Thông tin từ Kiểm toán Nhà nước cho thấy, vẫn còn tình trạng cấp phép thành lập mới đối với các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường tại các làng nghề mà trước đó đã được rà soát, đánh giá và phân loại là ô nhiễm môi trường và ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, chưa hoàn thành các nhiệm vụ cần thiết để phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường...
Ô nhiễm trầm trọng tại làng nghề nấu nhôm Mẫn Xá (xã Văn Môn, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh). Ảnh: H.A.
Xuất phát từ thực trạng và những thách thức hiện hữu trong công tác quản lý môi trường tại nhiều cụm công nghiệp và làng nghề, trong những năm gần đây, Kiểm toán Nhà nước đã thực hiện các cuộc kiểm toán môi trường với nội dung công tác quản lý, bảo vệ môi trường tại các cụm công nghiệp, làng nghề trên địa bàn TP Từ Sơn (tỉnh Bắc Ninh), huyện Hoài Đức (TP Hà Nội) và ở các tỉnh Bắc Giang, Nam Định, Thái Bình... Các cuộc kiểm toán đã cơ bản đánh giá toàn diện về tính tuân thủ, hiệu lực và hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ môi trường tại địa bàn các tỉnh.
Qua đó, Kiểm toán Nhà nước đã ghi nhận nhiều kết quả nổi bật, đồng thời, cũng chỉ ra những bất cập, hạn chế trong chính sách, công tác quản lý, bảo vệ môi trường tại các cụm công nghiệp và làng nghề.
Cụ thể như: Các địa phương chưa xây dựng, ban hành đầy đủ văn bản, quy định liên quan đến công tác bảo vệ môi trường làng nghề, cụm công nghiệp; một số văn bản đã được ban hành nhưng chưa kịp thời cập nhật, điều chỉnh theo Luật bảo vệ môi trường năm 2020; vẫn còn tình trạng cấp phép thành lập mới đối với các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao tại các làng nghề mà trước đó đã được rà soát, đánh giá và phân loại là ô nhiễm môi trường và ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; chưa hoàn thành các nhiệm vụ cần thiết để phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường...
Chia sẻ dưới góc độ địa phương, bà Hà Lan Anh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định cho biết, qua công tác kiểm toán, UBND tỉnh nhận thấy việc kiểm toán trách nhiệm công tác quản lý nói chung và trách nhiệm quản lý công tác bảo vệ môi trường tại các cụm công nghiệp làng nghề nói riêng là việc quan trọng, cần phải triển khai thực hiện đồng bộ từ các cơ quan chuyên môn của tỉnh và chính quyền địa phương.
Trong khi đó, theo ông Trần Báu Hà - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước, tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan, địa phương triển khai khắc phục những tồn tại trong công tác xây dựng, ban hành và sửa đổi các văn bản liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ môi trường tại các cụm công nghiệp và làng nghề trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, tỉnh đã ban hành văn bản không tiếp nhận thêm dự án đầu tư mới, hoặc nâng công suất dự án đang hoạt động có phát sinh nước thải sản xuất trong cụm công nghiệp, nếu không có hoặc không đáp ứng một trong các yêu cầu về hạ tầng bảo vệ môi trường được quy định tại Điều 48, Nghị định số 08/2022 của Chính phủ. Trong thời gian tới, tỉnh Hà Tĩnh sẽ tiếp tục tập trung cao cho công tác bảo vệ môi trường tại các cụm công nghiệp, làng nghề, hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
Theo Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Hà Thị Mỹ Dung, trong bối cảnh toàn cầu hóa và yêu cầu bảo vệ môi trường ngày càng cao, các cụm công nghiệp, làng nghề cần đóng vai trò quan trọng trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, bao gồm không chỉ phát triển kinh tế mà còn bảo vệ môi trường và trách nhiệm xã hội. Nhận thức được điều này, trong những năm qua, Kiểm toán Nhà nước đã thực hiện các cuộc kiểm toán môi trường nhằm đánh giá công tác quản lý, bảo vệ môi trường tại các cụm công nghiệp và làng nghề ở nhiều địa phương, ghi nhận nhiều kết quả nổi bật và đưa ra những đánh giá, kiến nghị quan trọng.
Từ đó, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị chấn chỉnh, khắc phục những sai phạm trong công tác quản lý nhà nước về môi trường; kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các văn bản, chính sách chưa nhất quán, chưa phù hợp với thực tiễn; góp phần nâng cao tính kinh tế, hiệu lực và hiệu quả trong hoạt động của các cơ quan chức năng khi thực hiện các chính sách về môi trường.
Chia sẻ thông tin tại hội thảo chia sẻ kiến thức của Tổ chức Các cơ quan Kiểm toán tối cao Đông Nam Á (ASEANSAI) với chủ đề “Công tác quản lý, bảo vệ môi trường tại các cụm công nghiệp và làng nghề” mới đây, đại diện SAI Malaysia cho biết trong quá trình thực hiện kiểm toán quản lý nguồn nước quốc gia, SAI Malaysia đã phát hiện có 140 dự án bị trì hoãn, vượt quá thời gian theo tiến độ đã đề ra, gây thiệt hại 4,753 tỷ ringgit Malaysia. Bên cạnh đó, SAI Malaysia cũng phát hiện ô nhiễm chất lượng nước đến từ nước thải của các nhà máy xử lý nước thải là một trong những nguồn ô nhiễm cao nhất đối với nhu cầu oxy sinh hóa (BOD), ước tính đạt 343,45 tấn mỗi ngày.
Trên cơ sở đó, SAI Malaysia kiến nghị tăng cường giám sát việc hoàn thành và phát triển dự án chất lượng nước để có thể hoàn thành trong thời gian quy định. Đồng thời, cải thiện việc kiểm soát các nguồn ô nhiễm và các thông số xử lý một cách hiệu quả hơn... Cũng tại hội thảo, đại diện của SAI Brunei đã trao đổi về kiểm toán việc kiểm soát ô nhiễm cho phát triển công nghiệp, trong đó chú trọng kiểm soát ô nhiễm không khí, môi trường nước, kiểm toán phân loại chất thải; SAI Indonesia đã chia sẻ kinh nghiệm về kiểm toán làng du lịch và tác động môi trường.
Theo: daidoanket.vn