KHO TƯ LIỆU NGHỆ THUẬT - THAM KHẢO - KHÁM PHÁ
Bí ẩn “ruộng nhiều chữ” ở Nấm Dẩn
(Ngày đăng: 16/09/2014   Lượt xem: 532)
Kể từ khi được các nhà khảo cổ thuộc Bảo tàng Hà Giang và Viện Khảo cổ học Việt Nam phát hiện (cách đây đúng 10 năm), đưa ra giả thiết về sự tồn tại những ký hiệu bí ẩn, đến nay, những hình chạm khắc trên đá ở bãi đá cổ ở xã Nấm Dẩn (huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang) vẫn tiếp tục làm "hao tổn" giấy mực của các nhà nghiên cứu…
Tảng đá cổ nằm sát nhà dân ở bản Nùng Mở.
Những câu hỏi chưa lời đáp

Qua một hành trình leo dốc "bở hơi tai", men theo con suối Nậm Khoòng, chúng tôi lần lượt đặt chân tới hai bản Nùng Mở và Tả Cố Tỷ thuộc xã Nấm Dẩn, nơi tọa lạc của các bãi đá cổ. Theo quan sát của chúng tôi, những tảng đá cổ ở đây đều thuộc loại đá rất cứng, tiếng địa phương gọi là "đá quậy".

Hoa văn chạm trổ trên những tảng đá rất công phu, như những bức tranh liên hoàn được bố cục trên không gian ba chiều, bất chấp độ lồi lõm của mặt đá. Mỗi bãi đá bao gồm nhiều tảng đá, trên mặt mỗi tảng đá đều có các họa tiết theo một dạng giống nhau với đa số hình chạm khắc như ruộng bậc thang, hoa văn trôn ốc, hoặc các hình kỷ hà giống hình vuông có bờ lồi, hình chữ "V" nội tiếp tam giác...

Đặc biệt nhất là những hoa văn xương cá tỏa đều từ sống lưng các tảng đá lan ra hai bên và các hoa văn kỳ hà, có hình giống như chữ viết tượng hình hoặc hoa văn tròn đồng tâm. Tất cả đều có đường nét rõ ràng, bố cục tách biệt giống chữ nhiều hơn là hình với số lượng chiếm phần lớn các họa tiết.

Nếu xét theo qui luật và trình tự lặp lại các hình vẽ, ký tự đặc trưng tại từng điểm trên mặt đá theo thứ tự từ phía dưới mỗi tảng đá lên phía trên, có thể thấy, dường như các hình tượng dần dần thay đổi thành ký tự với "bước đệm" là hoa văn xương cá khu vực giữa.

Có giả thiết cho rằng, những vết chạm đó là bản đồ địa lý, sa bàn trận chiến của những nền văn minh cổ. Có người lại cho rằng, đó chính là dấu tích chặng dừng chân đầu tiên của đoàn tuần du phương Nam do vua Đế Minh tổ chức thời Thái cổ - thiên niên kỷ thứ ba trước Công nguyên. Nhưng đó mới chỉ là giả thiết, bởi theo các nhà khảo cổ học, dấu vết phong hóa trên bề mặt các khối đá cho thấy, các bãi đá cổ này có tuổi thọ khoảng 1.000 năm và do chưa giải mã những hình thù được khắc trên đá nên không thể khẳng định ai là chủ nhân của chúng.

Chụp ảnh, khám phá những bãi đá cổ ở Nấm Dẩn - mục đích của chúng tôi không có gì trở ngại, nhưng chỉ đến lúc ghi chú thích cho ảnh thì cái tên bãi đá cổ làm cho chúng tôi cảm thấy dường như không ổn. Tại sao tên gọi không phải là "chạm khắc cổ trên đá" hay "văn tự cổ trên đá"? Thế là thay vì "săn ảnh" và thưởng ngoạn những bí ẩn để thỏa mãn trí tò mò của cá nhân, chúng tôi dành suốt nửa ngày lăn lê, nhìn ngược ngắm xuôi các hình chạm khắc trên bãi đá để tìm câu trả lời.

Nhưng càng tìm thì càng "tắc", bởi ngay cả các nhà khảo cổ với kiến thức uyên thâm, cũng chỉ dừng lại ở mức độ "giả thiết". Đã rối càng thêm rối khi đồng bào địa phương cho biết, số lượng đá có chạm khắc còn xuất hiện rất nhiều ở các tảng đá cổ ở bản Nấm Chiến. Do nằm ở vị trí không mấy thuận lợi về giao thông, lại ở vùng khí hậu khắc nghiệt nên ngoài các nhà nghiên cứu, bãi đá ở đây chưa được nhiều người biết đến.

Một tảng đá cổ ở bãi đá Tả Cố Tỷ.
Cần nghiên cứu một cách thấu đáo

Ánh nắng chiếu thẳng vào bãi đá cổ ở Nùng Mở, Tả Cố Tỷ càng làm chúng tôi hình dung ra những gam màu kỳ lạ, huyền ảo, dù lúc này, đá vẫn chỉ là… đá. Cơn mưa đá ập đến bất ngờ không cho phép chúng tôi lên bản Nấm Chiến để khám phá tiếp bãi đá cổ ở đây, dù biết rằng, những tác phẩm bí ẩn của người xưa trên đó cũng đã được các nhà khoa học dựng mô hình và chụp ảnh, in họa tiết trên giấy nến như ở Nùng Mở, Tả Cố Tỷ.

Những nghiên cứu này đều chỉ ra rằng, tuy Nấm Dẩn không phải là nơi duy nhất phát hiện ra các tảng đá khắc ký tự, hình vẽ cổ vì nói đâu xa, ngay ở Sa Pa, Lào Cai cũng có nhiều điểm tương tự, nhưng tại Nấm Dẩn, đây vẫn là một điều kỳ diệu, chứng tỏ con người từ xa xưa đã bám trụ vững vàng trên vùng núi này. Và với sự sắp xếp của các khối đá cũng như các ký tự, hình vẽ bí ẩn trên đó, có thể thấy, nếu bỏ qua các tình tiết mang tính thần bí, huyễn hoặc thì nơi đây dường như là địa điểm thích hợp để tổ chức các lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số bản địa, chẳng hạn như lễ hội phá bàu, lễ cúng lúa mới thời xưa...

Dù hiện tại, các nhà khoa học chưa khám phá được bí ẩn của địa điểm khảo cổ này, nhưng những câu chuyện kể về nó đã đi vào văn hóa của đồng bào dân tộc bản địa một cách rất tự nhiên. Nếu bỏ qua những câu chuyện tín ngưỡng dân gian truyền miệng của đồng bào xung quanh tục thờ thần đá của người xưa, thì những bãi đá cổ ở Nấm Dẩn đang ẩn chứa nhiều giá trị nghiên cứu về những tộc người đầu tiên của vùng đất Xín Mần ngày nay.

Chính vì thế, việc nghiên cứu chính xác niên đại của bãi đá cổ, qua đó, xác định những văn hóa tín ngưỡng trong đời sống văn hóa thời xa xưa của đồng bào các dân tộc nơi đây là việc làm thú vị và hết sức cần thiết. Trên thực tế, cùng với những di tích đá cổ ở Sa Pa, bãi đá cổ Nấm Dẩn đã trở thành một tuyến liên kết rất hấp dẫn với những ai muốn tìm về nơi cội nguồn, cùng khám phá, cùng lý giải những điều kỳ ẩn nơi thiên nhiên gắn với cuộc sống bao đời của tiền nhân.

Vì thế, nó rất cần được tổ chức nghiên cứu một cách thấu đáo, đồng thời, được bảo tồn một cách nghiêm ngặt để làm di tích thắng cảnh gắn với nơi phát tích của vùng văn hóa cao nguyên đá Hà Giang.
                                                                            Theo : bienphong.com.vn
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

6
Đang xem:
72.459.534
Tổng truy cập: