KINH TẾ - KHỞI NGHIỆP - XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI
Phát triển nghề truyền thống ở Phú Xuyên
(Ngày đăng: 14/11/2017   Lượt xem: 382)

Làng nghề Vân Từ, huyện Phú Xuyên chuyên cắt may com-lê, vét-tông cung cấp cho thị trường.

Việc duy trì và phát triển mạnh các làng nghề truyền thống huyện Phú Xuyên thời gian qua góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xã hội trên địa bàn.

Nghề may mặc đã có mặt tại xã Vân Từ nhiều năm trước, nhưng phải từ năm 1990 trở lại đây, khi những người thợ trong thôn Từ Thuận đi làm thuê, mang nghề may com-lê, vét-tông về làng, thì nghề may mới bước vào giai đoạn phát triển mạnh. Không dừng lại ở việc làm thuê, may "hàng chợ", người Vân Từ đã chịu khó học hỏi để tự thiết kế, may được những sản phẩm chất lượng cao, hiện đại với giá cả hợp lý. Sản phẩm com-lê, vét-tông Vân Từ nhanh chóng có mặt tại thị trường trong nước. Năm 2001, làng nghề may Vân Từ được UBND tỉnh Hà Tây (trước đây) công nhận làng nghề truyền thống. Người dân Vân Từ đã từng bước phát triển, xây dựng các chuỗi sản xuất quy mô lớn, một số cơ sở đầu mối đứng ra thiết kế rồi đặt hàng các hộ dân trong làng sản xuất. Một số hộ dân khác trực tiếp thiết kế, may mặc, xây dựng thương hiệu sản phẩm riêng, sau đó tự mở cửa hàng hoặc ký gửi tại các cửa hàng bán quần áo, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Nghề may ở xã Vân Từ hiện nay rất phát triển, thu hút khoảng 70% số hộ dân ở địa phương tham gia, với mức thu nhập khá và ổn định.

Xã Phú Yên, địa phương có nghề sản xuất da giày gần 100 năm đã thành lập hiệp hội da giày của xã, với hơn 100 tổ hợp sản xuất lớn, 12 đại lý chuyên cung cấp nguyên, vật liệu cho làng nghề. Với đội ngũ thợ lành nghề, toàn bộ các khâu kỹ thuật từ pha cắt da, may mũi, may mõm, gò phom, ép đế… đều được sản xuất khép kín tại làng nghề. Trung bình mỗi năm làng nghề da giày Phú Yên cung cấp ra thị trường khoảng mười triệu đôi giày, dép da các loại, từng bước xây dựng thương hiệu làng nghề da giày truyền thống.

Theo UBND huyện Phú Xuyên, toàn bộ 156 làng, cụm dân cư trên địa bàn huyện đều có nghề, trong đó có 40 làng nghề đã được UBND thành phố Hà Nội công nhận làng nghề truyền thống, đứng thứ ba trong các địa phương của Thủ đô về số lượng làng có nghề. Ðiểm đáng chú ý là bên cạnh những nghề truyền thống hàng trăm năm lịch sử, Phú Xuyên nhanh nhậy tiếp thu, phát triển các ngành nghề mới, đáp ứng nhu cầu thị trường. Nhiều sản phẩm mẫu mã đa dạng, chất lượng cao, phù hợp thị hiếu người tiêu dùng, có chỗ đứng tại thị trường trong nước. Một số sản phẩm như sơn mài, mây giang đan được xuất khẩu sang thị trường nước ngoài. Phát huy lợi thế này, trong những năm qua, huyện Phú Xuyên đã tập trung phát triển tiểu thủ công nghiệp, làng nghề, gắn với quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm. Nhờ đó, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các tổ chức, doanh nghiệp, các hộ dân và từng làng nghề ngày càng phát triển, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xã hội trên địa bàn huyện. Ðến nay, số đơn vị sản xuất tiểu thủ công nghiệp của Phú Xuyên lên tới gần 25 nghìn, trong đó có gần 400 công ty, sáu hợp tác xã, ba hiệp hội sản xuất. Giá trị sản xuất ước đạt hơn 4.500 tỷ đồng/năm. Hoạt động tiểu thủ công nghiệp, làng nghề đã giải quyết gần 40 nghìn lao động nông thôn, chiếm khoảng 80% số lao động trong các làng nghề và vùng phụ cận. Thu nhập bình quân lao động làng nghề đạt 52 triệu đồng/năm.

Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, phát triển tiểu thủ công nghiệp, làng nghề là hướng đi chính của huyện trong những năm tới. Huyện tiếp tục khuyến khích, tạo điều kiện để người dân đầu tư mở rộng, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm. Hằng năm huyện tiếp tục mở các lớp đào tạo nghề, phấn đấu số lao động được đào tạo đến năm 2020 là 15 nghìn người, tỷ lệ qua đào tạo đạt hơn 50%; giải quyết việc làm cho 25 nghìn lao động. Thu nhập bình quân đạt hơn 55 triệu đồng/người. Tăng cường công tác phòng, chống cháy, nổ, an toàn lao động, gắn với xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề. Ðầu tư nâng cấp hạ tầng nông thôn, nhất là hệ thống điện, đường giao thông, đáp ứng nhu cầu mở rộng sản xuất ngày càng lớn của người dân. Quảng bá, xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu sản phẩm và phát triển du lịch làng nghề.

                                                                                          Theo: nhandan.com.vn

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

8
Đang xem:
72.408.156
Tổng truy cập: