An Giang có 29 làng nghề được công nhận, nằm trên địa bàn TP. Long Xuyên, TX. Tân Châu và các huyện Thoại Sơn, Châu Phú, Châu Thành, Chợ Mới, Phú Tân, Tri Tôn, Tịnh Biên. Trong đó, có 14 làng nghề và 15 làng nghề truyền thống, thuộc 4 nhóm ngành nghề: chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản; xử lý, chế biến nguyên vật liệu phục vụ sản xuất ngành nghề nông thôn; sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may, sợi, thêu ren, đan đát, cơ khí nhỏ; dịch vụ phục vụ sản xuất đời sống dân cư nông thôn.
Thời gian qua, UBND tỉnh đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về phát triển làng nghề gắn với phòng, chống ô nhiễm, bảo vệ môi trường (BVMT) làng nghề để áp dụng trên địa bàn tỉnh. Công tác BVMT làng nghề được tỉnh quan tâm triển khai và thường xuyên rà soát các làng nghề đảm bảo yêu cầu về môi trường theo quy định.
Tính đến nay, tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về BVMT làng nghề tại địa phương cơ bản được kiện toàn, 19/29 làng nghề có tổ tự quản về BVMT, với 332 người và có 12/29 làng nghề đưa nội dung BVMT làng nghề vào hương ước, quy ước của địa phương. Bên cạnh đó, việc thu gom, xử lý chất thải rắn thông thường tại các làng nghề được lồng ghép với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đảm bảo chất thải phát sinh được thu gom, xử lý đúng quy định.
Sản xuất gạch ngói
UBND tỉnh đã thực hiện hỗ trợ áp dụng máy móc thiết bị một số công đoạn sản xuất, hỗ trợ xúc tiến thương mại cho các cơ sở trong làng nghề, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hạn chế ô nhiễm môi trường, đảm bảo an toàn lao động và vệ sinh công nghiệp trong các làng nghề.
Tỉnh còn ban hành một số chính sách khuyến khích đầu ra cho sản phẩm, ưu đãi về thuế, vốn vay cho hộ sản xuất; hỗ trợ đào tạo thợ lành nghề, truyền nghề, chuyển đổi sản xuất từ phục vụ tiêu dùng trong nước sang xuất khẩu; đầu tư cơ sở hạ tầng, khoa học - công nghệ cho các làng nghề; gắn công tác khuyến công, tư vấn hỗ trợ phát triển công nghiệp, làng nghề với chương trình xây dựng nông thôn mới để làng nghề phát triển toàn diện, hiệu quả hơn.
Công tác tuyên truyền, vận động nhân dân hiểu và thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước được chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm; đồng thời, tuyên truyền, phổ biến pháp luật được xây dựng định kỳ hàng năm và thay đổi, lựa chọn nội dung, đối tượng, hình thức tuyên truyền phù hợp.
Theo Trung tâm Quan trắc và Kỹ thuật tài nguyên môi trường tỉnh An Giang, trên địa bàn tỉnh có 21/29 làng nghề đã có phương án BVMT làng nghề và hơn 93 cơ sở đã có thủ tục hành chính về môi trường. Hầu hết các hộ sản xuất trong làng nghề có quy mô nhỏ, nằm trong khu dân cư, mặt bằng chật hẹp nên khó xây dựng hệ thống xử lý môi trường, chỉ áp dụng các biện pháp quản lý nhằm giảm ô nhiễm không khí, tiếng ồn, nước thải, chất thải rắn.
Theo kết quả điều tra khảo sát thực tế tại những làng nghề có xả nước thải, mặc dù có xả nước thải ra môi trường nhưng lượng nước thải nhỏ (khoảng từ 0,0036 - 1,49m3/hộ/ngày) ảnh hưởng không đáng kể đến môi trường xung quanh.
Đối với giải pháp thu gom và xử lý chất thải rắn thông thường tại các hộ sản xuất trong làng nghề phù hợp với tính chất của loại chất thải, có mức độ khả thi cao; đảm bảo chất thải được thu gom, xử lý theo đúng quy định. Tuy nhiên, biện pháp thu gom và xử lý chất thải nguy hại của các hộ sản xuất trong làng nghề chưa phù hợp (12/29 làng nghề phát sinh loại chất thải này đều được xử lý như rác thải sinh hoạt).
Trong 15/29 làng nghề phát sinh khí thải đều chưa xây dựng công trình xử lý khí thải. Các hộ sản xuất trong làng nghề chưa đầu tư xây dựng hệ thống xử lý khí thải, chỉ dùng các biện pháp quản lý để giảm thiểu ô nhiễm… Vì vậy, thời gian tới, các hộ sản xuất trong làng nghề cần có biện pháp thu gom, xử lý chất thải và khí thải theo đúng quy định.
Tỉnh tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào sản xuất và xử lý môi trường, hướng dẫn thủ tục đăng ký quyền sở hữu công nghiệp cho các sản phẩm tại các làng nghề. Quản lý việc công nhận làng nghề bảo đảm các điều kiện về BVMT, rà soát các làng nghề đã được công nhận, chú trọng đến tiêu chí về BVMT. Điều tra, thống kê, báo cáo số liệu, đánh giá tình hình hoạt động của các làng nghề, từ đó tái cơ cấu ngành nghề làng nghề phù hợp. Tăng cường thanh, kiểm tra, đánh giá định kỳ hoặc đột xuất việc thực hiện chính sách, pháp luật, hiệu quả hoạt động của các làng nghề.
Đối với các cơ sở sản xuất trong làng nghề, áp dụng các biện pháp kiểm soát tiếng ồn, bụi, nhiệt, khí thải, nước thải và các biện pháp xử lý tại chỗ theo quy định; thực hiện thu gom, phân loại, tập kết chất thải rắn đúng nơi quy định; đối với chất thải nguy hại (nếu có) phải thực hiện phân loại, lưu giữ và chuyển giao cho đơn vị có giấy phép hành nghề theo quy định. Triển khai các hạng mục công trình xử lý chất thải nếu được lựa chọn, đầu tư; chủ động tìm hiểu, nghiên cứu, cải tiến công nghệ, áp dụng công nghệ thân thiện với môi trường, các giải pháp sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng trong hoạt động sản xuất - kinh doanh…