KINH TẾ - KHỞI NGHIỆP - XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI
Tạo thương hiệu cho sản phẩm làng nghề
(Ngày đăng: 07/01/2017   Lượt xem: 459)


Sản phẩm mới lạ từ mây tre lá Tư Quyết luôn hút khách.

Hơn 50 làng nghề truyền thống có dịp trưng bày, giới thiệu sản phẩm đặc sắc của cơ sở đã thu hút sự chú ý của du khách đến tham quan và mua sắm tại hội chợ “Sản phẩm nghề, ngành nghề nông thôn gắn với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố” do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) TP Hồ Chí Minh kết hợp với các quận, huyện tổ chức.

Dạo một vòng quanh các gian hàng, bà Đỗ Thị Thanh (60 tuổi, ngụ quận 10) tay xách nào là bánh tráng, cá khô, chiếc lồng bàn đựng trái cây kết bằng nan tre khéo léo…, bà vui vẻ cho biết: “Được ngắm, được thưởng thức những đặc sản làng nghề của mình, tôi tự hào lắm. Nó luôn nhắc mình nhớ về tuổi thơ, cội nguồn. Điều đáng nói là, sản phẩm làng nghề không “vô danh” nữa mà bây giờ đã có thương hiệu, có thị trường ở nhiều nước trên thế giới”. Đúng như nhận định của người tiêu dùng, trước tình hình cạnh tranh trên thị trường, chủ các cơ sở làng nghề đã và đang nỗ lực nâng cao chất lượng, hướng đến xây dựng thương hiệu cho sản phẩm.

Tất bật giới thiệu sản phẩm tôm khô, cá khô của vùng biển Cần Giờ đến khách tham quan, Giám đốc HTX thủy sản Tương Lai Nguyễn Thị Ánh Lan chia sẻ: “Đặc sản của dân xứ mình được nuôi hoàn toàn tự nhiên, khi chế biến cũng theo cách truyền thống, không dùng hóa chất cho nên rất thơm ngon và chất lượng. Bao bì được dán nhãn mác, xuất xứ, tạo niềm tin về nguồn gốc hàng hóa rõ ràng, để người tiêu dùng an tâm sử dụng. Chúng tôi luôn đặt chất lượng lên hàng đầu. Sắp tới, chúng tôi sẽ đăng ký bảo hộ thương hiệu cho sản phẩm để tránh bị làm giả, làm nhái”. Theo bà Lan, năm nay mặc dù khó khăn, nhưng HTX vẫn giữ được nhịp độ sản xuất. Hiện tại, giá các sản phẩm cá khô, tôm khô dịp gần Tết đang ở mức cao. Tôm khô giá dao động từ 600 nghìn đến 1,2 triệu đồng/kg. Cá khô từ 200 nghìn đồng đến 500 nghìn đồng/kg, tùy loại cá.

Quầy trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm mây tre đan của cơ sở Tư Quyết (ấp Xóm Mới, xã Trung Lập Hạ, Củ Chi) lúc nào cũng đông khách. Cũng giỏ, cũng nia từ mây tre lá nhưng dưới bàn tay khéo léo của những nghệ nhân, các sản phẩm truyền thống mộc mạc ấy đã khoác một chiếc áo mới. Chiếc mâm đựng trái cây được lắp thêm tấm vải lưới có thể mở ra, khép vào để ngăn chặn côn trùng; chụp đèn làm từ mây tre là sự kết hợp tinh tế giữa thô mộc và hiện đại. Nhờ tạo được sự khác biệt cho riêng mình và khai thác được “gu” của người tiêu dùng, sản phẩm từ mây tre lá của nghệ nhân Lê Văn Quyết không chỉ tìm được chỗ đứng trong nước mà còn được khách hàng nước ngoài ưa chuộng, đặt hàng với số lượng lớn. Nếu như trước đây, bình quân mỗi tháng cơ sở của anh chỉ xuất vài nghìn sản phẩm sang các nước thì hiện nay đạt khoảng 30 nghìn sản phẩm/tháng. Sản phẩm của Tư Quyết còn tạo được thương hiệu riêng, có mặt ở nhiều nước như Ô-xtrây-li-a, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ma-lai-xi-a… Hiện nay, cơ sở vẫn đang nỗ lực nghiên cứu cải tiến mẫu mã sao cho đẹp hơn, tinh xảo hơn nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng. “Khi khách hàng tin yêu, ủng hộ thì chính là sản phẩm của mình đã làm nên thương hiệu trong lòng người tiêu dùng” - anh Quyết bộc bạch.

Nhắc đến bánh tráng, người ta sẽ nghĩ ngay đến Phú Hòa Đông (Củ Chi). Thương hiệu làng bánh tráng cũng chính là niềm tự hào của người dân thành phố khi giới thiệu với bạn bè quốc tế. Anh Vũ Văn Thành (28 tuổi, nhân viên văn phòng quận 3) bày tỏ: “Đến với hội chợ làng nghề, tôi thật sự bất ngờ vì hồi nào chỉ thấy thương hiệu bánh tráng này ở các siêu thị, cửa hàng. Hôm nay, được gặp gỡ, trò chuyện với các nghệ nhân, tôi càng “thấm” và hiểu nhiều hơn về tình yêu nghề, biết rõ hơn sự khác nhau giữa bánh tráng thủ công và công nghiệp”. Tương tự, nghề chế tác mỹ nghệ từ xương, sừng; nghề làm chổi lông, nghề đan chiếu… dần dần thu hút du khách từ những câu chuyện đơn giản như thế.

Phó Giám đốc Sở NN-PTNT thành phố Trần Ngọc Hổ cho biết: Hội chợ là nơi xúc tiến hoạt động thương mại, tạo điều kiện cho các địa phương, doanh nghiệp, HTX trao đổi kinh nghiệm, tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư sản xuất kinh doanh. Đồng thời, giúp nâng cao nhận thức của người dân trong việc gìn giữ và phát triển làng nghề và ngành nghề nông thôn trên địa bàn thành phố. “Thời gian qua, thành phố đã có chính sách hỗ trợ kinh phí thành lập mới HTX làng nghề, ngành nghề nông thôn; hỗ trợ cán bộ có trình độ đại học, cao đẳng công tác tại các HTX nông nghiệp và các cá nhân, tổ chức tham gia bảo tồn, phát triển làng nghề trên địa bàn được vay vốn, có hỗ trợ lãi suất; tư vấn và hỗ trợ làng nghề xây dựng thương hiệu sản phẩm... Đây là những giải pháp thiết thực cần được thực hiện đồng bộ, hiệu quả để tiếp sức cho các làng nghề tồn tại và phát triển” - ông Hổ nói.

                                                                     Theo: Nhandan.com.vn


Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

12
Đang xem:
72.465.694
Tổng truy cập: