KHO TƯ LIỆU NGHỆ THUẬT - THAM KHẢO - KHÁM PHÁ
Việt Nam còn có một dòng tranh dân gian Kim Hoàng đặc sắc
(Ngày đăng: 16/11/2018   Lượt xem: 487)
 
Tết năm nay, các bức tranh dân gian Kim Hoàng sẽ được sử dụng trong các mẫu thiết kế bao lì xì, lịch treo tường, lịch để bàn. Đây chỉ là một trong các hoạt động giúp khôi phục và quảng bá rộng rãi dòng tranh đặc sắc của Việt Nam, trong đó các em nhỏ được đặc biệt chú trọng. Báo An ninh Thủ đô đã có cuộc trò chuyện cùng bà Nguyễn Thị Thu Hòa, Giám đốc Bảo tàng Gốm sứ Hà Nội. 

ảnh 1 
Khó khăn lớn nhất với dự án khôi phục dòng tranh Kim Hoàng là yếu tố con người

Giá như có thêm 2, 3 nghệ nhân tranh dân gian từ trên trời rơi xuống

- PV: Liên tiếp các hoạt động trong năm 2018, dự án khôi phục dòng tranh có nguy cơ thất truyền Kim Hoàng luôn hướng tới các em nhỏ. Dự án xác định đây sẽ khách hàng chính của dòng tranh Kim Hoàng trong nay mai, thưa bà?  

- Bà Nguyễn Thị Thu Hòa, Giám đốc Bảo tàng Gốm sứ Hà Nội: Bất cứ dòng tranh nào, từ đương đại cho tới dân gian đều cần tới khách hàng để tồn tại. Trong đó, trẻ em luôn là khách hàng tiềm năng và cần được đào tạo ngay từ nhỏ về thị hiếu và tình yêu với vốn văn hóa dân tộc. Người mua tranh dân gian phải là người am hiểu và bắt đầu từ trẻ nhỏ. Chúng ta luôn nói dòng tranh này hay dòng tranh kia thất truyền. Nhưng nếu chúng ta không phổ biến, không quảng bá nét đẹp của dòng tranh đó tới với người xem, đặc biệt là các em nhỏ thì sẽ chẳng ai biết đến và quan tâm. 

Vì thế, từ ngày bắt tay vào khôi phục dòng tranh này, mỗi năm dự án luôn có các hoạt động khác nhau. Nhưng riêng năm nay, chúng tôi hướng tới các em nhỏ với nhiều hoạt động như tô màu trên các bao lì xì hay các hoạt động thiết kế và trình diễn trang phục có sử dụng ứng dụng của dòng tranh Kim Hoàng cũng là vì muốn các em không được quên, Việt Nam còn có một dòng tranh dân gian đặc sắc như thế. 

- Bắt nguồn từ cơ duyên nào mà bà lại quyết định bắt tay vào khôi phục dòng tranh Kim Hoàng? 

- Tôi không có chuyên môn về hội họa hay một mối liên hệ nào đó với các tác phẩm tranh dân gian. Chuyên môn của tôi là làm công tác giáo dục. Thế nhưng, một lần đến với làng Kim Hoàng, tôi được biết nguyện vọng của người dân nơi đây muốn khôi phục lại dòng tranh nức tiếng một thời. Hơn nữa, khi tìm hiểu, tôi được biết tranh Kim Hoàng có những nét tinh tế, riêng biệt của một dòng tranh mà khả năng có thị trường sau khôi phục là rất cao. Chính vì thế, tôi đã bắt tay vào thực hiện dự án này từ năm 2015. 

- Quá trình khôi phục dòng tranh này, bà đã lúc nào rơi vào bế tắc? 

- Tài liệu về dòng tranh này còn khá dày dạn. Tôi đã căn cứ vào tài liệu của người Pháp để lại, vào Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và vào chính những người dân Kim Hoàng (huyện Hoài Đức, TP Hà Nội). Về nguồn tài chính cũng không có gì khó khăn cả. Điều tôi luôn thấy lo lắng và bất an nhất chính là yếu tố con người. Sau 3 năm thực hiện, đến nay, tôi mới chỉ đào tạo được 1 người trẻ kiên trì, nhẫn nại thực hiện các bức vẽ. 

Việc đào tạo nghệ nhân khó vô cùng. Người am hiểu quá về hội họa sẽ vẽ tranh dân gian theo hướng hiện đại, nhưng thiếu hiểu biết lại không thể thực hiện được việc viết chữ Hán trên tranh. Ngoài việc trả lương hàng tháng, bạn trẻ mà tôi đang đào tạo mỗi năm đều được ra nước ngoài để tham gia các khóa đào tạo học vẽ. Dù chăm chút là thế nhưng biết đâu một ngày, nghệ nhân của tôi lại bỗng chán rồi bỏ đi thì tôi lo lắm! Nên nhiều lúc, tôi vẫn ước, giá như có thêm 2, 3 nghệ nhân từ trên trời rơi xuống thì thật tốt biết mấy. 

 

3 năm khôi phục được 33 mẫu tranh khắc gỗ, 19 mẫu vẽ tay

- Không chỉ khôi phục dòng tranh có nguy cơ thất truyền Kim Hoàng, bà và các cộng sự còn cải tiến và tạo ra các sản phẩm gắn bó với cuộc sống ngày nay?

- Với 3 năm bắt tay vào khôi phục dòng tranh Kim Hoàng, dự án đã phục hồi được 33 mẫu tranh khắc gỗ. Bên cạnh đó, 19 mẫu được vẽ tay. Trong quá trình phục dựng tranh Kim Hoàng, bên cạnh việc cố gắng bám vào các tài liệu đáng tin cậy, tham vấn của các nhà nghiên cứu, nhà văn hóa, hoặc các nghệ nhân uy tín của các làng tranh khác để tạo ra những mộc bản chuẩn xác, chúng tôi còn mạnh dạn cải tiến, tạo ra thêm những mẫu tranh Kim Hoàng mới. Chúng tôi ứng dụng những họa tiết tranh Kim Hoàng trên các chất liệu khác nhau như những viên sỏi chặn giấy có in hình chú lợn, bộ lịch xuân Kỷ Hợi, bao lì xì, phối hợp với nghệ nhân trong làng gốm Biên Hòa để làm đàn lợn ngộ nghĩnh, kết hợp với nghệ  nhân làng đậu bạc Định Công làm lợn bạc theo mẫu lợn của tranh Kim Hoàng… Sắp tới, chúng tôi cũng còn đưa tranh Kim Hoàng lên quạt giấy Chàng Sơn, gốm sứ Bát Tràng…

- Nhiều người sẽ nghĩ, bà đang kiếm tiền từ các hoạt động ứng dụng tranh Kim Hoàng vào các sản phẩm văn hóa? 

- Mục đích của việc làm này, xin khẳng định, không nhằm để kinh doanh. Thông qua các sản phẩm này, chúng tôi muốn lan tỏa tình yêu với văn hóa dân tộc. Ví dụ làm những mẫu lì xì, lịch Tết, chúng tôi không mong muốn mình sẽ trở thành những đại lý để bán sỉ, bán lẻ, mà chỉ làm một ít như những món quà xuân tặng bạn bè, đồng nghiệp vào dịp Tết, qua đó quảng bá tranh dân gian Kim Hoàng đến với nhiều người. 

 

Quan trọng hơn, qua những ứng dụng này, dù chỉ mới là bước đầu nhưng chúng tôi muốn gợi ý để những cơ sở sản xuất khác, họ có thể tạo những mẫu mới với họa tiết tranh dân gian. Nếu liên quan đến tranh Kim Hoàng, có thể liên hệ với tôi, tôi sẽ cung cấp những mẫu tranh chuẩn xác theo nghiên cứu của mình, hoàn toàn miễn phí. Thật sự, chúng tôi muốn đánh thức khả năng sáng tạo, ứng dụng nét đẹp văn hóa dân gian của nhiều ngành nghề, để thêm những sản phẩm mới, đa dạng, đáp ứng nhu cầu của người Việt Nam. Những gì chúng tôi nghĩ ra, ứng dụng được, mới chỉ là rất nhỏ, cần thêm những sáng tạo độc đáo và mới mẻ hơn, mang nhiều chiều trong những không gian sống khác nhau. 

- Cảm ơn bà về cuộc trò chuyện!

“Sau 3 năm thực hiện, đến nay, tôi mới chỉ đào tạo được 1 người trẻ kiên trì, nhẫn nại thực hiện các bức vẽ. Việc đào tạo nghệ nhân khó vô cùng. Dù chăm chút là thế nhưng biết đâu một ngày, nghệ nhân của tôi lại bỗng chán rồi bỏ đi thì tôi lo lắm! Nên nhiều lúc, tôi vẫn ước, giá như có thêm 2, 3 nghệ nhân từ trên trời rơi xuống thì thật là tốt biết mấy”.
Bà Nguyễn Thị Thu Hòa (Giám đốc Bảo tàng Gốm sứ Hà Nội)

                                                                                    Theo: anninhthudo.vn
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

25
Đang xem:
72.409.971
Tổng truy cập: