Tác phẩm
Người “tiếp sức” cho làng nghề gốm Hương Canh
(Ngày đăng: 16/02/2011   Lượt xem: 2190)

Làng nghề 300 năm tuổi

Chia sẻ với phóng viên về lịch sử làng nghề, nghệ nhân Nguyễn Thanh trầm ngâm: Làng nghề Hương Canh (huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) tới nay đã hơn 300 năm tuổi rồi. Gốm Hương Canh sở dĩ nổi tiếng có lẽ một phần là do sự ưu ái của thiên nhiên đối với vùng đất này. Nằm ở nơi tiếp giáp giữa trung du và đồng bằng nên đất sét của Hương Canh dẻo và có nhiều màu như : xám, vàng, đỏ, nâu… rất thích hợp cho việc làm gốm. Khi mới ra đời, sản phẩm của Hương Canh chủ yếu là vại, chum, nồi đất, ấm pha trà, tiểu sành… tất cả đều là những vật dụng gắn với sinh hoạt hàng ngày của người dân.

gom_huong_canhSản phẩm gốm Hương Canh

Đã có một thời, gốm Hương Canh nổi tiếng khắp miền Bắc, miền Trung bởi những vật dụng bền, đẹp và nhất là màu men tự nhiên trên mỗi sản phẩm. Đặc biệt, vào những năm 50 của thế kỷ trước, Hợp tác xã Tiểu thủ công nghiệp Hương Canh đã làm nên danh tiếng của gốm Hương Canh với sản phẩm “ngói Hương Canh”. Khi đó, theo lời của ông Nguyễn Thanh “cả làng làm nghề, lò đốt quanh năm mà không đủ hàng, người từ khắp nơi nhộn nhịp về làng mua hàng”.

Nhưng rồi, trước sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế, những sản phẩm mới, tiện dụng dần thay thế vị trí các sản phẩm gốm của Hương Canh, làng nghề dần bị mai một.

Tiếp sức cho nghề

Là một người gắn bó mấy chục năm với nghề, chứng kiến sự thăng trầm của làng nghề, nghệ nhân Nguyễn Thanh vẫn luôn tâm huyết và bền bỉ tiếp sức cho làng nghề. Hiểu được nguyên căn sự mai một của gốm Hương Canh, ông đã cất công về tận làng nghề Bát Tràng tìm hiểu mẫu mã, cách tiếp cận thị trường, cũng như cách quảng bá sản phẩm… Ông Thanh chia sẻ “sản phẩm gốm Hương Canh xưa không còn phù hợp với cuộc sống hiện đại, sau thời gian tìm hiểu thực tế tại Bát Tràng gia đình chúng tôi chuyển hướng sang sản xuất đồ gốm mỹ nghệ”.

Biết rằng, muốn sản phẩm gốm Hương Canh cạnh tranh được trên thị trường, ngoài bàn tay tài hoa của người thợ còn rất cần sự sáng tạo về mẫu mã, kiểu dáng, nghệ nhân Nguyễn Thanh đã mạnh dạn đầu tư cho khâu thiết kế. Gia đình ông không chỉ thuê hẳn một họa sỹ thiết kế chuyên nghiệp về cùng ông tạo mẫu, mà được sự động viên của cha, ba người người con của ông hiện cũng đang theo học Đại học Mỹ thuật công nghiệp và Trung cấp Mỹ thuật để tiếp tục kế thừa và phát triển nghề truyền thống của gia đình.

Ủng hộ quyết tâm của nghệ nhân Nguyễn Thanh và những người tâm huyết với nghề ở Hương Canh, năm 2007, Sở Công Thương tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Trung tâm Khuyến công tỉnh thực hiện Đề án Khôi phục làng nghề gốm Hương Canh. Trung tâm Khuyến công đã hỗ trợ mỗi hộ gia đình từ 5-10 triệu đồng tùy theo quy mô của lò gốm. Trung tâm cũng đã tư vấn cho UBND tỉnh quy hoạch 5,5ha tại Đồng Bèo để giúp các hộ có mặt bằng sản xuất.

Bên cạnh đó, nhằm quảng bá sản phẩm cho gốm Hương Canh, trong suốt một thời gian dài Trung tâm Khuyến công tỉnh đã sát cánh với gia đình nghệ nhân Nguyễn Thanh đưa sản phẩm tới các hội chợ, triển lãm, giới thiệu sản phẩm gốm Hương Canh trên trang web của tỉnh… Ngoài ra, trung tâm còn như đầu mối giới thiệu các đoàn khách đến thăm quan và giao dịch mua bán sản phẩm với các lò gốm ở Hương Canh.

Bà Nguyễn Thị Nụ, một người cũng đã gắn bó với nghề gốm lâu năm chia sẻ: “Đã hơn 70 năm gắn bó với nghề làm gốm, chứng kiến sự huy hoàng rồi mai một dần của nghề truyền thống, đã có lúc tưởng như mất nghề, nhưng đến nay được sự quan tâm của chính quyền, sự cố gắng của những người sống chết với nghề như ông Thanh, nghề làm gốm ở Hương Canh đang dần được khôi phục. Cũng đã có khách nước ngoài về thăm làng gốm, chúng tôi rất mừng, nghề cổ truyền của cha ông để lại đã không bị mất”.

Với rất nhiều sự nỗ lực từ những con người tâm huyết với nghề và sự góp sức từ phía chính quyền, làng gốm Hương Canh đã bắt đầu hồi phục với gần chục hộ gia đình quay lại với nghề. Riêng gia đình nghệ nhân Nguyễn Thanh, sau nhiều cố gắng sản phẩm của gia đình ông đã được biết đến rộng rãi cả ở trong và ngoài nước. Hiện nay, mỗi tuần gia đình ông sản xuất ra khoảng 200 sản phẩm, đem lại lợi nhuận hơn 300 triệu đồng/năm. Những sản phẩm gốm mỹ nghệ của gia đình ông như bình hoa, tượng nghê, tượng bán thân, rồng cách điệu… của gia đình ông đặc biệt hấp dẫn khách nước ngoài. Nhiều khách hàng từ Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc… đã về tận gia đình ông đặt hàng.

Với sự kết hợp khéo léo giữa dân gian và hiện đại, sản phẩm gốm Hương Canh ngày nay đã được biết với thương hiệu của một dòng gốm độc đáo về màu sắc, đẹp về mẫu mã và giá trị cao về kinh tế.

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 số nhà 5 ngách 82/3 Phố Yên Lãng - Quận Đống Đa - TP Hà Nội

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 034.8560486  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

13
Đang xem:
72.946.056
Tổng truy cập: