KHO TƯ LIỆU NGHỆ THUẬT - THAM KHẢO - KHÁM PHÁ
Lịch sử của loại hình nghệ thuật làm đẹp cho những chiếc móng tay
(Ngày đăng: 24/05/2022   Lượt xem: 139)

Từ thuở xa xưa, con người đã có nhu cầu làm đẹp và vì thế việc chăm sóc cho bộ móng và bàn tay cũng là một trong những hình thức chăm chút ngoại hình. Qua các tư liệu khảo cổ có thể thấy, hoạt động làm móng đã bắt đầu xuất hiện từ trước Công nguyên.

Làm móng tay nghệ thuật đầu thế kỷ 20.
Làm móng tay nghệ thuật đầu thế kỷ 20.

Xuyên suốt các nền văn minh nhân loại, cái đẹp luôn chiếm một vị trí đặc biệt. Từ xa xưa, con người đã rất coi trọng việc chăm chút ngoại hình. Vẻ đẹp của con người không chỉ được tô điểm bởi những bộ trang phục tinh xảo và hợp thời hay những món trang sức lộng lẫy. Mỗi kỷ nguyên qua đi, quy chuẩn của cái đẹp trong thời trang lại thay đổi.

Sự gọn gàng và trau chuốt mới là tiêu chí làm đẹp cốt lõi. Cắt sửa móng tay là một trong những phần quan trọng khi chăm chút ngoại hình. Qua các tranh ảnh và tài liệu lưu truyền, có thể thấy những bộ móng được tô vẽ và chăm sóc cẩn thận đã xuất hiện từ những nền văn minh cổ đại đầu tiên. Thế nhưng khi ấy, việc chăm sóc móng tay chỉ dành cho một số đối tượng nhất định. Còn hiện nay, hoạt động chăm sóc móng tay đã phát triển thành một nghề với lợi nhuận khổng lồ.

Những bộ nail từ thuở sơ khai

Các nhà khảo cổ học từng khai quật được xác ướp Ai Cập có niên đại khoảng 5000 năm TCN với có phần móng tay mạ vàng và đầu ngón tay nhuộm màu bằng henna (bột lá móng). Điều đó cho thấy nghệ thuật làm nail có thể đã xuất hiện từ thuở sơ khai với hoạt động trang trí bộ móng. Khi chưa có các loại sơn hóa chất, người Ai Cập cổ đại thường dùng bột lá móng để vẽ màu cho móng tay. Cùng thời kỳ này, phụ nữ Ấn Độ cũng sơn móng tay bằng henna, trong khi đàn ông Babylon cổ đại sử dụng phấn kohl để tô màu cho móng tay.

Theo cuốn sách “Nails: The History of the Modern Manicure” (tạm dịch: Lịch sử nghề làm móng tay hiện đại) của tác giả Suzanne E.Shapiro, các nhà khảo cổ học đã khai quật được một bộ dụng cụ cắt tỉa móng tay bằng vàng ròng tại “khu chôn cất Chaldean” ở miền Nam Babylon. Bộ dụng cụ được sử dụng vào khoảng năm 3200 TCN. Hầu hết đàn ông trong thời đại này đều sơn móng tay. Mỗi tầng lớp xã hội là một màu sắc khác nhau.

Vào năm 3000 TCN, phụ nữ Trung Quốc đã biết cách làm cho móng tay có màu hồng đỏ và sáng bóng. Họ ngâm móng trong hỗn hợp lòng trắng trứng, gelatine, sáp ong và thuốc nhuộm điều chế từ cánh hoa. Hoa hồng và hoa lan là hai nguyên liệu phổ biến nhất được sử dụng. Đây được xem là loại sơn móng tay đầu tiên của nhân loại.

Lịch sử của loại hình nghệ thuật làm đẹp cho những chiếc móng tay ảnh 1

Từ thời Ai Cập cổ đại đã có bộ dụng cụ làm móng tinh xảo, hiện đại như thế này.

Năm 1964, trong một cuộc khai quật lăng mộ ở Ai Cập, các nhà khảo cổ đã tìm thấy xác ướp của Nyuserre Ini. Ông là một Pharaoh của Ai Cập cổ đại trị vì từ năm 2458-2422 TCN. Những bức tường trong lăng mộ của ông được khắc chữ chi chít. Trong số đó có đề cập đến “những người chuyên chăm sóc và giữ gìn móng tay cho Pharaoh”. Bộ dụng cụ làm móng cũng được tìm thấy trong các ngôi mộ hoàng gia.

màu móng tay có sự khác biệt giữa các tầng lớp của xã hội. Chỉ tầng lớp thượng lưu mới được nuôi móng dài và sơn màu sáng. Móng tay màu càng tươi sáng thì thân phận của người đó càng cao quý. Các Pharaoh và thành viên hoàng gia sử dụng tông màu sáng nhất, thường là màu đỏ để thế hiện quyền lực tối cao. Những người nô lệ chỉ có thể sơn các tông màu nhạt và tối.

Theo tài liệu cổ lưu lại, nữ hoàng Cleopatra VII Philopator trị vì Ai Cập từ năm 69-30 TCN từng để móng tay dài và sơn màu đỏ đất nung bằng bột lá móng. Người cổ đại tin rằng những chiếc móng tay dài là biểu tượng của trí tuệ và có thể giúp họ giao tiếp với các vị thần. Do đó, các nhà hiền triết và tu sĩ thường để móng tay và chăm chút vô cùng cẩn thận.

Ở thời Hy Lạp cổ đại, hoạt động sơn móng tay không còn thịnh hành bởi người Hy Lạp cho rằng móng tay là công cụ để các thầy phù thủy giao tiếp với linh hồn.

Khởi nguồn của một ngành công nghiệp làm nail

Bộ móng giả đầu tiên được chế tác vào thời nhà Chu của Trung Quốc tồn tại khoảng từ năm 400 TCN đến năm 770 TCN. Tầng lớp quý tộc của thời đại này đặc biệt ưa thích những bộ móng tay đẹp đẽ và sang trọng. Họ thường nuôi móng tay dài và cắt tỉa cẩn thận. Để bảo vệ phần móng tránh bị tổn thương hay đứt gãy, hộ giáp hay còn gọi là móng tay giả ra đời.

Xã hội lúc bấy giờ chỉ có những người quyền quý mới có thể để móng tay. Một đôi bàn tay thon và dài là quy chuẩn cái đẹp của những người có địa vị cao. Móng tay dài với bộ hộ giáp thể hiện họ không phải động chân động tay vào bất cứ việc gì vì đã có kẻ hầu người hạ. Ban đầu, mục đích đeo hộ giáp chỉ đơn giản là để bảo vệ móng tay. Dần dà, hộ giáp trở thành thứ phụ kiện dành riêng cho giới quý tộc. Những chiếc hộ giáp tinh xảo được làm thủ công từ kim loại sáng bóng và trang trí bằng đá quý. Bộ hộ giáp càng quý giá thì thân phận chủ nhân càng cao quý.

Với các phi tần mỹ nữ chốn cung đình, hộ giáp còn là vật dụng để phân chia cấp bậc. Hoàng hậu và quý phi sẽ dùng hộ giáp bằng vàng, bạc, ngọc trai, mai rùa... Riêng hoàng hậu là người có vị trí tôn quý nhất hậu cung có thể khắc thêm hình phượng hoàng. Các phi tần thì chỉ được dùng hộ giáp bằng đồng, ngà, men sứ...

Từ thế kỷ 11 đến thế kỷ 19, làm móng tay không còn phổ biến. Lúc bấy giờ, những ai sơn móng tay đều bị quy là “người xấu” và “ăn chơi”. Những bộ móng tay được tô vẽ là đặc trưng của giới nghệ sĩ nữ, gái bán hoa hoặc dân giang hồ. Tòa Thẩm giáo ra đời, những người nuôi và sơn móng tay sẽ bị buộc tội là phù thủy và bị thiêu sống.

Thời kỳ Phục Hưng, giới quý tộc châu Âu không sơn móng mà chỉ chăm sóc da tay và cắt tỉa cho móng tay. Tạo hình móng tay trở thành thú vui của các quý ông và quý bà. Phụ nữ Pháp thường cắt ngắn móng tay, đánh bóng bằng da lộn và ngâm nước chanh để móng được sạch sẽ và chắc khỏe hơn.

Đế quốc Inca ở Nam Mỹ có truyền thống làm móng nổi bất nhất thời kỳ này. Người Inca thường in hình chim đại bàng lên móng tay. Truyền thống này được xem là nguồn gốc của nghệ thuật vẽ móng hiện nay.

Những bộ dụng cụ chăm sóc móng chính thức xuất hiện và được sử dụng rộng rãi từ thời vua Louis XV. Để loại bỏ ổ viêm trên móng tay nhà vua, bác sĩ hoàng gia đã chế tạo một bộ dụng cụ chỉ dùng để chăm sóc cho bàn tay của ngài. Những dụng cụ cắt tỉa giúp loại bỏ ổ viêm một cách dễ dàng. Ngoài ra, nó còn được dùng để tạo hình cho móng tay. Từ đó, bộ dụng cụ này trở nên phổ biến với giới quý tộc ở Pháp và toàn bộ châu Âu.

Lịch sử của loại hình nghệ thuật làm đẹp cho những chiếc móng tay ảnh 2

Hộ giáp.

Đầu thế kỷ 20, khái niệm “làm móng tay” hay còn được gọi là “làm nail” được hình thành. Những hạn chế về màu sắc, hình dáng đã dần bị xóa nhòa. Làm móng chỉ là một hình thức làm đẹp đơn thuần. Các loại sơn có sắc đỏ bắt đầu xuất hiện và nhanh chóng trở thành trào lưu.

Vào những năm 1960, phong cách thời trang hippe với tông màu pastel trở thành trào lưu văn hóa và lan truyền sang các lĩnh vực nghệ thuật khác. Màu móng tay pastel nổi lên thành xu hướng. Trong những năm 1990, tông màu đỏ, hồng và be chính thức lên ngôi.

Kỷ nguyên của ngành làm nail mở ra từ thế kỷ 21. Các loại phụ kiện phục vụ cho công việc chăm sóc bộ móng ngày càng phong phú. Lúc này, phụ nữ có thể tự do quyết định hình dáng, màu sắc cho bộ móng để thể hiện cá tính và gu thẩm mỹ của mình. Nghệ thuật làm nail phát triển vượt bậc và tạo nên một ngành công nghiệp đồ sộ của thế giới.
                            Theo;  baophapluat.vn


Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

13
Đang xem:
72.462.511
Tổng truy cập: