KIẾN TRÚC VIỆT TRUYỀN THỐNG (Traditional Vietnamese architecture)
Bài học về phát triển hài hòa
(Ngày đăng: 03/05/2023   Lượt xem: 91)

Bản sắc văn hóa, trong đó có nghệ thuật kiến trúc, không phải là khái niệm bất biến. Bài học về sự kết hợp hài hòa giữa những tiến bộ của kiến trúc thế giới với các giá trị dân tộc vẫn nguyên giá trị tham khảo.

Tính hiện đại và căn tính văn hóa

Đi giữa hai dòng chảy văn hóa truyền thống và hiện đại không phải là điều dễ dàng, nhưng kiến trúc buộc phải thích nghi để định hình giá trị trong bối cảnh đất nước hội nhập ngày càng sâu rộng. Con đường ấy chính là sự kết hợp hài hòa giữa tiến bộ của nền kiến trúc thế giới đương thời với các giá trị bản địa.

KTS. Phạm Phú Cường, Trường Đại học Kiến trúc TP. Hồ Chí Minh đã có nghiên cứu về tiến trình phát triển kiến trúc hiện đại miền Nam giai đoạn 1954 - 1986, với sự phát triển của hoạt động kiến trúc và xây dựng tại Sài Gòn (TP. Hồ Chí Minh), Đà Nẵng, Đà Lạt, Cần Thơ. Ông nhận định kiến trúc giai đoạn này đã đóng góp thành tựu nổi bật cho nền kiến trúc nước nhà, cũng như cho cái nhìn về phát triển kiến trúc.
Bài 3: Bài học về phát triển hài hòa -0
Vẻ đẹp độc đáo của Trường Trung học Kiểu mẫu Huế, xây dựng năm 1964, nay là Trường Đại học Sư phạm Huế - Nguồn: Zingnews.vn

Đó là cuộc bứt phá khỏi ảnh hưởng phong cách cổ điển phương Tây đã tồn tại gần một thế kỷ tại Việt Nam, tiếp thu các nguyên tắc của chủ nghĩa hiện đại thế giới đang thịnh hành nhưng có sáng tạo để phù hợp với điều kiện khí hậu nhiệt đới và hơn hết là chọn lọc, chuyển tải yếu tố truyền thống vào các công trình hiện đại.

Các đặc điểm đó xuất hiện và đan cài trong nhiều loại hình công trình, từ trụ sở hành chính, trường học, tôn giáo, bệnh viện, công trình văn hóa cho đến nhà ở. Nhiều tác phẩm kiến trúc ở giai đoạn này tiệm cận với trình độ kiến trúc hiện đại thế giới, nhưng đồng thời cũng thể hiện tài hoa và căn tính văn hóa trong sáng tác của kiến trúc sư.

“Phương thức đó có sự đóng góp chủ yếu của nhiều kiến trúc sư tài danh người Việt được đào tạo từ phương Tây và ngay trong nước. Bài học về sự kết hợp hài hòa giữa những tiến bộ của kiến trúc thế giới đương thời với các giá trị bản địa, dân tộc vẫn nguyên giá trị tham khảo trong công cuộc tìm kiếm, tạo dựng một nền kiến trúc hiện đại, giàu bản sắc của Việt Nam hôm nay”, KTS. Phạm Phú Cường nhấn mạnh.

Kế thừa và tiếp nhận

“Trong nghệ thuật, cái đẹp đặc thù và cái đẹp phổ biến không có sự đối nghịch, cũng như giữa truyền thống và hiện đại, dân tộc và nhân loại không có mâu thuẫn gay gắt nào cả”. Nhận định như vậy, KTS. Lê Hữu Trúc, Hội Kiến trúc sư Việt Nam, cho rằng, một công trình kiến trúc hiện đại hoàn toàn có thể chứa đựng những yếu tố truyền thống, trong cách tổ chức không gian, trong quan niệm về hình khối, hay trong kỹ thuật xây dựng để thích ứng với điều kiện cụ thể ở từng nơi.

“Đó là quy luật biện chứng của sự kế thừa và tiếp nhận, của sự chuyển tiếp từ quan niệm truyền thống đến quan niệm hiện đại. Xem như vậy, thì dù không được đặt ra như là một tiêu chuẩn, thì việc tiếp nhận truyền thống cần được hiểu theo một cách nhìn mới. Truyền thống được kế thừa và tiếp nhận phải hàm chứa được nhiều yếu tố thích ứng và hiện đại, những yếu tố cần thiết cho một nền kiến trúc mới của dân tộc”, KTS. Lê Hữu Trúc nhận định.
Bài 3: Bài học về phát triển hài hòa -0
Bảo tàng Gốm Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội, là công trình kết hợp hài hòa giữa yếu tố truyền thống và hiện đại - Nguồn: 112.com.vn

“Không phải cứ đầu tư nhiều tiền, nhiều công sức để phá cũ làm mới là tốt. Nhiều khi giữ lại cái cũ, sử dụng chúng một cách hiệu quả, không tốn công phá, không cần xây dựng mới lại là giải pháp tối ưu, sáng tạo. Bởi thế, với cách tiếp cận kiến trúc, ta cần thay đổi góc nhìn cái gì phải/nên/có thể giữ lại; thế nào là hài hòa giữa khu vực phát triển mới và làng cũ hiện hữu, giữa tổ chức không gian hiện đại với kiến trúc cảnh quan làng xã truyền thống, giữa phát triển cơ sở sản xuất ngành nghề, khu dân cư, khu giãn dân với khai thác sử dụng hợp lý các công trình hành chính, văn hóa, tâm linh cũ…”.

TSKH. Bạch Quốc Khang, Cố vấn BCN Chương trình KHCN phục vụ xây dựng Nông thôn mới 2016 - 2022

Đời sống phát triển, nhu cầu về nơi chốn kể cả ở thành thị hay nông thôn cũng có nhiều thay đổi. Trong bối cảnh đó, giữ gìn bản sắc kiến trúc không thể tuyệt đối hóa theo một xu hướng cụ thể mà cần phải linh hoạt, cởi mở. KTS. Nguyễn Trường Lưu, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP. Hồ Chí Minh nhìn nhận, dường như việc xây nhà cao tầng ở khu trung tâm thành phố hiện nay nhiều lúc tạo ra cảm nhận lo sợ nhà cao tầng phá đi bản sắc, cái hồn, nhất là những đô thị cổ.

Nhưng chúng ta vẫn phải thừa nhận, nhà cao tầng là xu thế tất yếu của một thành phố hiện đại, văn minh. Cái hay, cái được của nhà cao tầng cần được phát huy hơn nữa. Cái chưa được thì cần nghiên cứu thêm, trên cơ sở khoa học của quy hoạch và thiết kế đô thị, để từ đó định hướng và hoàn thiện dần cho việc xây dựng nhà cao tầng trong các khu vực trung tâm.

“Trên thế giới, nhiều khi mở rộng khu trung tâm đô thị mới, người ta vẫn cho chỉnh trang, xây dựng và phát triển các khu trung tâm đô thị cũ. Thực tế, việc chỉnh trang khu trung tâm đô thị cũ nếu được nghiên cứu kết hợp không gian giữa kiến trúc hiện hữu với kiến trúc cao tầng hiện đại một cách hài hòa, thì bao giờ ở những khu này về không gian kiến trúc cũng đẹp hơn một khu trung tâm hoàn toàn mới. Vì ở đó, không gian có sự tương phản về kiến trúc và lịch sử; ở đấy, không gian kiến trúc có màu thời gian”, KTS. Nguyễn Trường Lưu nói.

                                       Theo:  daibieunhandan.vn
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

8
Đang xem:
72.462.580
Tổng truy cập: