KIẾN TRÚC VIỆT TRUYỀN THỐNG (Traditional Vietnamese architecture)
Vang bóng một thời nhà Vương của người Mông
(Ngày đăng: 02/02/2018   Lượt xem: 599)
Nằm cạnh quốc lộ 4C, giữa thung lũng Sà Phìn, địa điểm mà cụ Vương Chính Đức, vị vua Mèo hùng bá một thời cất công sang tận Trung Quốc mời thầy phòng thủy về xem hết thế đất của 4 huyện Yên Minh, Quản Bạ, Đồng Văn, Mèo Vạc để chọn nơi dựng nhà. Dinh thự họ Vương (nhà Vương) đã trải qua ngót trăm năm nhưng với sự công phu trong xây dựng, nó vẫn còn tồn tại và là điểm đến hấp dẫn khách du lịch cho đến tận ngày nay. Trong từng cái cột nhà, từng bức tường trình đất, từng viên ngói… là từng câu chuyện thổn thức của chính người H’mông mà không mấy du khách qua đây từng hiểu?

Cổng chính khu dinh thự

Nằm trên thế đất mai rùa với bốn mặt là núi cao, rất thuận lợi trong việc phòng thủ, công trình cũng được xây dựng theo lối kiến trúc phòng thủ đặc trưng của người H’mông. Tuy nhiên, dưới bàn tay của những người thợ Trung Hoa và sau này việc Pháp đặt chân lên đến đây, công trình đã có sự hòa trộn giữa kiến trúc truyền thống H’Mông, quy cách nhà người Hán đậm nét và một chút đường nét của người Pháp.

Cổng vào dinh

Sân trong

“con quạ không có chỗ đậu

Người Mông không có quê hương”

Câu ca dao H’mông đượm buồn trên đã ám ảnh trong lòng biết bao thế hệ người Mông từ xưa. Trong điều kiện kinh tế - xã hội hiện tại, nó đã dần nhòa đi, nhưng những người H’mông ở đây vẫn luôn nhớ về lịch sử của mình, lịch sử bị người Hán xua đuổi và phải lùi dần xuống phía Nam cho đến khi định cư được trên những sườn núi đá tai Mèo ở Hà Giang. Bởi vậy mà trong mỗi người H’Mông luôn có một thứ mà như nhà nghiên cứu H’Mông Nguyễn Mạnh Tiến gọi là “ám ảnh Hán”. Sự ám ảnh ấy không phải toàn điều xấu, trong cái nỗi ám ảnh bị xua đuổi, ám ảnh của nỗi sợ còn là những suy nghĩ mong được như người Hán. Cũng giống như khởi nguyên của loài người, khi quá sợ, con người chuyển sang thờ và cầu mong ở thần sấm, thần sông… Và dinh thự họ Vương không nằm ngoài sự ám ảnh ấy, do chính những người thợ Trung Hoa làm và lỗi kiến trúc cũng mang đậm đặc ảnh hưởng của người Hán. Nhà bao gồm tiền, trung và hậu dinh với  khoảng sân trong đặc trưng kiến trúc truyền thống Trung Hoa.

Bao quanh toan bộ dinh là bức tường dày đến 80cm và cao gần 3m với một lối vào từ phía cổng chính, hai bên lối vào là 2 hàng sa mộc cao lớn, uy nghi như 2 hàng lính canh giữ ngày đêm.

Với 9 năm ròng rã xây dựng, toàn bộ tòa dinh khi mới hoàn thành được làm bằng gỗ thông đá, pơ mu, đá xanh và một ít sắt thép, tuy nhiên sau khi nhà nước quản lý và tu bổ, do những loại gỗ trên thuộc dạng quý hiếm và khó tìm thay thế, một số các hạng mục đã được thay đổi bằng loại gỗ khác với nguyên bản.

Những năm phong kiến, 4 huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc vẫn được coi như một phiên bang xa xôi mà triều đình gần như chỉ cai quản trên danh nghĩa và nhận cống thuế hằng năm, còn mọi quyết định và quyền lực của vua Mèo trong vùng vẫn gần như là tuyệt đối. Với quyền lực về cả tài chính và chính trị trên vùng đất này, dinh họ Vương quả thực đã thể hiện được cái uy thế và quyền lực của mình, trước hết là chi phí cho xây dựng mà nếu quy đổi ra tỷ giá hiện tại có thể lên đến cả hàng trăm tỉ đồng. Mỗi chiếc chân cột có thể nhìn khá đơn sơ nhưng không mấy ai biết rằng nó được đặt từ tận Trung Hoa và khi đưa về đây để kê cột nhà thì mỗi tảng đá ấy đều được cọ bạc để đánh bóng, và để hoàn thành việc đánh bóng ánh bạc thì mỗi chân cột mất đến 900 đồng bạc Đông Dương, tương đương với cả tỷ đồng nếu quy đổi tỷ giá hiện tại.

Chòi canh

Mái dinh

Ngói âm dương được sử dụng ở đây

Mái ngói được sử dụng ở đây là mái ngói âm dương được nung bằng đất, qua cả thế kỷ nắng mưa, nhưng viên ngói hầu hết đã ngả màu thời gian và có chút u tịch như chính sự thăng trầm của lịch sử dòng họ quyền quý này.

Cũng với những mô típ có ảnh hưởng đậm đặc từ kiến trúc người Hán điển hình vẫn điểm lên những màu sắc truyền thống của người H’Mông như các vách tường trong nhà vẫn được trình tường đất và quét vôi trắng, các bậc đá trong nhà đều do chính tay những người thợ H’Mông đẽo ra và vận chuyển từ cách đấy gần chục cây số để đưa về đây xây dựng. Loại gỗ được dùng chủ yếu vẫn là thông đá, loại cây chỉ mọc trên núi đá cao mà theo lời người dân ở đây thì cả ngàn năm mới đủ để làm cái cột nhà. Đây là loại gỗ gần như mặc định chỉ được dùng cho những nhà quyền quý và ngày nay thì gần như đã không còn để khai thác.

Khi người Pháp bắt đầu đặt chân đến đây, sự giao thoa cũng đã diễn ra bên trong các chi tiết kiến trúc trong dinh mà biểu hiện rõ nhất chính là hai hàng lan can bằng thép phía trên hiên của hậu đường, nơi vua Mèo dùng để tiếp khách và họp bàn các chuyện quan trọng.

Sự giao thoa giữa 3 luồng văn hóa, bậc đá của người H’Mông, chạm gỗ của người Trung Hoa và lan can sắt của người Pháp

Trải qua bao nắng mưa, bao thăng trầm và biến cố lịch sử, nhà Vương vẫn vững vàng trên đồi mai rùa trong thung lũng Sả Phìn như cách đây ngót trăm năm khi nó mới được xây dựng. Chỉ khác đi chút ít khi nó mang thêm vẻ u tịch khi vắng bóng người nhà, những hậu duệ của Vua Mèo giờ đã định cư ở nhiều nơi khác nhau, có nhánh ở Hà Nội, Sài Gòn, lại có nhánh ở tận nước Mỹ, Canada xa xôi. Nhưng bên ngoài dinh vẫn còn một nhánh hậu duệ mà chính trong nhánh ấy có một người cháu gái 4 đời của Vua Mèo, giờ đã trở thành hướng dẫn viên cho chính ngôi nhà mà cô lớn lên.

Sân trong mang nét u tịch

Sự huy hoàng vang bóng một thời đã xa, những quyền lực đã dần chìm vào dĩ vãng, nhưng sự uy nghi trên tứng bức tường, từng cây cột, từng phiến đá… thì vẫn sẽ còn đó, vững chãi như chính những mỏm đá tai mèo sắc nhọn trên vùng cao nguyên đá, chỉ khác nó mang trong mình một chút đượm buồn như tiếc nuối một thời uy quyền giờ đã khuất bóng, đượm buồn như chính trong những câu ca dao của người H’Mông:

Loài cá sống dưới nước

Loài chim bay trên trời

Người Mèo sống ở núi

                                                                                           Theo: songmoi.vn

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

14
Đang xem:
72.465.230
Tổng truy cập: