HỌC NGHỀ- TRUYỀN NGHỀ - KHÔI PHỤC NGHỀ-KINH NGHIỆM NGHỀ
Truyền dạy Nghệ thuật Đờn ca tài tử như thế nào?
(Ngày đăng: 16/12/2014   Lượt xem: 596)
Sau một năm được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, Việt Nam đã có những động thái tích cực về thực hiện cam kết bảo vệ di sản văn hóa nghệ thuật Đờn ca tài tử với thế giới.

Trong đó, Chương trình hành động quốc gia bảo vệ nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ giai đoạn 2014-2020 với bảy nội dung đang được các tỉnh-thành Nam Bộ triển khai sâu rộng trong cộng đồng nhằm bảo tồn và phát huy tài sản văn hóa của nhân loại.

Nguy cơ phai nhạt bản sắc

Tuy không phải là cái nôi của Đờn ca tài tử Nam Bộ nhưng hoạt động truyền dạy tài tử trên địa bàn TP.HCM không thua kém các tỉnh miền Tây. Tại cuộc tọa đàm bàn về giải pháp bảo tồn và phát huy nghệ thuật Đờn ca tài tử mới đây, Sở VHTT TP.HCM cho biết, toàn thành phố có gần 300 câu lạc bộ - đội - nhóm Đờn ca tài tử với trên 3.000 nghệ nhân tài tử đờn ca, soạn giả và các nhà nghiên cứu. Những lớp đào tạo Đờn ca tài tử được mở khắp các quận-huyện, đặc biệt là những lớp do chính các nghệ nhân tên tuổi đảm nhận cũng thường xuyên mở cửa đón học viên.

Nói về hoạt động truyền nghề Đờn ca tài tử trên địa bàn thành phố, TS Mai Mỹ Duyên, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Đờn ca tài tử Trung tâm Văn hóa TP.HCM cho biết, có một thực trạng đáng quan tâm hiện nay là trong khi các nghệ nhân rất tâm huyết muốn trao truyền nghề cho thế hệ trẻ, nhưng chúng ta chưa có sự thống nhất về chương trình dạy căn bản và nâng cao, về bài bản, phong cách đờn ca cũng như các kiến thức liên quan đến nhạc tài tử nhằm khơi gợi niềm đam mê và sự hiểu biết, thưởng thức của công chúng. Bên cạnh đó, ngày càng có ít người trẻ chịu khó theo đuổi học hỏi ngón đờn hay, nhất là những nhạc cụ dân tộc như Kìm, Trang, Bầu… Không ít tài tử ca có giọng hay, năng khiếu nhịp chuẩn nhưng không khổ luyện nâng cao, chỉ học được vài bản nhạc thì bỏ dở giữa chừng với nhiều lý do, trong đó có chuyện phải lo kế mưu sinh. TS Mai Mỹ Duyên cho rằng, số lượng nhiều nhưng không mạnh, chất lượng nghệ thuật trong truyền nghề chưa tương xứng. Do đó, hiện tượng phai nhạt bản sắc văn hóa dân tộc là điều khó tránh khỏi nếu như không triệt để hành động tích cực.

Chia sẻ về những băn khoăn trong cách dạy và học nhạc tài tử thời gian qua, Nghệ nhân dân gian, nhạc sĩ Tấn Nhì thẳng thắn chỉ rõ, câu lạc bộ mở ra nhiều nhưng phần đông chỉ để cho có, không sinh hoạt vì lý do kinh phí. Khi mở lớp dạy thì khó kiếm được thầy có đủ trình độ, tài năng trong nhấn nhá ngón đờn, hay cảm nhận được bài ca nào có tính văn học nghệ thuật cao để đào tạo cho lớp kế thừa. Việc dạy và học Đờn ca tài tử ở các “lò” cũng chỉ là một sinh kế, dạy bản Đờn ca tài tử thuần túy ứng dụng trong phòng trà hay sân khấu cải lương… lại tùy theo ý muốn, năng khiếu của mỗi học viên và trình độ nghệ thuật, đạo đức yêu nghề của người thầy… Vì thế, kết quả truyền dạy không đạt bao nhiêu, mà ngược lại còn nguy hại cho sự bảo tồn và phát huy nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ. Bởi người học bị sai căn lạc điệu, nhận thức về tính chất âm nhạc của Đờn ca tài tử chưa được thấu đáo… nên “đẻ” ra cái phong cách kỳ quái là đờn phải vô bản trước một, hai nhịp rồi ca mới theo. Mặc dù khi sáng tác, soạn giả viết cho đờn và ca cùng vô một lượt để thể hiện phong cách độc đáo của nghệ thuật Đờn ca tài tử.

                               Quảng bá Đờn ca tài tử trong nhà trường tại tỉnh Bạc Liêu

Sớm thống nhất chương trình giảng dạy

Bày tỏ vui mừng vì một bộ phận giới trẻ vẫn còn đam mê theo học các loại nhạc cụ truyền thống của dân tộc, yêu thích nghề đờn ca, Nghệ nhân dân gian Thanh Tùng cho rằng, cần sớm thống nhất và có sự phân chia nội dung giảng dạy phù hợp với từng cấp tiểu học, trung học… chứ không thể mạnh ai muốn dạy thế nào thì dạy. Trực tiếp truyền nghề cho nhiều thế hệ, nghệ nhân Thanh Tùng cho biết, phần đông những người thích học Đờn ca tài tử là nông dân lao động, đối tượng trí thức học không nhiều. Vì thế, nhiều người có tâm huyết trong truyền dạy là vì thú đam mê nghệ thuật Đờn ca tài tử chứ không phải vì những cái bì thư vài trăm hay vài triệu đồng.

Đồng quan điểm trên, nhạc sĩ Bùi Anh Tôn (Sở GD&ĐT TP.HCM) bổ sung, không chỉ thống nhất về nội dung, thời lượng truyền dạy cũng phải thống nhất phù hợp với từng đối tượng học sinh, hình thức truyền dạy nên linh hoạt, kết hợp giữa chính khóa và ngoại khóa… Theo TS Duyên, Đờn ca tài tử được khẳng định là “hồn cốt” của con người Nam Bộ, là nội lực văn hóa của dân tộc. Thế nhưng, tài tử còn khá kén người nghe, bởi muốn nghe mà thấy hay thì phải có những hiểu biết nhất định. Do đó, bên cạnh đào tạo những lớp đờn ca kế thừa hoạt động chuyên môn, cần cấp thiết giáo dục sự hiểu biết về Đờn ca tài tử cho công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ. Bởi Đờn ca tài tử là thú chơi của bạn tri kỷ tri âm, muốn tồn tại và phát triển phải có công chúng của nó. Và người dạy được căn bản phải là người rất giỏi để dạy cho giới trẻ nền tảng vững chắc rồi mới đến nâng cao.

Nghệ nhân dân gian Tấn Nhì nhấn mạnh, rất nên đưa Đờn ca tài tử vào dạy từ cấp tiểu học cho tới đại học để lấp đầy những khoảng trống, sự hụt hẫng bấy lâu nay trong giới trẻ về âm nhạc cổ truyền của dân tộc. Tuy nhiên, phải tính toán liều lượng bài bản, hơi điệu nào thích hợp giới trẻ để dễ tiếp cận, làm quen dần rồi sẽ trở nên yêu thích.

Chương trình giảng dạy phải được thông qua Hội đồng nghệ thuật gồm các nghệ nhân am tường và uy tín trong truyền dạy Đờn ca tài tử, từ cách dạy xướng âm hò, xự, xang, xê, cống; từ bài bản cổ xưa đơn giản cho đến các bài bản bắc, hạ, nam, oán, ngẫu hứng sáng tạo đỉnh cao. Mặt khác, nên lồng ghép dạy kỹ năng đờn ca với kiến thức lịch sử, địa lý và văn hóa để người học hiểu rõ giá trị nghệ thuật của Đờn ca tài tử Nam Bộ.

                                                                   Theo : danviet.vn

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

29
Đang xem:
72.468.272
Tổng truy cập: