nồi, cối... nung bằng lò cóc, đốt củi. Bố ông mỗi khi đốt lò phải lấy áo tơi lá dấp nước cho đẫm rồi mặc vào để cho đỡ nóng. Đốt ba ngày mới được một lò. Nối nghiệp cha, ông cũng đốt lò cóc, mãi đến cuối năm 2014 mới là người đầu tiên trong làng đầu tư làm lò bầu, đốt bằng gas. Xưởng gốm Phú Thỏa hiện sản xuất đa dạng sản phẩm: bình rượu, ấm chén trà, bình hoa, chum, ang, phù điêu, tượng..., trong đó sản phẩm đặc trưng nhất là bình rượu.

Không chỉ nổi tiếng với bình đựng rượu có tác dụng thải độc, gốm Quế dùng làm ấm trà còn được cho rằng khi pha trà sẽ thoát khí tốt, vừa không làm mất hương thơm của trà, vừa tăng vị đậm. Niêu kho cá, siêu sắc thuốc, nồi lẩu... làm bằng gốm Quế cũng giúp làm dậy hương, tăng vị của đồ ăn thức uống. Chính vì vậy, những “thương hiệu” như cá kho làng Vũ Đại, lẩu dê núi đá Ninh Bình, trà shan tuyết Hà Giang... được nhiều người kết hợp sử dụng với thương hiệu sản phẩm gốm của làng Quyết Thành để cùng đẩy tiếng tăm của nhau lên.

Anh Lại Tuấn Sơn, một thợ gốm có tiếng trong làng, nói rằng người Quyết Thành vẫn luôn giữ quy tắc chân truyền, tuân thủ kinh nghiệm của cha ông truyền lại. Khẩu quyết của nghề là “nhất liệu, nhì nung, tam hình, tứ trí”. Nguyên liệu là khâu quan trọng nhất, thứ hai là nung sản phẩm, thứ ba mới đến tạo dáng, tạo hình và cuối cùng mới đến trang trí hoa văn lên sản phẩm.

Để làm ra một sản phẩm gốm, phải trải qua 28 công đoạn. Đầu tiên là khai thác đất. Đất ruộng, đất bãi cứ đào sâu hơn một mét là lấy được thứ đất sét vàng, quánh, mịn, sạch. Tiếp đó, cho đất vào một cái bể nhỏ trên cao để lọc. Màu sét sẽ dần ngấm xuống bể dưới để lắng lấy bột. Đến khâu tạo hình - khâu quan trọng nhất - người thợ gốm thực hiện trên bàn xoay, có sự kết hợp đều đặn giữa tay chuốt và chân quay. Sau khi sản phẩm đã đạt tới độ cân đối, tròn đều, người thợ sẽ cắt gọt, đánh bóng, vào son, vẽ men. “Vào son” là khâu tạo nên nét độc đáo của gốm Quế. Người thợ phải dùng loại đất sỏi son mà chỉ vùng núi ở đây mới có, màu đỏ như son. Lớp son đó sẽ giúp sản phẩm sau khi nung có màu đỏ tươi, thắm như môi thiếu nữ. Sản phẩm sau khi phơi khô được xếp vào lò nung. Nếu nung theo công nghệ cổ truyền, bằng than hoặc củi, thì thời gian sản phẩm ở trong lò phải mất 15 ngày.

Nghệ nhân Lại Văn Tiến, nay đã 61 tuổi với hơn 40 năm trong nghề, nói rằng một người khéo tay học làm gốm Quế cũng phải mất bảy năm mới thành thợ, còn nếu thành nghệ nhân thì phải cả đời. Gốm Quế không thiên về hình thức bên ngoài, mà thiên về cái hồn cốt và độ bền của sản phẩm.

Gốm Quyết Thành chủ yếu được làm thủ công, chỉ có ít công đoạn được cơ giới hóa như máy nghiền đất, máy tiện bằng điện, bàn quay được được kéo bằng mô tơ. Sản phẩm làm ra đáp ứng được cả yếu tố gia dụng và mỹ nghệ, được người tiêu dùng ở nhiều nới như Hà Nam, Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa, Hà Nội, Hà Giang... ưa chuộng. Gốm Quế còn xuất khẩu sang Hồng Kông, Nhật Bản, Pháp, Mỹ... Hiện nay mỗi năm làng nghề làm ra khoảng 6 triệu sản phẩm, chủ yếu là bình rượu, ấm trà, chum, vại, bình, nồi, cối, phù điêu...

Bình cắm hoa trang trí tranh Đông Hồ, một sản phẩm độc đáo của Hợp tác xã gốm Quyết Thành. Ảnh: Đỗ Quang Tuấn Hoàng

Để nghề không mai một

Từ năm 1959, với mục đích khôi phục và phát triển nghề gốm, chính quyền đã thành lập Hợp tác xã gốm Quyết Thành. Ban đầu, nghề gốm chỉ còn tập trung được ở khu vực làng Hạ, người làng Thượng không nổi lửa lò nung nữa mà sang làm thuê cho làng Hạ. Đến năm 1989, thị trấn Quế được thành lập, còn làng Hạ được đổi tên là làng Quyết Thành và được tách ra thành một thôn của thị trấn Quế. Tuy nhiên, làng nghề phát triển thưa thớt, lò nung dần bị nguội lửa, tưởng chừng bị mai một. Mãi đến năm 2004, UBND tỉnh Hà Nam ra quyết định công nhận làng nghề truyền thống gốm Quyết Thành, đẩy mạnh hoạt động sản xuất, cùng với đó, sản phẩm được quảng bá rộng rãi, được nhiều người biết hơn.

Nghệ nhân Lại Văn Tiến là người duy nhất trong làng được trao giải Tinh hoa trong khuôn khổ Festival Huế cách đây hơn 10 năm, với tác phẩm rồng làm bằng gốm son. Tác phẩm Lưỡng long chầu nguyệt, còn gọi đơn giản là hình tượng rồng cuộn ấy được ông sáng tác từ cảm hứng khi chiêm ngưỡng những bản khắc trên vì kèo của chùa Bà Đanh cổ kính. Chùa Bà Đanh - núi Ngọc là danh lam thắng cảnh của thị trấn Quế, chỉ cách lò gốm của ông khoảng một cây số. Từ tiếng vang ấy, ông cũng đã ký một hợp đồng phục chế 10 đầu rồng thời Trần tại Nam Định. Đất Quế, men son đã làm đầu rồng trở nên sống động và có sức truyền cảm sâu lắng sự linh thiêng của chốn đình chùa, uy nghiêm mà gần gũi.

Năm 2016, có người đặt ông làm 40 tượng rồng cuộn để làm quà tặng. Đó là một thế lạ lùng của hình ảnh con rồng đang cuộn mình với nhiều vòng cùng những chiếc chân tạo nên độ bay bổng nhưng lại vững vàng với cấu trúc của một pho tượng đẹp về tạo hình và sinh động trong thần thái của đôi mắt. Ngoài ra, ông còn tạo hình nhiều sản phẩm mỹ nghệ khác như bình lọ, ấm chén, khay đĩa đắp hoa cùng đồ thờ như Tam Đa, Phật Bà, Di Lặc...

Ông Tiến gắn bó với gốm cả cuộc đời, chứng kiến bao thăng trầm của làng. Ông nhớ có những thời điểm, làng nghề rơi vào cảnh bế tắc, không phát triển được vì sản phẩm làm ra không cạnh tranh nổi với các sản phẩm gốm khác trên thị trường. Lửa nghề hiu hắt. Nhiều người đã bỏ sang làm nghề khác, số ít đầu quân cho các cơ sở sản xuất gốm Bát Tràng. Ông Tiến cũng từng đi đầu quân ở Bát Tràng, làm những sản phẩm mỹ nghệ. Rồi ông chợt nhận ra, con đường ấy không thể giữ lửa nghề cháy mãi. Đau đáu với nghề gốm quê hương, ông quyết định trở về làng.

Hiện nay, nghệ nhân Lại Văn Tiến đang làm cho một số cơ sở sản xuất ở Quyết Thành, chuyên làm công đoạn tạo hoa văn trên sản phẩm. Ông đắp hình rồng bay, phượng múa trên chum, bình hoa, bình trà, hay đắp cỏ cây, hoa lá trên nhiều sản phẩm khác... Có khi mất cả ngày mới hoàn thiện được hoa văn trên chum rượu. Theo ông Tiến, nếu không bỏ công, không cố gắng tạo ra sự khác biệt, nâng cao giá trị cho gốm, làng nghề sẽ khó cạnh tranh được với thị trường gốm hết sức đa dạng và phong phú.

Hiện nay, các cơ sở sản xuất gốm ở Quyết Thành đầu tư máy móc, trang thiết bị để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng tốt hơn thị hiếu của người tiêu dùng. Dù vậy, người làm nghề vẫn còn trăn trở, nhất là chất lượng nhân lực của làng nghề cùng với việc đổi mới công nghệ sản xuất.

Cả làng có 212 hộ dân với gần 700 nhân khẩu nhưng chỉ còn bốn lò gốm đỏ lửa với 70 người làm, trong đó có 20 người có tay nghề cao. Ông Nguyễn Đức Phú lo không khéo làng nghề sẽ bị mai một. Ông truyền nghề và cả niềm đam mê cho con trai mình, Nguyễn Đức Hiệp, 29 tuổi. Đến nay, anh Hiệp đã thấm tình yêu nghề gia truyền, hiểu biết nghề và làm thương hiệu rất tốt cho gốm Quyết Thành. Không chỉ đẩy mạnh quảng bá sản phẩm và bán hàng qua kênh thương mại điện tử, anh còn bắt đầu liên kết với các công ty du lịch để mở tour du lịch trải nghiệm nghề làm gốm tại quê hương. 
                                                                                       Theo: thesaigontimes.vn

 
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

10
Đang xem:
72.464.758
Tổng truy cập: