KINH TẾ - KHỞI NGHIỆP - XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI
Chuẩn hóa nguồn nhân lực cho du lịch làng nghề
(Ngày đăng: 10/04/2014   Lượt xem: 854)
Thiếu đầu tư, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ du lịch - “mắt xích” quan trọng thúc đẩy phát triển du lịch tại các làng nghề từ nhiều năm qua, ngay cả ở những làng nghề có thương hiệu, dịch vụ du lịch vẫn rất nhạt nhòa, kém thu hút.


Giành giật, đeo bám khách ảnh hưởng đến “bộ mặt” của làng nghề

Có nghề nhưng vẫn bỏ làng

Đó là thực trạng không đáng ngạc nhiên đang xảy ra tại nhiều làng nghề ở Hà Nội. Trong khi nhiều làng nghề đã sản xuất ra những sản phẩm thủ công, mỹ nghệ có chất lượng cao, cung ứng ra thị trường, tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương thì trên thực tế, có một bộ phận không nhỏ đội ngũ lao động trẻ lại đang quay lưng với nghề truyền thống trên quê hương mình.

Theo ông Lưu Duy Dần, Chủ tịch Hội Làng nghề Việt Nam, trong khi các làng nghề đang rất cần lực lượng trẻ, có tay nghề thì thanh niên lại bỏ làng, bỏ nghề đi làm thuê để có thu nhập cao hơn. Trong khi đó, đội ngũ những nghệ nhân giàu kinh nghiệm, tay nghề cao thì đang dần mai một không có người kế cận. Ông cho biết, ngay tại làng gốm Bát Tràng - một làng nghề du lịch có thương hiệu, đầu ra cho sản phẩm tương đối khả quan cũng đang rất khan hiếm những nghệ nhân có trình độ cao về  vẽ, khắc hoa văn trên gốm, sứ… Thừa vẫn thừa, thiếu vẫn thiếu, bài toán du lịch vướng mắc ngay ở khâu đào tạo lao động tại địa phương. Trong khi đó, hàng năm, các lớp đào tạo nghề vẫn được mở ra, thậm chí hỗ trợ học phí nhưng không mấy ai mặn mà. Đó là chưa kể đến những lúng túng trong triển khai chương trình đào tạo, từ lựa chọn người giảng dạy, cho đến nội dung, phương pháp đào tạo... Chẳng hạn, đối với đào tạo sản phẩm nghề thủ công mỹ nghệ như dệt lụa, làm gốm, đúc đồng, mây tre đan…, người đứng lớp phải là những nghệ nhân có tay nghề cao, nhưng con số này trên thực tế rất ít. Bên cạnh những kỹ năng chuyên môn, chính lực lượng lao động tại các làng nghề cũng chưa được tiếp cận, được tập huấn những kỹ năng làm du lịch, một “lỗ hổng” khá lớn trong phát triển du lịch làng nghề nhiều năm qua.  

Hướng dẫn viên chưa có bài bản

Thiếu hướng dẫn viên có trình độ chuyên môn, làm du lịch mang tính tự phát, thiếu bài bản… là thực trạng dễ nhận thấy ngay cả tại các điểm du lịch làng nghề có tiếng ở Hà Nội. Theo ông Lưu Duy Dần, thay vì phụ thuộc vào hướng dẫn viên từ các hãng lữ hành, các làng nghề chưa khai thác, tận dụng chính những nguồn lực sẵn có tại địa phương. Ông lấy dẫn chứng, dân làng mới có khả năng giới thiệu lịch sử, nguồn gốc của làng, thông tin nghệ nhân cũng như chỉ dẫn khách vào tham quan những địa điểm để khách du lịch có thể trực tiếp xem, tự tay làm những sản phẩm truyền thống Việt Nam.

Tuy nhiên, vướng mắc ở đây là nhiều nơi chỉ chú trọng trình độ ngoại ngữ trong khi bỏ qua những yếu tố thuộc về văn hóa như quan hệ quốc tế, ngoại giao, tư tưởng chính trị… Ở những nước có nền du lịch phát triển, hướng dẫn viên du lịch làng nghề được đào tạo bài bản phải nắm rõ nhu cầu, nguyện vọng của du khách, ứng xử với từng nhóm du khách theo những đặc điểm tâm lý vùng miền, quốc gia của họ. Trong khi đó, dễ nhận thấy ở các làng nghề, không chỉ yếu trong khâu đào tạo hướng dẫn viên du lịch, việc bồi dưỡng kỹ năng làm du lịch cho người dân tại điểm du lịch cũng rất sơ sài. Biểu hiện thì quá rõ ràng, chèn ép, giành giật khách, đội giá, ép giá, cạnh tranh thiếu lành mạnh, kinh doanh kiểu mạnh ai nấy chạy, thiếu liên kết, thiếu hợp tác… vô tình kìm hãm bước phát triển chung của làng nghề.        

Rõ ràng, vấn đề nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho du lịch làng nghề đang ngày càng trở nên cấp thiết, trong bối cảnh du lịch phát triển theo hướng toàn diện, hội nhập. Trước hết phải thay đổi nhận thức của chính quyền, của nhân dân địa phương, coi du lịch là bàn đạp của sự phát triển. Một khi chưa hiểu được tầm quan trọng, chưa được “ứng xử đúng” thì làm du lịch vẫn chỉ để chạy theo lợi nhuận trước mắt. Và để các dịch vụ du lịch trở nên phong phú, đa dạng, thu hút hơn thì điểm xuất phát phải là “chuẩn hóa” chính những người làm du lịch tại cơ sở.
                                                                                                Theo: An ninh Thủ Đô
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

10
Đang xem:
72.407.741
Tổng truy cập: