TRANG PHỤC TRUYỀN THỐNG - THỜI TRANG VIỆT
Những tranh luận khi phục dựng trang phục truyền thống để quảng bá văn hóa Việt
(Ngày đăng: 29/01/2018   Lượt xem: 1131)
Một thời gian ngắn sau buổi lễ ra mắt dự án “Dệt nên triều đại” nhằm tái hiện trang phục cung đình các triều đại phong kiến Việt Nam của Trung tâm văn hóa Việt Nam (Vietnam Centre), được thực hiện bởi những người trẻ sống xa xứ đã gặp nhiều ý kiến tranh cãi trái chiều.

Chưa rõ bóng dáng Việt

Theo đó, từ buổi lễ ra mắt “Dệt nên triều đại” tại Hà Nội cuối tháng 12 -2017, với những mẫu trang phục cung đình được tái hiện dưới triều đại Lê sơ thế kỷ 15 qua show trình diễn do Vietnam Centre tổ chức, bên cạnh việc truyền cảm hứng cho khán giả khi được sống cùng lịch sử thì các mẫu trang phục còn vấp phải nhiều ý kiến trái chiều.

Cụ thể, về màu sắc, hoa văn, họa tiết chưa mang sắc thái của các bộ trang phục truyền thống Việt. Theo nhà sưu tầm mỹ thuật Nguyễn Thị Thu Hòa, màu sắc áo của Việt Nam có độ thâm trầm, còn các mẫu quần áo của vua chúa và hoàng hậu được phục dựng lại có màu giống như trang phục cung đình Hàn Quốc. Hơn nữa, kiểu dáng chưa cân đối. Tay áo của hoàng hậu lại dài hơn tay áo của vua, gây sự bất đối xứng.

Nữ đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp băn khoăn khi khó chấp nhận những mẫu trang phục này nếu không được cung cấp phông nền kiến thức về quần áo.

Khán giả từng xem show trình diễn “Dệt nên triều đại” nêu ý kiến: “Hình thức thì dường như giống một số tư liệu nói về trang phục triều Lê. Kiểu dáng thì không bàn, nhưng chất liệu thì dân dã và sân khấu lắm! Các bạn cần vận động tài trợ kinh phí, tìm đến các nghệ nhân và làng nghề xưa để có được vải lụa cung đình và nghề thêu cung đình mới làm đúng áo mão của hoàng cung”.

Lý giải về tạo dáng và màu sắc các mẫu trang phục bị cho là chưa thuyết phục, Nguyễn Đức Lộc, Chủ nhiệm CLB trang phục của nhóm Đình làng Việt cho hay: Do kinh phí thực hiện eo hẹp nên nhóm đã quyết định sử dụng sa của Hàn Quốc (loại vải cao cấp) để phỏng dựng. Nhóm cũng đã khảo sát những nơi dệt, nhuộm vải cổ tại La Khê, nhưng tại đây không còn sản xuất loại vải dùng cho vua chúa giống như trong sách sử miêu tả. Còn nếu đặt thợ thủ công làm riêng cho dự án, giá thành sẽ không dừng lại ở 70-80 triệu đồng/bộ. Cũng có thể vì điều này đã làm nhiều người lầm tưởng, nhóm đang phục dựng trang phục cung đình Hàn Quốc.

Ở góc độ chuyên môn, nhà nghiên cứu Trần Quang Đức lý giải, triều đình Việt Nam thời Lý, Trần, Hồ, các vua đều xưng hoàng đế song song với triều đình Trung Quốc, tính chất lễ nghi đều ngang hàng. Do đó, vua Trung mặc áo vàng thì vua ta cũng mặc áo vàng. Tuy nhiên, sau 10 năm kháng chiến chống Minh, văn hóa Đại Việt từ thời Trần, thời Hồ trước đó bị hủy hoại.

Sau khi tái thiết đất nước, trang phục Lê sơ thời kỳ đầu rơi vào tình trạng không còn ai giữ trang phục thời trước thì mặc, còn nhớ tục xưa thì duy trì. Nguyễn Trãi được giao trách nhiệm lập quy chế về lễ nhạc, nghi lễ, trang phục. Ông và thái giám Lương Đăng đã quyết định du nhập một phần áo mão, lễ nhạc của triều đình nhà Minh. Trang phục Hàn Quốc chịu ảnh hưởng khoảng 70-80% trang phục nhà Minh.

Chị Lê Ngọc Linh – thành viên sáng lập Vietnam Centre cho biết, hiện tại trang phục chỉ dừng lại ở mức độ mô phỏng. Chẳng hạn, vẫn may tím là tím, đỏ là đỏ, nhưng trang phục cũ tím ở sắc độ nào, chất liệu ra sao thì chưa làm được do thiếu kinh phí.

nhung tranh luan khi phuc dung trang phuc truyen thong de quang ba van hoa viet
Tái hiện nghi lễ sắc phong Hoàng Thái Hậu thời Lê sơ. ẢNH: VI GIÁNG

Hướng tới quảng bá văn hóa Việt

Dự án “Dệt nên triều đại” là dự án nhằm quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới qua những sản phẩm cụ thể như: trang phục, phim ảnh, truyện, show diễn,.... nhóm bạn trẻ gồm: Nguyễn Anh Vũ (Chủ tịch của nhóm Văn hóa Việt Nam của khối sinh viên Việt Nam tại ĐH New South Wales (Sydney, Australia); Nguyễn Ngọc Phương Đông (kỹ sư môi trường) và nhà văn, biên kịch Lê Ngọc Linh hiện đang sinh sống và học tập tại Australia đã dành tâm huyết và tự bỏ tiền túi để dựng lại trang phục cổ. Họ hướng tới việc hỗ trợ làm trang phục cho điện ảnh và du lịch.

Chia sẻ về ý tưởng thành lập, Lê Ngọc Linh cho biết: Khi ra nước ngoài, tôi cảm nhận rất rõ khát khao hướng về cội nguồn. Chứng kiến cộng đồng người Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản,… có những lễ hội, sự kiện văn hóa ý nghĩa, chúng tôi nảy ý tưởng truyền cảm hứng rộng hơn về văn hóa, lịch sử Việt Nam. Tháng 3-2017, Vietnam Centre ra đời với mục tiêu quảng bá văn hóa Việt ra thế giới.

Để thực hiện dự án, nhóm đã nỗ lực vượt qua khó khăn về kinh phí, nhân lực và vật lực. Phần họa tiết, hoa văn được phỏng dựng dựa trên nghiên cứu có uy tín “Ngàn năm áo mũ” của học giả Trần Quang Đức, các hiện vật như áo giao lĩnh của đại tư đồ Nguyễn Bá Khánh lưu trữ ở bảo tàng Hưng Yên, các tranh tượng tại các di tích đình chùa, bảo tàng và so sánh đối chiếu với các nước cùng văn hóa, cùng thời đại. Phần nghi lễ được tái hiện dựa trên ghi chép về lễ sắc phong Hoàng Thái Hậu trong Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí của Phan Huy Chú.

Thời gian tới, Vietnam Centre sẽ mang “Dệt nên triều đại” giới thiệu tại Úc và nhiều TP khác trên thế giới. Nhóm còn kế hoạch tái hiện trang phục thời Lý, Trần, Nguyễn, lễ đăng cơ của Hoàng đế, lễ tế Nam Giao,…

Lý do việc bắt đầu chọn trang phục Lê sơ thế kỷ 15 mà không phải là các triều đại trước đó như thời Đinh, Lê Ngọc Linh cho hay: Trong khi tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy hai triều Lê và Nguyễn là hai triều còn tồn tại khá nhiều tư liệu sống, như tượng đá, hiện vật trong bảo tàng, tư liệu văn bản… Còn chọn lựa trang phục cung đình để ra mắt dự án là việc khi nhìn vào một bộ trang phục, ta thấy đấy là một bộ trang phục. Nhưng đối với người có đam mê nghiên cứu, hay yêu thích lịch sử văn hóa dân tộc, họ thấy nhiều hơn: họ nhìn thấy giai đoạn lịch sử, nhìn thấy thói quen sinh hoạt của ông cha, thấy khí hậu thời tiết của giai đoạn đó như thế nào, thấy phong tục tập quán...

Đồng hành với dự án “Dệt nên triều đại”, nhà nghiên cứu Trần Quang Đức cho rằng, văn hóa Việt Nam không chỉ là văn hóa nông dân mà còn có văn hóa cung đình, dù sau nhiều năm chiến tranh, văn hóa cung đình phôi phai nhiều. Vậy nên việc làm của các bạn Vietnam Centre rất đáng trân trọng. Nhưng các bạn chỉ tái hiện nên không thể đúng tuyệt đối như lịch sử. Cần có sự quan tâm với những dự án ý nghĩa như thế, cũng như với phim ảnh Việt Nam về đề tài lịch sử, văn hóa, trang phục, lễ nghi xưa.

Không phủ nhận, hiện nay người trẻ hướng về nguồn cội là định hướng văn minh, cần được lan tỏa. Tuy nhiên, việc người trẻ độc lập tự phục dựng lại trang phục truyền thống sẽ khiến cho những phóng tác có sự “xê dịch” ít nhiều. Do hạn chế về tư liệu, vốn cổ, cùng với nguồn kinh phí hạn hẹp, những bộ trang phục chỉ mang đến cảm hứng cho công chúng khi được sống cùng lịch sử. Dự án còn nhiều điểm trừ, nhưng với sự tâm huyết và cống hiến của những người trẻ sống xa xứ đã nhân lên một ý nghĩa nhân văn tích cực. Một dự án cộng đồng cần được quan tâm và lan tỏa.

                                                                                      Theo:  phapluatxahoi.vn

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

46
Đang xem:
72.466.193
Tổng truy cập: