HỌC NGHỀ- TRUYỀN NGHỀ - KHÔI PHỤC NGHỀ-KINH NGHIỆM NGHỀ
Hướng dẫn viên du lịch Việt Nam thiếu và năng lực nghề kém
(Ngày đăng: 12/07/2016   Lượt xem: 802)
HDV du lịch “chui” xuất hiện ngày càng nhiều tại các điểm du lịch nổi tiếng là một trong những hệ lụy từ việc đào tạo không theo kịp nhu cầu.

Thời gian gần đây ở một số tỉnh thành lớn xảy ra nhiều sự cố  về việc HDV du lịch nước ngoài hoạt động bất hợp pháp và gây ảnh hưởng đến văn hóa du lịch cũng như vấn đề chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam. Và cũng chính từ những sự cố này, nhìn lại HDV du lịch Việt Nam, thấy rõ sự yếu kém, không chỉ thiếu nhiều kỹ năng nghề mà còn thiếu ý thức trách nhiệm, nghĩa vụ như một đại sứ văn hóa, một chiến sĩ góp phần bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ đất nước.

Đội ngũ HDV du lịch đang chênh giữa cung và cầu

Việc các HDV du lịch nước ngoài hoạt động trái phép ở Việt Nam, có một phần do chính các HDV du lịch Việt đã không hoàn thành nhiệm vụ và trách nhiệm của mình. Thậm chí có một bộ phận HDV du lịch Việt Nam đã chấp nhận làm sitting guide (chỉ đi theo đoàn, nhận liên hệ các dịch vụ của Việt Nam khi đặt ăn, phòng nghỉ, mua sắm...). Bộ phận này sẵn sàng trình thẻ, nhận mình đang hướng dẫn cho đoàn khách nước ngoài khi có cơ quan kiểm tra, thanh tra… tiếp tay cho HDV du lịch nước ngoài qua mặt các cơ quan chức năng, có những hành vi sai trái ở Việt Nam.

huong dan vien du lich viet nam thieu va nang luc nghe kem hinh 0
(Ảnh minh họa)

Để cho những vụ việc HDV du lịch nước ngoài tác quái ở Việt Nam, ngoài việc quản lý lỏng lẻo của các cơ quan chức năng, nguyên nhân chủ yếu là HDV du lịch đặc biệt là HDV du lịch nước ngoài của Việt Nam vừa thiếu vừa yếu năng lực nghề, ý thức nghề cũng rất kém. Không ít các HDV du lịch chỉ vì ham lợi cá nhân (hay cho công ty của mình) đã không ngần ngại để cho các HDV nước ngoài thao túng tour.

Thay vì hoàn thành chức trách HDV của mình, giới thiệu những cái hay cái đẹp, lịch sử của vùng miền, địa điểm tham quan, tự hào về đất nước con người Việt Nam, truyền đến khách sự thân thiện, sự thú vị khám phá, để khách yêu quý đất nước Việt Nam, hẹn quay lại… thì các HDV du lịch Việt lại rất lơ đãng, giới thiệu qua quýt (có thể kém kiến thức, hay ý thức nghề kém), rồi chỉ chăm chăm đưa khách đến các nơi mua sắm để kiếm hoa hồng…

Theo Hiệp hội Du lịch Việt Nam (VITA), trong những năm tới nghề HDV du lịch sẽ khan hiếm nhân lực do học sinh, sinh viên theo học ngành này ít, trong khi bởi những đòi hỏi khắt khe về nghề nên không phải ai cũng đáp ứng được. Mỗi năm, cả nước có khoảng 30.000 sinh viên du lịch ra trường, trong đó hơn 40% là hệ đại học. Và chỉ khoảng 1/3 sinh viên trung cấp - cao đẳng du lịch ra trường làm việc gắn với ngành học, còn hệ đại học chưa tới 5%. Hệ đại học thường đào tạo thập cẩm kiểu “quản trị du lịch” và đủ thứ chuyên ngành, từ “địa lý du lịch”, “môi trường du lịch’’ đến “Việt Nam học”... Trong khi các công ty lữ hành chỉ cần HDV hoặc thiết kế hay điều hành tour.

Theo thống kê, tính đến nay, cả nước có 9.920 HDV quốc tế phục vụ cho gần 8 triệu lượt khách trong nước và 6 triệu lượt khách nước ngoài; 7.467 HDV nội địa phục vụ hơn 45 triệu lượt khách. Chỉ tính riêng số lượng đã thiếu trầm trọng. Ước tính để phục vụ lượng khách trên, cần tối thiểu khoảng 25.000 HDV quốc tế và 50.000 HDV nội địa. Không chỉ thiếu trầm trọng về số lượng mà còn mất cân đối trầm trọng về cơ cấu.
Trong số 9.920 HDV quốc tế thì tiếng Anh có 5.595 người, tiếng Trung Quốc có 1.586 người, tiếng Pháp có 1.135 người, tiếng Nga có 521 người, tiếng Nhật Bản có 512 người... Xét về cơ cấu của các tỉnh, thành thì càng phi lý. TP.HCM có 2.556 HDV quốc tế và 2.357 HDV nội địa. Số liệu này của Hà Nội là 2.819 và 1.303; Đà Nẵng là 1.353 và 931; Cần Thơ là 82 và 250...  Đặc biệt HDV du lịch thông thạo những ngôn ngữ “hiếm” như các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, châu Á, châu Phi, Ả Rập… gần như rất hiếm và không có.

Chính vì thế thực trạng hướng dẫn viên không đáp ứng được yêu cầu của du khách vẫn là bài toán chưa có lời giải của Ngành Du lịch nói chung và các công ty lữ hành nói riêng. Bởi nhiều HDV “được” ngoại ngữ, thì lại “trống” hoàn toàn về nghiệp vụ. Đó là chưa kể, không ít HDV còn không có bằng cấp, không có thẻ hành nghề, không khác gì hành nghề “chui”.

Và dễ dàng nhận thấy, đội ngũ HDV du lịch đang chênh giữa cung và cầu. Ngoài ngoại ngữ là “vốn” cần có, thì các nghiệp vụ nghề cũng không được trang bị kiến thức đầy đủ. Cho đến nay, vẫn không phân biệt được nhiệm vụ và chức năng nên thường ghép chung và cho rằng chức năng lớn hơn nhiệm vụ. Ngay như trong giáo trình giảng dạy ở Khoa du lịch của các trường Đại học cũng chỉ dạy những điều cơ bản như: 1. Người dẫn đường; 2. Thuyết minh tuyến điểm; 3. Sắp xếp và thực hiện các dịch vụ theo chương trình; 4. Xử lý các tình huống; 5. Đại diện công ty.

Và thiếu rất nhiều các vấn đề kỹ năng như: Kiến thức lịch sử, địa lý, văn hóa, nghệ thuật Việt Nam; Linh hoạt đa năng và nhạy cảm; Thân thiện với khách như một đại sứ ngoại giao; Có ý thức của một công dân yêu nước có trách nhiệm nghĩa vụ bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ đất nước.

Thực tế, ai cũng nhận ra rằng tình trạng HDV du lịch “chui” xuất hiện ngày càng nhiều tại các điểm du lịch nổi tiếng trong nước, đây là một trong những hệ lụy từ việc đào tạo không theo kịp nhu cầu mà ngành Du lịch đang phải đối mặt. Có thể thấy rằng, một trong những nguyên nhân của thực trạng này là do lực lượng HDV du lịch chưa phát triển đồng bộ và chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường.

Đại sứ văn hóa và chiến sĩ bảo vệ chủ quyền

Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030, đang hướng đến một thị trường khách đa dạng. Bên cạnh nguồn khách đến từ các thị trường truyền thống châu Âu, châu Á, còn quan tâm các thị trường mới như Ấn Độ, Ả Rập… Để "đón đầu" được những dự báo và những "mục tiêu" phấn đấu này, không gì khác là phải cân đối ngay lập tức quan hệ cung - cầu HDV du lịch.

Nghề HDV du lịch ngoài ý thức yêu nghề cao, có trách nhiệm mang lợi nhuận kinh tế, còn phải tròn trách nhiệm như là một đại sứ ngoại giao văn hóa, một chiến sĩ “biên phòng” bảo vệ chủ quyền đất nước. Đây cũng chính là yêu cầu thiết thực, cấp bách, một trong những “chuẩn” của một HDV du lịch Việt Nam, để có thể tránh việc HDV nước ngoài thao túng, khách du lịch nước ngoài khinh thường, vi phạm luật của Việt Nam.

                                                                                       Theo: vov.vn

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

5
Đang xem:
72.458.070
Tổng truy cập: