Việc làm đó đang gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe, cuộc sống của chính họ.

Ô nhiễm từ trong nhà ra ngoài ngõ

Cách trung tâm thị trấn Chờ, huyện Yên Phong khoảng 2km, thôn Mẫn Xá nằm quy tụ lại giữa bốn bề đồng lúa, nhìn từ xa đã thấy những cột khói đen bốc lên nghi ngút, vào trong thôn không khí trở nên ngột ngạt hơn, những ai đầu tiên đến đây đều cảm thấy khó thở, đầu choáng váng.

Người dân làm việc trong môi trường ô nhiễm nghiêm trọng

Dạo một vòng quan sát quanh thôn, từ trong nhà đến ngoài ngõ, thậm chí ra tận cánh đồng sau thôn, những hình ảnh thường thấy nhất là cảnh người dân thu mua, đúc, nung các vật liệu như dây điện, vỏ lon bia,… để tạo ra phôi nhôm đem bán.

Rất nhiều người được chúng tôi hỏi đều trả lời rằng là người nơi khác đến đây làm thuê, biết là ô nhiễm nhưng không có ngành nghề khác kiếm ra tiền nên đến Mẫn Xá làm thuê cho các chủ lò mỗi ngày được trả khoảng 200.000đ tiền công.

Đầu đội nón, bịt khăn kín mặt, chị Phạm Thanh Phượng, một người dân ở thị xã Từ Sơn qua Mẫn Xá làm thuê đã 2 năm – cho biết: “Tất cả vì cuộc sống thôi, ruộng vườn ở nhà đã bị thu hồi cho các dự án của nhà nước, tôi làm ở đây đã 2 năm, thấy sức khỏe của mình giảm sút hẳn, hay ốm đau, nhưng không làm thì lấy tiền đâu nuôi con ăn học, trang trải cuộc sống hàng ngày”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hữu Hậu, Phó Chủ tịch UBND xã Văn Môn – cho biết: “Văn Môn có tổng dân số là 11.600 nhân khẩu, với 2.600 hộ dân chia làm 5 thôn với các đặc thù đặc trưng khác nhau, riêng thôn Mẫn Xá (700 hộ, khoảng 2.400-2.600 người).

Xã có 3 làng nghề chính là làng cô đúc nhôm phế liệu Mẫn Xá: 350 hộ gồm 50  hộ đúc, 300 hộ nung, sản xuất mỗi ngày 1 lò thu được từ 500 -600.000 nghìn đồng. Thải ra khí ô nhiễm như SO2, NH3, NH4, CO2… và xỉ nhôm gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng”.

Ông Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ tịch UBND xã Văn Môn

Chưa có giải pháp xử lý ô nhiễm

“Trước năm 2006, các huyện rà soát báo cáo lên có 82 làng nghề, hiện nay lên đến 133 làng nghề. Làng nghề thu hút rất nhiều lao động, giải quyết vấn đề thu nhập cho nhiều hộ gia đình, tuy nhiên lại gây ô nhiễm rất nặng. Mẫn Xá đã quy hoạch 2 khu cụm công nghiệp làng nghề từ năm 1996, nhiều cơ sở đã di dời ra nhưng nhiều hộ dân không muốn di chuyển” – ông Nguyễn Văn Liên, Chi cục trưởng Chi cục Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Sở NN&PTNT tỉnh Bắc Ninh) – cho biết.

Còn ông Phạm Đức Định, Phó phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Yên Phong- ngán ngẩm: “Làng Mẫn Xá có tỷ lệ làm nghề tái chế nhôm rất cao, gần như cao nhất ở các làng nghề của Yên Phong. Chưa có hộ dân nào tại làng nghề có cam kết bảo vệ môi trường, các công ty lớn thì có quản lý Đánh giá tác động môi trường với cấp tỉnh. Từ cuối năm 2012 đến nay, chưa xử phạt được trường hợp nào vi phạm các quy định về giấy phép Bảo vệ môi trường”.

Phế thải được sử dụng để đúc nhôm chất thành đống ven thôn Mẫn Xá

Ở cấp quản lý nhà nước cao hơn, ông Đặng Văn Đường, Phó chi cục trưởng chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN&MT tỉnh Bắc Ninh) đưa ra giải pháp là cần điều tra, đánh giá, khảo sát, xây dựng, kêu gọi các dự án đầu tư, vốn, nguồn lực, làm có lộ trình thì mới giải quyết được vấn đề ô nhiễm ở Mẫn Xá, thêm nữa các cơ sở sản xuất mới thì phải làm nghiêm ngay từ ban đầu về vấn đề môi trường, các cơ sở sản xuất cũ thì có lộ trình xử lý dần dần.

Ông Đường cũng cho biết thêm, làng Mẫn Xá là làng đúc nhôm, quy mô hộ gia đình, công nghệ sản xuất đơn giản, lạc hậu gây ô nhiễm môi trường nước, không khí gây bức xúc. Nhưng công tác kiểm tra, xử lý gặp nhiều khó khăn cả về nhân lực cũng như phương tiện.

Ngoài Mẫn Xá, làng nghề giấy Phong Khê đang là một "điểm nóng" ô nhiễm môi trường

Theo thông tin từ một cán bộ Phòng cảnh sát môi trường (PC49), Công an tỉnh Bắc Ninh – cho biết: “Mỗi năm trên địa bàn toàn tỉnh Phòng xử phạt khoảng 100 vụ vể vi phạm vệ sinh môi trường, trong đó chủ yếu là gây ô nhiễm nước, khí do chưa xử lý hoặc xử lý chưa đạt chuẩn thải ra môi trường. Đối với làng nghề, Cảnh sát môi trường phối hợp với Sở TN&MT để điều tra, xử lý các vụ việc. Tuy nhiên, chưa xử lý vụ việc nào ở xã Văn Môn”.

Lợi nhuận về kinh tế đang hàng ngày hủy hoại môi trường, sức khỏe của hàng ngàn người dân. Trong khi cơ quan chức năng vẫn chưa có biện pháp, chế tài xử lý để giảm thiểu ô nhiễm thì số các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm ở Mẫn Xá lại có xu hướng tăng lên. Và tất nhiên, không ai khác người dân là những đầu tiên phải chịu cảnh sống chung với ô nhiễm cả hiện nay và trong tương lai.

                                                              Theo : laodong.com.vn