NGHỆ NHÂN -NĂNG KHIẾU - NGƯỜI CÓ CÔNG
(29)- Người cuối cùng của Hà Thành làm giấy cho vui phong sắc
(Ngày đăng: 26/03/2022   Lượt xem: 289)

Ngược dòng lịch sử, vào thế kỷ 16, gia tộc họ Lại chính là dòng họ duy nhất được chúa Trịnh Tráng ban cho cái đặc ân làm giấy để vua viết sắc phong. Cụ Lại Thế Giáp, người con rể yêu của chúa Trịnh Tráng, một trong những hậu duệ của gia tộc họ Lại là người vinh dự tiếp nhận đặc quyền của nhà Chúa.

Để điều hành công việc trôi chảy, nhà chúa giao cho cụ Lại Thế Vinh, cũng là hậu duệ của dòng họ Lại tước "Đô Thịnh hầu" trực tiếp đảm nhiệm. Đều đặn mỗi năm, họ Lại cung cấp cho triều đình khoảng hơn 2.000 tờ giấy sắc. Vật đổi sao dời, thời cuộc biến thiên theo dòng quỹ đạo, nay thời 4.0, dòng họ Lại ấy chỉ còn duy nhất mình ông Lại Phú Thạch là người cuối cùng giữ được công thức làm giấy sắc phong mà thôi.

Nghệ nhân Lại Phú Thạch tỷ tê chia sẻ, giấy sắc phong còn gọi là giấy sắc. Là thứ giấy đặc biệt được vua, chúa sử dụng nhằm mục đích viết các đạo sắc, phong công, phong thần… cho quan quân triều đình nên đòi hỏi chất lượng rất cao. Nó càng trở nên vô giá khi sắc phong được thể hiện trên nền một loại giấy (dó) đặc biệt, không bao giờ "muôn năm cũ".
Người cuối cùng của Hà Thành làm giấy cho vui phong sắc -0

Nghệ nhân Lại Phú Thạch - người còn lại cuối cùng của gia tộc họ Lại giữ bí quyết làm giấy sắc.

"Tiếng đồn con gái Nghĩa Đô
Quanh năm làm giấy cho vua được nhờ"

Cảm động lần dở lại những trang gia phả vàng son của dòng họ, ông Lại Phú Thạch bảo, tính tuổi đời, nghề làm giấy dó của gia tộc nhà mình tới nay đã có lịch sử hơn 600 năm chứ nào có ít ỏi, trẻ trung gì nữa đâu. Bản thân ông Thạch là đời thứ 26 còn lưu giữ công thức làm giấy.

Sống lại với dòng hồi ức linh thiêng, ông Thạch rưng rưng cõi lòng nhớ lại, dòng họ Lại ngày xưa ở thôn Trung Nha rất đông. Hầu hết mọi người ai cũng làm được thứ giấy dó thông thường. Nhưng làm được giấy sắc lại chỉ duy nhất gia đình ông Thạch mà thôi. Công thức chuyển giấy dó thành giấy sắc, chỉ được lưu truyền qua cách dạy trực tiếp, cha truyền con nối. Và chỉ truyền cho con trai trưởng trong dòng họ Lại theo phương thức bí truyền, ấy vậy.

Tâm tình với tôi về công việc làm giấy sắc, ông Thạch bộc bạch, muốn có giấy dó "chuẩn chỉ", trước tiên người ta tước vỏ cây dó ra. Tiếp đến đem thứ vỏ cây ấy ngâm nước vôi loãng. Sau đó mới đun cách thủy. Rồi thì phân loại. Và cho vào cối giã nhuyễn như bùn mới có thể làm thành giấy được.

Riêng việc "hô biến" giấy dó thành giấy sắc cần phải có những công thức và cách làm bí truyền của gia đình. Ông Thạch bảo, hồi năm 2008, khi ông phục dựng lại giấy sắc theo yêu cầu của các "bậc tiên chỉ" dòng họ Lại, lần đầu tiên trong đời, nhiều bậc trưởng lão dù đã ở cái tuổi "thất thập cổ lai hy" mới được "mục sở thị" tờ giấy sắc nó đẹp đẽ, cao quý nhường nào.

Một trong những tính chất ưu việt của giấy sắc là nó có độ bền cao ngoài sức tưởng tượng, vì không bao giờ bị thấm nước. Nghệ nhân Thạch "bật mí", để có được cái sự "như ý" đó, người thợ làm giấy sắc cho các phụ gia vào trong quá trình seo giấy. Nếu phụ gia đó là thứ keo thì người ta phải tẩm ướp. Mà tẩm ướp thì mỗi người mỗi kiểu. Riêng bản thân ông Thạch lại phết keo theo cách của riêng mình: Phải làm sao cho keo thấm được vào toàn bộ phần thân tờ giấy.

Khi keo đã thấm vào giấy, ông Thạch đem phơi khô. Nhưng nào đã xong. Còn một công đoạn quan trọng bậc nhất mà ông Thạch phải hoàn thiện: Giấy sắc phải có khả năng chống được mối mọt. Thế là người nghệ nhân làm giấy sắc phong cuối cùng của Thăng Long - kẻ chợ xưa lại phải dùng thứ nguyên liệu đặc biệt khác phủ vào tờ giấy, như là phủ keo vậy. Xong việc đó, tưởng đã có thể viết được lên giấy, nhưng không phải.
Người cuối cùng của Hà Thành làm giấy cho vui phong sắc -0

Một bản sắc phong thời Nguyễn.

Muốn cho giấy sắc trở nên đẹp "chả giống bất cứ thứ giấy nào", ông Thạch lại đem nhuộm màu để chúng có được thứ màu vàng đặc trưng. Đây là công việc vô cùng công phu. Khi tờ giấy đã toát lên được hồn vía cổ kính thời phong kiến, ông Thạch vẫn chưa thể mãn nguyện về phẩm cấp của tờ giấy sắc phong. Bởi lẽ, thường thì sau khi nhuộm màu, tờ giấy chả được nhẵn thin thín.

Cái sự xù xì thô ráp của tờ giấy khiến cho người ta khó thể hiện được những nét chữ rồng bay phượng múa lên đó được. Để khắc phục nó, ông Thạch buộc phải dùng cái chày ta mà gõ lên nó trên một mặt gỗ. Hoặc không thì mặt đá. Tiếng là gõ nhưng cứ như vỗ về, nâng niu ru ngủ đứa bé vậy. Gõ cho tới khi tờ giấy không hề còn một thứ tỳ vết, bóng láng như sân trượt băng nghệ thuật vậy.

Nhẩn nha pha ấm trà mới, nghệ nhân Lại Phú Thạch trở lại với mạch cảm xúc đầy thăng hoa, vi diệu. Ông tâm sự, sau rất nhiều công đoạn làm từ giấy dó sang giấy sắc, bước cuối cùng chính là vẽ hoa văn, họa tiết lên thứ giấy đặc biết đó. Công đoạn này cần sự tập trung cao độ của người nghệ sỹ. Từng nét bút phải thật tỉ mỉ, thận trọng. "Đã đặt bút là phải chính xác vì không thể tẩy xoá hay vẽ lại! Đây là công đoạn mang tính nghệ thuật nhất trong quy trình làm giấy sắc!".

Họa tiết để vẽ lên giấy sắc của triều đình thời phong kiến nó có sáu loại cơ bản. Loại phong cho những người có công với cả quốc gia, được dùng cái từ gọi là "phong thần" hoặc là "phong quan". Ngày xưa thì có ba loại phong thần gọi là "thượng đẳng thần", "trung đẳng thần" và "hạ đẳng thần". Còn quan thì có "thượng đẳng quan", "trung đẳng quan" và "hạ đẳng quan". Mỗi một loại thì lại vẽ một hoạ tiết khác nhau. Vậy nên mới hình thành sáu hoạ tiết cơ bản.

"Mỗi một thời của một triều đình lại quy định một kiểu họa tiết - ông Thạch thủ thỉ câu trầm câu bổng - Bởi thế, con rồng ở trên giấy sắc phong ấy nó không phải chỉ có sáu con rồng sáu kiểu đâu. Theo như tôi biết, nó có khoảng trên 70 kiểu rồng. Mà bây giờ tôi chỉ còn nhớ được khoảng 20 kiểu thôi. Có những rồng rất đơn giản. Lại có những rồng rất cầu kỳ!".

Trải qua thời gian, nghề truyền thống của cả một dòng họ giờ đây chỉ còn lại trong ký ức và trên nét bút của người truyền nhân duy nhất. Nghệ nhân Lại Phú Thạch đã - đang phải trải qua vô vàn khó khăn, vất vả với việc bảo tồn, phát triển nét vàng son trên loại giấy gấm lưu giữ lịch sử hào hùng của các triều đình phong kiến Việt Nam. Và ghi lại công trạng của các bậc tiền nhân.

Loại giấy sắc phong vô giá ấy còn để lại cho hậu thế những trang vàng của đất nước. Ấy thế nhưng, số người đặt ông Thạch làm giấy sắc chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đấy là các cá nhân, ban quản lý đình chùa có sắc phong nhưng bị hư hại. Họ tìm đến gõ cửa người nghệ nhân làm giấy sắc cuối cùng của Hà Thành để có giấy sắc mà phục dựng lại những văn kiện xưa.

"Tương lai, chắc chẳng còn ai nối nghiệp mình nữa! - ông Lại Phú Thạch trăn trở trải lòng - Vì lẽ, để làm được giấy sắc mất rất nhiều công đoạn, mà làm ra chẳng bán được cho ai. Vì nhẽ, không phải ai cũng có thể dùng được thứ giấy sắc này. Thời buổi kinh tế thị trường, ngay cả "ông" con trai của mình cũng không còn tha thiết với nghề trao truyền của tiên tổ gia tộc!".

Thong thả đặt chén trà nóng chưa kịp nhấp vào lòng bàn tay vương đầy những sắc màu vàng son, nghệ nhân Lại Phú Thạch run rẩy hướng cặp mắt loang loáng những nước của mình vào đôi câu đối chữ vàng treo cao trong ngôi nhà thờ tổ dòng họ Lại. Và ông thổn thức nghẹn giọng: "Giấy vàng xưa vẫn truyền bảo/ Thân bút nay còn động quốc hương". Rồi thì người nghệ nhân cả một đời theo nghiệp tiên tổ ấy nhìn sang tôi mà trải lòng: "Tôi làm giấy sắc đúng theo công nghệ của cách đây hơn 600 năm nên chất liệu, kiểu dáng, họa tiết vẫn y như trước. Vất vả vô cùng. Dù vậy thì mình vẫn nhất quyết không thể buông bỏ, anh ạ!".

Tôi thấu hiểu những lời gan ruột của nghệ nhân Lại Phú Thạch. Tiếp tục say mê với việc bảo tồn tinh hoa nghề truyền thống của dòng họ, âu cũng là cách để ông Lại Phú Thạch có cơ hội tri ân các bậc tiền bối của gia tộc đã để lại cho con cháu cái nghề cao quý mà không phải dòng họ nào trên dải non sống đất Việt này cũng có cái cơ duyên may mắn được vua ban, chúa tặng. Dù cái nghề đó chẳng hề nhàn thân chút nào.

                                             Theo: cand.com.vn
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

4
Đang xem:
72.458.796
Tổng truy cập: