NGHỆ NHÂN -NĂNG KHIẾU - NGƯỜI CÓ CÔNG
GS.TS Ngô Đức Thịnh: Đóa huệ trắng còn vương mùi Tam phủ
(Ngày đăng: 11/06/2020   Lượt xem: 264)
 

Về đất mẹ ở tuổi 77, GS.TS Ngô Đức Thịnh được ví như đóa huệ trắng khi là người khai mở lý luận về đạo Mẫu.

GS.TS Ngô Đức Thịnh đã đưa tín ngưỡng thờ Mẫu trở thành một khái niệm khoa học. Ảnh: TG.
GS.TS Ngô Đức Thịnh đã đưa tín ngưỡng thờ Mẫu trở thành một khái niệm khoa học. Ảnh: TG.
Ông cũng là một trong những người có đóng góp lớn để UNESCO công nhận thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt là di sản văn hóa phi vật thể.

Sau hàng chục năm chiến đấu với bệnh suy thận, GS.TS Ngô Đức Thịnh đã cưỡi hạc quy tiên, an nhiên như một bông huệ thơm giữa cánh đồng tín ngưỡng Việt. Giới học giả, nghiên cứu đau xót, nuối tiếc về một nhà khoa học mà tâm lẫn tầm đặt hết vào những tìm tòi, nghiên cứu cho văn hóa Việt thêm đặc sắc.

Khai mở lý luận đạo Mẫu

Sinh năm 1944 tại xã Hải Phúc (Hải Hậu - Nam Định), ông tốt nghiệp khóa đầu tiên chuyên ngành Dân tộc học, khoa Lịch sử - Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp, ông về làm việc tại Viện Dân tộc học - Ủy ban Khoa học Xã hội (nay là Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam).

4 năm ròng làm nghiên cứu sinh tại Nga, sau khi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ năm 1980, ông về làm việc ở Viện Đông Nam Á rồi làm Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa dân gian. 

Từ năm 2008 đến nay, ông là Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam (Hội Di sản văn hóa Việt Nam). Ông là ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia và Phó Chủ tịch Hội đồng Folklore châu Á, nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2017.

Sinh ra ở vùng quê từng được ví như cái nôi của thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu, cũng là mảnh đất giáng thế của Mẫu Liễu Hạnh - vị Thánh đứng đầu hệ thống thờ Tam, Tứ phủ ở Việt Nam nên GS.TS Ngô Đức Thịnh được biết đến là một trong những chuyên gia hàng đầu về tín ngưỡng thờ Mẫu, với những công trình nghiên cứu giá trị như cuốn “Hát văn” xuất bản năm 1992 và bộ sách gồm 2 tập “Đạo Mẫu ở Việt Nam” được phát hành năm 1996.

PGS. TS Vương Xuân Tình, nguyên Viện trưởng Viện Dân tộc học chia sẻ, GS.TS Ngô Đức Thịnh là một nhà nghiên cứu văn hóa có tầm vóc, trên nền tảng của một nhà dân tộc học. 

Bởi vậy, những công trình nghiên cứu của ông khó bóc tách đâu là dân tộc học, đâu là văn hóa dân gian. Hơn nữa, ranh giới giữa hai ngành khoa học này cũng mỏng manh.

“Có lẽ với gốc nguồn và bối cảnh như thế nên mặc dù GS.TS Ngô Đức Thịnh có cống hiến lớn trên lĩnh vực nghiên cứu văn hóa, đặc biệt trong những năm tháng ông là Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa dân gian, và khi nghỉ hưu là Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam - một tổ chức NGO, song chúng tôi vẫn luôn nhận ông là người của dân tộc học”, PGS.TS Vương Xuân Tình cho biết.

Với dân tộc học Việt Nam, nếu tính từ GS.TS Nguyễn Văn Huyên, người có công khai mở cho ngành khoa học này, thì GS.TS Ngô Đức Thịnh được coi là thuộc thế hệ thứ ba, sau những tên tuổi lớn của thế hệ thứ hai, như các nhà dân tộc học Nguyễn Từ Chi, Đặng Nghiêm Vạn, Phan Hữu Dật, Bế Viết Đẳng, Nguyễn Khắc Tụng, Diệp Đình Hoa, Mạc Đường…

Định hình “nữ thần” của người Việt

Với nhiều nhà khoa học, GS.TS Ngô Đức Thịnh là một người thầy, người anh lớn trong khoa học, được nhiều thế hệ làm công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học vô cùng ngưỡng mộ. 

 
PGS. TS Ngô Đức Thịnh là người có đóng góp lớn để UNESCO công nhận thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt. Ảnh: IT.

Trí lực và sắc bén nên trong phạm vi dân tộc học, GS.TS Ngô Đức Thịnh quan tâm rất nhiều lĩnh vực như: Trang phục, nông cụ, ẩm thực, luật tục, sử thi, tín ngưỡng dân gian. Có cảm tưởng rằng, bất kỳ lĩnh vực nghiên cứu nào mà ông để mắt tới cũng sẽ gặt hái được thành tựu.

Song trong nhiều lĩnh vực, kết quả nghiên cứu về luật tục, sử thi và tín ngưỡng dân gian thể hiện rõ nhất trí lực, sắc bén của ông, kể cả tổ chức nghiên cứu và học thuật.

Bằng những công trình nghiên cứu tâm huyết về đạo Mẫu cũng như hoạt động tích cực trong thực tiễn tại Trung tâm nghiên cứu và bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam, ông chỉ ra một cách khoa học rằng: Ở nước ta đã và đang định hình một tín ngưỡng thờ nữ thần Mẫu của mình. Trong tín ngưỡng đó có những bản sắc rất riêng biệt. Từ đó, GS.TS Ngô Đức Thịnh đưa tín ngưỡng thờ Mẫu trở thành một khái niệm khoa học. 

Đồng thời, ông kiên trì kêu gọi trả lại ý nghĩa đích thực của đạo Mẫu, trả tín ngưỡng thờ Mẫu về với chủ thể nhân dân cũng như quản lý tốt hơn với di sản này để tránh những biến tướng, trục lợi, khơi lên những tinh hoa.

Nghiên cứu luật tục, GS.TS Ngô Đức Thịnh đã truyền cảm hứng, kết nối các nhà nghiên cứu của nhiều ngành khoa học trong và ngoài nước tham dự, như văn hóa dân gian, dân tộc học, sử học, luật học, môi trường, nông nghiệp. Là người đặt nền tảng quan trọng cho nghiên cứu sử thi Tây Nguyên, ông và cộng sự đã góp phần bảo tồn, phát huy di sản văn hóa độc đáo của các tộc người khu vực này.

GS.TS Ngô Đức Thịnh còn được xem là một trong những người có tầm ảnh hưởng trong vận dụng và xây dựng lý thuyết nghiên cứu, thể hiện qua các công trình “Văn hóa vùng và phân vùng văn hóa Việt Nam”, “Hệ giá trị văn hóa Việt Nam”.

Tất cả những công trình khoa học mà ông để lại đã và đang phát huy các tác dụng thực tiễn. 77 năm sống trên cõi đời như 77 đóa huệ trắng tinh khôi tỏa hương thơm ngát. 

Và, những ngày này ở mảnh đất Nam Định – nơi giáng thế của Mẫu Liễu Hạnh ấp ủ di cốt của người con quê hương mà hương huệ vẫn tỏa ngát ở các tòa Tam phủ.
“Trí lực và sắc bén nên chắc không quá lời khi ví GS.TS Ngô Đức Thịnh như chim đại bàng trong một lĩnh vực khoa học. Song vẫn còn thiếu nếu không nhắc đến công lao đào tạo của ông. Có lần ông chia sẻ với tôi, đại ý: Trong cơ chế này, khó đào tạo người kế nhiệm mình, song vẫn có thể đào tạo đội ngũ khoa học kế cận mình. Tôi tin rằng, nhiều học trò và cộng sự của ông thấm thía điều đó” - PGS.TS Vương Xuân Tình, nguyên Viện trưởng Viện Dân tộc học.

                                      
  Theo: giaoducthoidai.vn


Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

10
Đang xem:
72.466.148
Tổng truy cập: