TƯ VẤN - KHOA HỌC - TÂM LINH - PHONG THỦY
(36)-Lễ hội Đền Bà Triệu và màn rước kiệu thăng hoa
(Ngày đăng: 11/02/2023   Lượt xem: 141)

Bà Triệu, người anh hùng dân tộc mà câu nói nổi tiếng của bà mãi mãi đi vào sử sách: “Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở biển Đông, đánh đuổi giặc Ngô giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ chứ không chịu khom lưng làm tì thiếp cho người”. Năm 246, bà cùng anh trai là Triệu Quốc Đạt phất cờ khởi nghĩa, đánh đuổi quân Ngô, làm cho “toàn thể Châu Hoan, Cửu Chân đều chấn động...”. Trong một trận quyết chiến với quân thù, trước thế mạnh và mưu kế hiểm độc, đê hèn của giặc, bà đã tuẫn tiết tại núi Tùng vào ngày 21 tháng 2 năm Mậu Thìn (248). Ghi nhớ công ơn người nữ anh hùng đã hiến cả tuổi thanh xuân vì dân, vì nước, triều đình các thời Lý, Trần, Lê, Nguyễn đều xây dựng, tu sửa đền miếu, ban sắc phong và quy định tế lễ với nghi thức quốc tế. Thời gian đi qua, mãi trong tâm thức dân gian vẫn còn nhắc nhớ: Ai qua Hậu Lộc, Phú Điền/ Nhớ xưa Bà Triệu trận tiền xông pha...


Nghi thức rước kiệu trong lễ hội Đền Bà Triệu. Ảnh: Hoàng Minh Tường

Làng Phú Điền xưa có tên gọi là Kẻ Bồ, Bồ Điền rồi sau này mới có tên Phú Điền. Làng này nay thuộc xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Phú Điền nằm ở vùng đồng bằng có đồi núi bao bọc. Nơi đây xưa là chiến trường giao tranh giữa quân Bà Triệu và quân Ngô. Sau khi bà ngã xuống oanh liệt, triều đình và dân làng đã lập đền thờ Bà ở dưới chân núi Tượng Lĩnh (còn có tên là Núi Gai), xây lăng mộ trên núi Tùng và dựng Đình tôn Bà là Thành hoàng làng. Hằng năm, Lễ hội đền Bà Triệu được tổ chức từ ngày 20 đến ngày 22 tháng 2 âm lịch để tri ân công đức của Bà, cầu mong bà phù hộ cho Quốc thái dân an và cũng là dịp vui chơi giải trí nhằm đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng tâm linh của Nhân dân trong vùng và khách thập phương.

Những ngày diễn ra lễ hội, trước tiên ông từ và ban tổ chức tiến hành làm lễ Mộc dục, tắm tượng, phong y, mặc quần áo mới, lau chùi nghi trượng đồ thờ, tế phụng nghinh, mời vua Bà và lục bộ triều đình, hội đồng các quan về húy kỵ vua Bà rồi sau đó kiểm tra các cỗ kiệu, néo buộc đồ thờ lại cho chắc chắn rồi tiến hành tổ chức rước kiệu - còn gọi là rước bóng vua Bà.

Rước bóng là rước linh hồn bà Triệu. Kiệu rước là kiệu Bát cống cổ có 16 người khiêng, được sơn son thếp vàng. Trong kiệu có một bát hương, một hộp đồ nữ trang, đĩa trầu cau mà trầu và cau được làm bằng sơn mài. Để tiến hành rước bóng, trước ngày hội dân làng phải chọn những người khiêng kiệu là thanh niên hoặc đàn ông tuổi từ 18 đến 35, có sức khỏe tốt, tầm thước cao lớn, bản thân và gia đình thanh sạch có uy tín trong làng, không có tang chế. Trước ngày rước kiệu vua Bà một tuần, những người rước kiệu phải sửa mình, không được làm những điều cấm kỵ. Họ được tập luyện để công việc rước kiệu được thành thục và chu đáo. Ngoài lực lượng trai làng, bao giờ cũng có ông chủ lễ hướng dẫn, trong khi rước kiệu, ông là người đi dưới gầm kiệu này. Trang phục của 16 người rước đều mặc y phục áo đủi màu đỏ, cọc tay, thắt lưng đỏ, đầu chít khăn đỏ, mặc quần trắng, chân đi đất. Kiệu song loan cũng chạm khắc và sơn thếp theo kiểu cổ. Bên trong có các hộp sắc mà các triều đình đã phong tặng vua Bà và áo chầu. Kiệu có 8 người khiêng, y phục cũng quần trắng, áo đỏ.

Sau một hồi trống vang dội, thúc giục, đoàn rước khởi kiệu theo nghi thức cổ: đi đầu là hương án có 4 người khiêng, trên hương án có rước bát hương và lễ vật gồm có trầu cau, hoa và trái cây. Hai người vác hai lọng vàng đi hai bên che. Hương án vừa đi trước dẫn đầu lại vừa có chức năng dẹp đám. Sau hương án là phường bát âm gồm có trống đại, chuông lớn và các nhạc cụ: đàn, sáo, thanh la, não bạt, kèn, nhị... Phường bát âm vừa đi vừa cử nhạc lưu thủy.

Sau phường bát âm có 32 người xếp thành 2 hàng, 6 người vác gươm, 6 người mang bát bửu, bốn người vác dùi đồng, phủ việt và tiếp đó là 16 người mỗi người hai tay cầm hai kiếm gỗ.

Tiếp theo đoàn người mang bát bửu, gươm kiếm là đoàn người rước cờ hội chia thành 2 hàng, mỗi người được phân công mang một lá cờ, kế đó có 4 người rước bốn tàn lọng lớn theo đoàn. Sau đấy là 1 người mang cờ lệnh có đề chữ “Triệu”, một người khác vác thẻ bài mặt trước mang chữ “Thượng đẳng”, mặt sau có chữ “Lịch triều”, tiếp theo đó là kiệu bát cống rước Lệ Hải Bà Vương. Sau kiệu bát cống là kiệu song loan và các quan viên, chức sắc, bô lão và Nhân dân trong làng theo phẩm sắc thứ bậc xếp thành 2 hàng.

Hành trình đám rước bắt đầu từ đền đến lăng, về đình và sau đó trở lại đền. Từ đền Bà, đám rước như một con rồng lớn lừng lững tiến trên đường làng, hai bên đường bà con đứng xem như nêm. Các gia đình trong làng mang nhang áng ra trước cổng để nghênh đón vua Bà. Kiệu Bà đi đến, mọi người không ai bảo ai đều thành kính ngưỡng vọng hướng lên kiệu Bà và hai tay bái lạy. Qua làng, đám rước thẳng tiến đến chân núi Tùng nơi có lăng mộ ba ông tướng họ Lý. Từ đây đoàn người dừng lại, chỉ có kiệu mới rước lên lăng mộ Bà. Trước kia, quãng đường rước kiệu từ chân núi lên đến lăng mộ đỉnh núi phải vượt một quảng đường 60m, dốc đá dựng ngược, cheo leo. Những ngày bình thường quảng đường dốc đứng này chỉ có một vài người có việc tế lễ hoặc trẻ chăn bò vất vả lắm mới leo lên được (nay đã lát đá, mở rộng đường lên).

Như có phép lạ và hiện tượng thăng thiên, trong lễ hội, mỗi lần rước bóng vua Bà vượt lên quãng đường dốc ngược và hiểm trở, những trai làng khiêng kiệu như có một sức mạnh của thần giúp đỡ, họ thoăn thoắt bước trên đất đá trơn trượt, chông chênh, ngày thường người không mang vác gì còn vất vả khó khăn huống gì nay lại mang trên vai sức nặng của kiệu bát cống. Không dừng, không nghỉ, kiệu Bà được rước thẳng một mạch từ chân núi lên đến lăng mộ Bà tại đỉnh núi. Đám trai rước kiệu có cảm giác chân như không bám đất. Cả cỗ kiệu nhẹ bỗng tưởng chừng như đám mây ngũ sắc từ từ bay lên đỉnh núi Tùng.

Sau khi tế lễ và xin ba chân nhang ở lăng Bà cắm vào lô nhang trong kiệu, đám rước lại theo thứ tự rước kiệu xuống núi. Khác với rước kiệu lên núi phải lấy hết sức bình sinh đưa kiệu vượt qua gai đá, đường hẹp chênh vênh; khi xuống núi, trọng lực của kiệu dồn xuống đôi vai của người đi trước kéo theo những người khiêng sau vừa đi như chạy, có lúc lại như chơi vơi để cố ghì cho kiệu giữ thăng bằng, không bị mất thăng bằng, đổ ngã và tuột khỏi đôi vai. Dưới chân núi, trống phách thúc giục, cổ vũ, kèn nhị tấu lên giai điệu nghênh đón, cờ bay phần phật, mọi ánh mắt đều như dán chặt vào kiệu chứng kiến phút giây xuất thần của cỗ kiệu bay. Trong nhiều lần rước kiệu chưa bao giờ xảy ra sơ suất hoặc trục trặc gì. Mặc dù lắm khi thời tiết xấu, mưa gió, dốc núi trơn nhẫy, thế nhưng các lần rước bóng vua Bà lên xuống núi Tùng đám rước bao giờ cũng an toàn, trọn vẹn, dẫu cho có người bị toạc cẳng sứt chân, song chẳng hề hấn gì, họ đều hồ hởi, phấn khởi và trong suy nghĩ việc làm của họ vì việc thánh, vua Bà đã nhân lên sức mạnh trong họ để vượt qua mọi thách thức, trở ngại, mặc dù sau lễ rước kiệu, họ cảm thấy thấm mệt nhiều ngày.

Trên quãng đường rước kiệu, khi đến các ngã ba ngã tư, các đường giao nhau hoặc trước khi vào đến sân đình, sân đền, nhiều lúc kiệu quay tròn theo các hướng khác nhau. Khi tiến khi lui, lúc tạt bên phải, khi nghiêng bên trái không định trước khiến bà con đứng hai bên đường phải chạy dạt ra và hò reo inh ỏi. Cảnh tượng ấy cùng với trống chiêng đổ dồn, người về dự lễ và chiêm bái với tấm lòng thành kính lại càng làm tăng thêm sự linh thiêng và uy nghiêm của đám rước.

Cùng với hiện tượng kiệu bay trong rước kiệu lễ hội đền bà Triệu, trò “Ngô Triệu giao quân” cũng diễn ra sôi động. Trò diễn này mô phỏng cuộc chiến đấu giữa một bên quân bà Triệu và một bên là quân Ngô, bãi giao tranh diễn ra trước đình làng, chung quanh có đông đảo bà con reo hò cổ vũ cho đội quân của xóm mình. Làng chia làm hai xóm trên và dưới, trai tráng từ 18 đến 45 tuổi đều tham gia hội trận. Một bên đóng giả quân bà Triệu, một bên đóng giả quân Ngô, mỗi người dùng một gậy tre làm vũ khí, dàn thành thế trận. Vào cuộc cả hai bên đều xông vào nhau. Cuộc giao tranh diễn ra từ sáng đến trưa, bên nào thắng sẽ là quân bà Triệu, bên thua là quân Ngô. Mặc dù có người bị mẻ đầu, sứt tai nhưng họ chỉ cần dùng thuốc lá đắp vào là khỏi. Mọi người tin rằng năm nào hội trận có nhiều người tham gia và cuộc giao tranh mang tính quyết liệt cao thì năm đó dân làng sẽ gặp nhiều may mắn. Tan hội trận mọi người cùng vui vẻ, cùng dùng thức ăn nguội (theo tích xưa, đồ ăn của nghĩa quân đã nấu sẵn từ hôm trước) ăn tại hội trận, sau đó họ cùng nhau tham gia lễ hội và các trò chơi, trò diễn trong suốt các ngày hội.

Qua lễ hội rước kiệu vua Bà với hiện tượng kiệu bay độc đáo và trò hội trận, bước đầu lý giải về hiện tượng này như sau:

Kiệu bay, hội trận “Ngô Triệu ra quân” là một “tục hèm” có từ lâu đời và truyền lại trong mỗi lần tổ chức lễ hội vua Bà. Kiệu bay là hình thức thiêng hóa nhân vật lịch sử - Bà Triệu, thể hiện sự hiển linh của Bà thông qua nghi thức rước kiệu và đó cũng chính là sự tôn vinh của Nhân dân đối với người nữ anh hùng đã có công cứu dân, cứu nước. Cuộc đời và sự nghiệp của Lệ Hải Bà Vương đã để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng dân chúng qua mọi thời đại.

Việc diễn ra hiện tượng kiệu bay trong khi rước kiệu là vì đường sá mấp mô, nhất là khi kiệu vua bà lên và xuống núi Tùng do trọng lực phân bố không đều vì vậy kiệu bị nghiêng lệch, kéo theo những người rước kiệu bị chới với, hẫng hụt. Để giữ cho kiệu thăng bằng người này níu lại, người khác rảo nhanh chân, những động tác đó cùng với trọng lực của kiệu luôn thay đổi đã tạo ra một lực xô đẩy tự diễn ra trong 18 người rước kiệu. Không ai chỉ huy, cỗ kiệu vẫn tiến lên phía trước như có một nguồn lực nào đó dẫn dắt, người khiêng kiệu cũng không điều khiển và chi phối được ý nghĩ và định hướng trước của mình. Khi tan cuộc, được hỏi, những người rước kiệu kể cả chủ tế cũng không lý giải được nguyên nhân xảy ra hiện tượng này.

Lý giải hiện tượng kiệu bay, theo tín ngưỡng tâm linh cho thấy: Bà Triệu khi còn sống là người trần thế cứu dân cứu nước, khi chết trở thành thần. Bà thuộc người cõi trên. Chính vì vậy trong chạm khắc ở đình làng Phú Điền, các nghệ nhân dân gian đã quan niệm và thể hiện Bà là một bà tiên có đôi cánh mỏng đang bay lượn giữa tầng không, ngự trên mình con rồng vàng rong ruổi khắp đất trời nước Việt. Đám rước kéo dài và rồng rắn như con rồng uốn lượn thể hiện như động thái của con rồng khổng lồ đang chuyển mình và bay bổng giữa tầng không. Trong tín ngưỡng tâm linh, trong sâu thẳm của những người rước kiệu và dân chúng, trong không khí hội hè của ngày húy kỵ Vua Bà, mọi người được thăng hoa bay bổng, quên hết nỗi mệt nhọc và lo lắng thường ngày do miếng cơm manh áo kéo ghì sát đất. Hiện tượng kiệu bay đó phản ánh trạng thái hưng phấn, ngây ngất trong một không gian thiêng, trong không khí cuồng nhiệt của dân chúng đã làm thăng hoa sức lực và tâm hồn của đám rước, dường như có một sức mạnh vô hình nào đó đã trợ giúp, dẫn dắt họ vượt qua trở ngại, thăng hoa cùng cỗ kiệu rước thánh. Đó cũng chính là trạng thái “lên đồng” tập thể của những người rước kiệu và dân chúng hướng về Lệ Hải Bà Vương - Triệu Trinh Nương.

Lễ hội Bà Triệu và hiện tượng kiệu bay là hiện tượng độc đáo, mang giá trị nhân văn sâu sắc, vừa cho thấy sự phong phú, đa dạng trong thực hành tín ngưỡng của lễ hội dân gian truyền thống tích hợp, bảo lưu nhiều lớp văn hóa và thông điệp mà chúng ta cần khám phá và lý giải tường tận.

                                         Theo:  baothanhhoa.vn
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

9
Đang xem:
72.463.586
Tổng truy cập: