HỘI CHỢ - LỄ HỘI - TRIỂN LÃM - QUAN ĐIỂM- DỰ ÁN
Tết Chol Chnam Thmay của người Khmer
(Ngày đăng: 23/04/2014   Lượt xem: 448)
Cũng như Tết cổ truyền của các dân tộc khác, Chol Chnam Thmay của đồng bào dân tộc Khmer Nam Bộ tuy có cùng ý nghĩa, nhưng lại được tổ chức với vài tập tục khác biệt theo bản sắc văn hóa của đồng bào Khmer và mọi sinh hoạt trong lễ hội đều diễn ra tại chùa.


Lễ rước đại lịch

Trong đêm giao thừa, mọi nhà đốt đèn, thắp hương, làm lễ đưa Têvôđa năm cũ và rước Têvôđa năm mới, bởi người Khmer Nam Bộ tin rằng, Têvôđa là một vị tiên được trời sai xuống trần gian chăm lo cho dân chúng trong một năm; hết năm đó, trời lại sai một vị khác xuống làm thay công việc chăm lo cho dân. Hiện nay, vẫn còn một số gia đình đưa con trai vào chùa kính Phật, làm lễ quy y đúng vào đêm giao thừa. Theo quan niệm của họ, đây là giờ lành tháng tốt, là giờ khắc tốt nhất trong năm, nên việc xuất gia tu hành gặp nhiều điều tốt đẹp cho bản thân người con mà còn cho cả gia đình.

Sáng sớm ngày thứ nhất (Sang Kran Thmei), người ta chọn một giờ tốt (thường là lúc 7 giờ sáng, 5 giờ chiều hay 12 giờ khuya, tùy theo năm) để tắm gội sạch sẽ, mặc quần áo đẹp, mang lễ vật, nhang đèn vào chùa làm lễ rước lịch Maha Sangkran. Một vị Acha (thường là vị Sư cả ở chùa) điều khiển mọi người đứng xếp hàng rồi đi quanh chính điện, vừa đi vừa tụng kinh mừng năm mới. Ban đêm, những người lớn tuổi tụ họp trong giảng đường nghe sư thuyết pháp, còn thanh niên nam nữ thì tham gia các trò chơi dân gian, hát dù-kê, rô-băm, múa lăm-thôn... tại sân chùa.



 Chư Đức Tăng cùng đông đảo phật tử dự lễ tắm Phật tại chùa Chantarangsay (Q.3, TP. Hồ Chí Minh) trong chuỗi lễ hội Tết cổ truyền Chol Chnam Thmay


Phúc duyên đắp núi cát

Theo tục lệ, ngày tết thứ hai (Won bơf), các tín đồ đi chùa lạy Phật và dâng cơm cúng dường các nhà sư, gọi là Ween chong ham. Trước khi thọ bát, các sư tụng kinh cầu phúc cho những người đã đem thức ăn cúng dường, đồng thời làm động tác ban thức ăn cho những oan hồn uổng tử. Buổi chiều, tiến hành lễ đắp núi cát (Puôn phnum khsach) trước sân chùa. Đây là một tập tục lưu truyền theo sự tích về một người làm nghề săn bắn đã giết rất nhiều muông thú. Về già, ông luôn ám ảnh bởi những loài thú mà ông đã săn bắn, chúng lúc nào cũng đòi mạng ông. Ông được các nhà sư hướng dẫn cách đắp núi cát để tích phước. Ông bảo các loài chim muông nếu muốn đòi nợ thì hãy đem đi hết những hạt cát mà ông đã đắp, nhưng các loài muông thú bất lực, đành kéo nhau đi, từ đó ông thợ săn già cố gắng tích đức cho đến một ngày ông về với cõi Phật.

Theo sự hướng dẫn của các vị Acha, người ta lấy cát sạch đắp 9 ngọn núi nhỏ, gồm 8 ngọn ở 8 hướng và 1 ngọn ở chính giữa. Ngọn chính giữa tượng trưng cho trung tâm trái đất, các ngọn còn lại tượng trưng cho bốn phương, tám hướng của vũ trụ. Đắp núi xong, người ta dùng tre (hoặc vật liệu khác) rào quanh 9 ngọn núi này. Tiếp theo là đến phần lễ quy y cho núi, đến ngày hôm sau thì làm lễ xuất thể. Tất cả các nghi lễ này đến ngày nay vẫn được gìn giữ. Tục đắp núi cát có ý nghĩa ngăn trở ma quỷ và những điều xấu, đồng thời nhắc nhở mọi người nên tích phúc để ngày một cao vời, lớn lao như núi và lan dần khắp bốn phương, tám hướng.

Lễ tắm tượng Phật

Lễ tắm tượng Phật được tiến hành vào ngày thứ ba (Lơm Săk), sau khi dâng cơm sáng và trưa cho các vị sư. Người ta dùng nước sạch thả vào đó những bông hoa có mùi thơm, rồi dùng những nhánh hoa nhúng vào vẩy lên tượng Phật, sau đó tắm cho các vị sư cao niên, các ngôi tháp đựng hài cốt các nhà sư đã viên tịch, các nghĩa trang... Đây là một nghi lễ rất quan trọng đối với đồng bào Khmer Nam Bộ vì họ tin rằng sẽ được Phật tha thứ cho những lỗi lầm thiếu sót trong năm cũ, gọi là lễ Khamatôs, giống lễ sám hối của Phật giáo Đại thừa; ban nhiều sức khỏe, làm ăn trúng mùa, ý nguyện được thành, xóm làng yên ổn, tai qua nạn khỏi... trong năm mới.

Trước kia, trong những ngày Tết còn có lễ té nước vào người lớn tuổi lấy may - giống như lễ Song Kran ở Thái Lan. Nhưng nay người ta thay vào đó là dùng nước sạch ngâm bông hoa có mùi thơm thấm vào quần áo, đồ dùng của ông bà, cha mẹ như một lời cầu chúc may mắn đầu năm. Thực ra lễ Té nước này phản ánh tín ngưỡng cầu mưa của cư dân nông nghiệp cổ xưa nhưng đã được biến thành một lời chúc đầu năm với nhiều ý nghĩa văn hóa cao đẹp.

Chol Chnam Thmay là ngày Tết cổ truyền của đồng bào dân tộc Khmer Nam Bộ, là nét văn hóa độc đáo bên cạnh nét văn hóa đặc sắc của các dân tộc anh em khác, góp phần làm giàu thêm bản sắc văn hóa của 54 dân tộc Việt Nam.

Trong những ngày Tết, các trò vui dân gian: Kéo co, đá cầu, ném banh, đấu khăn, rồng rắn, múa hát... diễn ra rất vui vẻ trước sân chùa, cũng như trong từng xóm ấp. Ngày Tết ngoài tính cách vui chơi, giải trí và biểu diễn nghệ thuật, còn mang ý nghĩa phồn thịnh, mùa màng phong đăng, hoà cốc.

(Theo Làng Việt)

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

3
Đang xem:
72.408.103
Tổng truy cập: