NGHỆ NHÂN -NĂNG KHIẾU - NGƯỜI CÓ CÔNG
(29-33)- Một đời vấn vương tơ lụa
(Ngày đăng: 14/01/2021   Lượt xem: 495)

Giữa nhịp sống hối hả nơi phố thị, cựu chiến binh, thương binh, nghệ nhân Phạm Khắc Hà (phường Vạn Phúc, quận Hà Đông, TP Hà Nội) vẫn miệt mài dệt ra những tấm lụa phục vụ nhu cầu mua sắm của khách hàng. Bằng bàn tay tài hoa và tâm sức của mình, ông đã góp phần gìn giữ và phát triển nghề dệt truyền thống trên quê hương...

Tuổi thất thập miệt mài bên khung cửi

Đã gần bước sang tuổi 70 nhưng nghệ nhân Phạm Khắc Hà vẫn miệt mài lao động bên khung cửi. Ông bảo: “Tôi sinh ra từ bé đã nằm trên lưng mẹ nghe tiếng lách cách thoi đưa. Vì thế, cái nghề nó đã ngấm vào người chẳng thế nào rời ra được. Mình vui là được gắn bó với nghề tổ cha ông để lại. Cho dù trong xưởng có nhiều thợ dệt làm công nhưng tôi vẫn muốn tự tay dệt ra những sản phẩm chất lượng để khẳng định giá trị thương hiệu lụa Vạn Phúc”.

Nhìn đôi bàn tay chai sần thô mộc dệt ra những tấm lụa mềm mại óng ả, nhiều khách hàng không biết rằng người nghệ nhân tài hoa ấy từng là chiến sĩ đặc công thuộc Tiểu đoàn 12 (Binh chủng Đặc công). Ông tham gia chiến đấu ở Mặt trận miền Đông Nam Bộ, trong đội hình tiến công vào giải phóng Sài Gòn (năm 1975). Đến năm 1977, ông phục viên trở về địa phương.

Bản thân ông là thương binh hạng 3/4, bị mảnh bom găm vào người chưa lấy ra được, khả năng lao động hạn chế. Khó khăn là vậy nhưng bằng ý chí của người lính Cụ Hồ, ông đã gắn bó với nghề dệt để bắt đầu một cuộc sống mới.

Đầu những năm 1980, Vạn Phúc tổ chức dệt lụa theo mô hình hợp tác xã (HTX). Số lượng máy dệt có hạn và không phải tất cả thợ trong làng đều có việc làm. Cuộc sống của gia đình ông Hà và những người thợ dệt ở Vạn Phúc rất bấp bênh. Năm 1992, mô hình sản xuất HTX thu hẹp, các máy dệt được phân về từng gia đình. Nhận thấy cơ hội thuận lợi, ông Hà mạnh dạn vay tiền vào tận TP Hồ Chí Minh tìm hiểu mua một máy dệt. Đã có máy rồi nhưng lại khó khăn về nguyên liệu, ông phải lặn lội đi mua tơ từ Nhà máy ươm tơ Sơn Đồng, Nhà máy ươm tơ Mỹ Đức và các gia đình làm tơ tại huyện Duy Tiên (Hà Nam). Sản phẩm làm ra nhưng lại khó khăn về khâu tiêu thụ, nên ông Hà phải vừa là người trực tiếp quảng bá giới thiệu sản phẩm, vừa tổ chức bán hàng.

Để lụa Vạn Phúc có thể vươn xa ra nhiều thị trường, ông Hà đặt chất lượng sản phẩm lên hàng đầu. Xưởng sản xuất của ông có thể dệt được rất nhiều loại sản phẩm, như: Vân, đũi, the, lĩnh, gấm... nhưng có một loại ông tập trung tìm hiểu đó là sa tanh. Để dệt được sản phẩm này, ông phải đến từng nhà các nghệ nhân cao niên để học hỏi kinh nghiệm, sau đó tự mày mò tìm hiểu các loại áo, khăn cũ của các cụ trong làng còn giữ lại. Khi có nguyên mẫu, ông cẩn thận soi lên để biết được từng sợi dọc, sợi ngang, hoa văn, họa tiết rồi mới tỉ mẩn dệt lại. Sa tanh lên 8 sợi dọc mới có một sợi ngang để tạo ra độ bóng cho sản phẩm, trông mỏng manh mềm mại, nhưng rất kín đáo, đồng thời tạo sự thoái mái cho người sử dụng. Điều đặc biệt của lụa Vạn Phúc là việc dệt hoa văn trên lụa chứ không phải là in. Do đó khi sử dụng, người thiết kế có thể lật mặt sau lên trước để tạo điểm nhấn ở các vị trí như cổ áo, gấu tay, đường viền tà áo...

Một đời vấn vương tơ lụa
Cựu chiến binh, nghệ nhân Phạm Khắc Hà giới thiệu sản phẩm lụa truyền thống Vạn Phúc. 

Để đáp ứng thị hiếu của khách hàng, đặc biệt, phục vụ nhu cầu thời trang trong dịp Tết, bên cạnh những hoa văn truyền thống, như: Tứ linh, chữ thọ, hoa cúc, hoa chanh, long vân..., ông còn sáng tạo các họa tiết hình khối, đường kẻ, chấm bi, hoa cỏ, động vật... nhằm tạo ra sự phong phú cho sản phẩm. Về màu sắc, cơ sở sản xuất của ông áp dụng nhiều biện pháp chống phai màu, khi giặt không bị nhăn. Nhìn những sản phẩm lụa muôn sắc, ngàn tía với nhiều hoa văn họa tiết sinh động của nghệ nhân Phạm Khắc Hà, người xem cứ ngỡ cả trời mây, sông nước mùa xuân ấp áp đang về trên quê hương Vạn Phúc.

Cầm tấm lụa mỏng manh mềm mại trên tay những tưởng nghề dệt nhàn hạ nhưng quả thực để có được tấm lụa chất lượng, công việc của người thợ dệt cũng trải qua bao vất vả, nhọc nhằn. Suốt mấy chục năm làm nghề, ông rất thấu hiểu điều đó. Chính vì vậy, ông Hà bàn với nghệ nhân Nguyễn Văn Chính cải tiến khung dệt lụa. Trước đây khi làm việc với các khung dệt cũ, người thợ phải mất nhiều sức trong quá trình sử dụng, hiệu quả công việc không cao, chưa phù hợp với yêu cầu sản xuất công nghiệp hiện đại. Do vậy, ông có sáng kiến lắp các vòng bi, ổ trượt vào các khớp nối để quá trình vận hành nhẹ nhàng. Khi áp dụng cơ khí và sử dụng điện để chạy máy dệt, người thợ chỉ tập trung theo dõi sợi tơ, tạo ra sự chuyên môn hóa trong sản xuất. Nhờ những ứng dụng của ông, nhiều sản phẩm có chất lượng tốt hơn ra đời góp phần làm cho không gian phố Lụa thêm rực rỡ sắc màu.

Ông Đỗ Văn Dự, Chủ tịch UBND phường Vạn Phúc cho biết: “Là người gắn bó lâu năm với nghề dệt lụa, nghệ nhân Phạm Khắc Hà đã tạo ra nhiều sản phẩm lụa có giá trị cao. Gian bán hàng của gia đình ông luôn là địa chỉ tin cậy, uy tín để du khách trong nước và quốc tế đến mua sắm. Địa phương đã chọn cơ sở sản xuất của gia đình ông Hà là một trong những mô hình hoạt động hiệu quả tiêu biểu”.

Bền bỉ giữ gìn di sản làng nghề

Yêu mến, gắn bó với nghề truyền thống quê hương nhưng làm thế nào để gìn giữ và phát triển làng nghề là điều mà nghệ nhân Phạm Khắc Hà luôn trăn trở. Bởi lẽ hiện nay, sản phẩm truyền thống phải cạnh tranh với rất nhiều mặt hàng trôi nổi trên thị trường. Thêm vào đó, lực lượng nhân công tay nghề cao ngày càng ít, số thanh niên kế cận lại không mặn mà với nghề truyền thống. Bởi vậy, nếu không có định hướng phát triển tốt, làng nghề sẽ dần bị mai một.

Nhìn thấy khó khăn đó, trên cương vị Chủ tịch Hội làng nghề Vạn Phúc, ông Hà đề xuất với chính quyền địa phương việc quy hoạch làng nghề thành những phân khu: Sản xuất, nhuộm màu, kinh doanh. Ngay giữa quần thể văn hóa tâm linh của làng, khu trung tâm bảo tồn, kinh doanh lụa Vạn Phúc được xây dựng nhằm phục vụ du khách đến tham quan biết được quy trình dệt lụa cũng như mua sắm các sản phẩm lụa truyền thống.

Quá trình sản xuất để có nguồn nguyên liệu chất lượng, ông cùng đoàn khảo sát của Quận ủy Hà Đông vào tận TP Bảo Lộc (Lâm Đồng) ký kết hợp đồng cung cấp tơ dệt lâu dài. Bảo Lộc có khí hậu thuận lợi nên chất lượng tơ tốt, lại áp dụng công nghệ sản xuất tự động của Nhật Bản, Hàn Quốc nên chỉ số tơ ra đều bảo đảm tiêu chuẩn quốc tế. Nguồn nguyên liệu tốt, sản phẩm bền đẹp nhưng điều ông trăn trở là làm thế nào gìn giữ được thương hiệu sản phẩm để không bị lẫn với hàng nhái, hàng giả tràn lan trên thị trường. Sau nhiều lần tìm tòi, ông bàn bạc với Ban chấp hành Hội làng nghề Vạn Phúc tiến hành tập huấn cho các hộ sản xuất dệt tên thương hiệu lụa Vạn Phúc và tên của chính gia đình mình ngay ngoài biên mép vải. Cùng với đó, ông tích cực tuyên truyền bà con thực hiện tốt việc niêm yết giá, nguồn gốc, chất lượng sản phẩm nhằm giữ uy tín với khách hàng.

Để nâng tầm lụa Vạn Phúc, sản phẩm khi dệt ra phải được thiết kế thành những mặt hàng phục vụ trực tiếp nhu cầu người tiêu dùng. Nghĩ là làm, ông lại đề xuất với chính quyền địa phương, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Hà Nội hỗ trợ mở lớp đào tạo dạy nghề may, với mỗi khóa học có từ 20 đến 30 người tham gia. Không ai hiểu lụa bằng chính con em trong làng. Bàn tay họ vừa dệt lụa lại được học thiết kế thời trang thì không còn gì bằng. Nhờ vậy, hằng năm các mẫu mã hợp thời trang, thị hiếu được rất nhiều du khách ưa chuộng. Bên cạnh đó, ông cũng chủ động liên kết với nhiều cơ sở sản xuất thủ công mỹ nghệ để làm ra các phụ kiện thời trang, đồ lưu niệm, như: Túi xách, ví, mũ, gấu bông... bằng lụa.

Từ thành công của bản thân, ông tích cực giúp đỡ đồng đội về kỹ thuật, nguồn vốn để cùng vươn lên bằng nghề dệt lụa của quê hương Vạn Phúc. Không chỉ có vậy, cựu chiến binh Phạm Khắc Hà còn nhiệt tình tham gia công tác đền ơn đáp nghĩa. Hằng năm vào các dịp lễ, tết, ông đều dành những sản phẩm của gia đình tặng khăn, áo, cà vạt cho các mẹ liệt sĩ, người có công với cách mạng. Ông luôn tâm niệm rằng mình có may mắn hơn những đồng đội đã nằm lại nơi chiến trường thì phải có trách nhiệm với gia đình họ và những đồng chí có hoàn cảnh khó khăn. Mỗi dịp Tết đến, xuân về đem tặng sản phẩm lụa quê hương do chính bàn tay mình làm ra, ông cảm thấy lòng mình nhẹ nhàng, ấm áp hơn.

Đại tá Nguyễn Hồng Anh, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh quận Hà Đông cho biết: “Phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, với đôi bàn tay tài hoa, đồng chí Phạm Khắc Hà đã vươn lên làm giàu chính đáng bằng nghề truyền thống quê hương. Không chỉ vậy, đồng chí Phạm Khắc Hà còn rất tích cực trong công tác hội, thường xuyên giúp đỡ hội viên trong việc sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho nhiều lao động trên địa bàn, là tấm gương cựu chiến binh tiêu biểu trong phát triển kinh tế gia đình của quận” 
                                                Theo: qdnd.vn
Xem thêm: 
>>Lễ bế mạc “Giao lưu văn hóa làng lụa cổ truyền Vạn Phúc - Hà Đông”
>>Lễ Mừng Thọ GS – AHLĐ Vũ Khiêu tròn 100 tuổi và khai trương giao lưu văn hóa làng lụa cổ truyền Vạn Phúc ( Hà Đông cũ)
>>Hội nghị khách hàng - các sản phẩm làng nghề tại Làng Vạn Phúc - Hà Đông - Hà Nội
>
Làng lụa Vạn Phúc Làng nghề truyền thống - làng cách mạng – làng Du lịch - Hội nhập và phát triển

>>Nghệ nhân Nguyễn Hữu Chỉnh:Người trọn đời với lụa


Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

26
Đang xem:
72.467.299
Tổng truy cập: