Hà Nội gần với mùa đông hơn. Mùa đông thứ 1001, dù Hà Nội
chưa thật lạnh. Vậy mà, sau cả tháng đứt đoạn, hương hoa sữa lại nồng lên khắp
các góc phố. Những vỉa hè lấm tấm cánh hoa trắng xanh, đẹp vô cùng.

Nhưng, những vỉa hè không còn cái vẻ thi vị, lãng mạn đến
nao lòng trong câu hát "Cốm sữa vỉa hè thơm bước chân qua" nữa. Đơn
giản, dư âm chuyện cốm trộn hóa chất đã qua nhưng người Hà Nội và cả người yêu
thích món rất đặc trưng của mùa thu Hà Nội này vẫn còn sửng sốt, thất kinh, lo
sợ. Cốm Hà Nội xanh mướt một màu hóa chất gây ung thư. Vì thế, mặc cho mọi thị
trường khác về cuối năm nhảy múa hay biến ảo, "thị trường cốm" đang
“đóng băng”.
Lỗi tại ai bây giờ? Tại người sản xuất cốm trục lợi hay tại cơ quan chức năng
không có hướng dẫn cụ thể về loại hóa chất nào được dùng, không được dùng, liều
lượng bao nhiêu là hợp lí, hay bởi người tiêu dùng cứ sính của ngon mồm, ngon
luôn cả mắt. Hay lỗi tại chính món cốm kia, hấp dẫn gì mà hấp dẫn thế, để hàng
loạt các món ăn từ cốm như chả cốm, xôi cốm, bánh cốm, tôm tẩm cốm, cá tẩm cốm ngày
càng được phát huy sáng tạo trên các bàn tiệc? Sau rất nhiều ồn ào, người tiêu
dùng chưa thể thở phào bởi bản cam kết vệ sinh an toàn thực phẩm mà làng Vòng
đồng loạt kí vào kia. Bởi người ta quá hiểu, không nên quá trông chờ vào những
gì chỉ nằm trên giấy tờ. Và vì thế, rất nhiều đám ăn hỏi trong thời điểm này đã
quay sang lựa chọn những mặt hàng khác thay vì món-không-thể-thiếu là bánh cốm.
Song, "họa đến từ miệng" đâu chỉ ở mỗi cốm làng Vòng. Bây giờ, trong
phạm vi Hà Nội, biết bao nhiêu làng nghề sản xuất những đồ ăn nức tiếng nhiều
thời đã và đang làm ra những mặt hàng mà nhiều người biết thì không dám ăn,
hoặc nhắm mắt mà ăn. Làng bún, làng bánh cuốn, làng bánh kẹo, làng miến, làng tương...
Rất nhiều cái làng song hành cùng với sự phát triển của vùng Kẻ Chợ. Cho đến
bây giờ, dù xã hội hiện đại, dù nhu cầu tiêu thụ của người tiêu dùng đã gấp
trăm, gấp nghìn lần ngày trước, song, vẫn với phương thức và không gian sản
xuất là làng, vì thế, có những cái lợi mà cũng có cái hại. Lợi, đương nhiên là
giữ gìn được những hương vị, bí quyết truyền thống mà không một máy móc hiện
đại, không một địa phương, thương hiệu nào khác có thể bắt chước. Song, hại thì
không phải ai cũng biết, mà có biết thì cũng đành phải nhắm mắt làm ngơ, vì
không thể nhấc toàn bộ cái làng nghề đó sang một không gian khác, một thói
quen, một tập quán khác được.
Vào ngày đẹp trời, đi trên đê sông Đáy, phóng mắt nhìn ra quang cảnh trù phú
đầy hoa trái, lúa ngô xanh mướt ven đường, tôi cứ tự nhủ, cần gì phải tìm đâu
xa, khách đến trung tâm Hà Nội, chỉ cần thiết kế thêm vài tour du lịch ra ngoại
thành như thế này, nhất là vào mùa xuân khi hoa bưởi, hoa xuyến chi nở trắng
muốt, ướp hương cho từng làn gió thì sẽ đẹp biết bao. Vậy mà, chưa hết mừng,
tôi đã thấy một cảnh tượng vô cùng... lạ lẫm. Suốt dọc hai bên đường, hàng trăm
tấm phiên liếp phơi những tấm bánh đa nem, miến, mì bắt sáng lấp lánh. Cảnh thì
đẹp thật, song không khỏi rùng mình. Người Việt Nam ai cũng thích ăn nem, khách nước
ngoài cũng ưa món nem Việt. Vậy mà, vật liệu đặc biệt để làm nên món ăn đặc sản
này đang trân mình giữa gió bụi và nồng nặc khói xe ngay trên đường đê, ngay
sát bùn đất ruộng đồng.
Bước chân nặng trĩu. Tuy vậy, tôi không khỏi sững sờ khi đến với Cự Đà, làng
miến, làng tương nức tiếng suốt bao năm qua. Đường làng cổ kính quanh co với
cổng làng, với gốc đa buông rèm rủ, với gạch ngói rêu phong không gây ấn tượng
bằng... thiên la địa võng miến. Miến vừa làm xong, còn ướt ròng, màu vàng đục,
hàng triệu hàng tỉ sợi dài vài mét treo thõng thượt như mắc màn khắp sân
thượng, bờ tường, bên hàng rào, trên bãi rác, trên nền chợ, thậm chí cả trên...
nghĩa địa nữa. Không một centimet vuông nào ở đây hở ra mà không tận dụng để
phơi miến. Thậm chí, sát với mép con sông Nhuệ đen ngòm, bốc mùi nồng nặc, miến
vẫn lơ thơ rèm rủ. Đường làng nhỏ hẹp vẫn kìn kìn xe chở miến đã khô đi khắp
nơi, để làm nem, làm miến xào, làm thức ăn sáng cho người sành ăn miến, tất nhiên
là sau khi chế biến, tất cả đều thơm lừng, bắt mắt. Song, nếu ai cũng như tôi,
nhìn thấy những hình ảnh này rồi, có thèm lắm cũng chỉ dám ăn một cách rất dè
chừng, thận trọng.
Đây chỉ là một trong số ít ỏi những làng nghề Hà Nội mà tôi đã “trót” chứng
kiến. Nhìn thấy rồi mà ước gì mình không nhìn thấy. Chợt đắng lòng khi nghĩ,
"tiếng thơm" về đặc sản Hà Nội còn nhiều lắm, chẳng biết mình có nên
đi để "mục sở thị" hết không...
Theo ANTĐ