HỌC NGHỀ- TRUYỀN NGHỀ - KHÔI PHỤC NGHỀ-KINH NGHIỆM NGHỀ
Chú trọng công tác dạy nghề, tạo việc làm cho thanh niên nông thôn
(Ngày đăng: 16/03/2020   Lượt xem: 499)

Những năm qua, Nhà nước đã có nhiều chính sách thiết thực nhằm hỗ trợ, đào tạo nghề cho thanh niên. Tuy nhiên, cùng với sự gia tăng nhanh chóng số người đến tuổi lao động, trong khi quá trình triển khai đào tạo nghề ở nhiều địa phương còn bất cập, khiến việc làm cho thanh niên, nhất là khu vực nông thôn ngày càng trở nên khó khăn, tỷ lệ thất nghiệp có chiều hướng gia tăng.

Chú trọng công tác dạy nghề, tạo việc làm cho thanh niên nông thôn

Hướng dẫn cách làm sản phẩm mây tre đan cho thanh niên tại xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ (Hà Nội). Ảnh: TẦN NGỌC

Với vai trò chăm lo, định hướng, giáo dục thanh niên, những năm qua, Trung ương Đoàn, Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) Việt Nam đã có nhiều giải pháp, mô hình sáng tạo nhằm hỗ trợ, động viên thanh niên khởi nghiệp thành công như: Phối hợp Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội triển khai thực hiện Đề án “Hỗ trợ thanh niên học nghề và tạo việc làm giai đoạn 2008 - 2015”; xây dựng các chính sách hỗ trợ tín dụng cho học sinh, sinh viên, chính sách hỗ trợ dạy nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn... Các cấp bộ Đoàn, Hội LHTN còn kết nối, mở rộng quy mô hỗ trợ khởi nghiệp cho thanh niên thông qua các trang mạng như “Mạng Thanh niên khởi nghiệp”, “Cổng tri thức Thánh Gióng”, câu lạc bộ Thanh niên khởi nghiệp... Đây là những diễn đàn cho các bạn trẻ là học sinh, sinh viên và thanh niên có ý chí và khát vọng lập nghiệp làm giàu chính đáng, giao lưu, học hỏi kiến thức, tìm kiếm cơ hội khởi nghiệp... Từ sự nỗ lực của tổ chức đoàn, hội, ngày càng có nhiều mô hình thanh niên khởi nghiệp thành công, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng.

Điển hình như mô hình lập nghiệp của anh Bùi Tiến Anh, thôn Xâm Dương 3, xã Ninh Sở, huyện Thường Tín (TP Hà Nội). Sinh ra trên mảnh đất có nghề mây tre đan truyền thống, với lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ và lòng yêu nghề, anh đã dành nhiều thời gian đi học hỏi kinh nghiệm ở các tỉnh bạn và nghiên cứu tìm hiểu yêu cầu của thị trường, từ đó sáng tạo ra nhiều mẫu mã mới. Kết quả, sau thời gian miệt mài với nghề, anh đã gây dựng được xưởng sản xuất có diện tích 500 m2, với 10 lao động thường xuyên và 300 lao động làm khoán, mức thu nhập bình quân từ ba đến năm triệu đồng/người/tháng. Hiện nay, sản phẩm của anh được đưa đi tiêu thụ tại nhiều địa phương và xuất khẩu đi các nước như Nga, Ba Lan, Đan Mạch,... Để phát triển, gìn giữ nghề truyền thống, anh Tiến Anh còn luôn quan tâm công tác đào tạo, tham gia giảng dạy lớp mây tre đan cho các học viên trong xã, phổ biến kiến thức, kinh nghiệm làm hàng tre đan cho 100 hội viên Hội Nông dân xã và các xã lân cận; giúp đỡ 300 lao động, trong đó có 50 hội viên khó khăn của địa phương về vốn, vật tư, kỹ thuật cũng như tiêu thụ mặt hàng của hội viên... Hay mô hình của anh Tạ Đình Huy, xã Thượng Vực, (huyện Chương Mỹ), là thợ sửa xe máy, bằng ý chí nghị lực, anh đã mở xưởng sản xuất máy nông nghiệp, với thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm, giúp hàng chục thanh niên trong xã có việc làm, thu nhập ổn định... Hoặc các mô hình câu lạc bộ “Thanh niên giúp nhau lập nghiệp”, hợp tác xã thanh niên, trang trại trẻ đang ngày càng phát triển…

Tuy đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, nhưng theo lãnh đạo Hội LHTN Việt Nam, hiện nay, vấn đề lao động và việc làm của thanh niên nông thôn vẫn trong tình trạng thiếu ổn định, thất nghiệp có chiều hướng gia tăng. Một trong những nguyên nhân của tình trạng nêu trên là do những năm qua, tại nhiều tỉnh, thành phố, đất nông nghiệp thuộc diện thu hồi để xây dựng các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu đô thị, và các công trình công cộng... tăng mạnh. Trong đó, nhiều diện tích đất bị thu hồi thuộc vùng kinh tế trọng điểm, đất đai màu mỡ... nhưng không được triển khai kịp thời, bị bỏ hoang trong nhiều năm, cho nên “kỳ vọng” của những lao động sau khi thu hồi đất là sẽ được vào làm việc tại các khu công nghiệp như lời hứa của các doanh nghiệp rơi vào “im lặng”. Công tác bồi thường, đào tạo chuyển đổi nghề, hỗ trợ giải quyết việc làm, tái định cư, cũng có nhiều bất cập. Hệ lụy là thanh niên nông thôn vẫn không có việc làm hoặc có việc làm nhưng thu nhập không ổn định, bởi công tác đào tạo nghề chưa được đáp ứng đủ để thanh niên có đất bị thu hồi chuyển đổi nghề nghiệp phù hợp. Một bộ phận lớn thanh niên nông thôn không có khả năng tìm kiếm việc làm mới, không chuyển đổi được nghề, cho nên đời sống khó khăn, làm nảy sinh nhiều vấn đề tiêu cực cho xã hội. Thiếu việc làm, không ít thanh niên nông thôn chơi bời, lêu lổng sa vào cờ bạc, rượu chè, nghiện hút và các tệ nạn xã hội khác. Trước những khó khăn về việc làm, nhiều người đã ra thành phố, đến các khu đô thị, khu công nghiệp để kiếm sống. Tuy nhiên, phần lớn đều không có việc làm ổn định, thu nhập bấp bênh, bởi trình độ học vấn thấp, ít có điều kiện tiếp cận và ứng dụng khoa học - kỹ thuật hiện đại, cho nên họ chỉ có thể làm được những công việc giản đơn theo vụ, việc với mức lương thấp, đời sống khó khăn, tạm bợ... Mặt khác, nhiều cấp ủy đảng, chính quyền và đoàn thanh niên ở cơ sở chưa phát huy được vai trò của mình, dẫn đến tình trạng không giải quyết việc làm cho thanh niên, thậm chí trong quá trình thực thi làm chính sách, pháp luật còn có sai lệch, tiêu cực, như cục bộ, bảo thủ, lạc hậu, chậm đổi mới, không thu hút và giữ chân được lực lượng lao động trẻ đã qua đào tạo có năng lực làm việc tại địa phương.

Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang phát triển mạnh mẽ đòi hỏi sự đổi mới, sáng tạo trong đào tạo nguồn nhân lực, nhất là đội ngũ thanh niên nông thôn có chất lượng cao, có khả năng sáng tạo và khởi nghiệp mới đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Theo đó, các cấp bộ đoàn, hội cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về các chủ trương, chính sách của Nhà nước về dạy nghề và giải quyết việc làm cho thanh niên. Xây dựng chiến lược truyền thông quốc gia về định hướng nghề nghiệp và việc làm cho thanh niên nông thôn, trong đó chú trọng những thông tin về thị trường lao động, cung cấp cho họ những số liệu tin cậy về lao động, việc làm đến các địa phương để có căn cứ xây dựng chương trình hướng nghiệp cho thanh niên, giúp họ có những cơ hội tìm kiếm việc làm một cách đầy đủ và chính xác. Mở rộng các hình thức tư vấn nghề, nâng cao năng lực cũng như hiệu quả hoạt động các trung tâm dịch vụ việc làm cho thanh niên nông thôn, từ đó định hướng cho thanh niên lựa chọn nghề nghiệp, việc làm phù hợp năng lực, sở trường. Đồng thời, tham mưu cấp ủy, chính quyền các cấp triển khai các chính sách nhằm hỗ trợ nguồn vốn cho thanh niên phát triển kinh tế; thường xuyên theo dõi và nắm bắt tình hình lao động, việc làm của thanh niên để định hướng nghề một cách sát thực. Tiếp tục quan tâm công tác đào tạo nghề cho thanh niên nông thôn, giúp họ nâng cao kiến thức khoa học - kỹ thuật, kỹ năng quản lý, kiến thức thị trường để lựa chọn nghề. Trong đó, cần quan tâm đến những yếu tố đặc thù của các vùng, miền khác nhau từ đó có chính sách khuyến khích, hỗ trợ phù hợp; chia nhóm thanh niên để hướng nghiệp, dạy nghề và giới thiệu việc làm có hiệu quả, khuyến khích đào tạo nghề tại doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, làng nghề; chú trọng xây dựng, biểu dương những mô hình thanh niên làm kinh tế giỏi, tổ chức tham quan, học tập kinh nghiệm để nhân rộng các mô hình.

“Tổ chức đoàn thanh niên ở nông thôn cần chủ động thực hiện các chương trình thanh niên, các đề án thanh niên tham gia phát triển kinh tế; triển khai hiệu quả các làng thanh niên lập nghiệp. Phát huy mạnh mẽ vai trò xung kích của thanh niên trong các cuộc vận động: Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới...”.

ĐẶNG ĐÌNH THANH

(Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh)

“Để làm tốt công tác dạy nghề, tạo việc làm cho thanh niên nông thôn cần tăng cường vai trò của đoàn thanh niên trong phát triển kinh tế - xã hội, vận động thanh niên thực hiện phong trào bốn mới: kỹ thuật mới, ngành nghề mới, thị trường mới, mô hình mới nhằm áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, chủ động nắm bắt, quản lý, giáo dục đoàn viên, thanh niên đi làm ăn xa để có kế hoạch hoạt động phù hợp với từng đối tượng và có giải pháp trong đào tạo nghề cho họ”.

NGUYỄN HỒNG HẠ

(Huyện đoàn Gia Viễn, Ninh Bình)

“Hiện nay, tình trạng đào tạo nghề “cung” chưa khớp với “cầu” còn khá phổ biến, chưa gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo nghề trong nông nghiệp cho lao động nông thôn với quá trình tái cơ cấu ngành và xây dựng nông thôn mới. Một số nơi chưa thực hiện tốt việc khảo sát nhu cầu học nghề, chuyển đổi nghề của lao động, từ đó chưa phát huy việc đào tạo gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển dịch lao động”.

NGUYỄN VÂN AN

(Xã Vân Phúc, huyện Phúc Thọ, Hà Nội)

                                                                Theo: nhandan.com.vn

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

5
Đang xem:
72.408.092
Tổng truy cập: