Việc làm sao vừa phát triển bền vững làng nghề mà không ảnh hưởng đến môi trường sống đang là bài toán khó cho các địa phương này… 

Từ lâu, nghề hầm than trở thành nghề truyền thống của nhiều gia đình các xã, như: Tân Thành, Đại Thành, thị xã Ngã Bảy; xã Phú Tân, huyện Châu Thành (Hậu Giang); xã Xuân Hòa, huyện Kế Sách (Sóc Trăng)…

Có thời điểm, chỉ riêng xã Phú Tân, huyện Châu Thành có trên 500 lò than hoạt động ngày đêm. Dù nhiều năm qua, nghề hầm than đã không được khuyến khích phát triển, nhưng số lượng các lò than hoạt động trên địa bàn vẫn còn nhiều. Mặc dù biết tác hại của khí thải của các lò than ảnh hưởng đến sức khỏe của bản thân và gia đình nhưng nhiều người vẫn quyết theo nghề để mưu sinh.

Người lao động làm việc tại các lò hầm than bị ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe.

Anh Nguyễn Văn Soạn (ngụ ấp Phú Tân A, xã Phú Tân), cho biết: “Nghe cha tôi kể, nghề này tồn tại ở đây gần 50 năm rồi. Riêng nhà tôi thì cũng theo nghề được trên 20 năm. Ở đây, nhà nào ít đất vườn thì làm nghề này để sống. Vất vả thì cũng phải chịu chứ biết chuyển nghề gì bây giờ”.

Vào làng nghề, mùi củi bốc lên từ các lỗ thông hơi của lò quyện với mùi củi hầm tạo ra một mùi rất đặc trưng lan tỏa khắp làng trên xóm dưới. Người mới đến thì thấy chút gì đó lạ lẫm khó tả, người làng nghề thì quen mùi, đi xa là… nhớ.

Theo thống kê của UBND huyện Kế Sách (Sóc Trăng), làng nghề hầm than xã Xuân Hòa hiện có 939 lò của hơn 400 hộ dân, sản lượng than mỗi năm đạt khoảng 40.000 tấn, doanh thu trên 300 tỉ đồng/năm, tạo công ăn việc làm ổn định cho gần 4.000 lao động địa phương. Than ở làng nghề này không chỉ bán trong nước mà còn xuất khẩu sang Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc... Nhờ ăn nên làm ra mà số lượng lò than ở đây tiếp tục tăng về số lượng. Những đóng góp của làng nghề hầm than cho địa phương là không nhỏ.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt lợi đó thì làng nghề hầm than lại là nơi gây ô nhiễm môi trường khói bụi, ảnh hưởng tới sức khỏe của hàng ngàn hộ dân, gây thiệt hại không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp. Cụ thể, xã Xuân Hòa có khoảng 3.200ha diện tích cây ăn trái với các loại như: cam, bưởi, sầu riêng, măng cụt, xoài… Những vườn cây ăn trái nằm trong bán kính 300 – 500m gần các lò hầm than, năng suất giảm khoảng 50% so với nơi khác…

Ông Nguyễn Văn Út (ngụ xã Xuân Hòa) có 5 công vườn trồng bưởi năm roi phải đốn bỏ để trồng cây khác vì trái nhỏ, không ai mua. Ông Út than thở: “Cam, bưởi ra hoa rất nhiều nhưng tỉ lệ đậu trái chỉ chừng 50% vì bụi than rất mặn, bám vào sẽ gây rụng bông. Nếu có trái thì bị teo tóp, bên ngoài đóng một lớp bụi than đen. Trái cây kém chất lượng nên thương lái không mua hoặc mua với giá rất “bèo”.

Ông Trần Văn Mười Một -cán bộ MTTQ xã Phú Tân cho biết, huyện đã chỉ đạo không cho xây thêm lò mới nhưng một số người vẫn lén xây thêm nên lò than mọc lên ngày càng nhiều. Khói bụi ở các lò hầm than ảnh hưởng tới 1km. Người dân đã phản ánh tình trạng này với chính quyền gần 10 năm nay, nhiều khi gửi đơn lên tới cấp tỉnh nhưng vẫn chưa giải quyết được.

Với kinh nghiệm gần 30 năm trong nghề hầm than, ông Chung Văn Mau (ngụ xã Đại Thành, thị xã Ngã Bảy), cho biết: “Nghề hầm than công đoạn cực nhất là canh giờ chụm củi, canh lửa cho phù hợp với yêu cầu. Thời gian đầu thường phải đốt lửa ngọn khoảng 4-7 ngày, sau đó mới đốt lửa than âm ỉ đợi than chín. Công đoạn này phải có kinh nghiệm, nếu không sẽ rất dễ dẫn đến sự cố bể than hoặc than bị cháy”.

Cơ quan chức năng tỉnh Hậu Giang đang tìm các giải pháp xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường khói bụi ở các làng nghề hầm than. Trước đây, tỉnh đã xem xét đề xuất quy hoạch lò than theo khu, cụm nhưng không khả thi vì phá bỏ lò cũ xây lò mới sẽ rất tốn kém, trong khi các chủ lò than lại muốn lò than ở gần nhà để dễ quản lý. Các giải pháp công nghệ được đưa ra để xử lý khí thải lò than vẫn chưa được lựa chọn vì chưa đồng bộ và thống nhất, chi phí để chuyển đổi công nghệ còn cao.

Cần có các đề tài, đề án nhằm đầu tư, xử lý, khắc phục ô nhiễm môi trường làng nghề hầm than ở Sóc Trăng, Hậu Giang nhằm mang đến những giải pháp hữu hiệu trong việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Đây cũng là một trong những yếu tố quyết định để làng nghề được duy trì và phát triển bền vững.

                                                                Theo : cand.com.vn