Sự kỳ công của người thợ lành nghề
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm nghề chạm bạc ở tỉnh Thái Bình , từ nhỏ cậu bé Phạm Văn Ngọ đã được tiếp xúc với những dụng cụ, vật liệu và những tác phẩm nghệ thuật tinh xảo. Niềm đam mê với nghề chạm bạc ngấm sâu vào tâm hồn cậu từ những ngày thơ ấu. Đến năm 1991, anh Ngọ chính thức tiếp nối nghề chạm bạc của cha ông, theo đuổi và bám trụ với nghề cho đến tận bây giờ.
Anh cho biết, khi mới bắt đầu học nghề, anh gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí không được làm vì thiếu kinh nghiệm: “Thời chúng tôi ngày xưa, lúc mới đầu học nghề khó khăn và vất vả lắm chứ. Ngày xưa học nghề là phải học bài bản, phải bắt đầu theo từng bước; học việc cả năm mới được phụ giúp, được cho làm những thứ đơn giản nhất. Khi quen rồi thì dần dần mới được cho làm riêng để tạo một sản phẩm to”.
|
Nghệ nhân Phạm Văn Ngọ đang thực hiện công đoạn chạm.
|
Nghề chạm bạc thủ công đòi hỏi sự kiên trì, nhẫn nại và chỉn chu đến từng tiểu tiết của người nghệ nhân . Người thợ làm nghề phải luôn tỉ mỉ, nhẫn nại để có thể chạm, khắc lên từng hoa văn trang trí từ những công cụ thô sơ như dùi, đinh, búa… Theo anh Ngọ, nghề chạm bạc thủ công thường có 4 phương thức chế tác chính, bao gồm: Trơn (cắt xẻ nguyên liệu và tạo hình khối ban đầu cho sản phẩm), đấu (hàn và dán xi (khuôn) những chi tiết), đậu (chạm những họa tiết hoa văn thô), chạm (chạm trổ những hoa văn theo đường nét tinh xảo).
Ví dụ như, để tạo ra được một tác phẩm mặt trống đồng hoàn chỉnh, một người thợ phải bắt đầu từ công đoạn lựa chọn nguyên liệu: Phải chọn những tấm đồng ít bị pha tạp chất và chưa bị biến tấu quá nhiều; đồng thời phải tính toán và định hình xem nó có đủ để làm thành khuôn hay không.
Sau khi ước lượng và đo đạc, người thợ sẽ cán đồng cho thật phẳng và mảnh, đồng thời cắt vanh theo khuôn mẫu được yêu cầu, nhằm tạo hình thù đầu tiên cho một sản phẩm. Công đoạn này đòi hỏi sự đo đạc chính xác tuyệt đối, bởi nếu sai dù chỉ 1 milimet cũng sẽ khiến họa tiết bị sai lệch. Sau khi thu được một sản phẩm có hình dáng nhất định, họ sẽ dán và hàn xi (khuôn) cho những chi tiết nhỏ trên bề mặt, để phác hoạ bản thảo ban đầu cho sản phẩm.
Tiếp đó, sản phẩm sẽ được chạm thô hoa văn theo hình dáng xi được in lên, đánh dấu những đường nét chính để rồi đến khâu cuối cùng là chạm - đây được xem là khâu khó nhất trong quá trình thực hiện. Bởi công đoạn này đòi hỏi sự tinh xảo và kinh nghiệm làm nghề cực kỳ cao, người thợ phải tập trung cao độ và khéo léo đi theo từng đường nét, gõ búa phải chuẩn, tiếng đập phải rền. Tất cả đều phải được thực hiện một cách hoàn mỹ nhất, nếu không sẽ khiến chất lượng sản phẩm bị suy giảm và không được đẹp. Một sản phẩm được coi là đạt yêu cầu khi các đường nét hoạ tiết, hoa văn được chạm gọn gàng, dứt khoát và có sự cân đối giữa các chi tiết trên sản phẩm.
|
Sản phẩm chạm bạc mặt trống đồng của nghệ nhân Phạm Văn Ngọ. |
Anh Ngọ chia sẻ: “Làm một sản phẩm chạm bạc thủ công mất rất nhiều sức. Bởi nó đòi hỏi sự cẩn thận, tỉ mỉ của người thợ trong từng chi tiết. Phải hết sức tập trung, bởi chỉ cần có một sai sót nhỏ sẽ phải làm lại toàn bộ từ đầu. Vì vậy, một người thợ lành nghề có nhanh tay đến mấy cũng phải mất 3 đến 4 ngày mới có thể hoàn thiện một tác phẩm”.
Trăn trở trước sự mai một của nghề
Ngày nay, những sản phẩm chạm bạc ít đi, thay vào đó là các sản phẩm sử dụng nguyên liệu chính bằng đồng để đáp ứng nhu cầu thị hiếu của người tiêu dùng. Xưởng của anh Ngọ chủ yếu sản xuất các sản phẩm xoay quanh chất lượng đồng với phân khúc đồ thờ cúng (đỉnh, vạc, lư hương), những con vật linh thiêng, đồ trang trí và loại hàng mỹ nghệ. Các tác phẩm của nghệ nhân Phạm Văn Ngọ không chỉ đơn thuần là những đồ vật trang trí, mà còn là những tác phẩm nghệ thuật tinh xảo, mang đậm giá trị văn hóa. Từ những chiếc bát đĩa đơn giản đến những bộ đồ trang sức cầu kỳ, tất cả đều được anh tạo ra với một tâm hồn nghệ nhân. Anh cho biết, anh làm nghề vì danh, vì tiếng; thuở đầu anh thường bán cho bà con làng xóm, được mọi người yêu thích và tin tưởng. Tiếng lành đồn xa, dần dần, anh được các tiểu thương tìm đến và đặt hàng với số lượng lớn; cứ thế duy trì nghề cho đến tận bây giờ.
Dù gặp phải nhiều khó khăn, nhưng tình yêu với nghề chạm bạc đã giúp anh Ngọ có thêm nhiều động lực để có ngày hôm nay. Anh tâm sự: “Nghề này là nghề chạm khắc thủ công, rất khó. Nó đòi hỏi mình phải say mê, nếu không say mê thì không thể nào bám trụ bền vững với nghề được. Bên cạnh đó, anh còn làm để phục vụ cho toàn bộ các anh em làng nghề, những người dân cần sản phẩm của anh…”.
Trong suốt hơn 30 năm làm nghề, anh Ngọ luôn không ngừng sáng tạo và thổi hồn cho hàng trăm nghìn tác phẩm. Anh đã tìm tòi, nghiên cứu những kỹ thuật chạm khắc truyền thống, đồng thời kết hợp với những ý tưởng hiện đại để tạo ra những sản phẩm độc đáo, mang đậm dấu ấn cá nhân. Với những nỗ lực không ngừng nghỉ, nghệ nhân Phạm Văn Ngọ đã góp phần không nhỏ vào việc gìn giữ và phát huy nghề chạm bạc truyền thống. Chính nhờ vậy, năm 2018, anh Ngọ được Hội Mỹ nghệ kim hoàn đá quý Việt Nam khen tặng chứng nhận “Nghệ nhân Bàn tay vàng ngành Chạm bạc”.
|
Anh Thuấn - một người thợ chạm bạc đang làm việc tại xưởng thủ công của anh Ngọ. |
So với nhiều nghề thống khác, nghề chạm bạc hiện vẫn còn giữ được nguyên những giá trị truyền thống, tạo ra thu nhập ổn định cho nhiều thợ lành nghề. Song, những năm gần đây, do tác động của nền kinh tế thị trường cũng như nhu cầu của người tiêu dùng, nghề chạm bạc đang đứng trước nguy cơ mai một dần.
Chia sẻ về những trăn trở của mình đối với tương lai của nghề chạm bạc, anh Ngọ nói: “Nếu nói về thế hệ nối tiếp nghề sau này thì gần như không có. Bởi nó rất vất vả cả về chân tay và đầu óc, làm nghề phải có năng khiếu, không phải ai cũng làm được, nhưng đồng công thu nhập lại rất kém. Có thể chỉ tầm mười, mười lăm năm nữa sẽ không còn ai làm nghề này nữa…”.
Có thể thấy, với niềm đam mê cháy bỏng, anh Phạm Văn Ngọ đã dành gần nửa cuộc đời mình để gìn giữ và phát triển nghề chạm bạc thủ công truyền thống. Những tác phẩm của anh không chỉ là những sản phẩm thủ công tinh xảo mang giá trị thẩm mỹ cao mà còn là những câu chuyện về văn hóa, về lịch sử của dân tộc, là những minh chứng sinh động cho tài năng và sự sáng tạo của người nghệ sĩ Việt Nam.