BÁU VẬT & KIỆT TÁC
Gốm Satsuma: Biểu tượng Nhật Bản thống nhất và hội nhập
(Ngày đăng: 11/04/2019   Lượt xem: 563)
 Sự duy tân khai phóng đưa đến thay đổi lớn về văn hóa và tư duy sáng tạo, bao gồm cả phát triển công nghiệp và tăng cường xuất khẩu khiến phương Tây kinh ngạc, họ xem Nhật Bản là phát hiện thú vị xứ Viễn Đông.
 Theo đó, giới tư sản phương Tây phát cuồng sưu tập đồ sứ cổ dòng Imari, Kutani, Kakiemon, Nabeshima, Hirado, nhưng đặc biệt ưu tiên đặt mua gốm Satsuma hoàn mỹ, rực rỡ sắc vàng, tượng trưng nước Nhật đầy sức sống.
 
Lịch sử gốm Satsuma
Tương tự vùng North Staffordshire (Anh), Cảnh Đức Trấn và Nghi Hưng (Trung Quốc), vùng Satsuma đồng nghĩa với danh xưng gốm sứ từ giữa cuối thế kỷ 19. Satsuma thuộc dòng gốm đất nung, được sản xuất lần đầu tại vùng Satsuma phía Nam đảo Kyushu, xung quanh khu vực Kagoshima từ những năm 1600. Theo đó, trong 2 lần xâm lược Triều Tiên năm 1592 và 1596 làm bàn đạp tấn công Trung Quốc, lãnh chúa Shimazu Yoshi-Hiro và 1.000 võ sĩ Satsuma theo trợ chiến đã bắt cóc về Nhật 47 tù binh, là nghệ nhân và thợ gốm lành nghề, nhằm phục vụ công nghiệp gốm riêng gia tộc Shimazu và sản xuất đồ gia dụng, trà cụ cho nghi lễ trà đạo. Lịch sử hiện đại ghi nhận là “cuộc chiến tranh gốm sứ”, vì nó đặt nền tảng phát triển gốm sứ Hizen Nhật trong kỷ nguyên vàng của Thời đại Edo, hay còn gọi là thời kỳ Mạc phủ Tokugawa (1603-1868) bế quan tỏa cảng.
 150 năm lịch sử minh định không có đồ gốm sứ nào có thể cạnh tranh với tay nghề thủ công chế tác gốm Satsuma với sự phân bố hài hòa màu sắc trên nền trắng ngà, men rạn nhuyễn cùng kỹ thuật đắp nổi, chạm, khắc công phu tuyệt mỹ của nghệ nhân Nhật Bản. 
Gốm Satsuma chia 2 loại, Satsuma đen (kuro) và trắng (shiro). Kuro-satsuma được làm từ đất sét chứa khoáng chất sắt cao và tráng men sậm màu truyền thống, có niên đại từ trước những năm 1600 (Ko-satsuma), ngày nay vẫn còn sản xuất dân dụng. Năm 1617, khi thợ gốm Triều Tiên phát hiện đất sét vàng sáng màu là sét khoáng trắng núi lửa quanh Kagoshima bị phong hóa bởi các suối nước nóng, họ bắt đầu sản xuất Shiro-satsuma với đặc trưng phần thân màu kem phủ men rạn nhuyễn, tỏa màu vàng be (beige) sáng đẹp. Các lãnh chúa Shimazu đều là chính trị gia có tâm hồn nghệ sĩ, yêu trà đạo và thích sưu tập cổ vật Trung Quốc, Triều Tiên. Tuy nhiên, mọi trang trí gốm Satsuma vẫn giữ tối giản như tính cách Nhật Bản với đồ án rồng, phụng, lân ảnh hưởng từ đồ sứ Manreki Akae và vẽ suối nước, mây, núi, hoa, chim, côn trùng theo bút pháp tả chân Trung Hoa hoặc không trang trí gì ngoài các hồi văn viền.  
 
Gốm Satsuma: Biểu tượng Nhật Bản thống nhất và hội nhập ảnh 1
Đôi lộc bình đại cao 175cm, đường kính bụng 63cm và đường kính vành miệng 70cm, chạm khắc huyền thoại về nội chiến và toàn bộ hoa văn, hồi văn của Nhật Bản. 
Năm 1793, Shimazu cử các nghệ nhân gốc Triều Tiên giỏi nhất của mình đến Kyoto để học tập kỹ thuật men và vẽ trên sứ Awata do nghệ nhân Nhật Kinkozan Sobei III dẫn dắt. Các nghệ nhân gốm Satsuma bắt đầu điêu khắc nổi, khắc dấu chìm để tạo dấu ấn khác biệt và làm cho sản phẩm trông thu hút hơn. Gia huy (mon) vòng tròn có chữ thập của lãnh chúa Shimazu trở thành biểu tượng gốm có xuất xứ Satsuma từ đó. 
 
Gốm Satsuma: Biểu tượng Nhật Bản thống nhất và hội nhập ảnh 2
Đỉnh trầm lớn cao 91cm, đường kính 40cm mô tả buổi họp do Mạc phủ chủ trì và trận chiến của Shogun cùng Samurai thời Edo. 
Năm 1867, gốm Satsuma được đưa đi tham gia triển lãm quốc tế Paris, Pháp. Gốm Satsuma kích thước lớn, họa tiết hoa văn lạ, được vẽ tỉ mỉ và chi tiết với chất liệu vàng triển lãm gặt hái thành công vang dội. Giới tư bản phương Tây khao khát tìm hiểu nước Nhật mới và sưu tập gốm Satsuma khiến các vùng gốm sứ truyền thống như Kyoto cũng chuyển sang sản xuất, từ đó hình thành phong cách Kyo-Satsuma - hoàn toàn thoát ly khỏi ảnh hưởng hội họa Trung Hoa và trở thành niềm tự hào Nhật Bản.
 
Gốm Satsuma: Biểu tượng Nhật Bản thống nhất và hội nhập ảnh 3
Bát trà chawan Prince Shimazu, đường kính 13cm với đỉnh cao kỹ thuật Moriage và Nishiki-de. 
Nhận thấy cơ hội phát triển nền công nghiệp xuất khẩu kết hợp quảng bá lịch sử, văn hóa và tôn giáo, chính phủ thông qua chương trình bảo trợ nghệ thuật và sản xuất những siêu phẩm gốm sứ đa kích thước. Triển lãm quốc tế Vienna năm 1873, một lần nữa đưa gốm Satsuma thăng hoa nhờ tài hoa nghệ nhân Chin Jukan đạt giải lộc bình lớn. Kể từ đây, “gốm Satsuma thời Minh Trị” được thế giới đánh giá là dòng gốm kim hoàn, siêu vượt khỏi chiếc bóng nghệ thuật Trung Hoa ảnh hưởng.

Đặc trưng kỹ thuật gốm Satsuma trắng
Nguyên liệu sản xuất Satsuma trắng được giã đập 3.000 lần, lọc tinh và cải tiến tráng men; kỹ thuật đắp vàng và bạc lên các họa tiết trang trí trên gốm tạo ra trường phái đồ gốm thếp vàng (Nishiki-de). Việc sử dụng vàng thật để trang trí làm sản phẩm sang trọng như trường phái thêu kim tuyến dát vàng trong quá trình nung sứ Kutani (Kinran-de) không thể bắt chước hay làm giả.
 
Gốm Satsuma: Biểu tượng Nhật Bản thống nhất và hội nhập ảnh 4
Bình hoa Satsuma Gosu Blue cao 87cm, phong cách Satsuma cổ ảnh hưởng hồi văn Chu Đậu và lối vẽ hoa cúc, suối ảnh hưởng Trung Hoa. 
Kỹ thuật Moriage (hay Paté sur paté) là đỉnh cao thẩm mỹ người Nhật dùng bút lông trực tiếp điểm nổi men trắng hình rồng, hoặc hạt nhũ vàng hào quang hay vẽ các cánh hoa sau lần nung đầu. Đôi khi, nghệ nhân trực tiếp đắp nổi sét khô hoặc làm khuôn sẵn hình rồng 3D dán trượt theo thân gốm khiến tổng thể trang trí thêm độc đáo và sinh động. 
Nhờ học hỏi phương Tây, người Nhật cải tiến kỹ thuật và chủ động điều nhiệt lò nung thủ công, sản xuất từ sản phẩm nhỏ tự khí đến những đôi lộc bình hay đỉnh trầm cao 3-7 feet không bị lỗi. Sau năm 1868, chính phủ quy định đóng dấu chất lượng và xuất xứ Satsuma gồm gia huy Shimazu  vẽ tay, nhũ vàng đối xứng hai bên cổ, giữa thân và cả đáy. Triện đáy luôn hiện diện quốc hiệu Đại Nhật Bản (大日本) bằng Hán tự, gốm Satsuma (薩摩焼 hay 薩摩), xưởng chế tác và tên nghệ nhân/họa sĩ.
 
Gốm Satsuma: Biểu tượng Nhật Bản thống nhất và hội nhập ảnh 5
Bình hoa lớn, đóng dấu quốc sản, cao 78cm, đường kính 42cm với những nét vẽ siêu phẩm  nước Nhật thái bình. 
Ngày nay, gốm Kyo-Satsuma độc bản trở thành bảo vật tại các bảo tàng quốc gia nổi tiếng Victoria & Albert Museum (Anh), Guimet Museum of Asian Art (Pháp), Philadelphia Museum of Art (Mỹ), Saint Petersburg Museum (Nga)… Đặc biệt tư gia là quan chức ngoại giao được Chính phủ Nhật biếu tặng hoặc nhà sưu tập tư nhân nổi tiếng: Robert & Gloria Mascareli, Tom & Lynn Austern, Jean Bernstein & Clifford E. Schaeffer (New York); Tatiana Arapova & Anna Egorova (St. Petersburg), Thomas S. Kiernan (Sydney)…
Kyo-Satsuma là siêu phẩm thủ công Satsuma vẽ phủ kín thổ cẩm, phát triển rực rỡ nhờ kết hợp các tài hoa nghệ nhân gốm và họa sĩ trường phái Kano: Kinkozan Sobei VII, Seikozan, Ryozan, Yabu Meizan, Makuzu Kozan. Qua thời Thiên hoàng Taisho (1912-1926), thị phần Satsuma dành cho sưu tập bị thu hẹp bởi đệ nhất thế chiến tàn phá châu Âu.
Sự xuất hiện phong trào tân nghệ thuật Art-Nouveau thời gian này cũng làm thay đổi quan điểm nghệ thuật hội họa hàn lâm Satsuma đang thủ đắc. Khi đế quốc Đại Nhật Bản chuyển sang quân phiệt hóa năm 1921, Satsuma chuyển mô típ trang trí tuy vẫn nhũ vàng viền, nhưng dùng màu socola đậm chủ đạo trên nền men trắng mờ và đóng triện Anh ngữ báo hiệu sự giảm sút chất lượng, lụi tàn theo đà sản xuất hàng loạt. 
                                                           Theo: saigondautu.com.vn
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

10
Đang xem:
72.463.968
Tổng truy cập: