Người dân trong làng Bố Liêu không biết chính xác nghề chằm nón lá có từ khi nào, chỉ truyền tai nhau nghề này có cách nay hơn trăm năm. Dù là nghề phụ nhưng chằm nón cũng giúp người dân có thêm thu nhập và cải thiện cuộc sống. Năm 2015, UBND tỉnh Quảng Trị đã công nhận nghề làm nón lá ở Bố Liêu là một trong 14 nghề truyền thống, làng nghề truyền thống của tỉnh.
Đi dọc con đường trong làng có thể bắt gặp hình ảnh những phụ nữ đang ngồi cạnh cửa chính của ngôi nhà để chằm nón. Ảnh: Vỹ Khương
Nguyên liệu quan trọng nhất của quá trình làm nón là những chiếc lá cọ tươi, được người dân làng Bố Liêu nhập về từ thị trấn Ba Lòng, cách làng hơn 70km. Ảnh: Vỹ Khương
Lá mua về được người thợ cắt nhỏ, sau đó sắp xếp thành những búi lá rồi đem đi phơi khô. Tiếp theo, người thợ dùng lá đã phơi khô đem hơ trên nồi than nóng, bóc tách và ủi nhiều lần cho phẳng và láng. Ảnh: Vỹ Khương
Sau khi có được chiếc lá khô, để làm ra chiếc nón, theo chị Nguyễn Thị Hằng (thôn Bố Liêu, xã Triệu Hòa), phải trải qua 4 công đoạn chính gồm: khoanh vần, xây, chằm và nức tiến. Trong ảnh là công đoạn khoanh vần. Ảnh: Vỹ Khương
Bước tiếp theo để hoàn thành một chiếc nón lá là công đoạn xây. Ảnh: Vỹ Khương
Lá cọ sẽ lắp vào khuôn và được xếp thành ba lớp. Lá non lại được chia thành lá đực (sần sùi) dùng làm lớp trong cùng của nón, lớp lá già được xếp ở giữa để tăng độ cứng cáp và bền chắc cho nón và cuối cùng là lớp lá cái (bóng nhẵn) dùng xếp ngoài cùng. Ảnh: Vỹ Khương
Từng lá cái được xếp vào khuôn. Ảnh: Vỹ Khương
Sau khi xây, người thợ tiến hành công đoạn chằm. Những chiếc lá được sắp xếp vào ở quá trình xây sẽ được bấm và khâu lại. Ảnh: Vỹ Khương
”Mỗi ngày, chúng tôi hoàn thành được 2 đến 3 chiếc nón lá, mỗi chiếc bán ra từ 60.000 đến 90.000 đồng, con số này chưa trừ tiền mua nguyên liệu. Tiền thu về không nhiều, nên số người làm nghề này giờ cũng không còn nhiều", chị Nguyễn Thị Lệ (thôn Bố Liêu, xã Triệu Hòa) cho hay. Ảnh: Vỹ Khương
Bước cuối cùng của quá trình làm nón lá là nức tiến. Ở bước này, người thợ cắt bỏ những phần thừa và sửa lại những chi tiết lỗi để hoàn thiện chiếc nón.
Trải qua hơn 20 năm với nghề, bà Nguyễn Thị Liễu (thôn Bố Liêu, xã Triệu Hòa) tâm sự, so với trước đây, nghề làm nón bây giờ khó khăn hơn nhiều, số người làm nghề này cũng không còn đông như trước. Theo bà Liễu "nghề làm nón này phù hợp với tuổi của mình, thêm nữa có thể làm lúc nông nhàn, đôi khi còn mang lại niềm vui khi có người xứ lạ đến mua và dành tặng lời khen cho chiếc nón mình làm ra".