BÁU VẬT & KIỆT TÁC
Đài thờ Mỹ Sơn A10 - Bảo vật quốc gia
(Ngày đăng: 09/01/2022   Lượt xem: 301)

Theo tư liệu của người Pháp, đến đầu thế kỷ XX, Khu di tích Mỹ Sơn có khoảng 70 công trình đền tháp, niên đại từ thế kỷ VII-XIII. Tuy nhiên, do thời gian và chiến tranh tàn phá, số đền tháp còn lại hiện nay chỉ khoảng 30 công trình (kể cả mới được trùng tu những năm gần đây), hầu hết không nguyên vẹn. Từ những năm 80 của thế kỷ trước, một số dự án bảo tồn Khu di tích Mỹ Sơn (nay là Khu đền tháp Mỹ Sơn, xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) bắt đầu được triển khai, qua đó không chỉ trùng tu, gia cố vững chắc các kiến trúc, mà còn giúp phát hiện thêm nhiều hiện vật bằng sa thạch, đất nung có giá trị mỹ thuật, kỹ thuật cao. Nổi bật nhất là Đài thờ Mỹ Sơn A10 và Ekamukhalinga.

Linga và Yoni được phát hiện tại Đài thờ Mỹ Sơn A10, tháng 5-2020. Ảnh: Ban Quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn

Theo Hồ sơ Đài thờ Mỹ Sơn A10 hiện đang được lưu trữ tại Ban Quản lý Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn, huyện Duy Xuyên. Vào những ngày giữa tháng 5-2020, trong quá trình khai quật và phát lộ tại đền A10, các chuyên gia Ấn Độ và Việt Nam đã phát hiện đài thờ sa thạch với Linga-Yoni liền khối còn khá nguyên vẹn, được đánh giá kích thước lớn nhất trong điêu khắc Chăm Pa cho đến nay. Đài thờ có niên đại từ cuối thế kỷ IX đến đầu thế kỷ X.

Đây là một đài thờ vuông được ghép từ 17 khối sa thạch, xếp thành 5 lớp chồng lên nhau, có kích thước: Cao 2m26, dài 2m58, rộng 2m58. Trên đài thờ là bộ Linga và Yoni liền khối, trong đó, Yoni có kích thước dài 2m25, rộng 1m69, dày 31cm; Linga có đường kính 55cm, cao 57cm là hình trụ tròn, được mài nhẵn, có đường gờ chạy vòng quanh.

Vào ngày 10-8-2021, Hội đồng thẩm định bảo vật tỉnh Quảng Nam và Ban Quản lý Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn, huyện Duy Xuyên đã nghiệm thu thống nhất hồ sơ khoa học về Đài thờ Mỹ Sơn A10, trình Hội đồng thẩm định Bảo vật quốc gia công nhận Đài thờ Mỹ Sơn A10 là Bảo vật quốc gia.

Theo Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), Đài thờ Mỹ Sơn A10 nằm trong đền A10 thuộc nhóm tháp A của Khu đền tháp Mỹ Sơn. Theo đánh giá của các chuyên gia, hiện trạng Đài thờ Mỹ Sơn A10 còn khá nguyên vẹn, được tạo tác bằng chất liệu đá sa thạch, có niên đại cuối thế kỷ IX, đầu thế kỷ X. Linga có vết rạn nứt chạy dọc từ chân lên đỉnh, nhưng nhìn chung, chất lượng đá xây đài thờ còn khá tốt. Đây là hiện vật gốc, có giá trị độc đáo, tiêu chí đặc sắc, đáp ứng các tiêu chí để được công nhận là Bảo vật quốc gia.

Đài thờ Mỹ Sơn A10 là bộ đài thờ gốc, độc bản, được sắp xếp và tái định vị ở vị trí ban đầu vốn có trong đền A10. Bộ đài thờ này còn khá nguyên vẹn, có hình khối vuông, giật cấp, đối xứng, hoa văn trang trí đặc trưng tương tự với kiến trúc của nó, mang phong cách Đồng Dương thế kỷ IX-X. Không bắt gặp một đài thờ nào khác cùng nền văn hóa Chăm Pa.

Đài thờ Mỹ Sơn A10 là hiện vật có hình thức độc đáo. Tượng thờ Linga-Yoni liền khối, là hiện vật tiêu biểu cho loại hình tượng thờ Linga-Yoni liền khối trong điêu khắc Chăm Pa. Linga chỉ có một phần tròn gắn liền với Yoni cùng một khối đá, có kính thước lớn nhất trong các loại hình tượng thờ Linga chỉ có một phần và liền khối với Yoni.

Đài thờ Mỹ Sơn A10 là hiện vật mang tính sáng tạo và biểu tượng cao trong hình dạng và kỹ thuật. Tính sáng tạo cao được thể hiện ở hình thức thờ Shiva qua hình tượng Linga-Yoni với một phần tròn, không theo truyền thống vốn có của Linga với 3 phần vuông, bát giác và phần tròn trên cùng như Đài thờ Mỹ Sơn E1 được xây dựng trước đó hay Linga-Yoni tách rời nhau. Phần tròn này gắn liền khối với phần Yoni, lại có kích thước rất lớn, lớn nhất trong các loại hình Linga liền khối, có niên đại khá sớm thế kỷ IX-X. Mặc dù các hình thức thờ Linga-Yoni tìm thấy khá nhiều sau thế kỷ X tại các di tích thuộc nền văn minh Chăm Pa, nhưng không có Linga-Yoni nào có được kỹ thuật và hình thức như đài thờ Mỹ Sơn A10.

Điều đáng chú ý nữa là Đài thờ Mỹ Sơn A10 bảo tồn được vật liệu và kỹ thuật xây dựng đá - là nơi duy nhất tìm thấy chất liệu chì trong mộng đuôi cá. Kỹ thuật này chỉ còn lại tại Khu đền tháp Mỹ Sơn cũng như trong kỹ thuật xây dựng đá của kiến trúc Chăm Pa cho đến nay. Hoa văn và đồ án trang trí ở phần chân và thân đài thờ mang những mô típ đặc trưng của phong cách Đồng Dương.

 
Đài thờ Mỹ Sơn A10 tại Khu đền tháp Mỹ Sơn. Ảnh: Ban Quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn

Mặc dù có những yếu tố kế thừa truyền thống về kỹ thuật và mỹ thuật của đài thờ được xây dựng trước đó là Đài thờ Mỹ Sơn E1, nhưng giai đoạn này cho thấy tính sáng tạo qua hình dạng và kỹ thuật xây dựng đài thờ. Phần đế của đài thờ có trang trí là phần rộng nhất, sử dụng vòm cửa nhỏ, trụ áp tường có trang trí, một số nhân vật như đạo sư ở mặt Bắc đài thờ trong tư thế rajalilasana đầu với kiểu thức jata-mukuta. Phần thân bệ thờ trang trí các gờ, gật cấp, đối xứng, các viền khung. Những đặc điểm trang trí này khá quen thuộc ở Đài thờ Mỹ Sơn E1.

Trải qua bao biến cố lịch sử, đài thờ này và kiến trúc của nó trở thành ngôi đền chính thờ Shiva giáo tiêu biểu và duy nhất của giai đoạn thế kỷ IX-X dưới Vương triều Indrapara (875-915) còn lại cho đến nay. Mặc dù dưới Vương triều Indrapara, Phật giáo phát triển nhưng Hindu giáo vẫn được thực hành mà minh chứng tiêu biểu nhất và mang tính biểu tượng cao nhất của Shiva giáo trong giai đoạn này chính là Đài thờ Mỹ Sơn A10 và kiến trúc của nó.

Lịch sử thăng trầm của Khu đền tháp Mỹ Sơn không chỉ để lại cho hậu thế những công trình kiến trúc độc đáo, mà còn nhiều tác phẩm điêu khắc nghệ thuật quý giá. Đài thờ Mỹ Sơn A10 chỉ là những kiệt tác nghệ thuật ít ỏi mà chúng ta phát hiện được ở Khu đền tháp Mỹ Sơn. Qua đó, minh chứng về một thời kỳ phát triển vàng son của Vương quốc Chăm Pa trên vùng đất này.

Với giá trị của Đài thờ Mỹ Sơn A10, vào ngày 25-12-2021, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã ký Quyết định số 2198/QĐ-TTg công nhận Đài thờ Mỹ Sơn A10 là Bảo vật quốc gia cùng với 23 Bảo vật quốc gia khác (đợt 10, năm 2021).

                                          Theo:  bienphong.com.vn
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

6
Đang xem:
72.459.230
Tổng truy cập: