(29-33)- Nét tinh hoa đặc sắc của các sản phẩm làng nghề truyền thống huyện Phú Xuyên
Triển lãm Quảng bá và giao thương kết nối các sản phẩm OCOP, thủ công mỹ nghệ, làng nghề truyền thống huyện Phú Xuyên, diễn ra từ ngày 24-27/10 tại sân vận động huyện, mở ra cơ hội giao thương, kết nối các thiết kế sáng tạo, từ đó phát triển sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu thị trường.
|
Triển lãm là hoạt động thứ ba trong chuỗi sự kiện triển khai Kế hoạch số 227/KH-UBND ngày 11/10/2021 của UBND TP Hà Nội thực hiện Chương trình 04-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội. Theo đó, các địa phương cần đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021 - 2025.
Sở Công Thương Hà Nội là đơn vị được giao chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, địa phương xây dựng và thực hiện Kế hoạch phát triển Trung tâm thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch tại các huyện, thị xã.
Mục tiêu của kế hoạch này là tạo môi trường liên kết giữa nghệ nhân, thợ giỏi, đội ngũ thiết kế trẻ với tinh thần khởi nghiệp, phát huy ưu thế văn hóa địa phương, khát vọng phát triển kinh tế của cộng đồng tại làng nghề trên địa bàn các huyện, thị xã của Hà Nội.
Chương trình triển lãm có quy mô 100 gian hàng tiêu chuẩn và bốn khu trưng bày giới thiệu sản phẩm OCOP, sản phẩm truyền thống làng nghề của các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn, nghệ nhân trên địa bàn huyện Phú Xuyên.
Thông qua triển lãm, các tổ chức, cá nhân có thể tiếp cận, tìm hiểu, kết nối các hoạt động thiết kế sáng tạo, phát huy những ý tưởng, thiết kế ra những mẫu sản phẩm mới, có giá trị kinh tế, kỹ thuật, mỹ thuật phù hợp, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu khách hàng. Từ đó, có thể phát triển, hình thành điểm đến về thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch.
Phát huy tinh hoa của làng nghề đồ gỗ có tuổi đời hàng nghìn năm làng Chanh Thôn (xã Nam Tiến), các làng nghề đồ gỗ khảm trai thôn Trung, thôn Ngọ, thôn Thượng, thôn Hạ, thôn Bối Khê, thôn Đồng Vinh, thôn Mỹ Văn (xã Chuyên Mỹ), các mẫu sản phẩm nội thất gia đình như bàn ghế, ban thờ, sập gụ, tủ chè, tranh tượng gỗ, khảm trai, khảm ốc mang đậm nét văn hóa truyền thống.
Ngoài ra, còn có rất nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ được chế tác từ gỗ và phối hợp với các chất liệu khác nhau trải qua nhiều công đoạn chế tác tỉ mỉ, qua bàn tay người thợ trở nên tinh xảo, lộng lẫy và rất được khách nước ngoài ưa chuộng.
Giày dép, túi ví, đồ da của nghệ nhân làng nghề Phú Yên được thực hiện thủ công bằng tay. Khác với sản phẩm được làm công nghiệp bằng máy có ưu điểm vượt trội về tốc độ và sản lượng nhưng lại thiếu đi sự khéo léo, tỉ mỉ của người thợ khâu. Với tay nghề điêu luyện và tính thẩm mỹ cao, các nghệ nhân làm giày thủ công tạo nên những sản phẩm chắc chắn, chỉn chu, an toàn nhất khi gắn kết các mảnh da lại với nhau. Vì vậy, sản phẩm không chỉ được tiêu thụ trong nước mà còn được xuất sang Singapore, châu Âu, châu Mỹ với số lượng lớn.
Các nghệ nhân thôn Xuân La, xã Phương Dực lại mang đến triển lãm những tác phẩm tò he nặn tay khéo léo làm từ bột gạo và màu thực phẩm an toàn, thậm chí có thể ăn được. Bên cạnh các sản phẩm thương mại dành cho trẻ em như 12 con giáp, đến các nhân vật trong truyện tranh, phim hoạt hình, nhiều màu sắc sặc sỡ, bắt mắt, các nghệ nhân từ làng nghề hơn 300 năm tuổi vô cùng tự hào với những tác phẩm giữ nguyên được hình dáng và màu sắc qua hàng chục năm. Ví dụ như tác phẩm rồng thời Lý, cụ rùa, song long chầu nguyệt... được thực hiện từ năm 2010 nhân dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long.
Trao đổi với Mekong ASEAN, nghệ nhân Chu Văn Chiến, thành viên Câu lạc bộ nghệ nhân tò he thôn Xuân La, cho biết: “Mặc dù nặn tò he bây giờ chỉ là nghề phụ, nhưng cứ mỗi khi ở đâu có tổ chức sự kiện hội chợ, triển lãm, lễ hội, phố đi bộ... là chúng tôi lại nấu bột, pha màu mang các sản phẩm tò he đi hầu khắp các vùng miền của đất nước và thậm chí ra cả nước ngoài."
Ông Chiến cho biết, người dân đều có ý thức gìn giữ bảo tồn nghề truyền thống của làng. Bằng chứng là việc thành lập Câu lạc bộ nghệ nhân để nặn tò he được nâng tầm nghệ thuật và không ngừng sáng tạo, cải tiến nguyên liệu, mẫu mã cho phù hợp với thời đại. Không chỉ truyền dạy cho con cháu trong làng, thành viên Câu lạc bộ đã tham gia phổ biến và hướng dẫn cho học sinh của các trường tại 27 xã trong huyện Phú Xuyên. Các em nhỏ đã tỏ ra rất hứng thú.
Nghệ nhân Trần Thị Tiệp, đại diện làng nghề thêu truyền thống tại thôn Vĩnh Trung, xã Khai Thái lại mang đến triển lãm những tác phẩm thêu tay vô cùng sống động và đẹp mắt. Ở Khai Thái hiện còn 30 hộ tiếp tục theo nghề truyền thống và đã thu hút được sự quan tâm, yêu thích và nhận không ít đơn đặt hàng của khách nước ngoài.
Theo chia sẻ của nghệ nhân, “nghề thêu tay đòi hỏi tính kiên trì, sự tỉ mỉ và khéo léo mà không phải ai cũng có thể làm được. Người thợ thêu phải thật sự yêu thích thì mới có thể thổi hồn vào bức tranh qua từng đường kim mũi chỉ, tạo nên sức hút về sự tinh tế và sống động.”
Triển lãm năm nay góp phần nâng cao giá trị sản phẩm thủ công mỹ nghệ, các sản phẩm OCOP, làng nghề Thủ đô nói chung và của huyện Phú Xuyên nói riêng. Dựa trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các làng nghề gắn với hoạt động du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, nông thôn trong kinh tế tuần hoàn.
Huyện Phú Xuyên nằm ở phía Nam, cách trung tâm thủ đô 30km. Phú Xuyên có 154 thôn, làng và tất cả đều có nghề và nghề truyền thống, trong đó hơn 40 làng đã được công nhận làng nghề theo tiêu chí cấp thành phố.
Năm 2023, Trung tâm thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề gắn với du lịch xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên được UBND TP Hà Nội công nhận đạt mô hình 4 sao. Cùng với đó, thành phố cũng có Quyết định công nhận 9 làng nghề trên địa bàn huyện đạt danh hiệu “Làng nghề truyền thống Hà Nội".
Đó là làng nghề khảm trai thôn Trung, làng nghề khảm trai thôn Ngọ, làng nghề chế biến nguyên liệu khảm và khảm ốc trai thôn Thượng, làng nghề khảm trai thôn Hạ, làng nghề khảm trai - sơn mài thôn Bối Khê, làng nghề đồ gỗ mỹ nghệ - khảm trai thôn Đồng Vinh, làng nghề sơn khảm thôn Mỹ Văn, xã Chuyên Mỹ; làng nghề cỏ tế mây tre đan thôn Lưu Thượng, xã Phú Túc; làng nghề mộc dân dụng thôn Chanh Thôn, xã Nam Tiến.
Ngoài ra, Phú Xuyên là cái nôi của rất nhiều làng nghề nổi tiếng như: giày da Phú Yên, may mặc Vân Từ, đồ gỗ Tân Dân, Văn Nhân, cơ kim khí Đại Thắng… với các sản phẩm đã có chỗ đứng trên thị trường trong nước và thế giới.
Theo: mekongasean.vn