NGHỆ NHÂN -NĂNG KHIẾU - NGƯỜI CÓ CÔNG
(29-33)-Người may trang phục truyền thống cho đại sứ Việt Nam tại Pháp
(Ngày đăng: 22/11/2021   Lượt xem: 377)
Khi áo dài ngũ thân được Đại sứ Đinh Toàn Thắng diện tại nghi lễ trình Quốc thư ở Bồ Đào Nha và Pháp, anh Trung Hiếu mới dám thở phào nhẹ nhõm, tự hào vì đã hoàn thành nhiệm vụ.
Nguoi may ao dai ngu than cho dai su Viet Nam tai Phap anh 3
 
Trần Nguyễn Trung Hiếu (30 tuổi) là người may, thêu và bảo tồn áo dài truyền thống hơn 10 năm nay. Năm 2020, vợ chồng Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng đích thân từ Hà Nội vào TP.HCM tìm gặp nghệ nhân trẻ để may đo áo dài ngũ thân truyền thống. Trang phục này sau đó được Đại sứ Đinh Toàn Thắng diện khi trình Thư ủy nhiệm của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc lên Tổng thống Bồ Đào Nha Marcelo Rebelo de Sousa tại Lisbon tháng 10 và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại Paris tháng 11.

Nhờ các anh, chị trong nhóm Đình làng Việt - nơi quy tụ những người yêu di sản, văn hóa truyền thống của Việt Nam, tôi may mắn được giới thiệu cho vợ chồng Đại sứ Đinh Toàn Thắng.

Vợ chồng đại sứ tin tưởng, quyết định bay từ Hà Nội vào TP.HCM gặp tôi để trực tiếp trao đổi về nguyện vọng may trang phục truyền thống diện trong nghi lễ ngoại giao quan trọng.

Áo dài ngũ thân là lựa chọn hàng đầu vì không chỉ đẹp, thoải mái, gợi nhớ đến xa xưa mà còn trịnh trọng, phù hợp với sự kiện lớn.


Tự hào

Sau khi trao đổi, chúng tôi thống nhất chọn chất liệu phải được sản xuất tại các làng nghề trứ danh của Việt Nam như Vạn Phúc, La Khê (Hà Đông). Bởi áo dài may từ vải có sẵn của Trung Quốc thì tiện nhưng không có bản sắc.

Tôi gợi ý cho vợ chồng đại sứ vải vân, sa đặc trưng của làng La Khê do nghệ nhân Lê Đăng Toản dệt. Điều tôi cảm kích là đại sứ rất chịu lắng nghe tư vấn như áo dài phải mặc với quần trắng, đội đầu màu đen… và cho tôi cơ hội thực hiện.

Bản thân đại sứ cũng hồi hộp vì chưa từng mặc áo dài ngũ thân truyền thống.

Nguoi may ao dai ngu than cho dai su Viet Nam tai Phap anh 4
 
 
Nguoi may ao dai ngu than cho dai su Viet Nam tai Phap anh 5

Đại sứ Đinh Toàn Thắng diện áo dài ngũ thân khi trình Quốc thư lên Tổng thống Bồ Đào Nha Marcelo Rebelo de Sousa (trái) và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (phải). Ảnh: Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp.

Vải không có sẵn nên tôi đặt làm riêng. Lần một màu sắc chưa ưng ý, tôi phải nhuộm lại mới ra màu cuối cùng.

Sở dĩ cần kỹ lưỡng như vậy vì áo dài sẽ được đại sứ mặc trong sự kiện ngoại giao quốc tế, không chỉ cần đơn giản, khiêm tốn, tránh quá rực rỡ, phô trương mà vẫn phải thể hiện được sự tinh tế, bản sắc của trang phục truyền thống Việt Nam.

Trong quá trình thực hiện kéo dài hàng tháng trời, tôi rất hồi hộp vì khi trao đổi, vợ chồng đại sứ ở trong này nhưng lúc hoàn thành, họ đã trở lại Hà Nội. Tôi không biết hai người mặc lên sẽ ra sao.

Sau cả năm hồi hộp, tôi thở phào nhẹ nhõm khi thấy hình ảnh vợ chồng đại sứ diện áo dài ngũ thân trong nghi lễ trình Quốc thư tại Bồ Đào Nha và Pháp.

Tôi mừng vì mình đã làm tròn nhiệm vụ. Vợ chồng đại sứ và mọi người cũng dành lời khen cho tôi.

Với tôi, đó là tín hiệu tích cực khi áo dài của Việt Nam được gìn giữ đúng đắn trong bối cảnh ngoại giao quốc tế. Tôi tự hào vì góp phần đưa những gì đẹp, hãnh diện nhất và mang tính dân tộc, bản sắc đến bạn bè quốc tế để họ hiểu một phần về văn hóa truyền thống Việt Nam.

Nguoi may ao dai ngu than cho dai su Viet Nam tai Phap anh 6
Trung Hiếu chỉ dám thở phào nhẹ nhõm khi hoàn thành nhiệm vụ may trang phục truyền thống cho vợ chồng đại sứ Việt Nam tại Pháp. Ảnh: NVCC.
Thêm vào đó, áo dài nam đang trong quá trình vận động, làm hồ sơ để được công nhận là quốc phục bên cạnh áo dài nữ. Đây là cơ hội để khẳng định vị trí của nó, đồng thời truyền đến mọi người hiệu ứng tích cực rằng áo dài ngũ thân đẹp, truyền thống, đậm chất Á Đông nhưng không bị lạc hậu ở trời Tây.

Qua sự kiện này, tôi cũng mừng là mọi người quan tâm đến mặt hàng truyền thống. Thực tế, áo dài có thể may bằng nhiều chất liệu nhưng từ vải do làng nghề danh tiếng trong nước sản xuất sẽ có chiều sâu văn hóa hơn. Ngoài ra, các nghệ nhân cũng có cơ hội giữ nghề, tránh mai một để không uổng phí ông bà hàng trăm năm để lại.

Trước vợ chồng đại sứ Đinh Toàn Thắng, tôi từng có hội may trang phục cho Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ kiêm Nepal và Bhutan Phạm Sanh Châu và một số chính khách khác.

Đam mê

Từ nhỏ, tôi đã yêu thích văn hóa, say mê môn Lịch sử và thường xuyên tìm hiểu về lịch sử dân tộc, tham quan các di tích lịch sử trong nước. Bên cạnh đó, tôi cũng thích mọi thứ liên quan đến sản phẩm thủ công, nghề thủ công.

Trong thời gian là sinh viên ngành Mỹ thuật công nghiệp của ĐH Văn Lang (TP.HCM), tôi may mắn có cơ hội gặp gỡ, tiếp xúc với các nhà nghiên cứu, nhân chứng lịch sử, phục dựng cổ vật... Nhờ đó, tôi được tiếp cận hiện vật, lắng nghe trải nghiệm thực tế của họ suốt hàng chục năm theo đuổi sự nghiệp tạo dựng trang phục cổ.

Bởi vậy, sau khi tốt nghiệp, tôi quyết định theo đuổi những dự án về nghiên cứu, phục dựng cổ trang Việt, đặc biệt là áo dài truyền thống ngũ thân.

Nguoi may ao dai ngu than cho dai su Viet Nam tai Phap anh 7

Trung Hiếu có hơn 10 năm theo đuổi nghề may, thêu và bảo tồn áo dài truyền thống

Ban đầu, tôi gặp nhiều khó khăn từ chọn vải đến cắt may. Khâu nào cũng đòi hỏi sự tỉ mỉ, kỹ lưỡng tới từng chi tiết nhỏ.

Với tôi, mọi sản phẩm đều đáng nhớ vì quá trình thực hiện rất khó, phụ thuộc vào nguyên liệu trong khi tơ tằm truyền thống mai một khá nhiều.

Nếu bỏ công tìm được đúng loại lụa xưa, tôi vui mà khách hàng cũng ưng ý.

Tôi thích trang phục có tính chất nguyên bản, dù hiện chỉ có thể làm khoảng 70% so với hiện vật. Tôi cố gắng lặp đúng, lựa chọn chất liệu gần nhất, may, cắt, làm khuy cài, tà áo... theo kỹ thuật xưa.

Với sản phẩm đơn giản, sớm tìm được chất liệu, tôi mất khoảng 2 tuần để hoàn thiện. Cũng có trang phục thêu tay tôi làm ròng rã mấy tháng mới xong.

Là người trẻ, tôi cảm thấy mình có trách nhiệm giữ gìn, bảo tồn văn hóa truyền thống. Hơn 10 năm theo đuổi con đường này, tôi vẫn thấy mình còn cả chặng đường dài phía trước.

Văn hóa vốn dĩ cần sự kỹ lưỡng và thận trọng. Bởi vậy, theo tôi, người thiết kế phải nắm vững căn bản, nghiêm túc nếu không rất dễ bị lai căng, sai lầm, gây nguy hiểm, đánh mất bản sắc.

Giới trẻ ngày càng yêu cổ phục

Khách hàng của tôi đa phần là người trẻ. Họ có lòng tự tôn dân tộc cao, am hiểu nhất định về văn hóa truyền thống.

Thực tế, ban đầu, cổ phục được các bạn trẻ Việt ở nước ngoài yêu thích hơn. Sau này, khi phong trào cổ phong lan truyền rộng rãi, giới trẻ trong nước cũng bắt đầu quan tâm, nhiệt tình với văn hóa truyền thống. Họ cảm thấy đẹp, tự hào khi khoác lên mình chiếc áo dài. Điều này khiến tôi rất vui.

Tôi cũng mừng vì bên cạnh áo dài thêu tay, nhiều bạn trẻ bây giờ chọn trang phục hỷ phong truyền thống trong đám cưới của họ.

Nguoi may ao dai ngu than cho dai su Viet Nam tai Phap anh 8

Theo Trung Hiếu, văn hóa cần sự đầu tư nghiêm túc, kỹ lưỡng và thận trọng

Với tư duy thoáng, dễ dàng tiếp thu di sản, giới trẻ chính là những người gìn giữ, tuyên truyền, quảng bá văn hóa Việt nói chung và áo dài truyền thống nói riêng một cách hiệu quả, nhanh nhất.

Trước đó, muốn tiếp cận được với họ, văn hóa phải hấp dẫn, đẹp, chỉn chu, quan trọng tính thẩm mỹ.

Ước mơ của tôi là “lội ngược dòng” lịch sử để phỏng dựng lại những bộ cổ phục Việt từ thời Nguyễn đến Lê, Trần, Lý. Từ đó, đắp đầy dần lên hệ thống cổ phục Việt để thế hệ sau có được bức tranh tổng thể qua từng triều đại.

Để thực hiện điều đó, tôi đang cố gắng từng ngày để “hồi sinh” những giá trị thẩm mỹ đã mai một, kết hợp với sự tinh xảo trong kỹ thuật sản xuất nhằm góp phần giữ gìn và lan tỏa những giá trị văn hóa Việt trong cuộc sống hiện đại.

Theo Trung Hiếu, không gian làm việc của anh chỉ là xưởng nhỏ, đủ để bạn bè ghé thăm chứ không phải cửa hàng thời trang lớn và hiện đại.
 
Nguoi may ao dai ngu than cho dai su Viet Nam tai Phap anh 9

Nguoi may ao dai ngu than cho dai su Viet Nam tai Phap anh 10

Theo Trung Hiếu, không gian làm việc của anh chỉ là xưởng nhỏ, đủ để bạn bè ghé thăm chứ không phải cửa hàng thời trang lớn và hiện đại.
                                    Theo:  zingnews.vn

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

14
Đang xem:
72.466.540
Tổng truy cập: