NGHỆ NHÂN -NĂNG KHIẾU - NGƯỜI CÓ CÔNG
(83)- Gặp gỡ vợ chồng nghệ nhân gần 30 năm theo nghiệp vẽ hoa văn trên ghe ngo
(Ngày đăng: 26/11/2022   Lượt xem: 70)

Mỗi năm, cứ đến mùa lễ hội Oóc om bóc - Đua ghe ngo truyền thống, các chùa Nam tông Khmer - nơi có đội ghe ngo tham gia đều có kế hoạch chuẩn bị chu đáo, từ khâu tuyển chọn lực lượng vận động viên, sửa chữa đến đóng chiếc ghe ngo mới. Theo đó, khâu làm đẹp cho những chiếc ghe ngo cũng không kém phần quan trọng từ những bàn tay khéo léo và tỉ mỉ của các nghệ nhân Khmer khiến các chiếc ghe càng thêm nổi bật.

Vợ chồng nghệ nhân Lâm Phiên và Sơn Sà The hoàn thành những nét vẽ cuối cùng của chiếc ghe ngo. Ảnh: Hồng Diễm

Đến với chùa Chrôi Tưm Chắs (chùa Trà Tim cũ), phường 10, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng, không khí chuẩn bị cho mùa lễ hội Oóc om bóc - Đua ghe ngo đã rất náo nhiệt. Trong không gian cổ kính, trầm mặc của ngôi chùa cổ, việc hoàn thiện ghe ngo đang bước vào những công đoạn cuối cùng, tiếng lạch cạch đẽo gỗ, tiếng đếm 1, 2, 3 để kê lại ghe của những người trong đội đua càng làm không khí thêm háo hức.

Cùng với đó, những người thợ cũng đang miệt mài sơn phết, tỉ mỉ từng nét vẽ hoa văn toàn bộ trên thân ghe. Dưới mái nhà dành cho chiếc ghe ngo của chùa, chúng tôi được tận mắt chứng kiến 2 nghệ nhân Lâm Phiên và Sơn Sà The chăm chú vẽ hình linh vật, ngọn lửa tượng trưng cho sức mạnh, đoàn kết, những đường nét tinh tế, màu sắc nổi bật khiến chiếc ghe càng thêm rực rỡ.

Anh Lâm Phiên cho biết: “Năm nào cũng vậy, cứ gần tới mùa hội đua ghe ngo, dù bận rộn công việc đến đâu, vợ chồng tôi cũng đều dành thời gian để đi vẽ cho “mối quen” ở các chùa. Như một thông lệ, trước mùa lễ hội khoảng một tháng là chúng tôi sẽ bắt đầu công việc, góp vào chút không khí cho mùa hội, thấy mọi người vui thì mình cũng vui. Năm nay, ngoài vẽ chiếc ghe ngo cho chùa Chrôi Tưm Chắs, chúng tôi còn vẽ cho chùa Đăy Ta Suốs, chùa Beton xã Phú Mỹ... Nếu tính từ trước đến nay, chúng tôi vẽ hàng chục chiếc ghe ngo, không chỉ trong tỉnh mà một số chùa của các tỉnh Bạc Liêu, Kiên Giang, Trà Vinh cũng mời đi vẽ”.

Trò chuyện với chúng tôi, chị Sơn Sà The chia sẻ: “Một chiếc ghe ngo chúng tôi vẽ, phối màu trong thời gian khoảng 5 ngày, tùy điều kiện thời tiết. Tôi phác họa, chồng tôi pha màu. Tùy theo chùa yêu cầu mà vẽ hoa văn gì, nếu chùa không yêu cầu thì dựa trên những hoa văn truyền thống để vẽ. Bởi mỗi chiếc ghe ngo của các chùa Khmer đều có hoa văn và biểu tượng riêng thể hiện ở mũi ghe. Đây là điểm nhấn của chiếc ghe ngo nên khâu chọn vị trí và vẽ làm sao để họa tiết sống động, khi tham gia đua, ghe ngo tạo cảm giác như đang bay nhảy trên sóng nước trong mắt người xem”.

Qua các tác phẩm của anh chị, người xem hiểu được phần nào về nền văn hóa Khmer Nam bộ đa dạng, phong phú và luôn gắn liền với Phật giáo Khmer Nam tông. Đánh giá về hoa văn do vợ chồng anh chị Lâm Phiên và Sơn Sà The thực hiện trên chiếc ghe ngo của chùa mình, ông Sơn Thái Hiền, Đội trưởng Đội đua ghe chùa Chrôi Tưm Chắs cho biết: “Trong đời tôi đã thấy nhiều chiếc ghe ngo, rất nhiều mẫu đa dạng, nhiều hoa văn, nhưng khó ai sánh bằng tài nghệ của vợ chồng Lâm Phiên và Sơn Sà The. Các họa tiết được sắp xếp hài hòa, tỉ mỉ, màu sắc nổi bật, nhìn là nhận ra liền”.

Theo nghệ nhân Lâm Phiên, nghề này ngoài có hoa tay cần phải có đam mê và đòi hỏi thợ vẽ phải am hiểu về thể loại hoa văn Khmer, cùng với đó là vẽ theo ý tưởng, nhu cầu của các chùa. “Đây là nghề truyền thống của dân tộc nên chúng tôi cố gắng làm nghề này để bảo tồn và gìn giữ bản sắc văn hóa của người Khmer, chứ tiền công trang trí ghe ngo chẳng đáng là bao” - anh Lâm Phiên vừa vẽ theo nét phác họa, vừa chia sẻ.

Vợ chồng anh chị Lâm Phiên và Sơn Sà The là 2 nghệ nhân nổi danh trong nghề vẽ ghe ngo tại các tỉnh Tây Nam Bộ, anh chị đã ngót nghét gần 30 năm theo nghiệp vẽ. Đặc biệt, chị Sơn Sà The là nghệ nhân đời thứ 3 sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống vẽ tranh tường tại các chùa chiền Khmer. Khi mới 14 tuổi, chị đã được ông ngoại là nghệ nhân Lý Nghét và mẹ là nghệ nhân Lý Lệ Sông truyền đạt những kiến thức nghệ thuật; đồng thời, chị cũng học tập tay nghề từ người cậu là nghệ nhân Lý Lết.

Nối nghiệp truyền thống gia đình, chị Sơn Sà The tự hào chia sẻ: “Từ nhỏ, tôi đã luôn ý thức được trách nhiệm của mình là nối nghiệp truyền thống gia đình, duy trì nét văn hóa dân tộc Khmer. Nên ngoài năng khiếu, tôi còn tìm tòi, học hỏi các nghệ nhân khác để sáng tạo trên nền tảng nét văn hóa truyền thống. Sắp tới, vợ chồng tôi còn muốn mở lớp dạy vẽ tại nhà cho những người có đam mê theo học, việc này cũng góp phần duy trì và bảo tồn nghề truyền thống của dân tộc Khmer”.

                                    Theo: bienphong.com.vn
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

14
Đang xem:
72.465.777
Tổng truy cập: