HỌC NGHỀ- TRUYỀN NGHỀ - KHÔI PHỤC NGHỀ-KINH NGHIỆM NGHỀ
Người 'chữa bệnh' cho máy ảnh cao tuổi nhất Sài Gòn
(Ngày đăng: 19/07/2016   Lượt xem: 624)
Từ một nghề thịnh hành nhất nhì ở miền Nam những năm trước 1975, đến nay khi cả Sài Gòn số thợ chuyên sửa chữa máy ảnh chỉ còn đếm trên đầu ngón tay thì ông Tần là người có tuổi đời và cả thâm niên về tuổi nghề lâu nhất trong số đó.
Ông Nguyễn Văn Tần cặm cụi trong góc nhỏ tiệm ảnh mà mình xin ngồi nhờ.
Ông Nguyễn Văn Tần cặm cụi trong góc nhỏ tiệm ảnh mà mình xin ngồi nhờ.

45 năm sửa chữa máy ảnh

Chiếc bàn sáng đèn nép trong góc nhà, ngay lối ra vào một cửa hàng máy ảnh trên đường Huỳnh Thúc Kháng, quận 1, ở đó, ông Nguyễn Văn Tần vẫn đang dán mắt say sưa vào chiếc ống kính máy ảnh khách gởi sửa. Gọi là “tiệm” cho sang chứ trong đời hành nghề của mình, ông nói, “chỉ toàn ngồi nhờ ở những tiệm máy ảnh, kê chiếc bàn, trải đồ nghề ra rồi làm thôi chứ sức mình chưa đủ khả năng để mở nguyên tiệm”. Từ góc nhỏ thuê trong một tiệm ảnh ở đường Nguyễn Huệ, gần đây, ông mới chuyển về phố máy ảnh Huỳnh Thúc Kháng.

Ông Tần sinh năm 1952 trong một gia đình gốc Hải Dương và không ai làm nghề có liên quan đến máy ảnh. Giơ tay lên nhẩm tính, ông nói: “Vì mê công việc sửa máy ảnh của người chú mà sau khi học xong tú tài, năm 1968, tôi tìm thầy Nguyễn Văn Của trên đường Trương Công Định, một người thầy, người thợ sửa máy ảnh có tiếng ở Sài Gòn lúc bấy giờ để xin học nghề. Đến khoảng 1972 - 1973 tôi ra nghề và đi làm cho đến nay, tính ra là đã gần 45 năm”.

Luôn chọn một góc nhỏ sau quầy hàng của các tiệm máy ảnh để hành nghề, ông nói, đó luôn là cách ông chọn để tìm khách hàng. Không mở tiệm hay làm tại nhà, nhờ vào góc nhỏ thuê trong tiệm, đề bảng sửa chữa, tự khắc sẽ có người thấy và tìm đến. Phía gần cầu thang ra vào dẫn vào phía nhà trong, ông kê góc đặt một chiếc bàn nhỏ bắt đèn sáng trưng, ốp kính, trên kính đề mỗi chữ “Tần - sửa máy ảnh”. Trên bàn, một số đồ nghề sửa chữa, tuốc-nơ-vít, khăn giấy, keo dán xếp hàng ngay ngắn.

“Thông thường, tôi hay tìm tiệm quen để xin ngồi nhờ. Nhưng dời tới lời lui, khách vãng lai thì ít, vì chọn nơi sửa máy phải chọn chỗ quen, uy tín. Vì thế khách hàng của tôi đa số vẫn là khách quen. Họ mang tài sản tới tìm tôi, rồi về giới thiệu cho bạn bè, tự truyền miệng nhau”, ông nói.

Người thợ già ngồi sau chiếc bàn, thỉnh thoảng cân chỉnh lại gọng kính, chú tâm vào mớ đồ ngổn ngang bày trước mặt. Ông nói, khi bắt tay làm thì ít khi tiếp chuyện ai, sợ phân tâm vì nghề này cần sự tập trung cao. “Tôi có mặt ở đây từ 8h30 sáng, nghỉ trưa từ 12h đến 1h trưa, làm đến 5h30 thì về, làm giờ hành chánh, như một công chức”, ông ngả người trên ghế cười lớn, bông đùa.

Người thợ 64 tuổi mấy chục năm nay tác phong như một, dù là có dời tới lui góc bàn nhỏ đi khắp các tiệm máy ảnh vẫn quần tây, áo sơ-mi chỉnh tề, hết giờ làm thì một mình về nhà ở đường Hoà Hưng, quận 10 như một công chức thứ thiệt. Ông quan niệm, mình phải tôn trọng mình, khách hàng mới đặt niềm tin vào mình.

Nghề sửa máy ảnh, ông trầm tư nhớ lại, từng là một nghề “hot” trước năm 1975 khi lúc bấy giờ công nghệ chụp ảnh chỉ gói gọn trong những chiếc máy film, phụ thuộc nhiều vào công nghệ sửa chữa. Học trò tới xin học thì nhiều nhưng thầy phải xem người đó có đam mê hay không mới dạy. Còn mục đích xin học vì tiền thì thầy từ chối thẳng thừng, ông Tần nhớ lại.

“Nghề này tuy phổ thông nhưng cũng cực kỳ kén người. Ngày trước, đôi khi người ta phải bỏ ra số tiền lớn để xin học nhưng đâu phải ai có tiền cũng học được đâu. Cùng học với tôi những năm ấy có gần chục người nhưng cũng bỏ vì cơm áo gạo tiền, bây giờ chỉ còn mỗi tôi còn bám trụ”, ông chậm rãi.

Âm ỉ sống khi công nghệ lên ngôi

Thời điểm những năm sau giải phóng và tiếp quản là khoảng thời gian khó khăn nhất với ông để bám nghề. Ngụp lặn giữa những thay đổi về kinh tế, nguồn sống khiến ông từng chán nản, bỏ nghề đi buôn để nuôi sống gia đình. “Vì thời cuộc mà, người ta lo chạy kiếm miếng ăn còn không đủ, nói gì tới chơi hình, chơi phim. Tới tận năm 1979 khi cuộc sống ổn định, tôi mới lại theo nghề”, ông kể, “lượng khách quen của tôi trước 1975 thì nhiều vô số, nhưng sau này, số thì ra nước ngoài định cư, số thì không còn khả năng chơi máy ảnh nữa nên tôi phải tìm lại khách bắt đầu từ con số 0”.

Đến tận những năm 1990, nghề sửa máy ảnh vẫn là nghề hái ra tiền. Có những tiệm chuyên ngành chứng kiến khách đứng “nghẹt cả tiệm”, mỗi ngày kiếm được vài chỉ vàng không phải là chuyện hiếm.

Người làm nghề sửa máy ảnh gần như dính chặt đời nghề với sự thăng trầm của thú chơi máy này. Khoảng gần 6 năm trở lại đây, giữa thời điểm bắt đầu bùng nổ của những chiếc smartphone kiêm nhiệm chức năng của hầu hết các loại máy cơ bản thì chiếc máy film “cổ lỗ sĩ” lại âm thầm tái sinh. Thú chơi máy ảnh film âm thầm len lỏi trong lòng những người ưa hoài niệm và được ví giống như liều thuốc có thể “lây lan” trong cộng đồng người yêu ảnh. Nhờ thú chơi này của giới trẻ mà những người thợ như ông bỗng dưng có thêm lượng khách hàng lớn và ổn định.

Dù nhu cầu chơi máy film đang lên cao nhưng theo ông, thợ rành rẽ máy này chỉ đếm trên đầu ngón tay. Những chiếc máy film trở lại theo xu hướng gần đây thường trung bình có giá chỉ từ 1,5 triệu đổ lại. Hơn nữa, vì sản xuất đã lâu nên chúng rất khó sửa. Dù vậy nhưng ông vẫn tâm niệm, dù cho là máy cũ vài triệu hay máy hiện đại giá lên đến nghìn đô nhưng đã sửa thì phải xem chúng quan trọng như nhau.

Người 'chữa bệnh' cho máy ảnh cao tuổi nhất Sài Gòn - ảnh 1
“Điều khó khăn nhất để sửa một chiếc máy ảnh cơ, nhất là máy film hiện nay, là phụ kiện. Để chữa bệnh cho chúng, tôi thường tìm mua những máy hư hỏng quá nặng, lọc lấy phụ kiện từ những máy đó rồi độ lại, tuỳ theo mức độ nặng nhẹ, tuỳ loại bệnh mà thay thế”, ông chia sẻ. Chỉ vào chiếc ống kính máy ảnh đang lau chùi, ông nói, đây cũng là một trong những “căn bệnh vặt” phổ biến của máy mà người ta buộc phải tìm thợ.

Ngoài máy film, ông còn chuyên sửa các loại máy ảnh số, máy điện tử. Thu nhập cho nghề này, ông nói, tuy bấp bênh nhưng cũng đủ để nuôi sống gia đình và cho bản thân động lực để đam mê. Với mỗi ca sửa máy, thông thường chỉ mất khoảng vài tiếng đồng hồ, hỏng nặng đòi hỏi vài ngày để sửa. Những hôm vắng khách, có khi ông chỉ có đơn hàng một món đồ một ngày. Còn bình thường, từ sáng đến chiều không lúc nào ông ngơi tay. Tuỳ theo loại máy, mức độ hỏng hóc mà ông lấy giá cao nhất là 300.000 đồng.

Đạo đức một đời nghề

“Triết lý làm nghề” của ông Tần đơn giản chỉ gói gọn trong sự ổn định. Giới sành chơi máy ảnh ở Sài Gòn truyền tay nhau địa chỉ của hai người sửa máy “mát tay” và công phu nhất, là ông và một người nữa chuyên ngồi lề đường.

“Cố gắng tìm một chỗ ngồi ổn định, người khách sẽ tin tưởng hơn mà giao máy của họ cho mình. Máy ảnh là món món đồ, nhưng cũng là tài sản. Tạo được niềm tin, mình sẽ không lo không có khách. Mất tiền bạc thì mất ít, mất sức khoẻ thì mất nhiều, nhưng mất uy tín là mất tất cả. Tôi luôn tâm niệm như thế mỗi khi đặt tay xuống bắt đầu tháo chiếc máy”, ông cười khẳng khái.

Trên các diễn đàn hình ảnh lớn như VnPhoto.net, TinhTe.vn, VnReview.vn, khi tìm những địa chỉ sửa máy uy tín ở Sài Gòn, các thành viên đều chỉ nhau tìm một người có cái tên thân mật là “bác Tần”. Ít ai biết nhiều về ông, nhưng khi người thợ già chuyển chỗ, người ta lại kháo nhau chỗ mới của ông. 

Vũ Anh, 33 tuổi, một người có thâm niên chơi máy film gần 10 năm, nói trên một diễn đàn công nghệ: “Chiếc máy film đầu đời của tôi gắn liền với người đã bắt mạch cho nó lần đầu tiên – chú Tần. Lúc mới chơi, lóng ngóng, tìm được người biết cách sửa những con máy hiếm mừng như bắt được vàng vì Sài Gòn đâu dễ tìm. Người chơi Analog (chơi máy film) có đam mê thực sự sẽ trân trọng chiếc máy của mình như đứa con cưng. Giao đứa con của mình cho bác Tần từng ấy năm chưa bao giờ làm mình thất vọng”.

Minh Tâm, một người chơi máy film ở quận 10, chia sẻ: “Ngày trước mình có chiếc Praktica bị hỏng phần đo sáng, tráng ảnh bị lỗi nên dính vạch đen trên ảnh. Thông qua bạn bè giới thiệu, mình tìm đến chú Tần sau khi máy đã qua tay hàng loạt tiệm mà vẫn chưa sửa ưng ý, lại tốn khá nhiều tiền. Thử vận may lần cuối, nhờ bác Tần mà tới giờ chiếc máy chưa phải sửa thêm lần nào cả”. “Sự từ tốn, nhã nhặn của bác cũng làm mình yên tâm phần nào. Không phải cứ đổ nhiều tiền ra là trị được bệnh, gừng càng già càng cay thôi”, bạn cười.

Ông nói, làm nghề này ngồi một chỗ suốt mấy chục năm nhưng chưa bao giờ ông thấy chán. “Không hiểu sao từng ấy năm, nhiều người đã rẽ sang con đường mưu sinh khác nhưng tôi càng làm càng thấy mê nên không bỏ được. Cứ bình bình mà kiếm cơm”, ông nói, “nhưng nhiều lúc cũng chạnh lòng vì đôi khi mình đã đặt hết tâm huyết nhưng khách trách móc, không hài lòng”. 

Khẽ nhịp tay lên mặt bàn, ông nói: “Chỉ bao nhiêu đây thôi, từng ấy năm đã nuôi sống hết gia đình tôi. Công việc này cho hai đứa con trai của tôi ăn học, bây giờ khi chúng đã tự lập, ra ngoài lập gia đình ở riêng, thì đây vẫn là nguồn sống chính của hai vợ chồng già, niềm vui tuổi già của tôi”, ông cười.

Các con không theo nghề vì theo ông, “nghề này bạc lắm, nếu tôi không thể tiếp tục làm nữa thì đành nhìn nó chết dần. Vì nghề không có trường lớp nào dạy bài bản nên chủ yếu là tầm sư học đạo, cha truyền con nối”, ông trầm ngâm. “Trước đây tôi cũng từng dạy 1,2 học trò nhưng họ không kiên trì bám lấy, chạy theo đồng tiền nên sau này không nhận ai nữa. Tôi quan niệm sẽ chỉ truyền nghề nếu may mắn tìm được ai đó có tâm”, ông tâm sự.

                                                                                          Theo: Cảnh Sát Toàn Cầu

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

6
Đang xem:
72.407.455
Tổng truy cập: