KINH TẾ - KHỞI NGHIỆP - XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI
Đưa Vạn Phúc trở thành điểm du lịch hấp dẫn
(Ngày đăng: 15/09/2017   Lượt xem: 412)

Du khách nước ngoài tham quan xưởng dệt lụa tại làng Vạn Phúc (Hà Đông).

Nghề dệt lụa ở Vạn Phúc (quận Hà Đông) từ lâu đã nổi tiếng bởi nét tài hoa của những nghệ nhân làng nghề. Trong bối cảnh xã hội hiện đại hôm nay, các sản phẩm được làm từ chất liệu thiên nhiên như lụa Vạn Phúc ngày càng được nhiều người ưa chuộng. Chính vì vậy, thời gian qua, cùng với các biện pháp hỗ trợ bảo tồn, phát huy nghề truyền thống, thành phố Hà Nội đã đầu tư tôn tạo tổng thể những di tích gắn với không gian làng nghề, để biến Vạn Phúc trở thành một điểm đến hấp dẫn khách du lịch.

Đến với làng Vạn Phúc, bước qua cổng làng đồ sộ, khách tham quan được đặt chân đến con phố độc đáo mang tên Phố Lụa. Đúng như tên gọi, đây là con phố của hàng chục cửa hàng, cửa hiệu bán và giới thiệu sản phẩm lụa. Một địa chỉ không thể bỏ qua là Công ty cổ phần Phát triển lụa Vạn Phúc. Do tốc độ đô thị hóa, không gian của làng nghề bị thu hẹp nhiều so với xưa, nhưng Công ty cổ phần Phát triển lụa Vạn Phúc vẫn dành diện tích lớn để tái hiện toàn bộ quá trình sản xuất ra một tấm lụa. Trong khu vườn với những lối đi quanh co, được xây dựng hài hòa với những ngôi nhà mái ngói kiểu cổ, câu chuyện về nghề dệt lụa được bắt đầu từ khu vực trồng dâu, rồi quá trình kéo sợi từ kén tằm, dệt nên một tấm lụa hoàn chỉnh. Tiếp đó, khách tham quan sẽ được chiêm ngưỡng những sản phẩm đẹp mắt làm từ tơ lụa, có đến hàng trăm loại sản phẩm khác nhau, phổ biến nhất là các loại khăn, cà-vạt, quần, áo, ví, túi xách, khăn trải bàn... cùng nhiều vật dụng trang trí khác. Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Vạn Phúc Phạm Khắc Hà cho biết: "Hiện nay, Vạn Phúc không còn đất để trồng dâu, nuôi tằm như xưa. Nguồn cung cấp tơ lụa chủ yếu của làng nghề là từ Bảo Lộc (Lâm Đồng). Nhưng để khách tham quan hiểu rõ về làng nghề, Công ty cổ phần Phát triển lụa Vạn Phúc đã tạo dựng không gian này để mọi người có thể hiểu rõ về sản phẩm lụa Vạn Phúc".

Cũng tại khu vực Phố Lụa, không gian nhà thờ tổ, nơi thờ bà Ả Lã hiệu Thị Nương, người có công dạy nghề trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải và chùa Vạn Phúc được kết nối một cách hài hòa, tạo điều kiện thuận lợi cho khách đến tham quan, tìm hiểu. Điểm đến không thể bỏ qua ở làng lụa là Trung tâm kinh doanh lụa Vạn Phúc chất lượng cao. Tại đây, có sáu gian hàng kinh doanh đồ thủ công mỹ nghệ của các làng nghề, 14 gian hàng kinh doanh vải lụa chất lượng cao. Các gian hàng được thiết kế hiện đại, nhưng vẫn mô phỏng những đường nét kiến trúc Á Đông, khiến khách tham quan được trở về với không gian của văn hóa truyền thống...

Vạn Phúc có lịch sử phát triển lâu đời. Sản phẩm lụa Vạn Phúc từng đi vào cung đình, phục vụ các tầng lớp vua chúa, từng được đánh giá là "đệ nhất tinh xảo" khi đi tham dự hội chợ tại Pa-ri (Pháp) năm 1932. Tuy nhiên, làng lụa Vạn Phúc cũng trải qua những bước thăng trầm, nhất là thời kỳ hợp tác xã giải tán, các hộ gia đình chuyển sang làm ăn cá thể. Những năm gần đây, lụa Vạn Phúc đang từng bước hồi sinh. Chủ tịch UBND phường Vạn Phúc Nguyễn Xuân Thủy cho biết: "Năm 2016, Quận ủy Hà Đông đã có đề án "Phát triển thương mại, dịch vụ quận Hà Đông giai đoạn 2016-2020", trong đó chú trọng đưa Vạn Phúc trở thành địa phương tiêu biểu về "Làng nghề - làng cách mạng - làng du lịch văn hóa" bằng các biện pháp đẩy mạnh phát triển du lịch, kết nối tham quan, mua sắm sản phẩm với tham quan các khu di tích trên địa bàn, phát triển trung tâm giao lưu sinh vật cảnh, đồ cổ, đồ xưa... Làng nghề hiện có 264 máy dệt, 164 cơ sở sản xuất quy mô hộ gia đình và hơn 100 cơ sở kinh doanh. Sáu tháng đầu năm, Vạn Phúc đã đưa ra thị trường hơn một triệu mét vải lụa các loại, doanh thu ước đạt 52,5 tỷ đồng. Trung bình mỗi tháng, Vạn Phúc đón khoảng 20 nghìn lượt khách, trong đó có khoảng 2.000 lượt khách nước ngoài đến tham quan, mua sắm".

Nếu như vài năm trước, khách du lịch đến Vạn Phúc thường rơi vào cảm giác hụt hẫng vì "không biết xem gì", thì nay, cùng với sự đầu tư của thành phố, của quận Hà Đông, ý thức phát triển làng nghề theo hướng phục vụ du lịch đã được người dân quan tâm hơn, nhiều hộ gia đình giữ những khung cửi cũ, tái hiện việc sản xuất để khách du lịch có điều kiện tham quan, trải nghiệm. Đầu năm nay, Vạn Phúc phối hợp các cơ quan tổ chức hội thảo "Xây dựng khung thuyết minh diễn giải di sản", "Xây dựng danh mục điểm thu hút tham quan"... Mặc dù vậy, con số hơn 100 tỷ đồng doanh thu du lịch mỗi năm vẫn được xem là chưa xứng với tiềm năng. Không gian làng bị đô thị hóa, trở nên chật hẹp. Những mô hình hấp dẫn như Công ty cổ phần Phát triển lụa Vạn Phúc chưa nhiều. Hạ tầng dịch vụ chưa đồng bộ. Số người có khả năng giao tiếp với khách du lịch nước ngoài còn ít... Ngay cả Công ty cổ phần Phát triển lụa Vạn Phúc, đơn vị "đầu đàn" ở Vạn Phúc cũng còn gặp không ít khó khăn. Bà Lê Thị Kim Thư, Chủ tịch HĐQT Công ty chia sẻ: "Doanh nghiệp nỗ lực tạo ra các dòng sản phẩm khác nhau. Đối tác chủ yếu của chúng tôi là các nhà may. Tuy nhiên, việc thiết kế của nhà may vẫn thiếu sự chuyên nghiệp, cho nên các mẫu chưa có những đột phá, đáp ứng tốt nhu cầu đa dạng của khách hàng trong và ngoài nước".

Để Vạn Phúc trở thành một địa chỉ du lịch tiêu biểu của Thủ đô, thành phố Hà Nội đã dành nhiều quan tâm đến sự phát triển của làng lụa. Cuối năm 2016, UBND thành phố đã tổ chức thi tuyển ý tưởng, quy hoạch dự án đầu tư bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống kết hợp du lịch tại làng gốm sứ Bát Tràng và làng dệt lụa Vạn Phúc. Trong đó, Công ty Kiến trúc Pháp Arep Ville đã đề xuất những ý tưởng táo bạo như: cùng với xây dựng hạ tầng, Vạn Phúc sẽ xây dựng một xưởng thiết kế quy tụ các nhà thiết kế trong nước và quốc tế; bảo tồn kinh nghiệm, bí quyết dệt lụa truyền thống; xây dựng những sản phẩm du lịch đặc trưng như đưa khách tham quan nhà cổ, trực tiếp theo dõi cách thức dệt lụa truyền thống... Ý tưởng quy hoạch làng lụa Vạn Phúc của Arep Ville đã được TP Hà Nội trao giải nhất. Từ ý tưởng của các phương án dự thi, thành phố chỉ đạo các cơ quan tiến hành xây dựng Quy hoạch làng nghề truyền thống kết hợp du lịch tại Vạn Phúc. Hy vọng rằng, khi hoàn thành quy hoạch làng nghề, những yếu kém, bất cập của làng lụa được khắc phục, tạo điều kiện để Vạn Phúc trở thành một điểm du lịch xứng tầm quốc tế của Thủ đô.

                                                                                                     Theo: nhandan.com.vn

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

8
Đang xem:
72.464.691
Tổng truy cập: