“Đã mấy tháng nay, 20 máy dệt ngắt điện vì không có việc. Đó
còn chưa kể, cả 1 kho xưởng đầu tư đến 400 - 500 triệu đồng cũng không có hoạt
động nào”, anh Vương Xuân Vượng, 35 tuổi, ở cụm 2 xã Cộng Hòa, huyện Quốc Oai,
ngán ngẩm . Bỏ ra một số vốn không nhỏ đầu tư vào máy móc, phân xưởng để nhận
gia công cho làng dệt La Phù (Hoài Đức, Hà Nội), nhưng do kinh tế khó khăn, nửa
năm nay hợp đồng không có, người dân xã Cộng Hòa chỉ biết ngậm ngùi xoay xở
chạy vạy để có thu nhập…

Máy móc trong xưởng dệt đắp chiếu chờ việc
Nhà xưởng, máy móc phủ bụi
Giữa trưa, con đường trải nhựa chạy dọc trung tâm xã Cộng Hòa vắng ngắt. Không
còn nghe thấy tiếng máy dệt lách cách, chỉ còn im ắng và nồng chua mùi bột rong
giềng bốc lên từ các bể ngâm làm miến. Chúng tôi tìm đến nhà anh Nguyễn Thủy, ở
cụm 2, một trong những hộ mà theo như người chỉ đường nói: “Đó là một
trong số các nhà ở xã còn nhận được hợp đồng dệt…”.
Khác với tưởng tượng, xưởng của anh Thủy chỉ còn vẻn vẹn 5 máy đang hoạt động
với ba công nhân đứng máy, vài chồng len đã dệt đặt ngổn ngang dưới đất. Anh
chỉ vào đống sản phẩm đó giải thích: “Không còn hàng xuất khẩu, tiếc công, tiếc
việc nên nhà tôi nhận dệt cho những mối nhỏ lẻ. Hàng xuất khẩu cả nửa năm nay
tôi không nhận được một hợp đồng nào”.
Anh cho biết thêm, vốn sống ở làng quê có nghề dệt, ngày trước gia đình anh chỉ
dệt thủ công, nhưng rồi để theo kịp và làm kịp những đơn đặt hàng cho các công
ty lớn ở La Phù, nhà anh bỏ cả trăm triệu đồng đầu tư sắm sửa máy. Ngày trước
việc đều, anh phải nhận thêm nhân công. Nhà anh có lúc nhân công lên đến gần 10
người mới hết việc. “Nhân công đứng máy, làm thuê mỗi tháng nhà tôi trả 3 triệu
đồng, bao ăn, bao ở”. Nhưng mấy tháng gần đây, “người nhà mình còn ngồi chơi
thì làm gì có tiền để trả cho nhân công” . Tuy nhiên, so với những hộ khác trong
làng thì nhà anh vẫn thuộc vào hộ may mắn vì vẫn có việc, mặc dù thu nhập đã
giảm mạnh 2 năm trước. “Khoảng 2010, 2011 làm gì có chuyện có máy để không…”,
anh phủi bụi ở chiếc máy dệt đứng im lìm, tư lự.
Nhà anh Nguyễn Tiến Bình, ở cụm 6 xã Cộng Hòa cũng trong tình trạng tương
tự. Nhà có 7 máy, nhưng hiện nay, có việc thì khi nhiều nhất cũng chỉ phải huy
động đến máy số 3. Anh cho biết: “Gia đình tôi đầu tư dàn máy hết 100 triệu
đồng, mới đi vào hoạt động được 2 năm, cũng chưa thu hồi được hết vốn”. Anh
cũng cho biết, phần lớn số vốn đó gia đình anh phải đi vay ngoài, lãi suất là
2%/tháng. “Tiền kiếm ít đi, nhưng nhu cầu vẫn thế, những chi phí khác lại tăng
lên, quả thực đời sống rất khó khăn”.
“Xế hộp” để chạy taxi
Đó là các gia đình âu cũng còn may mắn, bởi vẫn còn việc làm túc tắc, chứ như
nhà anh Vương Xuân Vượng, ở cụm 2 thì quả thật mới thấy hết chuyện… kinh
tế suy thoái. Đầu tư vào nhà xưởng với số vốn khá lớn, anh Vượng cũng mạnh dạn
đứng ra thành lập tổ hợp sản xuất, lấy tên là Hợp tác xã dệt may và dịch vụ
Thương mại do mình làm chủ nhiệm . Ngoài những máy nhận dệt hàng xuất khẩu cho
các doanh nghiệp lớn ở La Phù, anh còn có một xưởng hoàn thiện sản phẩm và trực
tiếp đóng hàng xuất khẩu tại xưởng. Mỗi năm, hộ gia đình nhà anh thu nhập
khoảng 100 - 200 triệu đồng, tạo công ăn việc làm cho vài chục người.
Nhưng đã vài tháng nay, gần như mọi hoạt động của kho xưởng cũng như 20 chiếc
máy dệt đang… đắp chiếu. Chỉ vào hàng loạt chiếc máy dệt được bọc và xếp vào
gọn ghẽ một góc, mẹ anh Vượng nói: “Hết việc, cũng chẳng có nhân công làm việc.
Thằng Vượng tự tay lau dầu, rồi lấy bao tải bọc hết máy móc lại. Nó giờ đi lái
taxi. Chiếc xe chạy taxi vốn là chiếc xe nó mua ngày trước để đi giao dịch”.
Tiền thuê đất, đầu tư cơ sở vật chất hết khoảng 400 triệu đồng vẫn chưa thu hồi
được vốn. Giờ xưởng, máy nằm im, không hoạt động… Theo anh Vượng, cũng may đa
phần số vốn vay của anh em, bè bạn nên họ thông cảm cho trả dần, chứ nếu vay
được vốn Ngân hàng thì chắc giờ này… không còn nhà để ở.
Hàng trăm chiếc máy dệt đắp chiếu là thực tế đang diễn ra ở xã Cộng Hòa. Ông
Vương Sỹ Hồng, Phó chủ tịch UBND xã Cộng Hòa cho biết, xã Cộng Hòa có khoảng
7.000 khẩu với 1.700 hộ thì đến 80% hộ làm nghề dệt và nhận gia công cho làng
La Phù . Mấy năm trước, khi công việc có đều, xã đã giải quyết khoảng 4.000 nhân
công trong độ tuổi lao động, ngoài ra, thu hút khoảng 400 - 500 nhân công ở các
nơi khác như Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hòa Bình… và các huyện lân cận. Mọi năm, tốc
độ tăng trưởng kinh tế của xã là 20%, với thu nhập bình quân đầu người là 11
triệu/người/năm, nhưng năm 2012 thì đó chỉ là con số trong mơ.
Theo an ninh thủ đô