Trong khi nhà rường ở Huế đang có xu hướng xuống cấp, “bốc hơi” từng
ngày, thì ở thôn Thạch Căn (xã Phú Dương, huyện Phú Vang, TT- Huế) có một lão
nông đã bước vào tuổi xưa nay hiếm vẫn ngày đêm lưu giữ, sưu tập và tìm cách phục
chế nhà rường. Đó là nghệ nhân Nguyễn Màn.
Nghệ nhân Nguyễn Màn bên bộ cửa được trạm
khắc tinh vi có tuổi đời cả trăm năm
Duyên phận phải
chiều
Bước vào tuổi 78, nghệ nhân Nguyễn Màn
đã có ngót 50 năm gắn bó với nghề phục chế nhà rường. Buổi đầu ông
chỉ là một người thợ mộc đơn thuần, vì kế mưu sinh mà phải tha phương cầu thực
khắp nơi. Những bước chân không mỏi trên đường mưu sinh với nghề mộc, qua mỗi
miền đất, đã giúp ông thấy rõ không chỉ những ngôi nhà rường cổ kính ở Huế mà
cả ở Hội An (Quảng Nam) đang mai một từng ngày. Ông tâm sự: “Những năm sau giải
phóng, tui thấy ở phố Bao Vinh (Huế) nhiều ngôi nhà rường bị dỡ bỏ không thương
tiếc; nhiều vì kèo tui tìm thấy trong lò đốt bánh mì mà xót lắm".
Từ nỗi trăn trở trước nạn “chảy
máu” nhà cổ, tình yêu, sự say mê với nhà rường đến với ông lúc nào chẳng hay! Những
năm sau ngày giải phóng, dù cuộc sống còn bộn bề khó khăn, ông vẫn lặn lội lên
TP Huế, đi Quảng Nam vừa làm thêm, vừa tìm thầy học cách phục chế, đóng mới nhà
rường. Nhiều lúc trong túi không còn lấy một xu, ông lại tạm gác niềm đam mê
của mình để theo đuổi kế mưu sinh.
Khi đã có chút tiền ông lại đón xe đi tìm
thầy học. Ông kể lại: Có lần nghe tiếng một nghệ nhân làm nhà rường có tiếng ở
Kim Long (Huế), thế là tui tìm đến xin học. Thời đó, làm chi có xe máy mà đi
như bữa nay. Hàng ngày, cơm nước xong xuôi tui phải cọc cạch trên chiếc xe đạp
Phượng Hoàng cũ nát, đạp hơn 10km từ nhà lên Kim Long để tìm học. Nhìn tui gày
gò, thầy học chân tình nói: “Cái nghề ni chỉ để “chơi” thôi, không có đam mê là
không được. Học nghề mộc đóng nhà còn có đồng ra đồng vào".
Nhưng với tấm lòng thành và ý chí của mình,
dần ông đã thuyết phục được thầy cho theo học. Không có tiền trả công thầy, mỗi
tháng, ông Màn phải giấu vợ mang nửa bao lúa, cột sau xe làm “học phí”.
Thấm thoát được 3 năm, có nghề trong tay,
ông lại bỏ vốn liếng tìm lên Bao Vinh, ra làng cổ Phước Tích, tìm vào Hội An để
mua nhà rường mà các gia chủ dỡ bỏ. Thường những vì kèo, tấm trần, vách ván ông
mua về chỉ để lấy “mẫu” vì đã mục ruỗng không sử dụng được nữa! Nghệ nhân
Nguyễn Màn cho hay: “Một vì kèo có giá từ 100 đến 150 nghìn đồng. Bất cứ loại
gỗ gì, nếu mình không mua gia chủ cũng đem nhóm củi hết. Mình không mua kịp thì
không chừng đời này mãi không tìm thấy chúng nữa”.
Có những lúc gặp một cái kèo, cột hay tấm
trần đã mục ruỗng nhưng vẫn còn lưu giữ được những hoạ tiết tài hoa, là tác
phẩm tuyệt mỹ của một nghệ nhân khéo tay nào đó, ông Màn vẫn bỏ tiền túi
ra mua để về nghiên cứu. “Nhiều lúc người ta nói mình “ấm đầu” khi bỏ tiền
triệu mua về đống gỗ mục. Nhưng tui vẫn mặc kệ”, ông tâm sự.
50 năm cho một đam mê
Buổi đầu, do kinh phí còn nhiều khó khăn,
ông phục chế lại những bộ phận của ngôi nhà rường rồi mang bán lại cho gia chủ
trên thành phố Huế. Tuy vậy, ông tâm niệm: “Mình muốn duy trì nghề mới bán
thôi, chứ cái nào mình đã thích thì dù giá cao mấy cũng không bán”. Chỉ tay về
phía góc nhà, ông bảo: "Chú thấy đó, cái sập gụ ni là của một ông hoàng
thời Nguyễn, tui dành dụm tiền suốt một năm trời mới mua lại được từ một tay
buôn bán nhà rường. Bao nhiêu năm nay, tui đặt trước hương án, xem như một kỷ
niệm của nghề, dù ai hỏi mua tui cũng không bán".
Suốt mấy chục năm trời, khi chưa có xưởng
phục chế nhà rường, ông đi nhiều nơi sửa chữa rồi vận động gia chủ cố giữ lại
những ngôi nhà cổ của tổ tiên mình, cái nào hư hỏng quá mới thay. Không chỉ tìm
cách phục chế, ông còn không ngừng học hỏi về cách trang trí, cách tạo những
chi tiết trên vì kèo của nhà rường. Ông tìm lên phố cổ Bao Vinh, ra Phước Tích,
vào Quảng Nam xin gia chủ bắc thang trèo lên trần nhà, dùng giấy để vẽ lại
những hoạ tiết trang trí. Tiền mua giấy, tiền chi phí đi lại được ông tích cóp
hàng tháng trời mới đủ một chuyến đi. Có khi hết nhẵn tiền, phải ăn nhờ ở đậu
trong nhà bạn.
Từ những tờ giấy vẽ vội trên trần nhà đã
cho ông những tư liệu quý về nhà cổ. Bao nhiêu năm qua, ông vẫn giữ nó như
những kỷ vật một thời bôn ba học nghề của mình. Có lần, vào Quảng Nam xin gia
chủ vẽ các vì kèo, thấy tấm lòng ham học, bản tính thật thà, ông được người nhà
giữ lại nuôi cơm, rồi giới thiệu các nhà rường khác trong phố cổ cho ông được
học hỏi.
Ngồi trò chuyện, ông giở cuốn sổ tay chi
chít những dòng chữ, úa màu thời gian, ông cho biết tên từng địa chỉ, từng ngôi
nhà mà ông đã tìm đến trong 50 năm qua. Hơn thế, trong cuốn sổ với những dòng
chữ đam mê đó ông còn cần mẫn ghi lại những cách phục chế, cấu trúc cùng cách
trang trí nhà rường. Với tài năng và niềm đam mê của mình trong hàng chục năm
qua ông cũng không còn nhớ rõ mình đã giúp bao nhiêu gia chủ phục chế, giữ lại
ngôi nhà rường của tổ tiên mình.
Chạy dọc làng Dương Nỗ,
nơi có thôn Thạch Căn hay lang thang đến miền đất của phủ chúa Kim Long
xưa, những căn nhà rường nằm san sát, dậy hương mùi gỗ mới, mới biết hết được
tấm lòng cũng như công lao của nghệ nhân Nguyễn Màn.
|
Có lần, một gia chủ ở làng
cổ Phước Tích (huyện Phong Điền, TT- Huế) nhờ ông ra sửa lại căn nhà rường cổ
đã mục ruỗng hết vì kèo. Không quản đường xa, đi xe đạp ra đến nơi thì trời đã
quá trưa. Bắt tay vào việc, ngồi mày mò, chạm đục hết 3 ngày mới xong. Gia chủ
đãi ông thật hậu, lại trả thêm tiền công, nhưng ông nhất quyết không lấy, chỉ
lấy tiền chi phí mua gỗ.
Thỉnh thoảng, dù tuổi đã cao,
ông vẫn thích rong ruổi về những miền quê, thăm thú những ngôi nhà rường đã có bàn
tay của ông góp phần giữ gìn cho gia chủ đến ngày hôm nay. Có lúc, trong chặng
đường thiên lý, nhiều người nhớ đến ông, tạt qua nhà, mua ông bì trà, gói thuốc
như là niềm tri ân đối với người thợ đã giúp gia đình mình giữ lại nếp nhà tươm
tất của tổ tiên.
Với tài năng và kinh nghiệm của mình trong
nhiều năm ông đã được Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế mời phục chế, bảo tồn
nhiều công trình có giá trị như: Ngọ Môn, điện Thái Hoà, đình làng Dương Nỗ.
Nói về cái tâm trong nghề, ông cho hay:
“Nhận phục chế nhà rường là niềm đam mê của tui nên dù xa mấy mình cũng phải
tới. Gia chủ người ta cần mình, mà cái cần của họ chính đáng lắm! Đôi lúc mình
chịu thiệt một chút mà gia chủ giữ được căn nhà của tổ tiên thì cũng là điều
nên làm”. Với sự khắc nghiệt của nghề, suốt dải đất miền Trung không có được
mấy nghệ nhân đủ tâm, đủ tầm như ông.
Bảo tàng nơi xóm nhỏ
Tiếp chúng tôi, trong căn nhà chưa đầy
100m2 là cả một không gian cổ kính từ chiếc sập gụ, tấm cửa cho đến hương án.
Trong căn nhà nhỏ của nghệ nhân Nguyễn Màn là cả một “bộ sưu tập” những kèo
cột, vách ván, tấm trần mà ông đã sưu tập, phục chế, giữ gìn trong 50 năm qua.
Với nghệ nhân Nguyễn Màn, phục chế, sưu
tập nhà rường là niềm đam mê bất tận. Ông xem những cấu kiện của nhà rường mà
mình lưu giữ như những báu vật trong gia đình. Nó đã trở thành một thú chơi
công phu chỉ dành cho những người đủ tâm, đủ tầm!
Căn nhà nhỏ nằm bên dòng Phổ Lợi của ông,
trong nhiều năm qua còn là một điểm đến cho những du khách, những người có niềm
đam mê tìm hiểu về nhà rường. Ở trong cái không gian nhỏ hẹp, còn nhiều khó
khăn ấy là một “bảo tàng” sống động cho những ai muốn nghiên cứu, sưu tập về
cấu trúc, không gian nhà rường ở Huế.
Để góp phần lưu giữ “hồn Huế” trên đất
cố đô, nghệ nhân Nguyễn Màn đã truyền nghề cho 2 người con trai của mình. Ông
còn đầu tư mở rộng xưởng phục chế nhà rường và nhận thêm 4 người học trò để
truyền nghề. Họ là những người trẻ đang được ông gửi gắm, gìn giữ những giá trị
truyền thống của cha ông.
Một góc bảo tàng nhà cổ của Nghệ nhân Nguyễn
Màn
Theo Nongnghiep.vn