KHO TƯ LIỆU NGHỆ THUẬT - THAM KHẢO - KHÁM PHÁ
Đền - Đình Kim Liên: Đậm dấu ấn văn hóa nơi thờ Tứ Trấn Thăng Long
(Ngày đăng: 15/06/2018   Lượt xem: 233)

Đền Kim Liên còn gọi là đền Cao Sơn, Đình Kim Liên, trước đây thuộc địa phận phường Kim Hoa, sau thuộc phường Đông Tác, huyện Thọ Xương, phủ Hoài Đức; nay là phường Phương Liên, quận Đống Đa, Hà Nội. Đền thờ thần Cao Sơn Đại Vương.

Kể về sự tích vùng đất nơi đền Kim Liên ngự, ông Nguyễn Quốc Hùng – Trưởng tiểu ban quản lý khu di tích đền Kim Liên cho biết: “Đền Cao Sơn nằm ở làng Đồng Lầm. Xưa kia, dân làng sống thành từng xóm ven các gò đất cao với nghề làm ruộng, thả cá, thả rau muống bè và trồng màu (đồng ruộng của làng xưa nay là các dãy nhà cao tầng của khu tập thể Kim Liên). Làng Kim Liên xưa còn nổi tiếng với nghề thả sen, ướp chè nhờ có đầm nước rộng. Những cô gái Kim Liên một thuở mang hoa sen, hạt sen, trà sen, chè sen, mứt sen đi bán khắp kinh thành Thăng Long”.IMG_2287                 
                                   
Cổng trước của Đình Kim Liên

Nhắc đến làng Kim Liên, dân làng còn có câu ca: “Kim Liên xanh vỏ, đỏ lòng/ Đàn ông cắt tóc, đàn bà hái rau”. Theo các cụ trong làng truyền lại, nghề cắt tóc bắt đầu từ ngày hội làng, có thầy địa lý Tả Ao đến dự. Lý trưởng đã nhờ thầy “xem” cho làng làm thêm nghề. Ông Tả Ao thấy làng có một số người làm nghề cắt tóc liền khuyên mọi người nên phát huy nghề này. Từ đó, làng cắt tóc Kim Liên trở nên nổi tiếng. Các tay kéo, tay dao trai làng Kim Liên rất tài hoa và điệu nghệ, họ từng có tiếng là “Thăng Long đệ nhất kéo”, cắt tóc như múa trên đầu người.

Theo sử sách ghi lại, đền Cao Sơn trở thành một hiện tượng đặc biệt về Hà Nội xưa. Đền vừa đánh dấu mốc giới phía nam Kinh thành thời cổ, đồng thời tượng trưng cho sự canh giữ, bảo vệ cho Kinh thành. Cùng với thần Long Đỗ ở đền Bạch Mã, thần Trấn Vũ ở đền Quán Thánh, thần Linh Lang ở đền Thủ Lệ họp thành “Thăng Long tứ trấn”.IMG_2290
                                     Cổng và sân Đình Kim Liên

Đền Kim Liên là ngôi đền linh thiêng trấn giữ ở phía Nam, nơi thờ thần Cao Sơn Đại Vương. Tương truyền thần là con trai của Lạc Long Quân và Âu Cơ, là một trong 50 người con theo mẹ lên núi, đã cùng Sơn Tinh chống lại Thuỷ Tinh mang lại bình yên cho nhân dân. Sau đó, ngài xin vua cha về vùng đất hoang vu lập nghiệp (vùng đất nay là phường Phương Liên, quận Đống Đa, Hà Nội). Để ghi nhớ công ơn ngài, sau khi ngài mất dân đã lập đền thờ ngài. Theo tài liệu lưu giữ tại đền, đền Kim Liên được vua Lý Thái Tổ cho xây dựng ngay sau khi lập kinh đô Thăng Long (1010) nhằm mục đích bảo vệ kinh thành mới ở hướng Nam.

Sau Cao Sơn Đại Vương là người đầu tiên có công khai phá, lập nghiệp, tại quê hương Kim Liên còn có một nhân vật nữa là Kim Hoa Công Chúa, con vua Hùng Vương đời thứ 9 xin Vua cha về vùng đất này để dạy dân nghề nhuộm vải. Sau này Kinh Đô Thăng Long có nghề nhuộm vải, điều đặc biệt là chỉ nhuộm vải nâu (dân làng thường lấy bùn để “nhấn bùn” cho vải màu nâu ngả sang màu đen, từ hồ Bảy Mẫu và hồ Ba Mẫu), nên làng có tên là Đồng Lầm (làng đồng ruộng nhiều bùn). Đây cũng là nét đặc trưng của làng Kim Liên nay - Đồng Lầm xưa, bởi vải Đồng Lầm trước đây rất nổi tiếng.

Ca dao cũ có câu: "Đồng Lầm có vải nâu non/ Có hồ cá rộng, có con sông dài”. Vải Đồng Lầm mỏng như voan, được nhuộm từ bùn của cánh đồng làng thành vải nâu non hay nâu sồng, đặc biệt là vải Rồng. Vải Rồng đẹp có tiếng gần xa, sau rồi người ta gọi là vải Đồng Lầm, “nghĩa là một vùng đầm nước rộng, nhiều bùn, từ loại bùn đặc biệt, riêng có của vùng đất này đã tạo nên một sản phẩm làm đẹp cho người.
Kim Lien1                    
                                      Ban thờ Đức Thượng đẳng thần

Thời xa xưa Đồng Lầm là vùng có tên đẹp Kim Hoa, tổng Tả Nghiêm, huyện Thọ Xương. Đến khoảng đầu thời Vua Thiệu Trị vì kiêng tên húy của bà mẹ Vua tên là Hồ Thị Hoa, nên đổi là Đền Kim Liên, sau đó là tổng Kim Liên”.

Chịu tác động của thăng trầm lịch sử, đến nay ngôi Đền không còn nguyên dạng (toàn bộ Nhà Bái đường đã bị tàn phá), chỉ còn lại Nhà Hậu đường ba gian, tam quan, cổng gạch và hai giải vũ.  Năm 2000, đền được tôn tạo, phục chế lại như ngày nay. Di vật quan trọng nhất tại đình Kim Liên là tấm bia đá đồ sộ cao 2,43m, rộng 1,57m, dày 0,22m có bài tựa "Cao Sơn đại vương thần từ bi minh".

Tấm bia ghi về thần tích và bài minh ca ngợi Thần do Sử thần Lê Tung soạn năm Canh Ngọ - Hồng Thuận thứ 3 (tức năm 1510) và được dựng ngày 1 tháng Trọng Thu năm Nhâm Thìn, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 33 (tức năm 1772). Bài minh bia đá ghi: “Cao Sơn lừng danh/ Vòi vòi oai linh/ Hễ cầu tất ứng/ Ban khắp ơn lành/ Gặp thời vận rùi/ Trời sinh Thánh minh”. Sau này người dân làng Kim Liên đã lập thêm cổng tam quan, bổ sung một số kiến trúc mới tạo thành đình Kim Liên, trong đền và đình còn thờ Tam Phủ, thờ Mẫu...”.

Đền- Đình Kim Liên xây trên gò đất cao quay về hướng nam, nhưng những người biết về phong thủy sẽ thấy chính là nằm trên lưng của Thần Kim Quy”. Từ sân bước lên cửa Tam Quan phải qua chín bậc gạch, hai bên thềm là hai sấu đá niên đại thời Lê. Tam quan xây thành nhà hoàn chỉnh, kiểu tường hồi bít đốc. Bốn góc tường hồi có bốn cột trụ, bốn bộ vì đỡ mái làm theo kiểu chồng giường, giá chiêng, cột trốn.

Các con rường chạm nổi hình mây cuốn, câu đầu và chạm lộng nhiều lớp hình tứ linh vô cùng đẹp với kỹ thuật tinh xảo. Hậu cung là nơi thờ thần Cao Sơn Đại Vương và hai nữ thần phối hưởng: Thuỷ Tinh đệ Tam - Tôn nữ Động Hồ Trưng Vương (công chúa con gái vua Lê) và Huệ Minh phu nhân. Đặc biệt trong hậu cung có bức trạm gỗ “Cửu Long Tranh Châu” lớn rất quý giá. Ngoài ra đền còn giữ được 39 đạo sắc phong về thần và các câu đối.

Đền được Bộ Văn hóa (nay là Bộ VH-TT&DL) xếp hạng danh mục di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia ngày 9/1/1990. Cứ vào dịp ngày 16 tháng 3 âm lịch hàng năm, người dân làng Kim Liên lại tổ chức mở hội truyền thống, lễ tế để báo đáp ơn thần Cao Sơn. Hay vào những ngày Mùng 1, Rằm Đền lại đón hàng vạn du khách thập phương về tham quan, cúng lễ.
                                                                                       Theo: thuonghieuvaphapluat.vn

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

13
Đang xem:
72.463.578
Tổng truy cập: