KHO TƯ LIỆU NGHỆ THUẬT - THAM KHẢO - KHÁM PHÁ
Những bộ môn mỹ thuật độc đáo
(Ngày đăng: 21/10/2016   Lượt xem: 834)

Hội họa được công chúng biết đến với những bức tranh bằng chất liệu sơn dầu, sơn mài, bột màu... Nhưng nỗ lực tìm tòi, thử nghiệm của một số họa sĩ chuyên và không chuyên ở những chất liệu mới lạ góp phần hình thành một xu hướng mỹ thuật độc đáo, mang tính ứng dụng trong cuộc sống. Không những thế, xu hướng tạo hình mới mẻ còn giúp hội họa Việt vươn xa hơn trên “đấu trường” quốc tế.

Nét chấm phá tranh ghép gỗ

Ở Việt Nam, nghệ thuật tranh ghép gỗ là một tài sản vô giá cho các nhà sưu tập và nhà nghiên cứu. Nghệ thuật này xuất hiện từ xa xưa, cha truyền con nối trải qua nhiều thế hệ. Hiện nay, tranh ghép gỗ được khá nhiều người yêu thích bởi cách phối màu (của gỗ tự nhiên) nhuần nhuyễn và tinh tế. Các tác phẩm đòi hỏi ở nghệ nhân sự khéo léo và tính kiên nhẫn.

Nếu có dịp ghé thăm mảnh đất Kinh Bắc, bất cứ ai cũng sẽ được nghe kể về nghệ nhân Nguyễn Văn Viện được coi là người mở ra dòng tranh ghép gỗ - một chàng sinh viên với bao ước vọng, hoài bão đã bỏ lại sau lưng để về quê tự tạo cho mình một trường phái tranh mới. Nghệ nhân Viện kể, tình cờ vào một buổi chiều cuối thu năm 1986, khi đang ngồi chơi trên cây cầu Chọi bên dòng sông Ngũ Huyện Khê nhìn những gốc rễ cây xù xì trôi dạt, anh liền vớt về với ý định gọt chơi, rồi sau đó không hiểu sao lại nảy ra ý tưởng cắt tỉa để tạo ra những bức tranh ghép gỗ đầu tiên...

Nỗ lực tìm tòi, thử nghiệm của một số họa sĩ chuyên và không chuyên ở những chất liệu mới lạ góp phần hình thành một xu hướng mỹ thuật độc đáo.

Thời gian đầu mới bắt tay vào làm, anh và những người thân trong gia đình phải cất công đi nhặt tìm những gốc rễ bỏ đi, trôi dạt trên sông, thậm chí phải cho thuê người đi đào gốc rễ còn sót lại ở dưới đất lên để làm nguyên liệu thô. Đến năm 2008, nhận thấy được thị hiếu của thị trường tiêu thụ, anh tiến hành mở rộng xưởng sản xuất và thay đổi hình thức kinh doanh từ một xưởng sản xuất đơn lẻ, anh đầu tư vốn để thành lập doanh nghiệp tư nhân với diện tích và quy mô lớn hơn. Anh cho biết thêm, để làm ra một bức tranh ghép gỗ mỹ thuật phải trải qua rất nhiều công đoạn, từ chế biến gốc rễ, cắt mẫu, chọn mẫu gỗ để ghép tranh, chà, đánh bóng, phun sơn... Một bức tranh có hồn phải chứa sắc thái biểu cảm, nhưng điều quan trọng nhất là chọn màu sắc của gỗ phù hợp với chủ đề thể hiện bức tranh. Đây chính là một trong những nét độc đáo và mới lạ của dòng tranh ghép gỗ nghệ thuật.

Tranh xé dán - Ai cũng có thể làm họa sĩ

Theo các tài liệu, nghệ thuật xé dán tranh có nguồn gốc từ châu Âu. Khơi mào từ những tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng của các danh họa người Pháp, Đức vào đầu thế kỷ thứ 20. Các danh họa đã sử dụng điêu luyện bằng kỹ thuật riêng, nối kết những mảnh nhỏ của các loại giấy báo, giấy màu tổng hợp và dán thành những bức tranh sinh động nhiều màu sắc, khi du nhập vào Việt Nam, tranh xé dán đã trở thành một nét văn hóa nghệ thuật riêng biệt.

Nghệ thuật xé dán tranh Việt Nam bắt đầu xuất hiện vào những năm 1960. Bước đầu đều là những tác phẩm mang hình ảnh hết sức thân thuộc, đời thường của cuộc sống nông thôn Việt Nam: ngày Tết, cây đa bến nước, đình làng, chợ hoa, chợ Tết... Khác với tranh khắc gỗ, đòi hỏi người thực hiện phải có những thao tác của một nghệ nhân, tranh xé dán đặc biệt thu hút người trẻ, đặc biệt là các em thiếu nhi. Mới đây, Liên hoan Vẽ và xé dán tranh “Sắc màu Huế” đã được diễn ra với sự tham gia của hơn 400 họa sĩ nhí đến từ 59 trường tiểu học và THCS trong thành phố Huế. Liên hoan được tổ chức nhằm tạo cho các em một sân chơi hữu ích và ý nghĩa, giúp các em giao lưu học hỏi, tự tin, tư duy sáng tạo, thể hiện những ước mơ, ý tưởng về thành phố Huế xinh đẹp, về các trò chơi dân gian và các làng nghề truyền thống Huế, về các giá trị di sản, văn hóa truyền thống của quê hương. Các tác phẩm tranh của em tại liên hoan lần này được trưng bày tại Nhà Thiếu nhi Huế và Công viên Nguyễn Văn Trỗi.

Tranh cắt vải - Vẻ đẹp của sự khéo léo

Nhắc đến dòng tranh này, người trong giới sẽ nghĩ ngay đến những tác phẩm của họa sĩ Phương Lan. Bao năm qua, cặm cụi với đống vải vụn, họa sĩ Phương Lan đã biến chúng thành các tác phẩm hội họa đẹp mắt và giàu tính nghệ thuật. Thay vì phác họa sẵn rồi đi tìm vải phù hợp, bà làm theo hướng ngược lại. Đó là tìm một miếng vải, dựa vào các họa tiết sẵn có, họa sĩ sẽ phác thảo ý tưởng, bố cục bức tranh và bắt tay vào thực hiện. Vì thế, tác phẩm tranh cắt vải của bà rất “êm”, không bị chắp vá và dày cộp các miếng vải nối lại với nhau. Từ miếng vải chính được lựa ra, bà chỉ cắt điểm vào một số chi tiết để tác phẩm trở nên hoàn chỉnh và mang chủ đề tư tưởng rõ ràng. Đề tài được họa sĩ Phương Lan theo đuổi trong tranh cắt vải khá đa dạng. Từ tranh phong cảnh, tĩnh vật, chân dung đến đời sống sinh hoạt. Đặc biệt, ở thể loại đặc tả chân dung khó như trong tranh cắt vải và các họa sĩ thường tránh né thì họa sĩ Phương Lan lại thực hiện rất điệu nghệ.

Nói vậy nhưng không có nghĩa việc bắt tay vào thực hiện những tác phẩm tranh cắt vải là vô cùng đơn giản. Họa sĩ Phương Lan kể, mỗi tháng, cửa hàng may “biếu” bà một tải vải vụn. Không đi được xe máy, tuổi lại cao, họa sĩ nhờ con trai đem ôtô đến chở về. Nhưng số vải dùng được cho công việc sáng tạo chỉ chiếm 20%, số còn lại đành phải bỏ đi. Tuy đã loại đi kha khá nhưng kho vải của họa sĩ Phương Lan đến nay cũng chiếm hết một gian phòng. Dựa trên một ý thơ hay, một câu văn đậm đà... một miếng vải vụn bỏ đi sẽ lại trở thành một tác phẩm nghệ thuật từ óc sáng tạo và đôi bàn tay khéo léo của bà.

Có thể thấy, nhờ niềm đam mê, sự tỉ mỉ và tình yêu nghệ thuật vô hạn của các họa sĩ chuyên và không chuyên, tranh ghép gỗ, tranh xé dán hay tranh cắt vải đều đã trở thành một ngôn ngữ hội họa có giá trị tinh thần lẫn vật chất, góp phần phát triển nghệ thuật dân tộc và là niềm tự hào văn hóa của đất nước.

                                                                                                 Theo: suckhoedoisong.vn

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

7
Đang xem:
72.463.509
Tổng truy cập: