NGHỆ NHÂN -NĂNG KHIẾU - NGƯỜI CÓ CÔNG
(99)- Bắc Ninh: Nghệ nhân Ưu tú Tạ Thị Hình: “Quan họ như hơi thở cuộc sống”
(Ngày đăng: 22/11/2020   Lượt xem: 380)

Ngoài tám mươi tuổi, nhưng Nghệ nhân Ưu tú Quan họ Tạ Thị Hình, khu Bồ Sơn, phường Võ Cường, thành phố Bắc Ninh (Bắc Ninh) vẫn nhanh nhẹn, minh mẫn, vẫn ca đủ lối, đủ câu, vẫn đều đặn truyền dạy Quan họ cho lớp lớp thế hệ trẻ không chỉ ở khu phố Bồ Sơn mà còn nhiều địa phương đến xin học.

nghe-nhan

Nghệ nhân Ưu tú Tạ Thị Hình (bên phải) hát đối đáp trong một canh hát giao lưu với Quan họ Y Na, phường Kinh Bắc (thành phố Bắc Ninh).

Sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống sinh hoạt văn hóa Quan họ ở làng Quan họ gốc Bồ Sơn, những làn điệu Quan họ đã lắng đọng vào tâm hồn Tạ Thị Hình để rồi niềm say mê, khát khao ấy ngày càng lớn dần. Năm 13 tuổi, Tạ Thị Hình được đi theo bọn Quan họ để học hát, cụ trùm khi ấy là cụ May, cụ Nguyên ở làng. Ngoài học hỏi Quan họ ở nhà chứa, những khi rảnh rỗi Tạ Thị Hình lại tự học, tranh thủ hát để bố mẹ góp ý sửa câu, sửa giọng, sao cho câu hát mượt mà. Sau ba năm học câu, luyện giọng có chút vốn liếng, Tạ Thị Hình được cụ trùm cho đi hát canh Quan họ và được suy tôn là chị Sáu. Bà bảo, thực ra gọi là được đi hát canh nhưng chủ yếu là để “nâng khăn, sửa túi” cho các liền anh, liền chị để học hỏi thêm câu hát, văn hóa ứng xử trong giao tiếp của người Quan họ. 16 tuổi liền chị Hình được đi theo bọn Quan họ Bồ Sơn hát canh với các bọn Quan họ bạn ở Xuân Ổ, Bái Uyên, Ném Sơn, Y Na đến sáng mới về. Thỏa ước nguyện khi được tham gia vào bọn Quan họ để kết bạn giao lưu với các bọn Quan họ khác, Tạ Thị Hình cần mẫn ngoài theo học cụ trùm và các liền anh, liền chị ở Bồ Sơn, còn theo học các cụ ở Châm Khê, Yên Mẫn, Thị Cầu, Ngang Nội, Viêm Xá, bởi mỗi cụ có những cái hay riêng để học. Vốn liếng Quan họ và kỹ thuật hát của liền chị Hình ngày càng nâng cao trở thành người chơi Quan họ có tiếng trong vùng. Vào ngày hội làng, liền chị Hình cùng bọn Quan họ nữ thỏa sức cất cao tiếng hát nơi cửa phật, trong đình, trên thuyền, trong nhà chứa Quan họ. Ngoài dịp hội hè, những dịp cày cấy đã xong, bọn Quan họ nữ Bồ Sơn thường đến Y Na, Xuân Ổ, du ca ở nhà chứa Quan họ để thỏa nỗi niềm nhớ mong.

Năm 1961, liền chị Tạ Thị Hình đang nuôi con nhỏ thì có một phái đoàn Nhật Bản đến gia đình xin được nghe một canh Quan họ. Vì yêu Quan họ, liền chị đã xin phép bố mẹ chồng cho mở canh hát tại nhà. Được gia đình chồng ủng hộ, liền chị Hình thường xuyên mở canh hát mời Quan họ bạn các nơi đến giao lưu để học hỏi tăng thêm vốn liếng. Nghệ nhân Ưu tú Tạ Thị Hình chia sẻ: Văn hóa ứng xử trong Quan họ là điều làm tôi say mê nhất, bởi nó lịch thiệp, dân dã, thật thà, khiêm nhường, như khi tôi mời bạn đến nhà tổ chức canh hát bao giờ vào chiếu cũng có câu thưa rằng: Nhà em chỉ có một gian, nửa toan làm bếp nửa toan làm buồng/Chúng em chỉ có mỗi tấm lòng thôi ạ… Tôi được cụ trùm truyền dạy từ cách cầm nón che nắng, che mưa cũng phải làm sao cho đúng cái duyên của người con gái. Khi đến ngày hội làng, mời bạn đến chơi hội cũng phải có đầu có cuối: Nhất niên nhất lệ, năm mới tháng xuân/Làng em có một ngày hội, vào ngày mồng 9 tháng Giêng/Xin mời đương Quan họ liền anh xuống, trước là lễ giời lễ phật/Sau là thăm đất nước làng em… Nổi bật trong Quan họ là một tình bạn rất mực bình đẳng, tôn kính, thủy chung son sắt, tất cả những cái đẹp của Quan họ không chỉ là sự làm đẹp, làm duyên của ngày hội mà trở thành phong tục, phong cách văn hóa Quan họ mỗi khi Quan họ gặp nhau.

Khi có nhiều vốn liếng Quan họ, liền chị Hình truyền dạy trực tiếp cho các em gái trong họ là Tạ Thị Sáo, Tạ Thị Khánh và thường hát cặp với các liền chị này khi đi giao lưu canh hát. Bà tham gia các hội thi hát đối đáp Quan họ đầu xuân do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức đạt nhiều giải cao, trong đó đạt giải Xuất sắc gồm 6 đôi giải Nhất các năm thi hát với nhau. Nổi tiếng trong nghề chơi Quan họ, nghệ nhân Tạ Thị Hình được nhiều địa phương mời về truyền dạy hát Quan họ, dạy các em thiếu nhi ở Cung văn hóa Thanh thiếu nhi tỉnh. Đặc biệt, tại gia đình, Nghệ nhân Ưu tú đã dành riêng một phòng để dạy hát Quan họ cho con em địa phương, riêng các cặp hát đối đáp, tính đến nay, bà đã truyền dạy cho 27 cặp đi thi hát Quan họ đối đáp đầu xuân do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức ở nội dung 50 và 150 câu Quan họ, trong đó có 2 cặp giải Nhất ở nội dung 150 câu là: Nguyễn Thị Năm, Nguyễn Thị Vượng và cặp Nguyễn Thị Hòa, Nguyễn Thị Hoa.

Trách nhiệm với việc gìn giữ di sản, Nghệ nhân Ưu tú Tạ Thị Hình đã dày công viết tay cẩn thận 400 bài Quan họ cổ để Bảo tàng tỉnh lưu giữ; thu thanh gần 200 bài các loại giọng cho Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam. Giờ đây ở tuổi ngoài tám mươi, khi nhắc tới Quan họ, Nghệ nhân Ưu tú Tạ Thị Hình vẫn nảy giọng ngân vang, bởi với bà Quan họ như hơi thở của cuộc sống.

                                                     Theo: baobacninh.com.vn
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

26
Đang xem:
72.467.747
Tổng truy cập: