MÔI TRƯỜNG + AN TOÀN LĐ
"Làng đi ủng" giữa thủ đô
(Ngày đăng: 02/10/2012   Lượt xem: 764)

Giữa Thủ đô Hà Nội nhiều năm nay vẫn tồn tại một ngôi làng được người ta gắn với cái tên đầy mỉa mai "làng đi ủng". Bất kể nắng hay mưa những ai muốn vào làng Cao Xá (Đức Giang, Hoài Đức, Hà Nội) đều phải đi ủng bởi nước ngập quanh năm. Với nghề làm bún gia truyền, nghề thịt chó, nước thải từ các hộ làm nghề thải ra là không nhỏ. Vào những ngày nắng nóng, không khí ngột ngạt, mùi chất thải nồng nặc xộc lên khủng khiếp. Khi mưa nước dâng lên lênh láng, tràn vào nhà khiến môi trường tại đây trở nên thực sự đáng báo động.  

Đi ủng giữa trời nắng

Hỏi đường vào làng Cao Xá, câu trả lời thường kèm thêm một câi hỏi "Có mang theo ủng không mà vào?". Chúng tôi đến Cao Xá vào đúng những ngày thời tiết của miền Bắc đang chịu ảnh hưởng của cơn bão số 5. Khi thời tiết bắt đầu xấu đi là lúc người dân lo lắng, loay hoay với nỗi lo ngập nước.

Ông Trịnh Văn Phượng - một người dân Cao Xá lo lắng chia sẻ: "Trời không mưa làng tôi đã ngập ngụa rồi. Nhiều năm nay làng này cứ phải chịu đựng cảnh nước ngập quanh năm. Vì cái dòng chảy của ao người ta lấp hết để lấn chiếm làm nhà hết thì cái đường đương nhiên thành cái dòng chảy. Những ngày mưa bão nước ngập lên tận sân, đây là vùng trũng nên khi nước lên là vô số rác rưởi đổ dồn về đây. Nắng lên là bốc mùi khó chịu.".

8_canh126-450.jpg

Cảnh ngập úng thế này đã xảy ra nhiều năm nay.

Theo quan sát của phóng viên, trục đường chính của thôn Cao Xá đã được bê tông hóa nhưng cáu bẩn của các phương tiện giao thông để lại. Đoạn đường ngập nặng nhất dài khoảng 100 mét nằm ngay ngã ba trục chính, chỗ ngập sâu nhất lên tới 40 - 50 cm. Nước đọng đen sì, mùi hôi nồng nặc bốc nên khiến cho cả một góc làng như một bãi rác.

Thỉnh thoảng lại có chiếc công nông, xe máy chạy qua tạo sóng dềnh bắn tung tóe. Cứ như thế bao năm nay cả trăm hộ dân phải sống chung với nó. Điều đáng nói hơn cả, chính ngã ba đường nơi ngập nặng nhất lại tập trung nhiều người buôn bán thực phẩm như: thịt, rau và một số đồ ăn sẵn. Vì vậy việc mất vệ sinh an toàn thực phẩm là không thể tránh khỏi.

Ông Trịnh Văn Phượng cũng cho biết: "Những lúc nắng lên thì mới thấy được nước ở đây mất vệ sinh đến mức nào. Thỉnh thoảng ở đây có một đợt dịch đau mắt đỏ. Nhiều người bị đau mắt lắm, tôi nghĩ chắc chắn tại nguồn nước bị ô nhiễm nặng rồi. Nếu không phải vì ô nhiễm thì sao các làng khác chẳng mấy ai bị đau mắt?".

Đã có thời gian ở Cao Xá rộ lên phong trào tôn sân, tôn nền nhà. Gia đình ông Đặng Văn Tùng đã tôn sân lên 2 lần cao thêm gần 1 mét, thế nhưng vẫn thường xuyên bị nước tràn vào mà không có lối thoát. Gia đình ông Tùng cũng thuộc vào hàng có điều kiện trong thôn, nhà cao cửa rộng nhưng cũng chả thể nghiễm nhiên mà tận hưởng cái niềm sung sướng ấy.

9_doan126-1.jpg

Luôn luôn cửa đóng then cài kín mít chỉ bởi lý do không sao chịu nổi cái mùi hôi thối, ứ đọng ngoài đường bốc vào. Cách nhà ông Tùng không xa là nhà ông Hách cũng chịu cảnh tương tự. Để đối phó với tình trạng ngập úng liên miên, gia đình ông Hách đã xây một hàng gạch cao gần 1 mét chắn ngay đầu cổng nhưng mỗi khi mùa nước lên cao, nhà ông lại bì bõm nước.

Vừa múc tát nước ông Hách vừa nói: "Khổ lắm rồi! Mỗi khi mưa to là nước lại tràn vào trong nhà. Nền sân nhà tôi còn cao hơn cả nền nhà mà vẫn bị thế này đây. Công trình phụ tự hoại đều hỏng hết, do bùn cát trôi vào làm tắc hết hệ thống cống. Những ngày này thì không thể đi vệ sinh được vì không xả được nước đi. Cơ man nào là khổ!".

Càng đi sâu vào làng chúng tôi lại được nghe rất nhiều câu chuyện bi hài do nước ngập quanh năm. Đơn cử như gia đình chị Nguyễn Thị Dung, chuyên làm bún, thỉnh thoảng gia đình phải đổ bỏ vài chục cân  có khi cả tạ bún vì đi qua đoạn ngập úng bị ngã xe. Còn rất nhiều những câu chuyện cười ra nước mắt tại ngôi "làng đi ủng" này.

Bà Trịnh Thị Mão chia sẻ: "Khi làng có đám hiếu hỉ là bất tiện lắm. Đời thuở nhà ai cô dâu, chú rể phải đi ủng. Trai gái trong làng lấy nhau thì còn thông cảm chứ thiên hạ họ đến thì còn mặt mũi nào. Lấy đâu ra vài chục thậm chí hàng trăm đôi ủng cho cả hai họ đi. Khách khứa đến dự hiếu hỉ đều quần là áo lượt nhưng bước chân vào làng là nước ngập bì bõm. Đi bộ cũng không được mà đi xe máy thì nước thải bắn tung tóe, có những khi ngập sâu người lạ đến không quen đường rất dễ đụng phải hố mà ngã".

Trên thực tế, rất nhiều người dân ở xa khi về Cao Xá vì không biết thực trạng đau khổ của người dân nơi đây nên không hề chuẩn bị tâm lý. Chỉ đến khi đi qua cổng làng họ mới ớ người ra khi nhìn thấy cảnh ngập úng, đến lúc đó thì "tiến thoái lưỡng nan".

Người dân kêu cứu

9_doan126-450.jpg

Đoạn ngập nặng nhất tại Cao Xá.

Là một xã cách trung tâm Hà Nội không xa, chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của cơn lốc đô thị hóa. Đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện, rất nhiều nhà cao tầng mọc lên. Trong khi đó hệ thống cống thoát nước cũng như đường làng không được cải thiện theo. Chính việc phát triển không đồng bộ đó khiến cho việc thoát nước thải sinh hoạt trở nên khó khăn.

Thôn Cao Xá sống chủ yếu bằng nghề làm bún bánh (trên 200 hộ), thịt chó, chăn nuôi gia súc, hằng ngày lượng nước thải ra khoảng 200 - 300m3. Hơn nữa Cao Xá vốn là một ngôi làng cổ, lại là "rốn nước" của cả xã Đức Giang nên nước thải từ các thôn khác như Lưu Xá, Trung, Thượng, Giang Xá đổ về càng khiến nơi đây ngập úng và ô nhiễm nặng.

Tuy vậy, qua tìm hiểu của phóng viên, tình trạng ngập úng kéo dài nhiều năm ở làng Cao Xá là do hiện tượng một số ao làng bị lấn chiếm xây nhà. Như ao Hoa và ao Ngòi đã bị khoảng 50 hộ dân lấn chiếm và xây dựng nhà cửa. Đơn cử như ao Hoa, trước kia có chiều rộng khoảng 20 mét, dài chừng 600 mét, là nơi tiêu thoát nước không chỉ cho Cao Xá mà còn cho một số làng lân cận.

Bà Trịnh Thị Mão bức xúc chia sẻ: "Trước kia làng tôi có ngập thế này đâu. Một cái ao to mười mấy mét trước đó nhưng hai bên cùng lấn chiếm, giờ có chỗ chỉ còn bằng cái mặt bàn này thôi nên rác rưởi, ni lông dồn xuống khiến nó ứ đọng. Cũng vì xã không xử lý kiên quyết nên chúng tôi bao năm nay cũng bị ảnh hưởng theo. Chúng tôi sống còn lâu còn dài, rồi đến thế hệ con cháu nữa. Nhà cao cửa rộng đến mấy khi mà đường làng ngõ xóm như thế cũng không sao sống nổi".

Tình trạng luôn luôn chìm trong ngập úng bất kể trời nắng hay mưa đã khiến sinh hoạt của người dân Cao Xá gặp rất nhiều bất tiện. Thay vào việc làm duyên làm dáng với những đôi dày đôi dép đẹp mắt, người dân Cao Xá luôn phải chuẩn bị cho mình những đôi ủng cổ cao đến đầu gối. Những vại dưa, vại cà nho nhỏ vẫn được mở nắp bày bán dọc hai bên đường trong một mùi hôi thối đặc quánh.

Để đối phó với tình trạng ngập úng ngày càng nặng, người dân Cao Xá cũng chỉ biết tôn đường và tôn nhà của mình lên cao hơn. Nhưng nghe có vẻ những giải pháp đó chẳng thấm tháp gì nhiều. Từ đầu năm trở lại đây UBND TP Hà Nội đã đầu tư 12 tỷ đồng để xây dựng con mương thoát nước. Hy vọng khi con mương này hoàn thành, đời sống sinh hoạt của người dân Cao Xá sẽ được trở lại bình thường như nhiều năm trở về trước.

Ông Hồ Trung Nghĩa Trưởng phòng Tài nguyên môi trường huyện Hoài Đức: Bản chất Cao Xá là một ngôi làng cổ, lại là vùng trũng nên việc ngập úng là không thể tránh khỏi. Hơn nữa vài năm gần đây vùng này phát triển mạnh mẽ, cơ sở hạ tầng phát triển không đồng bộ. Nhiều nhà cao tầng được xây dựng tuy nhiên hệ thống thoát nước chưa được quan tâm. Việc xây dựng hệ thống thoát nước cho Cao Xá là cần thiết bởi đây là làng nghề, ô nhiễm môi trương rất nặng. Công trình cống thoát nước được Nhà nước đầu tư 12 tỷ đồng đã hoàn thành giai đoạn 1, dự kiến trong tháng 8 hệ thống này sẽ hoàn thiện.

Ông Đặng Tài Phong, Trưởng thôn Cao Xá: Hiện tượng ngập úng liên miên mới chỉ diễn ra trong vòng gần một năm đổ lại đây khi người ta đang xây dựng con mương thoát nước. Trước đó cũng ngập nhưng là ngập cục bộ, tức là trời mưa mới bị ngập. Sở dĩ thôn Cao Xá bị ngập thế là do một số người dân đã lấn chiếm đất ao để xây dựng nhà cửa. Một phần ba hộ dân trong làng luôn phải chịu cảnh ngập nước quanh năm. Trong hội nghị xây dựng nông thôn mới gần đây, nhiều người dân bức bách đã gửi đơn lên UBND xã và UBND huyện đề nghị giải tỏa. Chính quyền thôn không có thẩm quyền trong việc này

  Theo cannd

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

15
Đang xem:
72.466.438
Tổng truy cập: