BÁU VẬT & KIỆT TÁC
"Kho báu" Tây Nguyên giữa lòng Sài Gòn
(Ngày đăng: 10/09/2014   Lượt xem: 632)

Bất cứ ai đến "kho báu" của ông đều được tắm mình giữa không gian hoang xơ, huyền bí của đại ngàn. Ở đó, có hàng nghìn linh vật cổ xưa vô cùng quý hiếm của các tộc người Tây Nguyên huyền thoại.

"Đi nhặt" huyền thoại

Nói đến mỗi linh vật của Tây Nguyên, ông Nguyễn Văn Hải (58 tuổi, quận 2, TP  Hồ Chí Minh) chỉ nhớ man mác thôi. Vì ông đi nhiều quá, mua nhiều quá, đến hơn ngàn mẫu vật thì làm sao nhớ tỉ mỉ được. Có chiếc thuyền độc mộc thì lại khác, ông nhớ cả màu đất đỏ đặc quánh vùng Krông Pa. Chiếc thuyền độc mộc cũ rách, rêu xanh loang lổ trên nền gỗ mục. Nhưng quý lắm, bởi nó là sản phẩm của mồ hôi thời Tây Nguyên hoang vu, nó chở những giạ lúa nặng trĩu vượt sông Ba về bản.

Vào độ tháng 10, mùa giã quỳ nở bung trên những vạt cà phê ăm ắp trái, ông đập vai người xe ôm yêu cầu dừng ngay, phía cuối sông có đôi vợ chồng đang chèo thuyền độc mộc chở đồ đi rẫy. Họ đang ở giữa dòng. Ông từ bên này bờ giơ tay vẫy, gọi ú ớ. Người ta nhìn ông ngơ ngác, đánh thuyền vào xem ông này muốn gì. Ông hỏi mua thuyền, hai vợ chồng người dân tộc Gia Rai há hốc mồm nhìn nhau, rồi quay sang nhìn ông. Họ nói tiếng kinh lơ lớ: "Cái này không bán đâu, để chở đồ mà".

Rồi họ rẽ sóng lao sang bên kia bờ. Tiếc vì không mua được chiếc thuyền, ông quyết định theo dõi đến tận nhà hai vợ chồng. Ông bảo với họ, vì mình yêu thứ này lắm, muốn có nó, bán bao nhiêu cũng được. Người ta lắc đầu nguầy nguậy, để đuổi ông đi cho nhanh, họ hét giá 5 triệu. Có dám mua không? Cái giá vào thời điểm hơn 10 năm trước ở vùng núi quả thật không ai dám mơ. Nào ngờ, ông gật đầu ngay. Người đồng bào vốn chất phác, nói lời phải giữ lời, họ ngậm ngùi bán thuyền độc mộc cho ông. Con thuyền dài 7m, nặng như phiến đá.

Bộ nong tai, giáo đâm trâu, tượng nhà mồ, chiếc thuyền độc mộc hơn 10 năm dãi nắng dầm mưa giờ đã mục vài chỗ.

Ông thuê 10 thanh niên vạm vỡ trong buôn khiêng vượt rừng, vượt suối ra ngoài đường cấp phối rồi thuê tiếp xe cày (loại xe chuyên dùng thồ kéo) chở về thành phố Pleiku (Gia Lai). Từ đó, thuê tiếp con xe tải đầu kéo, chở về Sài Gòn. Vì sự quá khổ của con thuyền, xe phải vào thành phố ban đêm. 2h sáng, ông thuê một đội bốc vác khiêng về nhà. Mua được con thuyền, ông sướng lắm, người cứ lâng lâng.

Hơn 10 năm trưng ở ngoài trời, con thuyền độc mộc mục vài chỗ, rách hết mép và ngả sang màu xanh rêu. Nếu đưa vào trong nhà cất, nó sẽ còn nguyên trạng và đẹp không kém thủa ban đầu. Nhưng ông muốn giữ nguyên sự thuần khiết của nó, ông cho nó tắm mưa, phơi nắng như nhiệm vụ vốn dĩ nó phải bươn mình trên những dòng thác xoáy trên đại ngàn để phục vụ con người. Sau này có mục ruỗng mà tàn lụi thì ông vẫn vui vẻ.

Đôi chân ông giẫm nát các con đường đất đỏ, người trong buôn quý ông lắm. Có cái người ta cho, có cái thì bán. Mà cho hay bán thì ông cũng trả tiền cho đồng bào, cho họ vui cái bụng. Lần lên Kom Tum vào buôn gì của huyện Ngọc Hồi mà bây giờ ông không nhớ nổi tên. Nhìn người già làng miệng ngậm tẩu thuốc rê, tai đeo nong to như ngón chân người lớn. Người ta mời ông ở lại dùng tiệc mừng thọ của một già làng vừa bị đứt nong (tức là đứt bay phần dái tai). Theo cách nghĩ của họ, ai đeo nong mà đứt có nghĩa là trường thọ, phải làm lễ ăn mừng với thần linh. Nhìn cái nong bằng một mẩu ngà voi từng gắn trên tai vị già làng gần trăm tuổi, ông tò mò muốn biết nó có ý nghĩa đến nhường nào.

Ông hỏi mua chiếc hai cái nong ấy, nhưng cả gia tộc không chịu bán. Đó là linh vật của già làng, là niềm hãnh diện của cả cộng đồng. Ngậm ngùi ra về nhưng trong lòng ông cồn cào không yên. Vài năm sau, ông quay trở lại vùng đất đó, tìm đến đúng căn nhà sàn đó, thì người già làng đã mất. Ông tiếp tục hỏi mua và lần này họ đồng ý bán với điều kiện ông phải bảo vệ và giữ gìn nó.

Đến vùng Phú Thiện (Gia Lai), nơi có truyền thuyết vua lửa, vua nước đã đi vào sử thi các tộc người. Ông Hải tìm được một bộ cung tên, một áo mưa bằng da thú, một vòng cổ được kết bằng 18 chóp sừng tê giác của một thợ săn. Người ta kể cho ông về vị già làng ấy, từng một thời hét ra lửa, một tay săn bắn thiện nghệ trên đỉnh núi Phú Thiện. Nay ông về với Giàng rồi, ông để lại chiếc vòng cổ này cho hậu duệ. 18 chóp sừng tượng trưng cho 9 loài mãnh thú đã tử thủ dưới tay thợ săn. Người trong buôn quý ông, xem ông như đứa con mặc dù họ chẳng biết đất Sài Gòn nơi ông ở nó khác như thế nào với buôn làng Tây Nguyên. Họ tặng ông làm quà.

Bàng hoàng hơn nữa, ông còn lượm lặt được vài cái đầu trâu còn nguyên cả sừng. Là linh vật cúng Giàng trong lễ hội đâm trâu của tộc người Ba Na. Cầu cho mưa thuận gió hòa, cầu sức khỏe, hạnh phúc cho đồng bào… Sau lễ hội, toàn bộ phần thịt trâu được phân phát cho bà con ăn hết. Riêng cặp sừng người trưởng bản mang về gác trên cột nhà Rông. Không hiểu sao ông lấy được nó về, bổ sung vào "kho báu" khổng lồ của mình. Ông cười hiền, cho biết: "Kiếm được mấy chiếc đầu trâu này không khó bằng giáo mác, cung tên đâu. Vào trong bản, gặp anh em chức sắc, có tiếng nói, quý nhau thì họ biếu không".

Tây Nguyên còn lại

Làm việc trong ngành xây dựng, ông có nhiều cơ hội đi đây đi đó, nhưng không hiểu sao ông cứ chọn Tây Nguyên. Dù hơn 10 năm đi và về như con thoi trên miền đất đỏ. Ông vẫn đam mê cháy bỏng với nó, yêu từng hơi thở của đất, và người. Thế nên, bất cứ thứ gì liên quan tên Tây Nguyên ông thu gom hết. Tôi hỏi ông ngoài yêu ra thì còn gì nữa không? Ông trả lời: "Còn mê nữa. Mê từng hòn đá gốc cây, mê từng cánh rừng, con suối và mê người nữa. Người Tây Nguyên hồn hậu, vô tư lắm, họ sống trong sáng như cỏ cây". Rồi ông lắc đầu, chỉ lên bộ giáo đâm trâu than thở: "May mà kiếm được nó cách đây mấy năm, chứ giờ hết rồi. Rừng bị tàn phá xơ xác. Thú bị săn bắn tuyệt chủng, các phong tục tập quán xưa bị lai căng. Nhà sàn cũng bằng xi măng thì còn gì là giá trị nữa".

Người đàn bà địu con năm xưa, nét cười óng ánh sau tấm váy thổ cẩm, ngập ngừng nhìn đàn ông thành phố mặc áo sơ mi bỏ thùng, nay biết chạy xe máy ầm ầm, biết đánh phấn lòe loẹt, biết mặc váy hai dây. Người đàn bà ấy không đẹp nữa, nhìn cái mặt trắng hếu bôi trát đủ loại phấn rẻ tiền, đối nghịch với nước da bánh mật đậm đà sắc tộc. Mọi thứ vẫn như xưa, chỉ con người là thay đổi.

Ông Nguyễn Văn Hải với chiếc tù và sừng trâu.

Dường như, ông hiểu rất nhiều về người Tây Nguyên, đến miếng ăn cũng tường tận. Người ta quý ông, thiết đãi ông món ngon nhất của núi rừng. Nào là sâu rang giòn, thịt heo thối, nhộng nấu canh… Ăn vào nhớ mãi. Có đi khắp thế gian này cũng không tìm đâu ra đặc sản ẩm thực như vậy. Nhớ nó, ông mang cả tổ chim, tổ kiến, mang từng chiếc lá, cọng cỏ về treo hết lên trần nhà. Không ngoa mà nói, "kho báu" ông Hải đang sở hữu chắc gì Tây Nguyên ngày nay còn đầy đủ?

Ông ôm chiếc tù và bằng sừng trâu đen nhánh, thổi một hồi u u. Ông bảo: "Thứ này bây giờ làm gì còn nữa, hết rồi. Giờ tù và làm bằng gỗ thôi". Ông lấy đàn chapi xuống gẩy tưng tửng, nghe rất vui tai. Đây là kỷ vật NSND Y Moan lúc sinh thời tặng cho ông. Chiếc đàn ấy, Y Moan biểu diễn bài "Giấc mơ Chapi" nhiều lần rồi, nên mỗi lần cầm nó lại thấy hơi thở người nhạc sĩ của núi rừng. Cả hòn đá cuội tròn lẳn, nhẵn bóng được mài mòn bên con suối cạnh nhà Y Moan, ông nâng niu như chính đứa con của mình.

Bây giờ, người con lớn của Tây Nguyên Y Moan đã về với rừng, giọng hát bay lên mây ngàn, lặn xuống đáy sông mất rồi. Buồn lắm! Bốn mùa giỗ của Y Moan đã qua, và không lần nào ông Hải vắng mặt. Dù bận việc đến mấy, ông vẫn lặn lội lên Đắk Lắk uống với bạn ché rượu cần qua khói nhang. Tôi không thể kể tên đầy đủ hơn một ngàn linh vật mang hồn Tây Nguyên trong bộ sưu tầm của ông Hải, nhưng chắc chắn rằng, những gì thuộc về hồn cốt, văn hóa, bản sắc của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên thì ông Hải đều có. Hàng chục tượng nhà mồ được đục đẽo tinh xảo bằng gỗ lõi, ông để ngoài trời cho dãi nắng dầm mưa, đúng với tinh thần của nó.

Nay, có tượng mục rữa ra, mặt người ố đen, lem luốc vết thời gian. Những chùm phong lan tủa rễ xuống không gian, bám rịt vào thân một khúc gỗ cổ thụ. Phong lan rừng hoang sơ nguyên chất, cả khóm chuối rừng có nụ hoa đỏ rực ngạo nghễ vút lên giữa trời. Ông chăm chỉ nhặt nhạnh những thứ cỏ cây ấy. Ở rừng ti tỉ, nhưng riêng Sài Gòn lại cực kỳ quý hiếm. Loài thực vật đặc trưng của rừng, ông không phải bỏ tiền ra mua, chỉ bỏ mồ hôi đi và mang nó từ rừng xanh về thành phố.

Lên Tây Nguyên nhiều, bản mặt của ông quá quen thuộc. Hễ thấy ông là đồng bào biết ngay người đi tìm đồ… Tây Nguyên. Có người chủ động mang mấy cái chiêng đến bán cho ông. Người thì bán chiếc cầu thang nhà sàn, người lại bán tấm vải thổ cẩm tự tay đan… Ông mua hết. Từ cái vòi hút rượu cần bằng thân cây lau sậy dài hơn một mét thủa uống rượu cần hoang dã cho đến cái cối giã lúa dập dình dưới đêm trăng của cô gái Ê Đê mặc thổ cẩm. "Bây giờ người ta bán hết, không giữ như ngày trước nữa. Thế nên, văn hóa truyền thống nhạt nhòa rồi. Trong các lễ hội cũng chẳng còn nghe thấy tiếng chiêng nữa. Âm u, tịt mịt và lạnh căm như một bản làng chết" - ông Hải phân tích.

                                                                               Theo : cand.com.vn

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

13
Đang xem:
72.468.247
Tổng truy cập: