MÔI TRƯỜNG + AN TOÀN LĐ
Làng nghề Hà Nội sống chung với rác
(Ngày đăng: 16/11/2012   Lượt xem: 985)

"Một ngày, lượng chất thải rắn trên địa bàn thành phố ước khoảng 5.300 tấn."

langfnghehanoi_bai-6b0b3.jpg

Dân làng Xuân Tình (xã Đồng Tân, Ứng Hòa) sôi nổi tham gia trả lời trắc nghiệm các kiến thức về môi trường có gắn với cuộc sống thường ngày ở nông thôn. Ảnh: P. V

“Gần một nửa trong số đó là rác thải sinh hoạt phát sinh từ khu vực nông thôn. Tuy nhiên, mới chỉ có gần 50% số này được thu gom, xử lý”. Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội- ông Phạm Văn Khánh cho biết.

Rác lấn ruộng

Làng Triều Khúc (Thanh Trì, Hà Nội) nổi tiếng bởi nghề buôn chè chai, lông gà lông vịt, thêu dệt khăn, nhuộm quần áo... Hầu hết các hộ làm nghề vẫn sản xuất tại nhà, hệ thống xử lý rác thải rất yếu. Đây là lý do khiến ai mới bước chân đến đầu làng đã cảm nhận được mùi “lạ”.

Triều Khúc chỉ là 1 trong hơn 1.000 làng có nghề ở Hà Nội. Điểm chung của các làng có nghề đa phần là quy mô nhỏ, trình độ sản xuất thấp, thiết bị cũ và công nghệ lạc hậu chiếm phần lớn (trên 70%). Mặc dù một số địa phương đã có hợp tác xã dịch vụ, thu gom rác đến tận ngõ ngách, thôn xóm nhưng tình trạng rác lấn ruộng vẫn chưa được giải quyết triệt để. Các xã có nghề chế biến nông sản như: Hữu Hòa (Thanh Trì), Dương Liễu, Minh Khai (Hoài Đức) ô nhiễm môi trường đến mức báo động... Không thể phủ nhận những lợi ích về kinh tế do các nghề thủ công mang lại. Tuy nhiên, tại những làng nghề này, người dân cũng đang phải chịu cảnh ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Tại các làng thuần nông, mức độ ô nhiễm môi trường tuy không nghiêm trọng như làng nghề, nhưng vì nhiều lý do khác nhau, người dân đang dần quen với cảnh sống chung với rác. Ông Phạm Văn Khánh cho biết: Mặc dù cả 18 huyện của thành phố đã thực hiện việc đặt hàng các đơn vị vệ sinh môi trường để duy trì vệ sinh môi trường trên địa bàn nhưng tại các huyện phía nam thành phố mới chỉ triển khai tại các thị trấn và một số xã lân cận. Một số thôn, khu dân cư ở vùng sâu vùng xa vẫn chưa được thu gom rác thải.

Trong tổng số 18 huyện ngoại thành chỉ có 5/18 huyện có toàn bộ lượng rác thải được thu gom xử lý tập trung, 13/18 huyện chỉ thu gom, xử lý được một phần; các huyện còn lại chỉ một phần rác thải thu gom được vận chuyển về các khu xử lý tập trung, còn lại thu gom, xử lý tại chỗ. Đây là lý do khiến một số huyện như Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Phúc Thọ tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn cao do rác thải không được xử lý, tồn đọng trong khi người dân đổ rác bừa bãi ra đường, gây ô nhiễm mất mỹ quan đô thị. Nhiều xã thuộc các huyện ngoại thành có hiện tượng tận dụng ao hồ các vùng trũng để đổ rác thải, hình thành hố chôn lấp tự phát, không bảo đảm quy trình kỹ thuật, mất vệ sinh môi trường, gây mùi hôi thối và dẫn tới nguy cơ ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng.

Còn nhiều bất cập

Theo số liệu thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, trung bình mỗi ngày, lượng rác thải tồn đọng ở các huyện còn khoảng 496,8 tấn. Toàn bộ lượng rác thải thu gom ở các huyện được xử lý theo hai hình thức: Chôn lấp tại bãi rác tạm thời ở xã, thôn và chôn lấp hợp vệ sinh tại các bãi rác chung của thành phố và các huyện (chiếm 91,1%); chỉ có 8,9% được xử lý bằng phương pháp đốt tại Nhà máy xử lý rác thải Seraphin (Sơn Tây).

Mặc dù thành phố đã có cơ chế chính sách đầu tư, hỗ trợ từ ngân sách thành phố thực hiện thu gom, vận chuyển, xử lý chôn lấp rác thải nông thôn nhưng cho đến nay tỷ lệ thu gom và xử lý rác thải nông thôn mới đạt 35 - 40%. Số rác thải chôn lấp hợp vệ sinh ở các huyện đạt từ 50 - 60%, còn lại người dân tự xử lý.

Ông Phạm Văn Khánh thừa nhận: Thực tế việc xử lý thu gom rác thải nông thôn còn nhiều bất cập, chủ yếu mang tính tự phát, gần 40% rác thải nông thôn chưa được xử lý, thu gom nhưng chính các huyện vẫn có tâm lý trông chờ, ỷ lại. Trong khi thành phố sẵn sàng hỗ trợ kinh phí để địa phương xây dựng khu xử lý nhưng các huyện lại khó khăn trong việc triển khai với nhiều lý do. “Huyện thì kêu thiếu quỹ đất, huyện thì kêu không đủ tiền giải phóng mặt bằng. Tóm lại là không địa phương nào muốn xây dựng khu xử lý rác thải ở đơn vị mình. Trong khi đó, các dự án đầu tư xử lý rác thải tại chỗ bằng công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh còn hạn chế; tiến độ triển khai xây dựng các điểm tập kết rác thải của các huyện còn chậm, dẫn tới việc thu gom, vận chuyển rác thải gặp nhiều khó khăn. Thêm vào đó, các vấn đề về hạ tầng kỹ thuật, sự phối kết hợp giữa các đơn vị thực hiện vệ sinh môi trường và bộ máy thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về rác thải chưa được thống nhất cũng là một trong những nguyên nhân gây khó khăn trong công tác chỉ đạo và quản lý từ cấp thành phố” - ông Khánh cho biết.

Báo cáo về tình hình quản lý và xử lý rác thải nông thôn trên địa bàn thành phố Hà Nội nêu rõ: Mục tiêu của thành phố đến năm 2015 là xây dựng một số nhà máy áp dụng công nghệ xử lý rác thải, việc chôn lấp sẽ chỉ chiếm dưới 50% lượng rác thải nhưng lại khó hoàn thành. Nguyên nhân do các doanh nghiệp ngại đầu tư vào lĩnh vực môi trường, nhất là ngại đầu tư vào lĩnh vực thu gom rác bởi đầu tư vào lĩnh vực này hiệu quả kinh tế không cao, thu hồi vốn chậm…

Quỳnh An

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

18
Đang xem:
72.466.777
Tổng truy cập: