MÔI TRƯỜNG + AN TOÀN LĐ
Mối lo ô nhiễm môi trường làng nghề
(Ngày đăng: 18/04/2018   Lượt xem: 841)
Tình trạng ô nhiễm môi trường ở các làng nghề hiện đã đến mức báo động, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và sức khỏe của người dân. Câu chuyện này không mới, nhưng vẫn chưa có lời giải thỏa đáng.
 

Làng nghề làm mành trúc ở huyện Củ Chi, TP.Hồ Chí Minh. Ảnh: K.V

Ô nhiễm đã đến mức báo động

Thống kê của ngành chức năng, hiện cả nước có trên 5.400 làng nghề, trong đó trên 1.800 làng nghề và làng nghề truyền thống được công nhận. Các làng nghề đã thu hút hơn 11 triệu lao động, khoảng 30% lực lượng lao động nông thôn, có đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, giúp nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân địa phương... Tuy nhiên, có đến 46% số làng nghề trong diện điều tra có môi trường bị ô nhiễm nặng. Đặc biệt, với nước thải, ô nhiễm chất hữu cơ các làng nghề chế biến lương thực, thực phẩm, chăn nuôi và giết mổ hàm lượng các chất ô nhiễm vượt quá quy chuẩn Việt Nam hàng chục lần.

Có thể thấy, tình trạng ô nhiễm môi trường làng nghề đã ở mức báo động từ khá lâu, song đến nay hầu hết các làng nghề vẫn chưa có công trình xử lý chất thải phù hợp. Phần lớn nước thải vẫn đổ thẳng vào hệ thống nước thải sinh hoạt, gây hiểm họa khôn lường. Qua kết quả khảo sát mới đây của các ngành chức năng, hầu hết các làng nghề được quan trắc đều có ít nhất có 3 chỉ tiêu phân tích vượt tiêu chuẩn cho phép, nguồn nước ngầm sử dụng trong sinh hoạt và sản xuất bị ô nhiễm; bề mặt ao hồ, kênh mương thủy lợi bị nhiễm độc… thậm chí nhiều địa phương có làng nghề hoạt động chỉ số ô nhiễm môi trường vượt quá hàng chục lần cho phép.

Một khảo sát của Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) mới đây cho thấy, nguồn nước ngầm sử dụng trong sinh hoạt và sản xuất tại các làng nghề đều bị ô nhiễm bởi NH4, phenol…; nước mặt tại các ao, hồ, kênh mương thủy lợi bị nhiễm độc; hay các chỉ tiêu sinh học như ecoli, coliform, kim loại nặng As, Hg khá cao… Ước tính mỗi ngày, các làng nghề thải ra môi trường hàng trăm nghìn tấn chất thải rắn, cũng như hàng nghìn m3 nước thải sinh hoạt. Riêng ở các làng nghề chế biến nông sản thực phẩm, cơ kim khí, chế biến lâm sản, dệt… hầu hết các loại chất thải không được xử lý mà xả thẳng ra môi trường. Đáng lo ngại là một số địa phương còn thiếu trách nhiệm, chưa thực sự chú trọng kiểm tra, xử lý vi phạm dù cảnh báo đã tới mức nguy hiểm. Nhiều hộ gia đình vì lợi ích kinh tế, dù biết rõ mức độ nguy hiểm nhưng vẫn cố tình vi phạm và chấp nhận sống chung với ô nhiễm.

Ô nhiễm chất vô cơ từ các làng nghề dệt nhuộm, thủ công mỹ nghệ và mây tre đan, tái chế giấy, nước thải có hàm lượng cặn lớn và chứa nhiều chất ô nhiễm như dung môi, dư lượng hóa chất trong quá trình nhuộm, đánh bóng. Kết quả đo đạc chất lượng không khí tại các làng nghề sơn mài cũng rất đáng lo ngại, hàm lượng phun sơn gấp 5 lần nồng độ tối đa cho phép...Tình trạng này cũng đang diễn ra tại các làng nghề trên địa bàn Hà Nội, như làng nghề Triều Khúc, Tân Triều, Thanh Trì nổi tiếng với nghề thu gom phế thải, lông vũ, tái chế nhựa. Toàn bộ nước thải của các cơ sở sản xuất trong làng đều được xả thẳng ra môi trường khiến hệ thống nước mặt xung quanh Triều Khúc bị ô nhiễm nặng. Hầu hết các ao hồ trong làng đều không thể nuôi được cá do tiếp nhận một lượng nước thải do sản xuất rất lớn.

Làng nghề chế biến miến dong ở huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên cũng tương tự vậy, nước thải từ các lò làm miến gây ô nhiễm trầm trọng ao hồ trên địa bàn, do không có biện pháp xử lý hiệu quả, nên người dân ở đây phải chung sống với tình trạng ô nhiễm suốt một thời gian dài. Hay như làng nghề chạm khắc đá ở Bửu Long, TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, do đưa công nghệ máy móc vào chế tác cũng đã tạo ra tiếng ồn, gây ô nhiễm môi trường trong khu vực dân cư. Chính vì vậy, Uỷ ban nhân dân TP.Biên Hoà đã ra văn bản yêu cầu di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường trong khu dân cư. Mặc dù chủ trương của Thành phố thì đã được ban hành, tuy nhiên hiện nay vẫn chưa tìm đuợc địa điểm để di dời làng nghề, vì chưa có quỹ đất…

Theo Tiến sĩ Nguyễn Quang Hùng, Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Văn phòng Quốc hội), hiện trạng môi trường làng nghề hiện nay đã làm gia tăng số người mắc bệnh đang lao động và sinh sống ở làng nghề. Tỷ lệ này có xu hướng tăng trong những năm gần đây. Qua khảo sát, ở một số làng nghề mức độ ô nhiễm cao, tuổi thọ trung bình của người dân giảm, thấp hơn 10 năm so với các làng không làm nghề. Thực tế đó đặt ra vấn đề là cơ quan quản lý từ Trung ương đến địa phương cần có hành động thiết thực để hạn chế những tác động xấu của ô nhiễm làng nghề đến môi trường và sức khỏe người dân... Hiệp hội Làng nghề Việt Nam cho hay, các cơ quan chức năng và địa phương đã có nhiều chính sách nhằm cải thiện điều kiện môi trường sống nói chung và môi trường tại các làng nghề.

Dù vậy, công tác bảo vệ môi trường tại một số làng nghề không đạt kết quả. Ý thức chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường của các cơ sở, hộ sản xuất, kinh doanh tại làng nghề chưa cao. Một số địa phương chưa quan tâm, coi trọng công tác bảo vệ môi trường làng nghề, vẫn còn có những nơi môi trường làng nghề bị ô nhiễm nghiêm trọng gây bức xúc trong nhân dân nhưng tại đây các cơ quan chuyên môn địa phương còn buông lỏng quản lý, chưa chủ động thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Hơn nữa, kinh phí dành cho hoạt động bảo vệ môi trường làng nghề quá thấp, chỉ chiếm 1% tổng chi Ngân sách Nhà nước cho sự nghiệp môi trường hàng năm cũng đã gây khó khăn cho các hoạt động quản lý, xử lý môi trường làng nghề...

Những giải pháp giảm thiểu ô nhiễm

Để các làng nghề phát triển bền vững, đại diện Hiệp hội Làng nghề Việt Nam cho rằng, quản lý môi trường làng nghề phải dựa vào cộng đồng. Theo đó việc xây dựng, khôi phục các quy ước, hương ước của làng, xóm và thực hiện hiệu quả có vai trò quan trọng góp phần giữ gìn, bảo vệ môi trường. Do đó, các cơ quan chức năng, các địa phương tập trung nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân làng nghề, gắn hoạt động bảo vệ, quản lý môi trường làng nghề với việc thực hiện các nội dung tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Các địa phương cần nghiên cứu, khuyến khích người dân làng nghề áp dụng các công nghệ mới, sử dụng năng lượng sạch, quy hoạch bố trí lại sản xuất để giảm chất thải..., theo đó, nhiều địa phương đã đưa ra mục tiêu cụ thể nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường ở khu vực làng nghề.

Theo Sở Công Thương Hà Nội, Thành phố này cũng đã có lộ trình cụ thể để từng bước khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường làng nghề. Cụ thể, thời gian tới, Thành phố sẽ thực hiện việc di dời, chuyển đổi ngành nghề sản xuất, tùy thuộc vào đặc điểm thực tế của địa phương để áp dụng các hình thức như quy hoạch tập trung theo cụm công nghiệp, quy hoạch phân tán hoặc phân tán kết hợp tập trung. Đồng thời, chuyển đổi ngành nghề sản xuất hoặc di dời vào khu, cụm công nghiệp tập trung. Thành phố yêu cầu các địa phương phải khoanh vùng quản lý thu gom rác thải sinh hoạt nông thôn, tránh tình trạng xả tràn lan ra môi trường. Trước đó, Uỷ ban nhân dân TP.Hà Nội đã phê duyệt Đề án bảo vệ môi trường làng nghề trên địa bàn Thành phố đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.

Trong năm 2018, TP.Hà Nội sẽ tập trung đầu tư, xây dựng và vận hành quy trình công nghệ xử lý môi trường cho 13 loại hình làng nghề gồm chế biến lương thực, thực phẩm; nghề thuộc da, nghề nhuộm; chăn nuôi, giết mổ gia súc. Cũng trong giai đoạn này, Thành phố sẽ tiến hành xây dựng hệ thống các điểm thu gom, lưu trữ rác thải, chất thải tại các làng nghề để vận chuyển tới các điểm xử lý trên địa bàn.

Cục Kiểm soát ô nhiễm (Tổng cục Môi trường- Bộ Tài nguyên và Môi trường) cũng đã được giao làm cơ quan đầu mối xây dựng Kế hoạch giám sát chất lượng môi trường làng nghề. Kế hoạch được xây dựng với mục tiêu theo dõi diễn biến chất lượng môi trường tại các làng nghề được xác định là ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ô nhiễm môi trường. Đồng thời, cập nhật, điều chỉnh danh sách các làng nghề ô nhiễm trên phạm vi toàn quốc, đánh giá hiệu quả của các giải pháp bảo vệ môi trường làng nghề làng nghề đã và đang được thực hiện tại các địa phương, cũng như mức độ tuân thủ quy định về bảo vệ môi trường của các cơ sở, hộ sản xuất trong làng nghề. Trên cơ sở đó, các cơ quan quản lý địa phương sẽ nắm bắt được thực trạng hoạt động sản xuất tại làng nghề, kịp thời phát hiện ô nhiễm và nhanh chóng có phương án kiểm soát, xử lý phù hợp.

Để xây dựng kế hoạch, Cục Kiểm soát ô nhiễm đã triển khai thực hiện một số nội dung như nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về cách thức quản lý các đối tượng sản xuất quy mô nhỏ, mang tính truyền thống, tập trung tại khu vực nông thôn và rút ra bài học cho Việt Nam, nghiên cứu kinh nghiệm xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trong thời gian qua để có biện pháp xử lý phù hợp với đặc trưng của làng nghề. Đồng thời xây dựng Kế hoạch giám sát theo đặc trưng của làng nghề. Trên cơ sở danh mục hơn 5.000 làng nghề và làng có nghề trên toàn quốc được tổng hợp từ các báo cáo của địa phương, Cục Kiểm soát ô nhiễm đã xác định được danh mục 160 làng nghề có nguy cơ ô nhiễm môi trường và ô nhiễm môi trường nghiêm trọng cần theo dõi, giám sát chặt chẽ…

Trong thời gian tới, thông tin về tình hình hoạt động, việc thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường tại các làng nghề có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng cần tiếp tục theo dõi, cập nhật, kế hoạch giám sát môi trường làng nghề… được ban hành để xác định các đối tượng, hoạt động cần ưu tiên và trách nhiệm của các cơ quan liên quan, từ đó đề xuất, bố trí kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ theo phân công./.
                                                                                                 Theo: cpv.org.vn

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

3
Đang xem:
72.457.504
Tổng truy cập: