KINH TẾ - KHỞI NGHIỆP - XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI
Ðể Bát Tràng, Vạn Phúc trở thành những thương hiệu du lịch quốc tế
(Ngày đăng: 06/12/2016   Lượt xem: 491)

Du khách tham quan các công đoạn làm gốm tại Bát Tràng. Ảnh: MINH HÀ

Bát Tràng và Vạn Phúc là những làng nghề nổi tiếng của Hà Nội. Tuy nhiên, du lịch làng nghề tại đây vẫn nhỏ lẻ, manh mún, hạ tầng còn yếu kém. Công tác bảo tồn không gian làng cổ còn nhiều bất cập. Ðể biến Bát Tràng, Vạn Phúc thành những điểm du lịch hấp dẫn, UBND thành phố Hà Nội đã tổ chức thi tuyển ý tưởng, quy hoạch dự án đầu tư bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống kết hợp du lịch tại làng gốm sứ Bát Tràng và làng dệt lụa Vạn Phúc.

Nhiều ý tưởng hay trong bảo tồn, phát triển

Nhiều ý tưởng mới lạ, có tính đột phá là cảm nhận chung của nhiều người đối với cuộc thi ý tưởng Quy hoạch Dự án đầu tư bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống kết hợp du lịch tại làng nghề dệt lụa Vạn Phúc (quận Hà Ðông) và Làng gốm sứ Bát Tràng (huyện Gia Lâm) do UBND thành phố Hà Nội tổ chức. Từ các phương án dự thi, Hội đồng thi tuyển đã chọn ra năm phương án có nhiều ưu điểm để chấm giải. Ðiển hình cho những ý tưởng mới lạ, đột phá này là đề xuất lập một xưởng thiết kế theo mô hình quốc tế ở làng lụa Vạn Phúc của Công ty kiến trúc Pháp Arep Ville. Cùng với việc tạo dựng hệ thống hạ tầng nội bộ, hạ tầng du lịch, các phương án bảo tồn các công trình có giá trị trong làng cổ, Công ty Arep Ville đề xuất mở một xưởng thiết kế. Tại đây, các nhà thiết kế có thể đến tìm hiểu về những nét đặc sắc của lụa Vạn Phúc; tham gia suy nghĩ, sáng tạo các mẫu mã để từ đó ứng dụng vào các sản phẩm lụa Vạn Phúc. Theo đại diện Công ty Arep Ville, việc tạo dựng một xưởng quy tụ các nhà thiết kế có thể khắc phục điểm hạn chế của lụa Vạn Phúc về mẫu mã. Qua đó, giúp lụa Vạn Phúc chinh phục thị trường tốt hơn. Ngoài ra, Công ty Arep Ville cũng chú trọng bảo tồn kinh nghiệm, bí quyết dệt lụa truyền thống của những gia đình trong làng; khuyến khích họ xây dựng dịch vụ, tiện nghi đáp ứng nhu cầu du khách. Ðể xây dựng những sản phẩm du lịch đặc trưng như đưa khách tham quan nhà cổ, trực tiếp theo dõi cách thức dệt lụa truyền thống... Chính nhờ những ý tưởng độc đáo này, Công ty Arep Ville đã được Hội đồng thi tuyển trao giải nhất cuộc thi ý tưởng quy hoạch làng lụa Vạn Phúc.

Giải nhất dành cho ý tưởng quy hoạch bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống kết hợp du lịch làng gốm Bát Tràng được trao cho Liên danh nhóm Nikken Sekkei Civil Engineering Ltd (Nhật Bản) và Văn phòng Tư vấn và Chuyển giao Công nghệ xây dựng (Liên danh NSC - Ðại học Kiến trúc Hà Nội). Ý tưởng "Tìm lại Bát Tràng" được liên danh này đưa vào xuyên suốt trong thiết kế, tu bổ, xây dựng các hạng mục, công trình... trong quy hoạch. Ðể tìm lại Bát Tràng xưa, hai đơn vị này hạn chế việc xây dựng những công trình mới; chú trọng tìm lại những điểm hấp dẫn của Bát Tràng, kiến tạo thêm một số hạng mục để tôn vinh vốn cổ. Theo đánh giá của đại diện Liên danh, điểm yếu của Bát Tràng hiện nay là hệ thống giao thông, giao thương và tạo dựng thương hiệu. Những đề xuất, thiết kế của Liên danh nhằm khắc phục các nhược điểm này, củng cố hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng du lịch làm nền tảng cho việc phục vụ khách du lịch đến với Bát Tràng.

Nền tảng để xây dựng thương hiệu quốc tế

Nói đến du lịch làng nghề Hà Nội, hai cái tên làng gốm Bát Tràng (huyện Gia Lâm), làng lụa Vạn Phúc (quận Hà Ðông) luôn được xướng lên đầu tiên trong hàng trăm làng nghề của vùng đất Thăng Long, cũng như xứ Ðoài - đất trăm nghề. Vừa có những sản phẩm lưu niệm du lịch, sản phẩm ứng dụng độc đáo, vừa giữ được không gian của làng cổ. Nhưng đến với hai làng nghề nổi bật nhất của Thủ đô, điều mà ai cũng nhận ra là sự yếu kém về hạ tầng... Từ khu vực đỗ xe ô-tô, hệ thống biển chỉ dẫn, hệ thống đường giao thông nội bộ, đến nhà vệ sinh công cộng... đều không có. Thiếu một quy hoạch tổng quát khiến cho làng nghề nói chung, du lịch làng nghề nói riêng chưa phát triển tương xứng với tiềm năng.

Cuộc thi ý tưởng quy hoạch bảo tồn, gắn với phát triển du lịch làng nghề Bát Tràng và Vạn Phúc đã mở ra hy vọng mới cho hai làng nghề nổi tiếng này. Ngay từ khâu "ra đề" đã cho thấy tầm nhìn dài hạn có tính tổng thể đối với hai làng nghề. Thành phố đặt ra yêu cầu các phương án dự thi phải thiết kế một cách đồng bộ hệ thống giao thông nội bộ, hệ thống hạ tầng dịch vụ du lịch (các công trình dịch vụ như nhà vệ sinh công cộng, các ki-ốt bán hàng, biển bảng hướng dẫn...), cải tạo kết hợp với chỉnh trang kiến trúc, cải tạo hạ tầng vui chơi, giải trí, xây dựng hệ thống xử lý rác và nước thải cho đến hệ thống chiếu sáng... Ngoài ra, còn phải có công trình dành cho sinh hoạt văn hóa cộng đồng trên cơ sở bảo tồn, khai thác các giá trị văn hóa phi vật thể của dân tộc; khu vực bảo tồn các công trình di tích lịch sử, công trình có giá trị văn hóa, cơ sở sản xuất nghề truyền thống; khu vực xây dựng bảo tàng hoặc nhà truyền thống làng nghề…Thành phố đã tổ chức trưng bày những ý tưởng quy hoạch tham gia cuộc thi và được dư luận rộng rãi ủng hộ. Nhìn vào các bản quy hoạch dự thi, có thể thấy, đây sẽ là những làng nghề kết hợp du lịch được quy hoạch, thiết kế hoàn thiện đầu tiên của nước ta.

Ngay trong Lễ trao giải cuộc thi ngày 30-11, từ những ý tưởng quy hoạch được giải, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Ðức Chung đã trực tiếp giao nhiệm vụ cho các đơn vị khẩn trương xây dựng quy hoạch chi tiết hai làng nghề. Thành phố sẽ đầu tư xây dựng để đến năm 2020, Bát Tràng và Vạn Phúc sẽ trở thành làng nghề kết hợp du lịch kiểu mẫu của Thủ đô. Với những nền tảng sẵn có, cùng sự đầu tư bài bản, hy vọng hai làng nghề du lịch có thương hiệu tầm quốc tế sẽ dần trở thành hiện thực.

                                                                                 Theo:  nhandan.com.vn

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

18
Đang xem:
72.462.839
Tổng truy cập: