TRANG PHỤC TRUYỀN THỐNG - THỜI TRANG VIỆT
"Áo dài không thể đẹp một vẻ đẹp bạo lực"
(Ngày đăng: 18/07/2014   Lượt xem: 768)
 Hơn 20 năm gắn bó với chiếc áo dài, đem chiếc áo hồn phách dân tộc đến bạn bè quốc tế, với nhà thiết kế Minh Hạnh áo dài không chỉ là nguồn cảm hứng thiết kế mà chính là đời sống của bà.


Ảnh: nhà thiết kế Minh Hạnh cung cấp

Bạn đọc cũng có thể gửi bài viết, cảm nhận về chiếc áo dài đến địa chỉ mail aodai@tuoitre.com.vn hoặc trang web http://aodai.tuoitre.vn.

Trốn trong tủ cắt vạt áo dài

Sự rung động của tôi với áo dài được khơi nguồn từ mẹ. Tầm lớp 1, bắt đầu biết thế nào là đẹp, thấy mẹ mặc áo dài tôi quá thích. Đó là những năm 1960, mẹ mặc áo dài lụa cổ cao, chít eo, tà dài là lượt. Đi phố mẹ mặc áo dài, đi chợ cũng mặc. Điều đó khiến tôi xúc động, tôi tự nhủ phải may bằng được áo dài cho búp bê của mình.

Nhưng vải đâu mà may? Mà phải là vải áo dài đẹp - vải lụa như của mẹ mới được. Tôi chui vào tủ áo dài, đóng cửa trốn. Con búp bê cao ba tấc, tôi chỉ cần ngần ấy vải. Tôi cắt bớt cái vạt. Nhưng ngồi ở đáy tủ, con bé tôi có phân biệt được vạt nào trước, vạt nào sau. Vậy là cái xén trước, cái xén sau và... xóa dấu tích bằng cách lên lai tại chỗ.

Cái áo dài búp bê may xong quá đẹp, nhưng tôi bị những tà áo dài ngắn lem nhem tố cáo. Mẹ tôi phải nói là “không còn gì để nói” với con gái mình nữa. Tôi sợ chết khiếp, nhưng vẫn tiếp tục làm. Mẹ tôi người Huế vốn cực kỳ khó tính. Bầy con gái sáu chị em tôi phạm chút lỗi mọn đã bị mắng kinh khủng. Vậy mà với cái tội tày đình cắt áo dài (trong đó có cả những chiếc rất quý, rất đắt tiền do ba gửi vải từ nước ngoài về), mẹ lại la nhè nhẹ, mắng qua loa. Bởi bị mắng nhẹ nên cái đứa lì lợm là tôi được nước làm tới. Hết cách, để cứu vãn tủ áo, mẹ đưa tôi hẳn một chiếc áo dài để thoải mái cắt.

Nhà thiết kế Minh Hạnh - Ảnh: Thanh Đạm

"Cái hồn áo dài đến tận cùng vẫn là vẻ thanh thoát, tự nhiên, cái đẹp của “vai em gầy guộc nhỏ”. Áo dài không thể đẹp một vẻ đẹp bạo lực!"

Nhà thiết kế Minh Hạnh

Sau đó, mẹ bắt đầu dạy bầy con gái cách may áo dài.

Bây giờ nghĩ lại, việc mẹ thường xuyên mặc áo dài, chăm chút vẻ đẹp áo dài đã vô tình là hình thức giáo dục thẩm mỹ rất trực quan cho chị em tôi, bước đầu hình thành trong tôi cái nhìn về trang phục.

Lên lớp 6, ngoài niềm vui đậu ngôi trường nữ trung học danh giá nhất Đà Nẵng thời điểm đó, trong tôi có niềm tự hào khác là được mặc áo dài. Ba mẹ hỏi muốn thưởng gì, tôi nói muốn tự may áo dài và vòi được chở tới tiệm lụa để tự lựa vải.

Thời tiểu học tôi cũng thường ngẩn ngơ nhìn mấy chị trung học sao mà đẹp. Lúc đó đến thời của áo dài híppi, loại áo dài tà ngắn. Chúng bay bay sống động vô cùng. Khi được tự may, tôi đã may kiểu híppi tà ngắn ấy. Tính nghịch ngợm nên tôi may thuôn rộng cho dễ cử động. Tôi chế kiểu cổ tròn. Bước vào trường trung học, tôi rất thỏa mãn và hãnh diện với chiếc áo dài tự tay may lấy.

Tôi nhận thấy màu trắng giúp nữ sinh ý tứ trong mỗi cử chỉ, hành vi. Kể cả tôi dù quậy phá như con trai cũng ráng giữ áo dài trắng muốt. Áo bằng tơ lụa dễ nhăn, khi ngồi trong lớp tôi cũng không được buông thùa, phải giữ thẳng lưng để không tạo nếp nhăn ở lưng và tà áo. Áo dài dạy những đứa trẻ phải biết tự lo, tự biết ý tứ. Chính chiếc áo dài cũng tạo ra sự cân bằng. Không thân phận, không giai cấp, trong chiếc áo dài ai cũng là người con gái Việt Nam đẹp nền nã, đồng điệu.

Áo dài - gia tài vô giá

Những chuyến đưa áo dài lưu diễn quốc tế đã để lại những kỷ niệm càng buộc chặt hồn tôi vào tà áo. Năm 1997 sang Nhật nhận giải thưởng Makuhari, tôi nhìn những thanh niên Nhật khóc khi xem trình diễn áo dài mà thắc mắc: “Tại sao người ta khóc khi xem fashion show?”. Hỏi bạn MC Nhật, tôi nhận được câu trả lời: “Chiếc áo truyền thống được đặt để vào thời trang. Đó là điều gây xúc động, phấn khích”.

Sau lần đó, trong mỗi bộ sưu tập trình diễn thế giới, tôi luôn để dành ít nhất năm chiếc áo dài xuất hiện cuối cùng. Một lần ở Bỉ, khi chiếc áo dài thổ cẩm vừa xuất hiện trên sàn catwalk, một phụ nữ Bỉ bỗng rời chỗ đi xăm xăm vào hậu đài. Bà đòi lấy ngay chiếc áo đó. Không có túi, bà quấn chiếc áo vào lòng rồi về chỗ. Cuối giờ bà quay vào lịch sự cảm ơn và xin lỗi vì đã... quá khích. Đó là chuyện chỉ xảy ra với chiếc áo dài.

Lần khác diễn ở Ý, tôi cho một mẫu nữ người Việt, một mẫu nam và hai đứa bé người Ý trình diễn áo dài. Ngay hôm sau, mấy phụ nữ Ý tìm đến xin mua hai chiếc áo. Hai đứa nhỏ cũng nhất định không trả đồ. Phụ huynh giải thích rằng áo quá đẹp, chưa từng thấy con ông bà mặc áo đẹp như thế. Là nhà thiết kế nhưng tôi không thể tưởng tượng bạn bè quốc tế say mê áo dài đến vậy. Đó là lý do tôi không bao giờ bỏ sót hai thứ khi diễn ở nước ngoài: áo dài và thổ cẩm. Chúng thuyết phục hoàn toàn cả những người khó tính nhất.

Một kỷ niệm khác vẫn khiến tôi xúc động mỗi khi nhớ lại: năm làm chương trình lễ hội áo dài Huế, rất nhiều Việt kiều đã về xem. Họ nhìn những chiếc áo dài đi qua cầu Tràng Tiền trong đêm diễn mà nức nở khóc. Họ nhớ những kỷ niệm với bóng áo dài đi qua cầu Tràng Tiền, bên bờ sông Hương... Hình ảnh ấy lay động những nỗi niềm dân tộc quá đỗi thiêng liêng máu thịt dù họ đã đi xa đến đâu, xa bao lâu...

Tôi cho rằng người Việt, các nhà thiết kế thời trang Việt rất may mắn có gia tài là chiếc áo dài. Nó đặc biệt ở chỗ là quá đơn giản nên dễ trở thành hiện đại, nó đong đầy hồn phách nên dễ chạm lòng người. Cần giữ đến tận cùng cái hồn tà áo.

                                                                                              Theo: tuoitre.vn
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

10
Đang xem:
72.463.038
Tổng truy cập: